ART DUBAI: Khi chính trị lấn sân nghệ thuật
11. 04. 11 - 7:28 am
Ben Davis - Hồ Như Mai dịch
Art Dubai 2011 tại Madinaat Arena
Phần lớn thời gian tuần rồi ở Dubai tôi cứ nghĩ thực ra mình đang làm gì. Tôi đến Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất là để viết bài về hội chợ nghệ thuật Dubai, nơi có đến 82 gallery quốc tế và khu vực tụ tập ở khu Madinat Arena sang trọng, gần bãi biển. Một mặt sự kiện này vừa có cái gì đó thực sự lôi cuốn, sống động khác thường trong thế giới Ả rập. Mặc khác, nghĩ đến thời điểm ngay tuần đó – nguy cơ khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản, căng thẳng mở rộng tại Libya, và bắt bớ lãnh đạo đảng đối lập ở Bahrain – thì khả năng xoa dịu của nghệ thuật lại càng hiện rõ. Có cảm giác như hội chợ giống một buổi tiệc ngày tận thế…
Giám đốc Art Dubai, Antonia Carver, với người xuất bản cuốn “Brownbook”, Ahmed bin Shabib
Nhưng trước khi bàn sâu hơn vào những ý nghĩ vật vã đó, xin nói qua chuyện chính: Art Dubai 2011, theo như tôi thấy, là một thành công vang dội. Thứ nhất không khí ở đó đúng là một hội chợ lớn, và giám đốc mới Antonia Carver, từng làm việc cho tạp chí Bidoun danh giá, đã mang đến một phong cách chuyên nghiệp hết sức thuyết phục cho tất cả các sự kiện, đặc biệt tập trung vào một chuỗi các chương trình nói chuyện đặc sắc, những tác phẩm đầy tham vọng của các nghệ sĩ trong khu vực và nhiều hoạt động thương mại khác không thể đếm xuể.
Antonia Carver dẫn thủ tướng Dubai Sheik Mohammed bin Rashid Al Maktoum và đoàn tùy tùng của ông đi xem Art Dubai
Trong khi đó, những thảm họa toàn cầu không hề ảnh hưởng đến việc buôn bán các tác phẩm cao cấp. Gallery vẫn bán chạy, đặc biệt thành công với những tác phẩm giá hàng chục ngàn đô (giải thích một chút với những ai không mua tác phẩm thường xuyên: giá cả như vậy có nghĩa là Art Dubai thuộc “hạng vừa”). Một số tác phẩm nổi bật của các tên tuổi – ví dụ tác phẩm Ana (Myself) của Susun Hefuna, hay bộ phim của Shazia Sikander tại gallery Pilar Corrias của London bán được giá hàng trăm ngàn đô.
“Ana (Myself)” của Susun Hefuna tại gian Rose Issa Projects
Hầu hết các hội chợ đều đưa ra một hoặc hai tác phẩm, xem như là “điểm tham chiếu”, nổi bật tại thời điểm đó. Ở Art Dubai là tác phẩm tranh lớn có tựa đề Bye Bye Hosni của nghệ sĩ người Ma-rốc Zakaria Ramhani. Tranh của Ramhani thể hiện hình ảnh vị cựu độc tài, gương mặt được vẽ từ những dòng chữ Ả rập lẫn lộn (cũng là chữ ký của họa sĩ này). Trên nền đó một người biểu tình đang cạo bức tường đi, có thể hiểu là lật đổ Mubarak, cạnh đó có thêm nút “like” của Facebook in ngay trên lưng người này. Bức tranh thể hiện một cách ngắn gọn, nếu không muốn nói là hơi hấp tấp, sự hứa hẹn từ những sự kiện mới đây.
“Bye Bye Hosni” (2011) của Zakaria Rahmani tại Artspace
Phía sau gian của Artspace gallery trưng bày tác phẩm khá đặc sắc của nghệ sĩ Ai Cập Nadine Hamma, trong một gian nhỏ kín đáo được thiết kế đặc biệt, có lẽ là để giảm rủi ro bị kiểm duyệt. Hai bức tranh, một bức vẽ vài phụ nữ khỏa thân nhìn nghiêng bằng vàng lá, một bức vẽ cái bóng của một người đàn ông khỏa thân bằng vụn vàng, hai nhân vật đối diện nhau, ở giữa là một khoảng trống dán giấy đầy những dòng chữ, có nghĩa là “Khi tôi nói có, thực sự ý tôi là không/ Khi tôi nói không thì ý tôi lại là có”, lặp đi lặp lại. Hamman có mặt ngay tại đó, giải thích rằng tác phẩm này là về sự tưởng tượng tình dục – nhưng cái khiến nghệ sĩ này thực sự hăng say lại chính là những trải nghiệm (biểu tình) gần đây ở Quảng trường Tahrir. Nghệ sĩ còn đề nghị tôi chụp hình đằng sau lưng áo cô, có dòng chữ “Là người Ai cập và rất hãnh diện”.
Nghệ sĩ Nadine Hamman với tác phẩm, “Khỏa thân nữ” (2011) tại Dubai Artspace
“Thật lạ lùng là mới ở đó, rồi lại ở ngay hội chợ đây,” Hamman nói, rồi thêm rằng trong các tác phẩm tới nghệ sĩ sẽ khai thác những trải nghiệm của cuộc cách mạng vừa qua.
Nadine Hamman khoe áo có dòng chữ “Egyptian And Proud”
Tác phẩm còn lại được nhắc đến nhiều ở Art Dubai 2011, trưng bày tại Galerie Christian Hosp của Berlin, là một chuỗi đèn neon màu của nghệ sĩ sinh ra ở Iran, nhưng sống ở Berlin, Leila Pazooki. Chuỗi đèn tạo thành những cụm từ như “Korean Mark Rothko” (Mark Rothko của Hàn Quốc), “African Anselm Kiefer” (Anselm Kiefer của châu Phi), “Middle Eastern Louise Bourgeois” (Louise Bourgeois của Trung Đông), và nhiều thứ tương tự như vậy, trích từ những bài phê bình về các nghệ sĩ không phải châu Âu trên báo chí châu Âu (gallery còn gởi cho tôi một cuốn sổ ghi chú các nguồn mà tác phẩm của Pazooki dẫn ra). Đọc lại sự so sánh kiểu này (của báo chí phương Tây) đúng là ngượng thật, như tác phẩm đã thẳng tay chỉ ra, và qua đó tác phẩm cũng đồng thời nắm bắt được cảm giác tự nhận thức về một “sân chơi nghệ thuật Trung Đông” còn đang được định hình, vừa phải chứng tỏ những hình thái nghệ thuật riêng, vừa phải đi tìm kiếm những hình thái đó.
“Damien Hirst” của Ahmad Montazeri Roudbaraki tại galerie Mah Art của Tehran
Thú vị hơn nữa là bộ bốn tác phẩm từ chuỗi Aesthetics of Censorship (Mỹ học của sự kiểm duyệt) của Pazooki, gồm những bản copy màu, đóng khung của các trang từ những cuốn sách nghệ thuật mà tác giả tình cờ đọc được ở Tehran. Trong đó những hình ảnh gốc của tác phẩm nghệ thuật bị nhà kiểm duyệt che lại, để bảo vệ người xem khỏi những thể loại hình ảnh khiêu khích, ví dụ cặp mông trần của một phụ nữ trong một bức ảnh của Man Ray bị che lại bằng một mảng màu xanh khổng lổ, trông như đang mặc quần lót rộng thùng thình. Pazooki không chỉ coi kiểm duyệt như một thứ trừu tượng “có sẵn” (found abstraction), mà qua đó còn cho thấy rằng kiểm duyệt như vậy thực ra làm cho vật che lấp càng có gì đó hấp dẫn hơn, gợi tò mò hơn.
Tác phẩm trong chuỗi “The Aesthetics of Censorship” của Leila Pazooki tại galerie Christian Hosp
Tương tự như vậy, nghệ sĩ Iran Ramin Haerizadeh trưng bày một loạt tác phẩm tranh ghép, được gọi tên chung là Where the Grass is Green and the Art Is Pretty (Nơi có cỏ xanh và nghệ thuật thật xinh). Tác phẩm kết hợp những trang từ tạp chí nghệ thuật xuất bản tại Dubai có tên là Canvas. Ban biên tập của tạp chí (hồi ấy) đã bôi đen hình ảnh tác phẩm của Haerizadeh trên trang tin hằng ngày nhân dịp hội chợ nghệ thuật 2010, sau vụ chạm trán giữa nghệ sĩ với người kiểm duyệt. Lần này, tác phẩm trong chuỗi tác phẩm mới của nghệ sĩ đã thu hút rất đông người xem vào ngay hôm đầu tiên của hội chợ, và bán được từ 25 đến 35 ngàn đô.
“Where the Grass Is Green and the Art is Pretty” của Ramin Haerizadeh
Còn nhà buôn Eric Hussenot từ galerie Hussenot ở Paris lại kể với tôi rằng ông gặp rắc rối vì đã trưng bày một tác phẩm sắp đặt với chủ đề khá nóng của Mournir Fatmi, gồm có cờ của tất cả các quốc gia Ả rập, trong đó cờ Tunisia và Ai Cập thì đặt trên cột cờ bằng gỗ, còn cờ những nước còn lại thì gắn lên tường. Ban đầu cột cờ của Tunisia và Ai Cập còn có thêm cây chổi ở dưới, nghe đâu ý là những nhà độc tài ở đó đã bị quét sạch vào giỏ rác của lịch sử. Lạ ở chỗ Hussenot nói rằng ông vẫn được cho phép giữ tác phẩm này tại gian trưng bày, chỉ có điều phải rút cây chổi ra. Tôi không chắc chuyện này nghiêm trọng tới đâu. Thỉnh thoảng tôi đi ngang qua gian trưng bày thì có khi thấy lại cây chổi, có khi không.
“Những mùa xuân đã mất” của Mounir Fatmi tại gian triển lãm của galerie Hussenot
Chính trị – chính trị thực sự chứ không phải những chuyện chính trị trong nghệ thuật – đã xâm lấn các hoạt động hội hè của tuần này, bằng ít nhất là qua hai sự kiện. Tại lễ khai mạc Sharjah Biennale ở vương quốc kế bên, một nhóm nghệ sĩ và những người ủng hộ có hành động không ồn ào nhưng khá ý nghĩa: giơ cao tên các nghệ sĩ đã bị giết ở Bahrain để phản đối việc Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất dùng đến cảnh sát để chống đỡ chế độ tại đó.
Cũng gần như cùng lúc, một nhóm nghệ sĩ gắn bó với Trung Đông dẫn đầu là Walia Raad và Emily Jacir công bố tẩy chay khu phức hợp văn hóa Saadiyat Island rộng mênh mông ở xứ Abi Dhabi giàu có lắm dầu mỏ. Lý do của vụ tẩy chay là chuyện khu này sử dụng lao động gần như nô lệ trong quá trình xây dựng. Những sự kiện như thế này được nhắc đến bên lề cuộc thảo luận tại Art Dubai, nhưng không làm ảnh hưởng gì đến không khí nhẹ nhàng sang trọng tại đây.
Nghệ sĩ Timo Nassiri với một tác phẩm điêu khắc của anh
Chuyện này đưa tôi quay về với những ấn tượng đối lập về hội chợ. Người ta có thể nói rằng thành phố Dubai dễ khiến cho người thấy quên đi bên ngoài. Nó được thiết kế được biệt đễ làm người ta quên đi hiện thực, với cơ man nào là những khu mua sắm khổng lồ và những khu chợ kiểu Ả rập được tái lập theo phong cách Las Vegas. Chưa bao giờ là nơi giàu có về dầu mỏ, nhưng thành phố-quốc gia này từ lâu đã dựa vào những công trình kiến trúc khổng lồ và đầu cơ buôn bán để trở nên thịnh vượng. Thành phố chỉ mới thực sự tăng trưởng vào những năm 2000, khi vốn ở khắp nơi đổ về những công trình mới coóng ở đây; bồi thêm đó đó là cảm giác hoang mang sau ngày 11/9 khiến cho các nhà đầu tư phương Tây, và thậm chí là cả giới thượng lưu Trung Đông, ngại ngần tìm kiếm một điểm nóng khác gần đó để đổ vốn bạc tỷ vào. Năm 2009 Dubai trở thành ví dụ điển hình của khủng hoảng nợ công – cuối cùng phải nhờ Abu Dhabi cứu trợ – hình ảnh của Dubai, trong mắt người Mỹ sau đó gắn liền với chủ nghĩa tư bản ảo tưởng.
Các tác phẩm của Shezad Dawood tại gian Paradise Row của London
Nhưng để hiểu hơn về Art Dubai, cần phải nói rằng nơi này có cái gì đó hết sức độc đáo, rằng nó không chỉ (là thứ lâu đài) xây nên từ đống cát đầu cơ (mặc dù ít nhiều cũng có). Thành phố này từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong khu vực: một trung tâm thương mại. Dubai từ lâu đã luôn là một ốc đảo tự do khác thường ở Trung Đông, thu hút giới tị nạn trí thức và thương gia thất thời từ khắp trong vùng, kể cả từ người láng giềng khổng lồ Iran và Ả rập Xê-út, nơi có xã hội khép kín hơn nhiều. Nói về lịch sử lôi kéo người ngoại quốc lâu dài ở Dubai, thậm chí cả không khí thoát ly tại đây cũng có một mục đích thực tế: nó tạo ra một phong cách khiến thu hút được các tài năng phương Tây đến sinh sống trong một khu vực mà nếu không có Dubai, họ cũng chẳng buồn nghĩ đến ngay cả chuyện ghé chơi.
Các tác phẩm của Youssef Nabil và Shezad Dawood
Như vậy đứng về khía cạnh nào đó, sân chơi nghệ thuật ở thành phố này vừa là một thứ đi ngược với tính mua bán đầu cơ của Dubai, vừa là dấu hiệu cho thấy đã vượt lên khỏi thói mua bán đầu cơ ấy. “Sân chơi nghệ thuật này là thứ duy nhất ở đây cho cảm giác ‘lành’ – organic,” nhà phê bình nghệ thuật và chuyên gia Marisa Katz nói với tôi.
Nói gì thì nói sân chơi nghệ thuật ở Ả rập vẫn còn khá mỏng manh (mặc dù đang phát triển). Nhưng không như hội chợ Abu Dhabi, Dubai thực sự có một sân chơi riêng, lớn lên từ chính môi trường tập trung nhiều người nước ngoài từ các khu vực xung quanh. Khoảng năm 2003, mới chỉ có một chuỗi triển lãm rời rạc xuất hiện ở Dubai, do gallery Third Line và một số gallery khác đi tiên phong. Những thử nghiệm đó bây giờ đã thực sự phát triển thành một hệ thống gallery sống động.
Cho khách xem tác phẩm tại gian trưng bày
Art Dubai bắt đầu năm 2007, cũng là đỉnh điểm của cơn cuồng đầu cơ tại Dubai và bong bóng nghệ thuật toàn cầu. Tất cả những người tôi từng tiếp xúc đều cho rằng những lần hội chợ đầu tiên không thú vị như năm nay, mặc dù có cả những tên tuổi hồi-đó-nổi-giờ-chìm như Lisson, Emmanuel Perrotin và Salon 94. Những gallery phương Tây này không có sự gắn bó hữu cơ với sân chơi nghệ thuật Trung Đông, chỉ trưng bày thứ nghệ thuật bảo bối của các ngôi sao phương Tây, bên cạnh một vài thứ mà họ nghĩ là sẽ dụ dỗ được người mua trong vùng – “Toàn mấy thứ kiểu Rothkos to lớn và những con ó đồng,” như ngôi sao nghệ thuật người Iran Farhad Moshiri từng khinh khỉnh nhận xét,
So với ngày đó, Art Dubai hiện nay đối với tôi có tính khu vực rõ rệt, bởi nó tạo cảm giác gắn liền với lợi ích và những mối quan tâm của khu vực. Nếu năm 2007 hội chợ chủ yếu tập trung vào tiền nong, thì năm nay lại có rất nhiều ý tưởng phiêu lưu (mặc dù có lẽ có cả phiêu lưu viển vông, ví dụ chuyện ngân hàng Emirates NBD đường đường tuyên bố đã tham gia vào chuyện mua đầu cơ các tác phẩm nghệ thuật Trung Đông). Một hệ thống nhà sưu tập địa phương (thực sự là sưu tập) ở Dubai và Trung Đông đang dần có được cảm giác tự hào về những thành tựu cây nhà lá vườn.
Nhà buôn tranh Hammad Nasar giải thích tác phẩm “Anouchian Passport Series” của Hajra Wahood” tại gian của Green Cardamon
Trong lúc đó, làn sóng năng lượng nghệ thuật lan ra từ Mùa xuân Ả Rập (Arab Spring: từ báo giới phương Tây dùng để chỉ chuyện nở rộ những nền dân chủ thân phương Tây ở Trung Đông, theo sau vụ xâm lược Iraq) vẫn còn đang “cuồn cuộn”, mặc dù theo cùng đó là một sự căng thẳng nhất định, vì Dubai cũng là một chế độ chuyên quyền tập trung vào những lợi ích của nó, mà những lợi ích đó hoàn toàn có thể bị đe dọa nếu diễn biến ở các quốc gia láng giềng đi quá xa. Vì vậy mà những ấn tượng ở hội chợ lần này đều có hai mặt: đó là một cảm giác cân bằng, hay mất cân bằng kỳ lạ.
Cuối cùng, khám phá thú vị nhất của tôi tại Dubai 2011 là một tác phẩm của Ayman Yosri. Tác phẩm gồm hai hàng hình ảnh từ bộ phim trong đó Denzel Washington đóng vai nhà hoạt động da màu nổi tiếng Malcolm X. Những hình ảnh này chụp lại từ một bản phim có phụ đề tiếng Ả rập (vì vậy mà phải đọc từ phải sang trái) và phụ đề chính là bài phát biểu nổi tiếng của Malcolm về người da đen, một lời kêu gọi thống thiết cho quyền tự quyết. Những tầng nghĩa trong tác phẩm nhiếp ảnh khái niệm tinh quái của Yossri thật khó nắm bắt: hình ảnh một nhà lãnh đạo Hồi giáo da đen nổi tiếng, do Hollywood dựng lại, được “tái chế” riêng cho thế giới Ả rập, rồi lại tiếp tục được “tái chế” bởi một nghệ sĩ người Palestine. Nó làm tôi suy nghĩ, mãi sau đó, rằng nó cũng chính là thông điệp đơn giản, liên quan mật thiết tới bối cảnh của Art Dubai: Đôi khi cùng một hình ảnh có thể có nhiều ý nghĩa – từ nhiều quan điểm khác nhau – mặc dù đương nhiên, ý nghĩa cuối cùng vẫn phụ thuộc vào những sự kiện… chưa xảy đến.
Tác phẩm tiếp đoạt “Malcolm X” của Ayman Yossri aka Daydban tại gian của Traffic
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
1:24Sunday,21.10.2012Đăng bởi: kcbt
Phi nghệ thuật trên đời này có cái gì sinh ra mà không bao giờ chết đâu ? Bạn chỉ cho chúng tôi biết cái gì là bất tử ? Thiết nghĩ đến thời kỳ này mà bạn vẫn còn ôm cái mộng muôn năm thì thật là nực cười !!
...xem tiếp
1:24Sunday,21.10.2012Đăng bởi: kcbt
Phi nghệ thuật trên đời này có cái gì sinh ra mà không bao giờ chết đâu ? Bạn chỉ cho chúng tôi biết cái gì là bất tử ? Thiết nghĩ đến thời kỳ này mà bạn vẫn còn ôm cái mộng muôn năm thì thật là nực cười !!
8:54Monday,11.4.2011Đăng bởi: Phi Nghe Thuat
Những tác phẩm như Bye Bye Hosni, Khỏa thân nữ, Những mùa xuân đã mất... chán không thể tả. Chính trị sống sượng non xèo. Loại tác phẩm thời vụ, ăn theo chính trị này sẽ chết yểu thôi. ...xem tiếp
8:54Monday,11.4.2011Đăng bởi: Phi Nghe Thuat
Những tác phẩm như Bye Bye Hosni, Khỏa thân nữ, Những mùa xuân đã mất... chán không thể tả. Chính trị sống sượng non xèo. Loại tác phẩm thời vụ, ăn theo chính trị này sẽ chết yểu thôi.
Phi nghệ thuật trên đời này có cái gì sinh ra mà không bao giờ chết đâu ? Bạn chỉ cho chúng tôi biết cái gì là bất tử ? Thiết nghĩ đến thời kỳ này mà bạn vẫn còn ôm cái mộng muôn năm thì thật là nực cười !!
...xem tiếp