Ở Đâu - Làm Gì

“CHỌN CHUYỂN” của Orawan Arunrak, Tạ Minh Đức, Trần Tuấn 15. 05. 15 - 6:54 am

Thông tin từ BTC

 

.

CHỌN CHUYỂN
Khai mạc: 18g00, thứ Ba, 12 tháng 5. 2015
Địa điểm: tại Saigon Domaine, 1057 Bình Quới, Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh
Thời gian triển lãm: 12. 5 – 30. 7. 2015

Sàn Art hân hạnh giới thiệu tác phẩm của các nghệ sĩ lưu trú Orawan Arunrak (Bangkok, Thái Lan), Tạ Minh Đức (Hà Nội, Việt Nam), và Trần Tuấn (Huế, Việt Nam) từ phiên 6 của chương trình Phòng Thí nghiệm Sàn Art. Triển lãm lần này là cuộc khảo nghiệm sức mạnh tự nghiệm trước những bối cảnh xã hội và lịch sử đặc trưng của Việt Nam.

Trần Tuấn tiếp tục với câu chuyện gia đình đã theo đuổi anh từ lâu trong cuộc sống cũng như thực hành nghệ thuật. Lần này anh chọn thử nghiệm với video thay vì điêu khắc.

Trong tác phẩm Chuyện con ngựa đứt cương, Trần Tuấn video có ba khung hình; khung thứ nhất cho thấy một bàn tay của một người lớn tuổi chơi đàn ghi-ta; tiếp đến là chi chi chành chành, trò chơi trẻ con mà tay đứa thua cố gắng bắt lấy tay những đứa khác đang trỏ vào nó; và cuối cùng, bàn tay của người lớn tuổi ban đầu chơi oẳn tù tì với một đứa trẻ. Người lớn tuổi là cha của nghệ sĩ Trần Tuấn, bàn tay ông mất đi ba ngón tay. Trong quá khứ đầy dấu chiến tranh, trong một trò chơi với rất ít lựa chọn, ông đã chọn cho mình một cách chơi riêng và từ đó đến nay sống với kết quả khó khăn, với những điều lệ xã hội khắt khe đi từ lựa chọn đó. Một cách tương phản, trò chơi chi chi chành chành vẫn y nguyên như thế từ cả nghìn năm nay nhưng lời bài đồng dao này đổi khác – thay vì một con ngựa chết, các em nhỏ trong tác phẩm của Trần Tuấn hát về một con ngựa đứt cương; có thể các em đang giúp nghệ sĩ gửi gắm hy vọng rằng cha mình sẽ cải thiện được con ngựa đã theo ông từ bấy lâu.

Trần Tuấn, “Chuyện con ngựa đứt cương”, 2015, màn chiếu phim 3 khung

 

Đối với Tạ Minh Đức, nghệ sĩ sinh ra trong những năm 90, lịch sử được nhìn nhận rất khác. Ám ảnh với câu chuyện dân gian về một con lợn rừng tự cắn đứt chân mình để thoát bẫy, Đức bắt đầu “đi săn” theo dấu tinh thần phi thường này. Anh đi tới hai đầu đất nước nhằm thu thập tài liệu cho hai câu chuyện về chủ đề bẫy động vật. Video thứ nhất Những bộ răng hỏng so sánh những con chim trong sở thú với một đàn chim tự do. Thật lạ lùng, chúng hành xử gần như nhau, cho dù có ở trong chuồng hay không.

Tạ Minh Đức, “Những bộ răng hỏng”, 2015

Video thứ hai, Cái chân bị bỏ lại ghi nhận hành động của một đàn lợn mang nguồn gốc hoang dã nhưng lại được gây giống trong trang trại. Những con lợn này có vẻ sợ hãi gần như bị dại, căng thẳng vì không rõ mình ở đâu; trong khi đó cha mẹ chúng lặng lẽ hiền lành, không có vẻ gì bức bối cả. Tác phẩm của Tạ Minh Đức đặt câu hỏi: liệu có một tinh thần bẩm sinh nào giúp ta vượt ra khỏi ranh giới quanh ta không? Ta bị ảnh hưởng bởi và ý thức đến nhường nào về môi trường mà ta được sinh ra?

Tạ Minh Đức, “Cái chân bị bỏ lại”, 2015

 

Nghệ sĩ Orawan Arunrak cũng lấy cảm hứng từ nơi chốn. Vốn đã tò mò về lịch sử Việt Nam, cô băn khoăn tự hỏi liệu ý niệm về sự sở hữu (một căn nhà chẳng hạn) có khiến người ta khao khát hay không. Dự án của cô bắt đầu với một câu hỏi đơn giản “Bạn muốn sở hữu nơi nào ở Việt Nam?” đặt ra cho một số người bộ hành mà cô gặp. Với mỗi câu trả lời, cô chu du đến địa điểm được nhắc tới và chụp ảnh những địa điểm này lại. Người sở hữu là tác phẩm sắp đặt với ba mươi bức tranh nhỏ màu hồng – những giấc mơ được vẽ lại – trên hai cánh cửa và mười sáu viên gạch, nền móng của một ngôi nhà. Cuộc hành trình sáng tác của Orawan là một minh chứng mạnh mẽ cho việc không ít các nghệ sĩ đương đại trong khu vực Đông Nam Á không còn bó hẹp bản thân trong bốn bức tường của studio để sáng tạo tác phẩm, thay vào đó họ vươn mình và hoà bản thân với thế giới bên ngoài qua các phương pháp khác nhau để tìm tòi và sáng tác nghệ thuật, và được chính những địa điểm này truyền cảm hứng.

Oranwan, “Người sở hữu”, 2015

Với triển lãm Chọn chuyển, việc cả ba nghệ sĩ đều di chuyển từ quê nhà của họ để đến tham gia vào phiên 6 của chương trình Phòng thí nghiệm Sàn Art là một sự trùng hợp đầy thú vị. Qua việc di chuyển và xem xét các phương thức dịch chuyển của loài người, không những ta có thể mở mang biên giới của tư tưởng xã hội và góc nhìn văn hoá qua việc thực hành nghệ thuật, mà còn có thể vượt lên trên các ranh giới của không gian và thời gian, cũng như ý thức về những giới hạn của bản thân.

Thông tin tác giả


Orawan Arunrak
(sn 1985, Bangkok) tốt nghiệp cử nhân ngành mỹ thuận năm 2008. Orawan đã triển lãm ở Thái Lan và nhiều nước trong khu vực, đồng thời làm việc cho những tổ chức nghệ thuật hàng đầu Bankok, bao gồm Trung tâm văn hoá và nghệ thuật Bankok (BACC) trong vai trò trợ lý Curator từ năm 2011 đến năm 2013. Thực hành của Orawan dựa trên sự sáng tạo với những vật liệu thông thường, và khát khao sử dụng thực hành nghệ thuật để kết nối mình với người khác và nơi chốn khác. Cô khám phá ranh giới giữa lao động sáng tạo và những đối tượng nghệ thuật, và khả năng sử dụng cả hai điều này trong liên kết của cô với môi trường xã hội và vật chất của cô. Các triển lãm tiêu biểu của Orawan bao gồm “Rates of Exchange Un-Compared: Contemporary Art in Bangkok and Phnom Penh,”SA SA BASSAC gallery, Phnom Penh, Cambodia and H Gallery, Bangkok, 2014;  “ WAR JOURNEY “, Junetic Festival , Japan, 2014;  Concept Context Contestation: art and the collective in Southeast Asia, 2013; BACC Exhibition Department, Bangkok Art and Culture Centre, Bangkok, 2013; Profane Altars,Sensus luoghi per l’Arte Contemporanea, Italy, 2013; Messy Sky book shown in “Les Fleurs Americaines” (American Flowers) exhibition” at Frac Île-de-France / le Plateau ,France, 2012

Tạ Minh Đức (sn 1991, Hà Nội) tốt nghiệp trường Sân khấu Điện Ảnh Hà Nội năm 2014. Các tác phẩm do Tạ Minh Đức biên kịch và đạo diễn chất vấn sự tồn tại và các mối quan hệ trong cuộc sống, sự cô lập của con người và tiềm ẩn bạo lực. Một số tác phẩm và hoạt động nghệ thuật gần đây của anh bao gồm: ‘Film no.1’ trong Mini DOCFEST, liên hoan phim tài liệu và phim thử nghiệm tại viện Goethe Hà Nội năm 2014; Triển lãm sắp đặt âm thanh và video ‘Nhỏ và Mịn năm 2014 tại Nhà Sàn Studio; Triển lãm nhiếp ảnh ‘Autopsy of the Day’ tại viện Goethe Hà Nội năm 2013; Workshop về phim ‘Super 8’ với đạo diễn Paolo Davanzo và Lisa Marr từ Echo Park Film Center. Ngoài ra anh cộng tác với nghệ sỹ Nguyễn Trần Nam với dự án gallery di động Escape Mobile Gallery trong chương trình ‘Những Chân Trời Có Người Bay’ tại Japan Foundation Hà Nội, 2012.

Trần Tuấn (sn1981) lớn lên tại Huế, tốt nghiệp năm 2006 và mở xưởng sơn mài Then Studio sau đó trở thành Then Café. Những tác phẩm của Trần Tuấn mang nhiều ảnh hưởng từ các câu chuyện lịch sử thầm lặng của gia đình. Bắt đầu sáng tác từ Năm 2010, Trần Tuấn đã tham gia một số triễn lãm đáng nhớ như “Nặng Bồng Nhẹ Tếch” năm 2011 , triển lãm “Mây biến thể” năm 2012 và “Nấm Hoàng Đế” năm 2013. Series tác phẩm “Ngón tay trỏ” của anh vừa tham dự Singapore Biennale 2013. Tác phẩm của Trần Tuấn thường là  điêu khắc ngoài trời. Với kích thước lớn, hình thù kỳ quái, đặt tại những địa điểm gợi câu hỏi về môi trường và sự thờ ơ; các tác phẩm của anh tạo tương quan giữa sản phẩm hư cấu quái dị và thực tế bị uốn vặn, cụ thể hoá những mối nguy hại tiềm ẩn mà thực tại lãng quên.

Mây biến thể” của Trần Tuấn được trưng bày trên mặt hồ Tịnh Tâm trong vòng ba tháng (ảnh: Tú Miu)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả