Bàn luận

Hội sách ở Sài Gòn: dân mọt sách đi vào khu đám cưới 28. 03. 16 - 8:43 pm

Bảo Thư

 

Tại gian hàng của FAHASA. Ảnh từ Xanh Magazine

Đầu tiên là những điểm son

Đến hẹn lại lên, Hội sách TP Hồ Chí Minh diễn ra từng bừng trong vòng một tuần lễ. Những người mê sách, mê đọc sách coi Hội sách như điểm hẹn đầy háo hức hai năm một lần. Nhiều dân mê sách thậm chí bay từ Hà Nội vào, ở các tỉnh lên để được chìm nghỉm vào sách.

Phải công nhận là so với các hội sách èo uột thỉnh thoảng ở ngoài Hà Nội thì hội sách TP Hồ Chí Minh cao hơn mấy thành công lực. Gian hàng nhiều, người đông nghìn nghịt, sách giảm giá đến mức mấy ông bà chủ gian hàng “Giảm giá hết cỡ” ở phố Đinh Lễ ngoài Hà Nội cũng phải tái mặt ghen tị. Ai đời sách mới ra lò còn nóng hôi hổi, văn chương kinh điển trác tuyệt hẳn hoi chứ không phải loại ngôn tình “đừng tin vào đối phương người hỡi”, mà giảm giá tới 40%; chưa kể loại sách dọn kho, thu hồi vốn, có thể giảm tới 80%. Quá bằng cho không!

Trong gian hàng của PNC. Ảnh: Lucy Nguyễn – Thanh Niên

Đọc trên báo thấy theo thống kê của Ban tổ chức (tin hay không thì tùy), Hội sách năm nay có doanh thu toàn hội đạt cỡ 50 tỷ đồng, tăng hơn nhiều so với hội sách trước. Trong vòng có một tuần lễ mà có tới hơn 1 triệu lượt người tới hội, so với nhiều hội chùa, hội đình, hội làng, hội tỉnh, kể cả hội nước, quả là hơn hẳn. Cánh nhà báo nhìn nhau không cần nói ra thành lời cũng hiểu: Hội sách TP Hồ Chí Minh đúng là một điểm son, xứng đáng để các nhà báo phụ trách mảng văn hóa vào dịp cuối năm đưa vào bảng phong thần 10 sự kiện văn hóa nổi bật trong năm.

First News chia sẻ với nước Bỉ vừa trải qua khủng bố. Ảnh của Phương Nhung – Dân Trí

Một trong những mảng được nhất của hội sách lần này là các sự kiện giao lưu tác giả tác phẩm. Tôi đã chứng kiến cảnh cả một huyện người nho nhỏ quây kín đặc trước một nhà xuất bản trước cả giờ đồng hồ, nhao nhác nhìn vào một cái ghế trống, nơi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ ngồi để ký tặng! Chỉ có nhà văn chuyên viết truyện cho thiếu nhi này mới có đủ hấp lực để kéo một lượng người đông đúc như thế, đứng dưới trời nắng nóng 35 độ C của Sài Gòn để chờ được ông ký tặng vào tác phẩm. Nhưng cũng chưa kinh bằng một tác giả trẻ nghe nói phải ký suốt từ 5 giờ chiều đến 1 giờ đêm mới hết người muốn ký! Và một bộ ba người viết trẻ khác phải tham gia ký tổng cộng 16 lần trong suốt kỳ hội. Đến ngay như Chi Pu hay Sơn Tùng MP khéo cũng chưa chắc đã có nhiều người muốn được ký tặng nhiều như thế.

Nhưng, lại nhưng…

Nhưng cũng như nhiều lần hội sách trước, kỳ hội sách lần này lẽ ra có thể tổ chức tốt hơn, thỏa mãn những đối tượng đa dạng của sách.

Đầu tiên, quan trọng nhất là phần “nội dung” của hội, đơn giản là những cuốn sách ở các nhà xuất bản. Thật ra, các nhà xuất bản nên định hướng xuất bản trong năm diễn ra hội sách từ đầu năm, để đến khi Hội sách mở ra thì có tác phẩm mới để bán! Về mặt này, chỉ có vài nhà xuất bản làm được. Đơn cử như nhà Trẻ phát hành Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng của Nguyễn Nhật Ánh vào dịp cuối tháng Hai vừa qua, 100.000 cuốn bìa mềm (không kể 5000 bản bìa cứng), mang ra hội sách là vừa đẹp.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách. Ảnh từ Xanh Magazine

Hoặc như Đông A, chú tâm làm hai bộ sách thuộc hàng văn học kinh điển của Tàu là Tam Quốc diễn nghĩa, một bộ liên hoàn họa 60 tập, một bộ truyện chữ 6 tập cực đẹp, để tung ra đúng vào ngày khai mạc hội sách. Nhìn khách cứ kìn kìn xếp hàng ôm những bộ sách dày cộp ra khỏi gian hàng Cá Chép, ông chủ Đông A Trần Đại Thắng mừng ứa nước mắt! (Sẽ không ngạc nhiên nếu như Trẻ hay Đông A nằm trong số những đơn vị xuất bản thuộc hàng top đầu về doanh thu trong hội sách lần này. Họ làm kịp thời, trong khi có những đơn vị làm sách khác, đến sát ngày kết thúc mà sách vẫn còn đang đóng bìa, tác giả cũng uất ức khóc ròng ròng!!!)

Còn lại, hầu hết các gian hàng đều bày bán những cuốn sách mà những ai chăm chỉ vào bất cử một cửa hàng sách nào trong thành phố từ nhiều ngày trước cũng đã thấy. Vậy thì chẳng phải mất công sao khi đến hội sách dưới trời nắng như đổ lửa mà không tìm thấy sách mới hoặc sách thật cũ, thứ không thể tìm thấy ở nhà sách phổ thông nữa?

Chuyện âm thanh quá ồn ào thì nhiều người khó chịu và đã lên tiếng. Vào hội sách mà không khác gì vào một khu dịch vụ tổ chức cùng một lúc khoảng vài chục đám cưới, kiểu đám cưới ở miền Tây, có nghĩa là loa phát với công suất âm thanh của máy bay phản lực rời đường băng. Thật tội nghiệp cho những buổi giao lưu hay diễn giả phải trình bày ở những địa điểm sát với những cái loa hay dàn âm thanh nhạc sống “kiểu IS” như vậy. Có lẽ về mặt cái này thì hội sách vừa qua vươn lên tầm hội chợ thật rồi.

Trong khi đó, đọc sách là một hoạt động rất cần yên lặng. Hội sách là hội cho những kẻ “thích yên lặng” ấy đến tìm sách. Tổ chức trong một công viên đẹp, thật ra Hội sách TPHCM không nên có thứ âm thanh loa đài nào cả, tiếng đám “mọt sách” bàn tán với nhau về sách cũng đủ vui rồi, và lại tạo nên một thứ âm thanh rất đặc biệt của một loại hội chợ đặc biệt. Ngay cả những buổi giao lưu cũng nên xếp lịch không chồng chéo, sao cho âm thanh của diễn giả cất lên cũng là một thứ âm thanh đặc biệt, không bị lẫn lộn với nhạc của những gian hàng.

Người đọc sách trong một góc của công viên, nơi diễn ra Hội sách. Ảnh từ trang này

Cuối cùng, một trong những điểm hấp dẫn nhất của những hội sách TP Hồ Chí Minh lần trước, ở hội lần này gần như hoàn toàn biến mất, ấy là mảng sách cổ, sách cũ. Chỉ có vài quầy bày sách cũ ở gian của Nhã Nam hay Đông A và một gian từ ngoài Hà Nội mang vào, mà đúng là sách cũ theo cái nghĩa là dùng rồi, không hiếm và giá đắt, nên dĩ nhiên khó bán. Người mê sách đến hội sách, ngoài chuyện mua sách, còn là để nhìn ngắm những cuốn sách cũ sách cổ mang dấu thời gian, những bản sách cực hiếm, cực quý mà phải hiếm hoi lắm mới có dịp tận mắt trông thấy. Rồi thi sách cổ, sách quý, và tủ sách gia đình nữa. Nếu không có những nét hấp dẫn riêng biệt như thế thì cái gì làm cho hội sách TP Hồ Chí Minh khác biệt với nhan nhản những hội sách, nhỏ hơn là những cửa hàng sách, ở khắp mọi nơi? Còn nếu Ban tổ chức hội sách cho rằng nguồn sách cổ, sách cũ quý hiếm ở nước ta đã cạn thì nhầm to!

Kết luận vẫn cứ hồng hào

Hội sách TP Hồ Chí Minh đã qua đi, người viết tha về được một đống sách, giờ sung sướng ngồi đọc và lại mong hai năm nữa để đi hội sách, dĩ nhiên là một hội sách phải hay hơn hội sách kỳ này, ít nhất là về mặt tổ chức.  

 

Ý kiến - Thảo luận

17:38 Tuesday,29.3.2016 Đăng bởi:  Đinh Rậu
Không có ý khùng, dị... nhưng mình (u60) thấy sách Nguyễn Nhật Ánh không hay. Ngay truyện đầu là lấy hứng từ bài hát ngoại Vé về tuổi thơ. Hôm nọ vào SG xem một cuốn đang hot, thấy "sến". Hỏi một bạn cháu mình (hơi ông cụ non), nó bảo - đấy là không gian quanh cháu.
...xem tiếp
17:38 Tuesday,29.3.2016 Đăng bởi:  Đinh Rậu
Không có ý khùng, dị... nhưng mình (u60) thấy sách Nguyễn Nhật Ánh không hay. Ngay truyện đầu là lấy hứng từ bài hát ngoại Vé về tuổi thơ. Hôm nọ vào SG xem một cuốn đang hot, thấy "sến". Hỏi một bạn cháu mình (hơi ông cụ non), nó bảo - đấy là không gian quanh cháu. 
10:03 Tuesday,29.3.2016 Đăng bởi:  Candid
Hội sách ngoài HN năm ngoái cũng có hiện tượng cản trở các chủ hàng sách cũ bán các loại sách in ở miền Nam trước năm 1975. Một hành động rất vô văn hoá trong một ngày văn hoá.
...xem tiếp
10:03 Tuesday,29.3.2016 Đăng bởi:  Candid
Hội sách ngoài HN năm ngoái cũng có hiện tượng cản trở các chủ hàng sách cũ bán các loại sách in ở miền Nam trước năm 1975. Một hành động rất vô văn hoá trong một ngày văn hoá. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Cuối cùng không nhịn được nữa, tôi phải nói ra tên những kẻ đốt tôi đây…

Bài phỏng vấn độc quyền ông Cột Nhà Cháy của phóng viên Đen Nhẻm, báo Bồ Hóng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả