Soi học

Sử-Địa dễ thuộc: Togo – bố anh bố tôi, rồi lại đến lượt anh và tôi 22. 10. 23 - 11:22 pm

Sáng Ánh

Ông A thuộc một gia đình gốc Brazil xuất nhập cảng và chủ đồn điền ở khu vực bờ biển Tây Phi (Ghana-Togo-Benin-Nigeria) trù phú. Ông học phổ thông bằng tiếng Đức ở trường công giáo địa phương. Ông sau đó tốt nghiệp đại học tại trường nổi tiếng London School of Economics ở Anh quốc vào năm 1926, tức là rất sớm đối với một người da đen châu Phi. Tại trường này, sau ông vài khóa, còn có Kwame Krumah (sau làm tổng thống Ghana) và Jomo Kenyatta (sau làm tổng thống Kenya). Sau khi tốt nghiệp LSE thì ông A học thêm cao học Luật quốc tế ở Pháp, và đã lỡ quốc tế thì học thêm luôn ở Áo. Ông từng làm Tổng giám đốc châu Phi của công ty quốc tế (Hà Lan) Unilever. Khi Togo độc lập (1960) thì ông A này, Sylvanus Olimpio, lên làm tổng thống đầu tiên.

Tổng thống đầu tiên của Togo, Sylavanus Olympio. Hình từ trang này 

Ông B là gia đình nông dân miệt bắc đầm lầy và tốt nghiệp xong tiểu học thì đi lính Pháp, bỏ lại làng người em gái chăn trâu. 10 năm vất vưởng thuộc địa Đông dương và Algeria trong quân đội Pháp, khi nước nhà đôc lập, trung sĩ Ngassingbe Eyadema trở về phục vụ quân đội Togo.

Giữa hai ông này thì ai hơn ai kém?

Ai sẽ thắng?

*
Rạng sáng ngày 13 tháng 1, 1963, ông A và ông B gặp nhau. Olympio là Tổng thống, mặc quần cộc và đi chân đất. Eyadema là trung sĩ, mặc quân phục và đi giày trận. Chi tiết quan trọng là Eyadema không có học vị gì nhưng có súng. Eyadema cầm súng bắn Olympio 3 phát chết tốt tại chỗ.

4 năm sau Eyadema lên làm tổng thống trong 38 năm liên tục. Ông chết thì con ông làm tổng thống chứ sao và cho đến giờ là 2023.

Eyadema Gnassingbé cha. Ảnh từ trang này 

Olympio học cho lắm làm tổng thống được 3 năm. Eyadema ham chơi lêu lổng hay thuộc lòng thao diễn cơ bản thì cha con thay nhau trị nước tới giờ là 56 năm.

Nhớ lại đêm 12 tháng 1, 1963, Tổng thống Olympio đã lên giường vào lúc 23h. Ông nghe tiếng cãi cọ trong sân và có người đập cái cửa gỗ lớn của dinh tổng thống. Dinh này ngày đó chỉ có 2 cảnh sát canh gác và họ đang bị một toán 6 quân nhân võ trang lủng lẳng uy hiếp. Ông Olympio vơ vội một cái quần cộc mặc ra ngoài và chân không leo cửa sổ nhảy ra ngoài vườn. Dưới trăng sáng hay trong đêm tối mò ông đu tường sang nhà bên cạnh dinh là đại sứ quán Mỹ. 10 tháng trước, tại phi trường Washington DC, đứng dưới chân cầu thang máy bay để đón khách Olympio là đích thân Tổng thống Kennedy. Sau đó có duyệt binh tại chỗ đánh trống thổi kèn quân nhạc và đọc diễn văn ca tụng khách Phi châu và da đen này tới từng mây thứ 7 hay thứ 8. Ông được đi xe Hoa Kỳ bỏ mui cùng với nguyên thủ Mỹ.

Tổng thống Kennedy đón Olympio tại Mỹ. Ảnh từ trang này 

Đại sứ quán Mỹ tại Togo vào lúc ban đêm đó chỉ có một anh gác dan ngoài cổng. Trong sân trải sỏi Olympio thấy một cái xe con Buick đỗ và cửa không khóa. Ông rón rén leo vào bên trong nấp nhưng không thấy có Kennedy ở bên trong.

Vào lúc 3 giờ sáng, đại sứ Pháp gọi điện báo cho đại sứ Mỹ biết là Tổng thống Olympio hiện tá túc trong sân nhà sứ quán Hoa Kỳ. Có lẽ lúc đó toán quân nhân đột kích dinh tổng thống cũng đã phát hiện ra chuyện đó. Đại sứ Mỹ đến thì thấy Olympio trong xe vẫy vẫy ra hiệu và họ có trao đổi. Nhưng đại sứ Mỹ bảo không có chìa khóa vào nhà, để ông đi lấy, trong khi chờ đợi Olympio cứ việc ở tạm trong xe. Thế còn đi tiểu thế nào? Cứ ở trong xe hé cửa mà tiểu ra! Chi tiết này do người viết này hư cấu nhưng khả năng là cao vì Tổng thống Olympio chắc không dám bước ra ngoài. Đại sứ Poullada nhắn một phó lãnh sự Mỹ nhà ở ngay trước mặt sứ quán để mắt Olympio hộ ông. 7h10, anh phó lãnh sự này vẫn thấy yên ắng và chưa ai mang chìa khóa đến. Anh đi pha café thì 7h15 nghe 3 tiếng súng. Đây theo anh là 3 tiếng súng đĩnh đạc chứ không phải 3 tiếng súng bắn vội hay bắn đuổi. Anh ra xem thì thấy xác Olympio vất ở ngoài cổng đại sứ quán.

Con trai của Tổng thống Olympio hai năm sau gặp đại sứ Mỹ Poullada ở Washington và cho là ông Poullada này lúc đó đã sợ hãi và hốt hoảng. Tại sao ông không chỉ thị cho phó lãnh sự băng đường sang sứ quán và ở trong sân với Tổng thống Olympio trong khi đợi chìa khóa? Có lẽ ông sợ quân đội vào trong giết luôn phó lãnh sự Hoa Kỳ? Sao chính ông không ở lại? Có lẽ ông sợ quân đội vào trong giết luôn đại sứ Hoa Kỳ?

Người đầu tiên đứng từ trái là Đại sứ Mỹ tại Togo Leon Poullada. Ảnh từ trang này 

*
Tổng thống Olympio không chống Pháp ra mặt như Sekou Touré nước Guinea, hoặc phản đế như Kwame Krumah nước Ghana. Nhưng ông bị Pháp coi là người chống Pháp sau lưng và trí trá. Ông đang có dự tính ra khỏi khu vực tiền Franc Pháp. Để theo Liên Xô hay Cộng sản? Không, để dựa vào đồng Mark Tây Đức. Togo trước Thế chiến 1, cũng như một phần của Cameroon, Tanzania… là thuộc Đức và năm 1919 được chuyển cho Anh Pháp vì Đức thua trận. Olympio thuộc thành phần tinh hoa của khu vực này từ nhiều thế hệ. Ông sanh 1903 tức là thời kỳ thuộc Đức nên theo học giáo trình phổ thông Đức tại Togo. Ông tốt nghiệp đại học là ở Anh. Cho nên ông được coi là thân Đức và thân Anh, mà lại còn tìm cách ve vãn Hoa Kỳ khi sang Mỹ công du. Ông toan tính dùng thế lực Mỹ và tài chánh Đức để mà thoát Pháp.

“Anh phải chết!”

Vào thời điểm Togo độc lập, an ninh và quân đội Togo chỉ có 300 người. Nắm lực lượng này là một thiếu tá công an Pháp sắp hết hợp đồng phục vụ. Ông này đòi cho 700 lính Pháp gốc Togo từng phục vụ Pháp ở Đông dương, Algeria… được tiếp tục tại ngũ để phục vụ trong quân đội Togo độc lập. Như vậy tức là thiếu tá này và nước Pháp khuynh đảo được toàn bộ lực lượng an ninh tại đây, để cho tổng thống giữa đêm vơ vội cái quần cộc và không kịp xỏ dép mà leo tường bỏ trốn.

Trong 5 thập niên sau đó, con trai của Sylvanus Olympio là Gilchrist Olympio mài kiếm dưới trăng đòi trả thù cha. Ông Gilchrist này cũng tốt nghiệp London School of Economics như cha và tiến sĩ kinh tế học Oxford. Ông đối lập và sống lưu vong và mãi đến 1991 mới được cho phép về nước tranh cử. Trong khi đi vận động phiếu ở năm 1992, ông cả gan đến miền Bắc của kình địch. Đoàn tranh cử của ông bị phục kích và bắn xối xả chết 12 người. Gilchrist bị thương nặng và trúng đạn nhiều nơi. Tài xế của ông nhanh trí và lì lợm, nghiến răng chạy thẳng sang nước Benin láng giềng lánh nạn. Togo là một nước diện tích nhỏ và chiều ngang rất hẹp, may sao cho ông chỗ phục kích lại gần biên giới. Người tổ chức phục kích này là Ernest, đại úy biệt kích dù và con cả của Tổng thống Eyadema! À, bố con mày đều là London School of Economics nhưng bố con tao đều bắn súng hai tay!

Ai sẽ thắng?

Định mệnh đã an bài mọi chuyện. Gilchrist năm 1998 lại được cho phép ứng cử và được 34,10% phiếu. Sau đó, lý do này lý do kia vặt vãnh, ông không được ra ứng cử nữa. Năm 2005 Eyadema cha qua đời. Con rơi con vãi của ông cũng lắm và thời điểm mới đòi hỏi một cậu con khác, có học và biết đọc biết viết lên thay thế. Ông con tên Faure, đủ điều kiện đó, tức là biết đọc và biết viết, được lên làm tổng thống thay cha. Cậu này, nói qua là ở trong một gia đình như vậy cũng khá vất vả. Em trai cậu tổng thống là cậu Kpatcha, làm bộ trưởng quốc phòng. Bảo em không được (2007), tổng thống lấy quyền huynh thế phụ (đã chết) gửi lực lượng đặc nhiệm đến nhà bắt em mình. Bảo vệ của Kpatcha bắn lại đì đoàng, một cậu em khác chỉ huy thiết giáp bèn mang chiến xa đến giàn ra để can gián! Tuy là khác mẹ cùng cha, nhưng vẫn là gà sao nỡ đá nhau! Kpatcha chạy đi đâu đây? Kpatcha chạy vào sứ quán Mỹ xin tỵ nạn! Tại sao lại là sứ quán Mỹ? Vì tổng thống Faure là người của Pháp! Nhưng Mỹ đuổi cậu ra khỏi sứ quán và cậu đi tù. Anh cậu vừa mới thả cậu ra (2023) để cho đi chữa bệnh.

Bộ trưởng Kpatcha. Ảnh từ trang này 

Thấy thế, năm 2010 Gilchrist vất kiếm xuống sông và xách giáo quy hàng Faure để đổi cho phe của ông lấy 7 ghế bộ trưởng trong chính quyền. Anh em mà còn đánh nhau xe tăng đại pháo thì đối lập về hàng chứ sao. Và đừng có mà tin vào sứ quán Mỹ nhá! Không chết thì cũng ở tù! Gilchrist trở thành hàng thần lơ láo nhưng thôi vào năm 2010 ông cũng đã 74 tuổi rồi và cho lơ láo luôn.

Gilchrist Olympio con với Faure Eyadema con sau khi xóa bỏ hận thù. Ảnh từ trang này 

Ông và Tổng thống Faure ngồi kể lại chuyện đời:

– Mày nhớ không, 1963 bố mày bắn bố tao!
– Hahaha! Nhưng 1992 anh hai tao bắn mày!
– Anh hai mày bắn dở! Tao không chết! Hahaha!
–  Nhưng giờ tao muốn bắn mày chết vẫn còn được! Hahaha!
– Thôi, mình nâng ly!
– Dzô! Togo muôn năm!

*

Bài tương tự:

- Địa lý dễ thuộc: Eo nào nhỏ bằng eo Bosphorus?

- Địa lý dễ thuộc: Bánh bao đến từ đâu, từ Ai Cập?

- Địa lý dễ thuộc: Dubai (vốn) là gì? Hejaz là ở đâu?

- Sử dễ thuộc: Từ cuộc cướp thành Constantinople 1204 tới lời xin lỗi 2004

- Sử-Địa dễ thuộc: Vua Musa cầm cục vàng soi lối

- Sử-Địa dễ thuộc: Nên tin lời em bé ngây thơ?

- Da đen và lịch sử Phi châu: thế Ai Cập da gì?

- Những trận vô danh trong quân sử: Song thành Nogales năm 1918

- Sử Địa dễ thuộc: Từ thánh Maurice đến chung cư St Moritz ở Sài Gòn

- Sử-Địa dễ thuộc: Biến cố “tiểu tiện” 1952 tại Macau

- Sử-Địa dễ thuộc: Đêm 31 tháng 12 năm 406, “chúng” đã đến Pháp xin tỵ nạn

- Sử-Địa dễ thuộc: Chiến dịch Kitona – 5 ngày, 5 năm, và 5 triệu

- Sử-Địa dễ thuộc: Những chuyện nho nhỏ của nước tí hon Équatorial Guinéa

- Sử-Địa dễ thuộc: Đoàn nữ binh Dahomey mang logo Lacoste

- Sử địa dễ thuộc: Ba phụ nữ và ba thành phố Ấn Độ (bài 1)

- Sử địa dễ thuộc: Ba phụ nữ và ba thành phố Ấn Độ (bài 2)

- Sử địa dễ thuộc: Hoàng tộc tí hon Sulu và vụ kiện (tí nữa thì) 15 tỉ

- Sử-Địa dễ thuộc: Người “Da đen” trắng Ba Lan trên đảo Haiti

- Sử-Địa dễ thuộc: Gabon – xứ sở trong tay một gia tộc lắm ái tình

- Sử-Địa dễ thuộc: Togo – bố anh bố tôi, rồi lại đến lượt anh và tôi

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Cuối cùng không nhịn được nữa, tôi phải nói ra tên những kẻ đốt tôi đây…

Bài phỏng vấn độc quyền ông Cột Nhà Cháy của phóng viên Đen Nhẻm, báo Bồ Hóng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả