Bộ ảnh đẹp: salon, rượu thuốc và bánh gấu
16. 10. 10 - 8:44 am
Bài và ảnh: AZIZ
(Tên bài do Soi đặt)
*
SERIES TRANH VẼ ĐỒNG TIỀN Triển lãm tưởng nhớ nghệ sĩ Vũ Dân Tân Nhân một năm ngày mất (1946 – 2009)
Khai mạc: 17:00 – 20:00, thứ năm 14.10 Triển lãm: từ 15. 10 – 14. 11. 2010 Salon Natasha 30 Hàng Bông, Hà Nội
Buổi khai mạc triển lãm tưởng nhớ Vũ Tân Dân diễn ra hôm 14. 10. 2010 tại nhà cố họa sĩ tại số 30 Hàng Bông.
Từ trước 5h chiều đã có những bạn bè đến sớm, không phải với tư cách người xem triển lãm hay đi dự khai mạc (số đó hôm qua ít lắm), mà dường như là để thăm hỏi gia đình, nói chuyện, ăn bánh, uống nước, giao lưu với nhau.
Không khí trong “phòng triển lãm” thân mật, tiếng trò chuyện rù rì nhỏ nhẻ, không giống như những buổi khai mạc triển lãm khác mà tôi đã được dự.
Đây hoàn toàn không phải là một triển lãm có tham vọng nhìn lại toàn bộ quãng đời sáng tác của họa sĩ như những triển lãm tưởng nhớ khác thường làm. Bộ sưu tập treo hôm qua tại 30 Hàng Bông tập trung vào một trong những “dự án” dài hơi nhất của Vũ Dân Tân (ông làm trong 10 năm từ năm 1994), và có lẽ cũng là một trong những công trình làm ông được biết đến nhiều nhất: bộ tranh vẽ các loại tiền trên thế giới.
Toàn tiền là tiền.
Từng tác phẩm mang kích thước rất nhỏ, treo kín bức tường gạch mộc rất đẹp của căn nhà, xen lẫn những đồ đạc cũ của ông: cây đàn piano giờ đã phủ kín vải, chiếc radio-cassette cũ, cả một cái động cơ trông rất góc cạnh, thò ra những chiếc loa nhỏ xíu, không hiểu mục đích sử dụng nguyên thủy là gì, giờ được sơn màu hồng nhạt tiệp với màu sơn cửa ngoài, nằm ở góc phòng.
Khách đến tham gia triển lãm, ngoại trừ một số phóng viên đến rồi rút đi ngay, còn hầu hết mọi người đều cầm theo hoa, tìm ra ngay chủ nhà là chị Natasha và mẹ của cố họa sĩ để trao tận tay, ôm hôn. Hai người phụ nữ trong nhà đi qua đi lại mời nước quan khách (mới đầu tôi tưởng nước trà, định nhón lấy, hóa ra là… rượu thuốc, để ăn với lạc húng lìu và bánh gấu!)
Mẹ (cụ bà áo trắng) và vợ (áo xanh đứng xa) của cố họa sĩ.
Không gian nho nhỏ, xinh xinh, ấm áp, và mời gọi. Thi thoảng lại có vài bạn Tây balo đi ngang qua, nhìn vào không khí trong nhà, không hiểu là triển lãm công cộng hay là một bữa tiệc riêng, đứng ngắm nghía chần chừ hồi lâu.
Một triển lãm đáng xem ở một không gian đáng yêu, còn mở cửa đến ngày 14. 11. Các bạn chưa đến được hôm qua thì nhớ dành thời gian đến xem nhé. (Về ý nghĩa của bộ tranh vẽ những đồng tiền này, Soi sẽ post sớm một bài của một chuyên gia về mỹ thuật.)
Mời bạn xem một số hình ảnh hôm khai mạc và không gian của cố họa sĩ:
Nhà 30 Hàng Bông – Salon Natasha, gallery một thời của Hà Nội, vào những năm 90. Vừa bắt đầu hoạt động mạnh lại vào 2009 thì họa sĩ ra đi.
Một góc nhà họa sĩ Vũ Dân Tân
Ảnh của cố họa sĩ và vợ (chị Natasha) hồi mới lấy nhau
Những kỷ vật rất Tây trong một không gian rất Hà Nội
Bản thân căn nhà 30 Hàng Bông không thôi đã là một thứ để xem với nhiều thứ đẹp đẽ và thú vị
Mẹ của cố họa sĩ
Khách đã đến, chị Natasha đón bạn. Họa sĩ mất đã tròn 1 năm.
.
Khách trung niên và cao tuổi là chủ yếu, các họa sĩ trẻ không nhiều
Đây là một chiếc bình mà họa sĩ sinh thời đã tặng cho người bạn, hôm nay người bạn mang chiếc bình đã được “tân trang” – gắn thêm những đồng tiền xu, đến để tặng lại cho gia đình.
Trong ảnh là giám đốc Viện Goethe (giữa) và bà Natasha – vợ của cố họa sĩ, đang bưng “nước” đi mời khách, vừa đi vừa nói “Rượu thuốc không?” Rượu thuốc thật đấy!
Một vị khách người Pháp và một vị khách người Việt nói tiếng Pháp như gió
Nhà thơ Dương Tường và mẹ của cố họa sĩ đứng nói chuyện ở gian nhà sau
Khách vừa uống rượu vừa xem bộ tranh treo trên bức tường gạch tuyệt đẹp
Đồng 20 euro của Vũ Tân Dân
Có khách đang tranh thủ xem lại những quyển sách viết về Vũ Tân Dân và tác phẩm của ông
Một số khách đứng chơi bên ngoài căn nhà. Trời Hà Nội lại đang là mùa thu…
...xem tiếp