Ở Đâu - Làm Gì

Biến báo thành nghệ thuật… Bolero! 19. 09. 10 - 1:06 pm

Người xem Sài Gòn

 BOLERO

Triển lãm phối hợp của nhóm Smoked Art và các nghệ sĩ Việt Nam
Khai mạc: 18:00, thứ bảy 18. 9. 2010
Thảo luận: 14:30, Chủ nhật 19. 9. 2010
Ga 0, 91A Đinh Tiên Hoàng, quận 1 

  

  

Vào lúc 18h ngày 18. 9. 2010, tại Ga 0 (91A Đinh Tiên Hoàng, F.3, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) dự án Bolero tại Việt Nam đã khai mạc với khoảng 150 người (chủ yếu là nghệ sĩ sống ở Sài Gòn) đến xem.

Phía quốc tế, giám tuyển Pierre Mertens đem tác phẩm của các nghệ sĩ Bỉ, châu Phi, Ethiopia, Tanzania… đến giới thiệu.

Phía Việt Nam, thông qua sự giám tuyển của Như Huy, hai nghệ sĩ Nguyễn Thanh Trúc và Võ Trân Châu cũng đã… lấy báo cũ làm nên tác phẩm của mình, riêng Trương Công Tùng thì làm một video về việc đốt giấy, kết hợp sắp đặt ý niệm.

Giám tuyển Nguyễn Như Huy

 
Cách trưng bày các tác phẩm xen kẽ nghệ sĩ và để gần nhau tại Ga 0 lần này hiển nhiên đã làm cho người xem có sự so sánh – nhất là những điểm giống nhau về kỹ thuật, và sự khác nhau về câu chuyện, hoặc khoảnh khắc nắm bắt, trình hiện ý niệm về tác phẩm. Nói chung, đặc điểm của dự án lần này tại Sài Gòn là các tác phẩm khá giống nhau (hay nói khác đi, một cách tích cực: “khá đồng đều”) về mặc thao tác, dù ý niệm có những dị biệt.

Tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam. Xin không để tên để các bạn đến xem trực tiếp, so sánh sự “giống và khác” giữa các tác phẩm.

Dự án Bolero đi vòng quanh thế giới theo dấu chân du mục của nhóm Smoked Art (Bỉ), do 4 nghệ sĩ sáng lập: Frank JMA Castelyns, Willo Gonnissen, Mulugeta Tafesse và Pierre Mertens. Họ ứng biến theo văn cảnh văn hóa địa phương và địa điểm trưng bày, nhằm tạo ra các tác phẩm tương thích với hoàn cảnh.

Trong lần này, đa số các tác phẩm của họ được làm từ báo và tạp chí; với những chủ đích ý niệm được bắt gặp trên trang tin, họ cận cảnh vào đó.

 

Riêng ba nghệ sĩ Việt Nam, gần như đây là lần đầu tiên họ tham dự một triển lãm mà lấy khoảnh khắc trình hiện tác phẩm làm đời sống của tác phẩm – nghĩa là hóa giải sự vĩnh cửu, sự trường tồn trong ý nghĩ về việc thực hiện tác phẩm.

Dự án này cũng có thể gây sốc cho nhiều người xem, nếu chỉ quen nhìn tác phẩm với sự chỉn chu, hoàn chỉnh và bền vững. Còn các nghệ sĩ thì dễ dàng để chê bai: tác phẩm gì đơn giản, dễ ợt và chẳng có ý tưởng gì cao xa, làm 5 phút là xong. Dự án Bolero gần như cũng muốn chống lại các nhà mua bán nghệ thuật và sưu tập, khi họ làm các tác phẩm rất… dễ rách. Tuy nhiên, nếu nhìn vào sự bất trắc, vô thường của cuộc đời và sự phù ảo, giả tạo của thế gian này… thì chẳng có gì mà không thể. Chính vì vậy, trong một ý nghĩa nào đó, dự án Bolero cũng giúp thức tỉnh hóa lòng tham trong việc sở hữu nghệ thuật và dễ dãi hóa mọi định kiến khó khăn về việc tạo tác nghệ thuật. Nó cũng là cuộc vượt thoát các tù ngục mà các định chế nghệ thuật luôn tìm cách bủa vây.

Giám tuyển Như Huy cho rằng: “Dự án Bolero do nhóm Smoked Art và Ga 0 đồng tổ chức tại Việt Nam chính là một trong những nỗ lực giải định chế hóa nghệ thuật như vậy, khi nó tìm cách đưa nghệ thuật vào các nơi chốn không quen thuộc, tìm cách làm cho nghệ thuật phải chuyển động, tìm cách làm cho các tác phẩm tự triệt tiêu đi vai trò vật phẩm mỹ học hay vật phẩm biểu tượng để nhận lãnh vai trò một tiến trình phê phán toàn cầu nhắm vào các định chế nghệ thuật (cả về mặt não trạng lẫn mặt thực tế) – cũng như nhắm vào một công cụ định chế hóa nghệ thuật chủ yếu – đó là các thông tin báo chí”.

Và anh lấy ví dụ để thấy rằng đây là việc cực khó: “Lẽ dĩ nhiên, việc chống lại nhu cầu định chế hóa nghệ thuật không bao giờ là việc có thể thành công một lần và cho mãi mãi. Các định chế nghệ thuật luôn tìm ra cách để ‘ăn thịt’ chính những kẻ tìm cách giết nó – ví dụ, tác phẩm của Rikrit Tiravanija (chỉ là những bát đĩa còn sót lại của các bữa tiệc lẩu Thái do nghệ sĩ tổ chức) hiện đã được trưng bày trong vô số các bảo tàng và các bộ sưu tập riêng tư và công cộng trên thế giới, và lại tạo thành một tiêu chuẩn cho cái gọi là dạng ‘nghệ thuật vị quan hệ’ (relational art) hay the wrong gallery vào mùa Xuân năm 2005, cũng đã được đưa vào khu gallery của các bộ sưu tập thuộc bảo tàng tại Bảo tàng Nghệ thuật Tate Modern, London”.

 

Cũng xin nói thêm, riêng ở Việt Nam, ý nghĩ “bolero” đã trở thành quán tính trong nếp nghĩ của số đông – khi gắn nó với nhạc bolero, nhạc sến, nhạc bình dân… Trái lại, Bolero như một phong cách, một kiểu cách thì không phải như vậy. Cho những ai muốn nắm bắt phổ thông, có thể tham khảo một chút tại bách khoa mở Wikipedia ở địa chỉ: http://en.wikipedia.org/wiki/Bolero để thêm sự chia sẻ và thông hiểu.

Thế nhưng khi du nhập vào Việt Nam, với lịch sử trên 70 năm, các nhà viết ca khúc người Việt đã làm được một “kì công” là chuyển hướng (hay bóp méo cũng được) nó theo cách của mình, không như gốc tích. Khiến cho dự án Bolero khi trở lại hôm nay (năm 2010), dù rất gần gũi, nhiều người vẫn tự hỏi chẳng lẽ Bolero là như vậy sao? Dù nhạc nền cho triển lãm vẫn hừng hực chất Bolero (tiết tấu nhanh, giai điệu buồn) của Cuba, của Nam Mỹ… mà xa hơn, là Tây Ban Nha.

Vào lúc 14h30 chiều chủ nhật, 19. 9. 2010, Pierre Mertens cùng ba nghệ sĩ Việt Nam sẽ có buổi thảo luận với người xem, cũng tại Ga O. Chi tiết về Smoked Art có thể xem tại: http://smokedart.org, về Ga 0 thì xem tại: http://www.zerostation.vn.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả