Tin tức

Cấm xuất khẩu tranh quý, tại sao không? 17. 10. 15 - 4:49 pm

Từ FB của Phạm Long

Một trong những bức chân dung kích thước lớn nhất của Rembrandt có nguy cơ bị bán ra khỏi nước Anh trừ phi có ai đủ xèng mua nó với mức giá chủ sở hữu chào bán: 35 triệu bảng (chưa kể thêm khoản thuế VAT cỡ 660 ngàn bảng).

Để tìm vận may cuối hòng giữ lại báu vật cho đất nước, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Ed Vaizey vừa mới ban lệnh tạm dừng cấp giấy phép xuất khẩu kiệt tác “Chân dung Catrina Hooghsaet” của Rembrandt vẽ năm 1657.

Dame Zandra Rhodes, 74, một nhà thiết kế thời trang ngồi trước bức tranh của Rembrant, với tư thế bắt chước hệt nhân vật trong tranh. Ảnh chụp trong buổi triển lãm tiền khai mạc triển lãm “Rembrandt: The Late Works” diễn ra tại National Gallery ngày 15. 10. 2014, kéo dài tới 18. 1. 2015

Tác phẩm này quan trọng không chỉ vì đó là hiện vật lịch sử mỹ thuật quý hiếm – gắn với sự nghiệp của Rembrandt – mà còn quan trọng với bất cứ ai muốn nghiên cứu về xã hội học Hà Lan thế kỷ 17.

Chân dung Catrina Hooghsaet – quý bà Amsterdam theo đạo Tin Lành, sống ly thân với chồng – phản ánh quyền lực và vị thế độc lập của bà. Trong tranh, sát cánh với bà không phải đức ông chồng ghẻ lạnh mà thay vào đó là chú vẹt cưng, ‘người thừa kế’ có tên hẳn hòi trong bản di chúc của mợ (?!).

Rembrandt, “Chân dung Catrina Hooghsaet”

“Chân dung Catrina Hooghsaet” là một trong những bức tranh của Rembrandt nổi tiếng nhất tại vương quốc Anh, từng xuất hiện trong nhiều bảo tàng danh tiếng của vương quốc nhờ khế ước cho mượn của gia đình chủ sở hữu (mua được bức tranh từ 1860). Năm 2007, Bộ Văn hóa Hà Lan cũng đã liên lạc với chủ nhân bức tranh để cố mua nó về cho bảo tàng Rijksmuseum ở Amsterdam, mà không thành (vấn đề giá cả thôi).

Sau hơn 250 năm ‘cấm cố’ tại Anh, bức tranh có nguy cơ xổng ra nước ngoài nếu không có công dân/và hoặc tổ chức yêu nước yêu hoàng gia nào của Anh quốc mua được nó trong thời hạn giấy phép xuất khẩu tạm thời chưa có hiệu lực.

Anh quốc có cơ may nào không?

Nước Nam ta có cơ may nào không?

Câu trả lời sẽ có chỉ sau một năm nữa: ngày 15. 10. 2016!

*

Zang hồ đồn: bức tranh này từ Hà Lan sang đến Anh quốc vào đầu thập niên 1720 và được chủ nhân lâu đài Penrhyn mua đứt từ trong khoảng thập niên 1860.

Chủ sở hữu tranh là chủ nhân của tòa lâu đài Penrhyn Castle – một trong những lâu đài đẹp nhất vương quốc Anh thế kỷ 19. Ảnh từ Internet.

 

Chủ nhân của bức tranh và lâu đài này này là những người thừa kế của dòng họ Douglas-Pennant, Bắc xứ Wales. Bức tranh khi nằm ở gian khánh tiết tòa lâu đài Penrhyn Castle.

Cũng zang hồ xứ mù sương đồn rằng dòng họ Douglas-Pennant bắt đầu sưu tầm tranh pháo từ những năm đầu của thế kỷ 19; bây giờ, những người thừa kế đời chót không đủ tiềm lực bảo trì lâu đài nên nay lâu đài thuộc quyền quản lý của Quỹ Di sản Quốc gia Anh quốc; nhưng tranh pháo nhẽ ra vẫn do con em dòng họ này sở hữu, muốn bán hay cho thuê/mượn là quyền của họ (?!)

Về cái lâu đài cùa dòng họ này, có chuyện ly kỳ là một hôm, một đoạn thư tình được khắc trên khung cửa sổ của lâu đài Penrhyn được giải mã. Đoạn thư ngắn ngủi này là một trong những điều kỳ bí đối với nhân viên cũng như du khách đến thăm lâu đài trong suốt bao thế hệ qua. Ban đầu, các chuyên gia cho rằng đấy chỉ là một đoạn Latinh vô nghĩa. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ hơn, mọi chuyện hóa ra lại thú vị hơn nhiều.

Tháng 10. 2012, một người Ý tên là Resi Tomat đã cùng với nhân viên của lâu đài phát hiện ra rằng, đoạn thư trên, thực ra là một câu tiếng Ý, với một ít lỗi ngữ pháp, có nghĩa là “được yêu trong lúc đang yêu” (to be loved while loving).

.

Sau khi tìm hiểu kỹ hơn, các nhà sử học tin rằng, hơn 100 năm trước, Lady Alice Douglas-Pennant, thường được người dân địa phương gọi với tên Lady Alice, đã ở căn phòng đó. Bà là con gái thứ hai trong 15 con gái của Lord Penrhyn, chủ nhân tòa lâu đài. Mặc dù có thân phận quý tộc và quyền lực của mình, Lady Alice lại đem lòng yêu một người làm vườn của lâu đài. Sau khi phát hiện ra, Lord Penrhyn đã tìm mọi cách ngăn cản tình yêu của con mình, trong đó có việc giam cầm bà tại căn phòng đó.

Lady Alice

Tờ National Trust hiện đang tiến hành nghiên cứu các dữ liệu lịch sử, gia phả và nhật ký gia đình nhằm xác minh câu chuyện trên. Tuy nhiên, cho dù câu chuyện có phải là sự thật hay không, nó cũng đã có một kết thúc không có hậu. Cho tới khi qua đời ở tuổi 76 tại Luân Đôn, Lady Alice vẫn chưa hề kết hôn, một điều rất hiếm hoi với địa vị của bà và hoàn cảnh lịch sử khi đó. Có lẽ, bà vẫn không thể nào quên đi mối tình bị cấm đoán xưa kia chăng?

Nhưng chính Lady Alice là người đầu tiên cho lập danh mục các tác phẩm hội họa nổi tiếng trong lâu đài

Ý kiến - Thảo luận

14:17 Monday,19.10.2015 Đăng bởi:  PHAM QUOC TRUNG
Thầy Phạm Long viết vui đáo để. Nhiều thông tin. Chúc thầy chơi nhiều uống khỏe và giúp đỡ nhiều học trò ngoan nhé. Thanks
...xem tiếp
14:17 Monday,19.10.2015 Đăng bởi:  PHAM QUOC TRUNG
Thầy Phạm Long viết vui đáo để. Nhiều thông tin. Chúc thầy chơi nhiều uống khỏe và giúp đỡ nhiều học trò ngoan nhé. Thanks 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả