Bàn luận

Bàn về đồng tính: 6 biện pháp để giảm bớt kỳ thị 25. 12. 12 - 7:41 am

Phó Đức Tùng

Ngược chiều gió – tranh cắt giấy về đề tài đồng tính của họa sĩ Xiyadie

 

Nhân triển lãm của Maika và mấy tranh luận nghệ thuật, cũng muốn khởi xướng một tranh luận sâu hơn một chút về chủ đề này.

Trước hết, phải thống nhất với nhau là việc tranh luận không thay thế cho mọi cảm nhận trực giác và cảm nhận của nghệ sỹ lẫn người xem. Tranh luận nhằm làm sáng tỏ hơn xem vấn đề nằm ở đâu. Còn khi vấn đề đã sáng tỏ rồi thì việc có thể hiện được không, thể hiện thế nào, có cảm nhận được không lại là chuyện khác. Và tất nhiên bạn Maika có thể đã biết, có cùng quan điểm hoặc khác quan điểm với những gì tôi phân tích. Nhưng hy vọng thảo luận này giúp Maika và những người quan tâm đến chủ đề tương tự có thêm chút ý tưởng.

Đầu tiên, ta có thể giới hạn lại như sau:

Khái niệm đồng tính là: quan hệ tình dục đồng tính
Vấn đề: hiện nay những người đồng tính đang bị kỳ thị

Một số hướng giải quyết mà mọi người đang áp dụng để giải quyết vấn đề trên:
 
1.    Kêu gọi rủ lòng thương và đòi công lý cho người đồng tính

Lời kêu gọi này chủ yếu xuất phát từ nhận thức mà Maika nói, là người ta sinh ra không có quyền chọn giới tính. Khi không có lỗi (culpa) thì không thể bị khép vào luật hình sự. Tuy nhiên, nhận thức này không xóa bỏ được hình dung đó là khiếm khuyết, giống như tàn tật bẩm sinh, vì thế khó tránh khỏi kỳ thị tâm lý.

Thế mà việc phản đối những luật hình sự kỳ thị thì lại là việc của các nhà đấu tranh nhân quyền, các luật gia. Còn cái mà nghệ thuật có thể và cần làm lại là giải quyết kỳ thị tâm lý.

Tất nhiên nghệ thuật có thể là công cụ để người ta nhận thấy sự bất công của pháp lý và do đó có tác dụng hỗ trợ đấu tranh nhân quyền, nhưng về cơ bản, đó là vì người ta thấy là luật pháp sai, cần sửa, chứ không phải hết kỳ thị tâm lý với người đồng tính. Việc kêu gọi xóa bỏ kỳ thị tâm lý trong trường hợp này nhìn chung không tác dụng. Nếu người kêu gọi là người dị tính, thì bản thân lời kêu gọi đó thường bị coi là kỳ thị, hay ít nhất là không hiểu, nhất là khi sau mỗi lời kêu gọi thường có ghi chú (tôi kêu hộ họ, đồng cảm với họ, thương xót họ, nhưng xin đừng hiểu lầm, tôi không phải đồng tính nhé). Còn nếu người kêu gọi là đồng tính thì sẽ càng không có cơ sở thành công, thậm chí gây thêm thù oán, phản cảm, bởi nó đồng nghĩa với việc mắng những người kia là ác, vô lương tâm, không công bằng v.v…

Disco – tranh cắt giấy về đề tài đồng tính của họa sĩ Xiyadie

 

2. Chứng minh rằng việc quan hệ tính dục đó không quan trọng, không thể là cớ để kỳ thị

Những lý do thường được viện dẫn là: những giá trị cơ bản mà loài người coi trọng như tình yêu, lòng yêu nước, dũng cảm, thật thà, tài năng, tài sản, sự sáng tạo v.v… đều không phụ thuộc vào việc người đó đồng tính hay dị tính. Thực ra, đây là việc đánh lạc hướng. Thay vì việc giải quyết kỳ thị giới tính, ta đi bàn về tình yêu, khả năng sáng tạo v.v… là những chủ đề không trực tiếp liên quan. Cho dù ta rất thành công, và người xem đầy cảm xúc về tình yêu, thì họ vẫn không giải tỏa được kỳ thị giới tính, cũng như người ta có thể vẫn khen bánh ngon mà vẫn ghét người làm bánh đồng tính.


3. Chứng minh hệ giá trị cũng chỉ là tương đối: có nơi, có lúc đã coi đồng tính là bình thường

Chỉ ra rằng trong lịch sử loài người, đã từng có những thời kỳ, những văn hóa không kỳ thị đồng tính, thậm chí phổ biến hoặc khuyến khích quan hệ này. Việc làm này cũng có tương đối ít tác dụng, bởi vì sự kỳ thị này không xuất phát từ viện dẫn sai về lịch sử.

Khoái cảm tự nhiên – tranh cắt giấy về đề tài đồng tính của họa sĩ Xiyadie

 

4. Chứng minh tình cảm đồng tính là có tính phổ quát: ai cũng có ít nhiều đồng tính

Có thể thuyết phục cho nhân quyền của người đồng tính bằng cách cho thấy mọi người đều có phần nào đồng tính.

Giới tính là một continuum, tức là một chuỗi liên tục từ cực âm tới cực dương. Trong mỗi con người đều có cả hai tính âm, dương, với tỷ lệ khác nhau, có thể thiên về phía cực âm, cực dương hay loanh quanh khu vực giữa. Mỗi con người đều có cái nhu cầu về tự khẳng định, tình yêu bản thân và do đó luôn có cảm tình với những gì giống mình.

Có quan sát rằng trong số những người có khuôn mặt khả ái nhất, thân hình hoàn hảo nhất, chăm sóc thể hình, nhan sắc nhiều nhất thì có tỷ lệ đồng tính cao nhất. Đây là nhận định rất có sức mạnh, tuy nhiên cũng chưa thực sự giải quyết được kỳ thị. Vì người ta có thể nói là tôi chỉ chấp nhận một tỷ lệ đồng tính nhất định, còn bắt đầu từ một ngưỡng nào đó, tức là khi nhu cầu lớn tới mức muốn quan hệ tình dục đồng tính thì tôi không chấp nhận nữa.

Làm vườn – tranh cắt giấy về đề tài đồng tính của họa sĩ Xiyadie

 

5- Đảo ngược hệ giá trị: coi đồng tính là hay hơn dị tính

Trong việc kỳ thị đồng tính, ta thấy trường hợp đám đông kỳ thị thiểu số. Nhưng logic này không phải lúc nào cũng vậy. Trong xã hội loài người, rất thường có tình trạng thiểu số mới là cao quý. Từ trí tuệ, quyền lực, đẳng cấp, nhan sắc v.v… những người ở cao trong bậc thang giá trị luôn là thiểu số.

Trong lịch sử, có chuyện thiểu số đàn áp đám đông, nhưng hệ quả của nó không nguy hiểm bằng việc đám đông áp đặt thiểu số. Bởi lẽ trong sự áp đặt của thiểu số lên đám đông có rất nhiều phần vì đám đông tự nguyện muốn theo gương thiểu số đó. Trong khi đó, nếu đám đông đã áp đảo thiểu số thì thiểu số đó không còn đường lựa chọn. Vì thế, khi “bàn về tự do”, Mills cho rằng điều quan trọng nhất là không để tình trạng đám đông áp đặt thiểu số.

Ngoài những đảm bảo về pháp lý, thì về tâm lý, việc đám đông đàn áp thiểu số có thể được ngăn chặn trong một số trường hợp cụ thể, bằng cách đảo ngược hệ giá trị. Nếu ta thuyết phục được đám đông là sự đồng tính là hay ho hơn sự dị tính, thì người đồng tính sẽ rơi vào thiểu số được ngưỡng mộ, chứ không phải thiểu số bị kỳ thị. Trong bức ảnh Leika dẫn ra, người ta đã dùng tới thủ pháp này. Hai người da đen được lên hệ với Chúa chịu nạn, là muốn nâng họ lên thành thiểu số được ngưỡng mộ.

Có một số cơ sở văn hóa, giá trị hỗ trợ lập luận đảo giá trị trên. Chúng ta biết rằng trong gần như tất cả các nền văn minh cổ đại, vấn đề phồn thực là chủ đề trọng tâm, và sự phồn thực với tâm điểm là sinh con đẻ cái, tuân theo tự nhiên, tiếp nối trường tồn là cơ sở cho tính chính diện của tình dục khác giới. Tình dục đồng tính sẽ là phi tự nhiên, do đó bại hoại luân thường. Thế nhưng sau thời kỳ đó, trên toàn thế giới có một trào lưu hướng tới giá trị cao hơn. Phương Đông có Nho, Lão, Phật. Phương Tây có triết học Hy Lạp, Ai Cập. Việc sinh con đẻ cái, tiếp nối thế hệ bị coi là súc vật, luân hồi, khổ ải v.v… và người ta hướng tới sự hoàn thiện vĩnh viễn.

Có nhiều kiến giải về sự hoàn thiện trên, nhưng nhìn chung đều hướng tới một sự cân bằng, hoàn hảo. Việc chia làm hai giới rõ rệt, mỗi giới chỉ là một nửa của một tổng thể, là một bằng chứng rõ nét nhất về sự không hoàn thiện, và vì thế là thứ đầu tiên người ta muốn vượt qua, hoặc chí ít là lờ đi. Vì vậy, trong các nền văn minh lớn này, vấn đề tình dục khác giới, nhục dục thường được coi như tabu, không nhắc tới, hoặc nhắc tới dưới dạng khinh miệt, coi như lỗi chưa giải quyết. Và cũng trong các nền văn minh này, từ Trung Quốc tới Ấn Độ, Ả Rập, Ai Cập, Hy Lạp v.v… quan hệ đồng tính đều rất là phổ biến và đôi khi được coi là cao quý hơn quan hệ khác giới, vì nó gần với tình trạng hoàn thiện hơn.

Một người tuyệt đối hoàn thiện sẽ có cân bằng cả âm dương, và không bao giờ cần sự bổ trợ, cho dù khác giới hay cùng giới. Ta có thể thấy hình ảnh Phật rất ít thể hiện rõ giới tính. Còn người chưa đạt điều đó nhưng ý thức về nó thì cũng sẽ có thiên hướng đánh giá cao quan hệ đồng tính, vì nó giống với mình, và vì những người đó đều có thiên bẩm tương đối cân bằng cả âm và dương. Những mẫu đẹp của Hy Lạp cũng thường theo kiểu Androgyn – nghĩa là có vẻ đẹp lưỡng tính. Ngay Nho giáo tuy vẫn chú trọng gia đình và có phân biệt âm dương, nhưng rõ ràng coi trạng thái tự cân bằng là cao hơn. Và dù đạo này có đủ luân lý về cư xử vợ chồng nhưng trong các kinh điển về các thánh nho, ta hoàn toàn thấy vai trò người vợ rất mờ nhạt, chẳng thể coi như nửa không thể thiếu của các thánh nho.

Quấn quít – tranh cắt giấy về đề tài đồng tính của họa sĩ Xiyadie

 

6- Phá hủy hệ giá trị: không cần có cặp, kể cả đồng tính lẫn dị tính

Việc đề cao giới tính và cấu trúc gia đình thực sự có cơ sở đạo đức trong Thiên Chúa giáo, từ việc Chúa Trời làm ra nam và nữ và nói rằng họ phải luôn có nhau. Nhưng chính đây là cốt lõi của phản biện, cho rằng vì thế mà các con chiên Thiên Chúa giáo bị giữ ở trạng thái bầy cừu, chỉ có thể tự sinh sản mà không thể có khả năng tự giải thoát, trong khi bản thân Chúa Trời thì độc nhất, và không phải một cặp nam nữ.

Chừng nào còn nỗi ám ảnh giới tính, còn ám thị về tội tổ tông truyền, con người còn không thể đạt tự do tuyệt đối. Vượt qua giới tính do đó là một thử thách tiến tới tự do. Tất nhiên, đồng tính không phải là vượt qua giới tính, mà là giới tính theo cặp khác. Nhưng việc không kỳ thị đồng tính là bước đầu của việc vượt qua giới tính. Như vậy, việc giải trừ kỳ thị không phải là vì lợi ích của những người đồng tính đang bị kỳ thị, mà là bước tiến trên con đường tự do của mỗi người. Người hot gay Trung Quốc được liên hệ với antiChrist, chính là biểu tượng của việc phá hủy hệ giá trị Thiên Chúa. Vấn đề ở đây không phải là bênh vực đồng tính, mà là tự do vượt qua giới tính.

 *

P/S:

Mình không biết SOI dùng các tranh cắt giấy để minh họa, vì thế bổ sung thêm một chút bình về các tranh này để mọi người nhận rõ lý luận.

Các bức tranh này là trường hợp thứ 5 trong 6 giải pháp mình đưa ra, tức là muốn thuyết phục là tình dục đồng tính ưu việt. Trong các bức tranh, mọi người đều cảm nhận một passion, một sự hân hoan tưng bừng. Đó là muốn nói tới sự hân hoan nội tại của những cá thể cân bằng và ưu việt, và nó càng cộng hưởng tưng bừng khi gặp nhau. Cái passion này trực tiếp hơn, hoàn hảo hơn, đẹp hơn và bền vững hơn tình dục khác giới bởi nó không có mục đích, mà là tự thân. Mục đích của tình dục khác giới, cho dù có ý thức hay không, là ở sinh sản, một vấn đề kỹ thuật tương đối thấp kém (các bạn quan tâm có thể tham khảo siêu lý tình yêu của Solofiev). Vì mục đích này, tình dục khác giới chỉ có thể được truyền đạt thuyết phục dưới hình thức giao hợp, nhất là trong giây phút cực khoái. Còn nếu không ở trạng thái hòa nhập này, sự khác giới sẽ chỉ là khiếm khuyết. 

Trong khi đó đồng tính là sự ngưỡng mộ vẻ đẹp nội tại, niềm sung sướng tràn trề của từng cá thể và khi gặp nhau thì chia sẻ với nhau, cộng hưởng với nhau. Kể cả khi không gặp nhau, không quấn vào nhau, chỉ một mình hoặc đứng cách nhau (trong tranh làm vườn) thì niềm hân hoan này vẫn cứ linh đình. Các bức họa cắt giấy thể hiện một niềm say mê điên cuồng không mục đích. Cho dù không phải ai cũng có cùng một niềm say mê về đối tượng đó, nhưng việc say mê không mục đích chính là định nghĩa về cái đẹp. (Kant) Vì thế, truyền đạt niềm say mê này cũng tương đương với truyền đạt cảm nhận về cái đẹp nói chung.

 

*

Bài liên quan:

– Tham gia THE PINK CHOICE để thấy tình yêu nào cũng đẹp 
– THE PINK CHOICE: tình yêu ấy không có gì khác biệt, là cũng đẹp, và thậm chí đáng ghen tị

– The Pink Choice – Tôi chỉ cho rằng Maika đã không hiểu
 
– “Yêu là yêu” – Mong Maika sẽ thoát khỏi cái “đèm đẹp”

– Chỉ vạch ra cái xấu, cái ác thì vẫn chỉ là phóng sự
– The Pink Choice – Nhưng tôi dị ứng với từ “Choice”
– Bàn về đồng tính: 6 biện pháp để giảm bớt kỳ thị

– Chúc mừng Maika đoạt giải nhất tại World Press Photo Contest 2013

– Từ Nick Ut đến Maika, từ thảm kịch chiến tranh đến taboo thời bình

 

Ý kiến - Thảo luận

16:27 Wednesday,20.2.2013 Đăng bởi:  anh thái

20-2-2013
Xin chào Soi,
Đã lâu rồi mình không quay lại với Soi.
Hôm nay tình cờ lang thang đi vào nhà web chỗ Soi và đọc được mấy bài viết về chuyện đồng tính. Rất thích bài “Bàn về đồng tính: 6 biện pháp để giảm bớt kỳ thị” của tác giả Phó Đức T&ugr
...xem tiếp

16:27 Wednesday,20.2.2013 Đăng bởi:  anh thái

20-2-2013
Xin chào Soi,
Đã lâu rồi mình không quay lại với Soi.
Hôm nay tình cờ lang thang đi vào nhà web chỗ Soi và đọc được mấy bài viết về chuyện đồng tính. Rất thích bài “Bàn về đồng tính: 6 biện pháp để giảm bớt kỳ thị” của tác giả Phó Đức Tùng. (Mình hoàn toàn không biết gì về tác giả này).
Đọc xong rồi đúng là có chuyện để bàn. Thú vị và phấn chấn. Nói thế là vì mình đang ôm ấp một dự định kế hoạch ra mắt ấn phẩm đầu tay gồm những câu chuyện sáng tác và bài viết về giới LGBT. Có thể kết hợp với triển lãm tranh chủ đề về giới tính dục. Đang bận rộn. Thư thả ít hôm mình sẽ gửi cho Soi vài tác phẩm sáng tác của mình để xin ý kiến đóng góp chân tình. Tạm thời xin được nêu ra ý comment đầu tiên về bài viết của tác giả Phó Đức Tùng, đó là tiểu tựa ở mục 1:  Kêu gọi rủ lòng thương và đòi công lý cho người đồng tính. Hề hề hay khì khì khì. Mình không biết nên phát âm như thế nào về một kiểu cười thể hiện bằng con chữ để tạo ra bầu khí thân thiện hoà bình. Nhưng chắc chắn đó không phải là giọng điệu cười châm biếm, giễu cợt của “cảm hứng hoàn hảo - để mai tính - cưới ngay kẻo lỡ - nàng men chàng bóng” hoặc có ý thách thức.
Nếu như 10 năm trước đây, những ai biết rõ mình là đồng tính - có khuynh hướng tìm đến khoái cảm hành vi yêu thương đồng giới, không thể thay đổi được - có thể luôn sống trong hồi hộp, lo lắng và hoang mang sầu não như người có gánh nặng niềm riêng, chứa đựng một tâm hồn đau khổ, không tìm đâu ra điểm tựa để yêu đời, vui sống (sống tốt lành tử tế hơn nữa). Thế nhưng đến thời điểm hôm nay thì khác rồi. Ánh sáng đã được nhìn thấy phía cuối đường hầm. Có nhiều ngọn đuốc thắp sáng lên trong đêm, thay vì cứ ngồi nguyền rủa (hãi sợ) bóng tối. Và vì vậy, cái tiểu tựa “Kêu gọi rủ lòng thương và đòi công lý cho người đồng tính” cảm giác sao não nùng vậy, mà cũng to tát đến nhường nào.
Người đồng tính nếu cần sự rủ lòng thương thì điều đó sẽ được gửi đến từ Đức Chúa, Đức Phật, các vị thần thánh anh minh, chứ không đến từ người anh em đồng loại (đang tồn tại trên cõi dương gian này) lấy cớ sự van xin rủ lòng thương khiến họ sẽ chạnh lòng, sẽ bố thí cho người đồng tính một ít cái “tình cảm thừa mứa”. Chỉ có những ai từng bị làm cho đau đớn tinh thần, bị sỉ nhục, lăng mạ rơi vào hoàn cảnh bi kịch và bất hạnh, không chỉ về giới tính và tình cảm giới tính, mà còn xảy ra ở những lãnh vực khác trong mối quan hệ ứng xử hàng ngày giữa con người với nhau (ví dụ như chuyện giàu – nghèo chẳng hạn), thì người đó sẽ cảm nhận rõ thế nào là “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”… Liệu có mấy ai trên đời này để mặc cho chính mình ở mãi trong tâm trạng u mê, không dứt ra được “Tôi xin người cứ gian dối. Nhưng xin người đừng lìa xa tôi”.
Thành thật mà nói, chính những người đồng tính là người dễ nuôi cái tình và cái nghĩa cử tốt đẹp, cho dù bị cười nhạo là kẻ mộng mơ hoàng đường. Người đồng tính luôn để cái tâm mình hướng về điều thiện và họ dễ dàng cảm thông, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh lầm than cơ cực hơn. Vì chính họ là người sớm nhận ra nỗi bất hạnh của chính bản thân mình.
Người đồng tính và tình cảm yêu thương với người cùng giới bây giờ đã được các bác sĩ trên toàn thế giới minh oan rồi. Thế nhưng còn một số người vẫn chưa “tâm phục khẩu phục”, họ vẫn nhất quyết loại người đồng tính ra khỏi sinh hoạt văn hoá cộng đồng trong xã hội. Vì vậy, ai thương thì nhờ, ai ghét thì chịu. Không vì cái “sự cố” thương - ghét đó mà người đồng tính lại nuôi trong cái tâm mình điều ác và gây ra những bất công. Nói thế có nghĩa là người đồng tính không cần phải đi đâu để đòi cái công lý cho riêng mình. Đôi khi im lặng mà thương nhau – thương nhau trong im lặng vẫn hạnh phúc bền lâu hơn. Vì thế sự bất công nào đó có xảy ra thì nó nằm về phía người dị tính, thuộc số đông. Và chính người dị tính phải là người đi tìm công lý hoặc tự chỉnh sửa lại cho đúng cái công lý mà họ đã gây ra cái bất công - đau khổ, nghèo đói và bệnh tật - cho chính những người anh em đồng loại của mình, là người dị tính hay là đồng tính.
Cùng nhau chia sẻ và cảm thông, tâm sự những vui buồn trong đời sống con người như câu nói: “Chạm vào mắt làm tuôn rơi nước mắt. Chạm vào lòng hé lộ ra nỗi lòng.” Thế giới này xem chừng vẫn còn quá bé nhỏ xét về mặt “địa hình địa lý”, nhưng lại thênh thang vô vùng tận, xét về mặt “tình cảm yêu thương”. Vì vậy ở nơi đâu có sự sẻ chia tình nghĩa anh em đồng loại thì người đồng tính còn lưu lại, có thể tới mức quyến luyến bịn rịn “người ơi người ở đừng về”. Còn những nơi đâu chứa đầy sự kỳ thị, khinh miệt rẻ rúng (hoặc lợi dụng, đổi chác “có qua có lại” – mà cũng có khi xảy ra trường hợp: Công anh bắt tép nuôi cò / Cò ăn cò nhảy cò dò lên cây) thì người đồng tính sẽ cao chạy xa bay, tìm nơi khác “lánh nạn” thôi. Vì thế xin đừng nói tới 2 từ “công lý” dành riêng cho người đồng tính cũng như tình cảm yêu thương đồng tính của họ. Người đồng tính đã biết rõ khi “yêu nhầm” một người đàn ông dị tính thì mọi khổ đau và thiệt thòi đều đổ dốc về phía người đồng tính. Nhưng không vì thế mà người đồng tính tự huỷ hoại đời mình “đi chết đi cho rồi” - theo kiểu miệt thị rẻ rúng xem thường của người đời chỉ vì anh ta không thể yêu và sống chung với một cô em chân dài xinh đẹp.
Hãy để cái “công lý” to tát ấy và chuyện “đòi công lý” - không phải là “Công Lý giả gái giễu hài trong Gặp nhau cuối tuần” - ở riêng qua lãnh vực khác thì hợp lý hợp tình hơn. Vì dẫu bao lâu rồi, không có cái công lý theo cách nói của tác giả Phó Đức Tùng, thì người đồng tính vẫn tồn tại qua năm tháng phát triển của xã loài người văn minh và họ luôn cố sống tốt lành tử tế hơn, cho dù là âm thầm cam chịu. Thế nhưng trên đời này còn rất nhiều cái bất công đang hiện hữu khiến cho bao nhiêu người rơi vào cảnh đói nghèo, bệnh tật không thuốc thang chữa trị, bị lừa gạt, chiếm đoạt tài sản đất đai của ông bà tổ tiên, … nếu không một ai đòi lại công lý giùm họ, thì lâu ngày sẽ ảnh hưởng tới vận mệnh của nhiều lớp thế hệ, và sự tồn vong của một dân tộc.
Nói cách khác, cụm từ “rủ lòng thương - đòi công lý” mà tác giả Phó Đức Tùng sử dụng trong bài viết “Bàn về đồng tính: 6 biện pháp để giảm bớt kỳ thị” không thích hợp với “chuyện yêu và mơ ước đời sống lứa đôi, hạnh phúc gia đình của người đồng tính”. Trong số những người dị tính (vốn không ưa gì những người đàn ông không tạo ra được một gia đình lý tưởng gồm có ông bà nội, ông bà ngoại, cha mẹ và các con cháu) mà đọc cái tiểu tựa “Kêu gọi rủ lòng thương và đòi công lý cho người đồng tính”, có lẽ họ ngỡ ngàng “đầy bối rối” (chăng ?) như thể đang xem tiếp bộ phim giễu hài vừa thương hại (ỏn xót) vừa bôi bác người đồng tính giống như “để mai tính … -… cảm hứng hoàn hảo - … nàng men chàng bóng - cưới ngay kẻo lỡ ”….
Tạm dừng ở đây về chuyện “xin rủ lòng thương - đi đòi công lý” cho người đồng tính.
Hẹn gặp lần sau với cảm nghĩ về mục 4 của bài viết “Chứng minh tình cảm đồng tính là có tính phổ quát: ai cũng có ít nhiều đồng tính”. Mình cũng đã từng “chứng minh” với một vài người bạn qua bài viết chia sẻ: Tất cả những người đàn ông đều đồng tính. Đàn ông không đồng tính về mặt thể xác, thì cũng đồng tính về mặt tinh thần. Thế nhưng người ta không chấp nhận cụm từ này: “đồng tính về mặt tinh thần”, mà cùng lắm họ sẽ nói trại đi “giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ”. Và cũng chính vì câu nói “giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ”  mà mình có thêm ý tưởng: đàn ông có khuynh hướng tình cảm lưỡng tính dục (có thể) nhiều hơn là những đàn ông cứ ngỡ mình là dị tính (thuộc nhóm straight) “chuẩn men” luôn - chỉ thèm gần gũi, sát na bên đàn bà chân dài, chứ không bao giờ muốn chở đàn ông (bằng xe gắn máy) ngồi sau lưng mình. Nhưng vì một số lý do mà họ, những đàn ông có khuynh hướng tình cảm lưỡng tính dục, đã che giấu được dễ dàng tình cảm đời sống thuộc khuynh hướng lưỡng tính dục đó. Họ không muốn công khai và chẳng một ai có thể biết được họ là người đã từng hoặc đang có khuynh hướng tình cảm và tình dục lưỡng giới. Có thể tâm lý chung, nếu anh ta công khai khuynh hướng lưỡng tính dục của mình, anh ta sẽ mất đi nhiều thứ hơn là chỉ quơ quào được vài món đồ chẳng có giá trị gì sất. Thế thì ai lại dại dột làm vậy, miễn sao tớ lấy được vợ giàu (như chuột sa hũ nếp) và sanh con đẻ cái khoẻ ru giống như bao nhiêu người khác. Ai chứng minh được tớ là gay thì cứ việc chứng minh đi nào (Chuyện này đã xảy ra trong giới showbizt, người mẫu nam. Hiện nay anh ta đã lấy vợ sanh con đàng hoàng như người đàn ông dị tính “chuẩn men”, có được cuộc sống an khang thịnh vượng, ở nhà biệt thự với vợ đẹp con ngoan, và không còn lưu luyến gì về tình cảm đồng tính xảy ra một thời gian trước đó , thuở hàn vi -  “là dân tỉnh lơ mơ ngơ ngác lên thành phố lớn tìm cái ăn cái mặc”, mà nhờ nó - là mối quan hệ luyến ái cùng giới - anh ta được nổi tiếng, đạt tới ngưỡng danh vọng và tiền tài như bao người đang thèm khát mơ ước - dù là người đồng tính hay dị tính).
Mình còn ngẫm nghĩ: Đời sống tình cảm và tình dục của con người là một vòng tròn khép kín, khởi đầu từ một đứa bé sinh ra đời là tình dục (hay tính dục) ở dạng vô tính, tạm cho nó là một sắc màu trắng. Sau khi dậy thì “các sắc màu của tình dục - tình cảm về giới” bắt đầu xuất hiện rõ ràng (tạm cho là các sắc màu đỏ, xanh vàng, đen), rồi khi tới tuổi già, các sắc màu của tình dục - tình cảm về giới sẽ trở lại điểm vô tính (của tình cảm và tình dục ) là sắc màu trắng. Có người (khi trưởng thành) sẽ mang sắc màu (tình cảm và hành vi tính dục) duy nhất là dị tính hay đồng tính; có người sẽ mang 2 sắc màu giới tính. Nói về màu sắc, những ai là hoạ sĩ thì sẽ dễ hiểu hơn về quy luật phối màu sắc. Các màu nguyên: vàng, đỏ, xanh (tượng trưng của mỗi giới tính dục) sẽ thay đổi khi hoà sắc với “đối tượng kia”, ví dụ đỏ cộng vàng ra cam. Và như thế, sắc màu của tình cảm giới tính dục sẽ rất đa dạng.(Theo như tôi được biết, ở con người, ngoài các giới tính les, gay, bi, trans, straight, intersex… có thêm nhiều loại giới tính dục khác nữa, tổng cộng là 17 loại giới tính dục).
Có sắc màu giới tính ẩn, chẳng hạn như lưỡng tính dục. Khi nó tình cờ gặp phải “đối tượng yêu” nào đó (trong trường hợp đặc biệt nào đó) “sắc màu của giới tính dục lưỡng tính” sẽ được hiển thị. Tạm thời lấy ví dụ như giấy quỳ tím khi gặp bazơ thì sẽ hoá màu xanh; gặp axít thì trở thành màu đỏ.
Xin nói thêm một ít nữa về vô tính (asexually). Con người nhờ có “sắc màu vô tính” (tượng trưng bằng màu trắng) mà tránh được “tình trạng lơ lửng mất trọng lượng mãi mãi trong không gian tình ái” khi cả hai bắt đầu bước vào thế giới của khoái cảm body và chuyện yêu “mình với ta tuy 2 mà một”…. Có thể ví von “sắc màu trắng vô tính”giống như lực hấp dẫn vạn vật của trái đất vậy. Thế cho nên, sau khi kết thúc “một phiên khoái cảm body” (trong thời gian ân ái khác nhau ở mỗi cặp đôi đồng tính hay dị tính), con người dễ dàng chủ động rời khỏi “không gian tình ái”, trở lại sinh hoạt vận động đi đứng nằm ngồi bình thường trên mặt đất (sau đó sẽ tiếp tục một phiên thứ hai “khoái cảm body” tuỳ vào độ tuổi, sức khoẻ và tình cảm hưng phấn, mà cả hai không bị trôi hoài trôi mãi “trong không gian tình ái mất trọng lượng (mà người ta có thể gọi thi vị là hồn xác lâng lâng bay bỗng), không thể dừng lại”. Có thể hình dung hành vi ân ái yêu thương, sinh hoạt tình dục (thuộc đa sắc màu giới tính) như một người (hay một vật) luôn dính kết với sợi dây nối liền với con tàu vũ trụ khi hoạt động bên ngoài quỹ đạo trái đất, mà sợi dây dính – kết đó, chính là tình dục vô tính (tượng trưng bằng sắc màu trắng). Thế nhưng đừng nhầm lẫn tình dục vô tính với sự trầm cảm, bất lực.
Có người bạn khi đọc xong bài viết “Tất cả những đàn ông đều có khuynh hướng tình cảm và tình dục đồng tính”, đã comment “ lý luận của anh không có cơ sở khoa học”, mình đã reply: Anh cũng biết thế, vì mình chỉ là nghệ sĩ, không phải là bác sĩ. (Mình chỉ cố gắng đưa ra giả thiết nào đó về vòng tròn khép kín của đời sống tình cảm và tình dục của con người). Có lẽ anh nên sắp đặt ý tưởng này vào trong những câu truyện sáng tác, cho nhân vật của mình tha hồ tưởng tượng, yêu đương về chuyện tình cảm luyến ái với đủ loại sắc màu giới tính khác nhau thì thích hợp hơn.
Thế nhé. Hẹn gặp lại. Cám ơn bài viết của anh Phó Đức Tùng đã cho mình có thêm ý tưởng sáng tác và sức mạnh nghị lực.
Xin chào thân ái.
Anh Thái.
 

 
0:39 Thursday,27.12.2012 Đăng bởi:  Maika Elan
Anh Tùng ơi hay quá, cảm ơn anh nhiều ạ, em cũng mở mang thêm nhiều lắm ạ :X
...xem tiếp
0:39 Thursday,27.12.2012 Đăng bởi:  Maika Elan
Anh Tùng ơi hay quá, cảm ơn anh nhiều ạ, em cũng mở mang thêm nhiều lắm ạ :X 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Chất liệu và lòng tự trọng

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả