Nghệ sĩ Việt Nam

Xem tranh của họa sĩ “không trang điểm” 02. 11. 16 - 6:26 am

Lý Đợi

 

.

THÌ HIỆN TẠI

Triển lãm tranh của Đinh Ý Nhi
Khai mạc: lúc 18 giờ ngày 05. 11. 2016
Tại phòng tranh Apricot, 50 – 52 Mạc Thị Bưởi, quận 1, TP.HCM

Đinh Ý Nhi không bao giờ trang điểm”. Đây là lời chia sẻ của thi sĩ Ý Nhi về cô con dâu họa sĩ cùng tên mình. Lời chia sẻ tưởng chừng như riêng tư, nhưng không chỉ đúng về thông tin cá nhân, đúng về tính cách, mà nhìn rộng ra, đúng cả phong cách và quan niệm nghệ thuật của Đinh Ý Nhi.

Từ năm 14 tuổi (1981) đã xác định mình sẽ trở thành họa sĩ, tranh thu hút giới làm nghề và giới sưu tập ngay ở triển lãm cá nhân đầu tiên năm 1994. Sau hơn 20 năm chỉ vẽ và vẽ, Đinh Ý Nhi đã là một “cái gì đó” riêng biệt, không cần điểm trang và không cần khoác thêm “áo mão cân đai”.

Đinh Ý Nhi

Xuyên suốt cả hành trình, Đinh Ý Nhi có khoảng 10 năm vẽ bột màu, hơn 10 năm vẽ sơn dầu, còn giấy dó thì chưa biết đến bao giờ nữa. Gần đây chị để tâm nhiều với giấy dó, 2 năm vẽ và bỏ đi cả ngàn bức, triển lãm Hạnh phúc bé nhỏ của tôi (2016) và Thì hiện tại (2016) là một phần nhỏ trong số tranh được giữ lại. Điểm chung trong hành trình đó, Đinh Ý Nhi luôn thể hiện những thân phận tự do. Đôi khi như họ bị cô lập, bị phô bày nội tâm…, nhưng không quỵ ngã.

Triển lãm Thì hiện tại chưa hẳn là một chủ đích cách tân của Đinh Ý Nhi, vì dù hình tướng bên ngoài có đôi chút khác biệt, thì cách nhìn – tâm thế vẫn như vậy. Đó vẫn là những thân phận nữ độc lập, không hề có tính điển hình, nghiêm trang. Nó là một riêng tư thường nhật, vẫn là những dằn vặt, ám ảnh, đam mê, cá tính như các triển lãm trước đây.

.

Xem tác phẩm giấy dó trong Thì hiện tại, tự dưng ta liên tưởng tới dòng tranh Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) bằng mực tàu, dù tâm thế, thủ pháp và quan niệm hoàn toàn khác nhau. Các họa sĩ và tín đồ vẽ Bồ Đề Đạt Ma không vì mục đích thể hiện chân dung, mà tìm sự tịnh tâm trong quá trình tu tập của bản thân bằng cách quán chiếu vào ánh mắt nhi nhiên tự tại của vị sơ tổ này. Vẽ như là vẽ, chứ không vẽ vì mục đích gì, ngay cả chuyện đẹp xấu, mới cũ. Tranh giấy dó của Đinh Ý Nhi cũng là những ánh mắt chân thật, tự tại như vậy.

Họa sĩ này cho biết chị thích tính hình ảnh của thư pháp mà không lưu tâm đến ngữ nghĩa của nó. Điều này có lẽ cũng để lại một phần dấu ấn trong loạt tranh Thì hiện tại, tưởng các bức giống nhau, mà rất khác nhau. Cũng như tranh Bồ Đề Đạt Ma, mới nhìn tưởng giống nhau nhưng cũng rất khác nhau, tùy người đối diện.

.

“Lúc nào tôi cũng vẽ đúng như tôi nghĩ, không bao giờ thêm bớt hay tô vẽ. Nếu như nay tôi vẽ có gì khác là vì suy nghĩ của tôi đã khác chứ không phải chủ đích vẽ vì một cái gì đó, vì thiền, vì ngộ, vì tối giản hoặc u mặc gì đâu. Tôi cũng không cố tình thả lỏng hoặc bó buộc, mà cứ làm theo cảm giác của mình ngay lúc vẽ mà thôi”, Đinh Ý Nhi nói.

Và dường như chất liệu giấy dó trực tiếp, dứt khoát, nguyên trạng… rất phù hợp với suy nghĩ của Đinh Ý Nhi lúc này. Vẽ như đấu kiếm. Kiếm sắc bén, kiếm thủ chuộng hiệu quả, nên ra đòn dứt khoát, đơn giản.

.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Cuối cùng không nhịn được nữa, tôi phải nói ra tên những kẻ đốt tôi đây…

Bài phỏng vấn độc quyền ông Cột Nhà Cháy của phóng viên Đen Nhẻm, báo Bồ Hóng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả