Nghệ sĩ Việt Nam

“Ví đây đổi phận làm gái được” 13. 09. 10 - 10:05 am

Vũ Lâm

 

Nghe tin họa sĩ Đinh Ý Nhi, nữ họa sĩ nổi danh một thời trong những họa sĩ trẻ thập kỷ 90 (của thế kỷ 20, nghe cứ như xa lắm vậy) “tái xuất giang hồ” ở tuổi ngoại tứ thập, tôi lập tức đến xem ngay. Triển lãm diễn ra thật ngắn ngủi, trong có ba ngày (3 -5/9), nhưng cũng đủ để ai đã biết tiếng chị mà “văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình” thì nay được nhìn tranh đến nơi đến chốn. Mà lại toàn là tranh sơn dầu khổ to, mấy chục bức, xem thật đã mắt!

Bởi đúng là tìm xem tranh Ý Nhi rất khó, do chị thường được mời triển lãm ở nước ngoài nhiều hơn ở trong nước. Trung bình cứ khoảng 2 năm chị mới bày tranh một lần (2003, 2005, 2007, 2009). Tranh ở nhà riêng hay các bộ sưu tập trong nước cũng hiếm thấy. Như chị tự nhận tranh mình “chẳng có giá trị trang trí, không ai đi mua tranh về treo hay tặng tân gia mà lại chọn tranh Đinh Ý Nhi”.

Triển lãm diễn ra trong không khí ấm cúng và thân mật vui vẻ. Hầu hết là bạn bè quen của chị và những “fan” hâm mộ nhiệt thành, gia đình chị cũng đủ mặt. Nhất là gia đình bên chồng. Mẹ chồng chị, nhà thơ Ý Nhi (có lẽ là trường hợp độc nhất vô nhị mẹ chồng hy hữu trùng cả tên cả đệm với nàng dâu) cũng bay từ TP HCM ra Hà Nội để dự khai mạc triển lãm của người con dâu yêu quý.

Một loạt bức tranh sơn dầu khổ to, vẽ một hình người duy nhất (cũng khó gọi là chân dung được). Trên nhiều tranh đề lặp đi lặp lại mấy câu tiếng Anh, đọc thấy là: Check (kiểm tra), Security (sự an toàn), Yes (Vâng). Những dấu chữ thập và cái hình nghuệch ngoạc “kiểu Ý Nhi” là những mô-đun, những chữ cái quen thuộc để nhận ra đây là tranh của nữ tác giả này. Mầu tranh và cách vẽ vẫn “xước sát”, mầu chồng nhiều lớp nhưng chuyển tông nóng hơn. Có họa sĩ bạn chị chúc mừng rằng, tranh bây giờ trông ấm cúng hơn đấy. Chị cười đáp vui lại là: “Trước lạnh lẽo là do người ta chưa có chồng, còn bây giờ chồng con rồi nó khác”

Có lẽ triển lãm Những niềm vô hạn bỏ quên này là sự nối dài và tổng hợp của hai triển lãm chị từng bày là Những câu chuyện châu Á (2007) và Security (2009, Thái Lan)

Điều đáng nói là hình dáng của loạt tranh này. Hầu hết các tranh được vẽ ở một tư thế rất… chi là khó nói. Đó là tư thế ngồi xổm, dạng “tè he” ra trước mặt khán giả. Cũng may mà họa sĩ vẽ theo một cách nhìn “nguệch ngoạc” như vẽ chơi trên tường. Có một họa sĩ đến dự bình nhẹ nhàng rằng: Đinh Ý Nhi giỏi việc nói những chuyện “nghiêm trọng” như cợt nhạo. Chứ còn những hình dạng “tè he” kia mà vẽ cổ điển, nuột nà, chau chuốt, hẳn là kinh khủng lắm, có vấn đề với an ninh văn hóa hay “thuần phong mỹ tục” ngay!

Riêng tôi, khi nhìn kỹ tranh Đinh Ý Nhi, tôi có mấy ý như thế này. Các bức tranh chị vẽ (những bức làm chị nổi tiếng ấy) đều có thể gọi là tranh chân dung. Nhưng khó có thể gọi là chân dung một người cụ thể hay chân dung tự họa của chính họa sĩ. Tạm gọi đó là những bức “chụp cắt lớp” chân dung tinh thần của họa sĩ.
Qua tranh, ta luôn luôn hình dung thấy con người tinh thần là một cô bé, một cô bé nhà ở thành phố, có dịp tản cư về nông thôn, cô bé ấy xếch xác, nghịch ngợm, xinh xắn, không quan tâm đến ăn mặc, và tâm hồn ẩn chứa đầy rẫy những bí ẩn thú vị. Tuy bé con nhất, nhưng cô là lãnh đạo trong những trò tai quái của lũ trẻ ở xóm, làm điên đầu người lớn. Và người lớn, thì chẳng ai thèm hiểu cô, trong khi, vừa nghịch và là bậc thầy của lũ trẻ kia, nhưng cô khá tò mò những chuyện của người lớn hơi sớm trước tuổi. Một thói tò mò được cô giấu tiệt cho riêng mình.

Thời gian trải qua, cô bé trở lại thành phố, đi học, lớn lên như mọi đứa trẻ bình thường khác. Nhưng hình ảnh thời “thời oanh liệt” là một cô bé đáng yêu ấy vẫn còn đọng lại mãi trong tâm hồn cô. Rồi trưởng thành như mọi thiếu nữ khác, cô cũng được nếm trải những “chuyện người lớn” mà cô tò mò từ hồi bé. Cô bị một vài người đàn ông làm cho cô tổn thương và sung sướng, sung sướng thì ít mà tổn thương thì nhiều.

Rồi cô trở nên dạn dĩ và mạnh mẽ trước cuộc đời, cô có một gia đình nho nhỏ ấm cúng. Nhưng cô vẫn nuối tiếc cái “thời oanh liệt nay còn đâu” ấy, bởi thời gian không thể quay ngược. Trong cô vẫn có một phần “bé dại” mà cứng cáp, không ai động đến được, vẫn một niềm yêu tự do bé thơ và sự thích thủ tỉ mẩn với con kiến, con chó, lá cây… mọi thứ quanh nhà như thế. Khi mọi thứ “xã hội xung quanh” trở nên khắc nghiệt và già cỗi, cô chui đầu vào cái “lốt” con bé nghịch nghợm ấy để được an toàn. Khi gia đình trở nên quá ấm cúng và mệt mỏi, cô lại khoác lại chiếc áo kén “con bé nghịch ngợm” ấy, để “refresh” lại thân thể và tâm hồn cuối cùng thì rồi cũng phải già như ai. Khi phải đối diện với sự đe dọa của thế giới, cô lại giương lên tấm lá chắn “cô bé nghịch ngợm”, da vàng, bé mọn nhưng kiêu hãnh ấy…

Tóm lại, cái hình ảnh “cô bé nghịch ngợm” trở thành một tấm giáp an toàn cho cô đi suốt cuộc đời này… và hội họa là một phương tiện để đóng băng, để cố định hình ảnh ấy mãi mãi…

 Trước hình ảnh ấy, người xem luôn “sốc” và trăn trở. Dù là hình ảnh được zoom cận mặt và đen – trắng lạnh lùng cô độc như mười năm trước. Hơặc là được zoom ra xa, ấm hơn và dạng “tè he” toàn thân như bây giờ, điều đó gần con người hơn, và cũng trần tục hơn. Xem tranh của Ý Nhi, tôi lại nghĩ đến một điều này. Hình như trong nghệ thuật, đàn bà ít kiềm chế được bản thân hơn đàn ông. Hay nói cách khác, phụ nữ ít giả dối được trong nghệ thuật như đàn ông. Họ chỉ thành thực và giỏi nhất khi biểu lộ được chính bản thân họ. Một cái mụn trên mặt thiếu nữ quan trọng hơn rất nhiều trận thua bóng đá của chàng trai yêu cô gái ấy. Trong những cuộc triển lãm tranh vận động phong trào, thường đếm thấy cực hiếm tác giả là phụ nữ.

Xem tranh Đinh Ý Nhi, lại còn nhớ đến hai tác giả. Một là Balthus, người Pháp gốc Ba Lan (1908 – 2001), người vẽ rất nhiều những tranh thiếu nữ kiểu Lolita, nhưng lại có nét vừa gợi cảm vừa bí ẩn tôn giáo. Và tranh của họa sĩ hiện thực kiểu “hiện thực tồn tại” không màu mè vòng vo là ông họa sĩ Pháp Courbet (1819 – 1877), với bức L’origine du monde (Nguồn gốc thế giới, vẽ năm 1866, treo tại bảo tàng Orsay, Paris). Đó là những bức tranh “dạng tè he” nhưng rất là thực và do đàn ông vẽ).

Tranh của Balthus

Nguồn gốc của Thế giới – tranh của Courbet

Nghĩ cũng lạ, trong lịch sử, rất nhiều người tự nhận giỏi giang chẳng kém gì lũ đàn ông lại “sinh nhầm” trong hình hài phụ nữ. “Ví đây đổi phận làm trai được – Hồ Xuân Hương”. Chắc tại thời trước chưa có dịch vụ chuyển đổi giới tính vừa rẻ vừa nhanh của các bác Thái Lan. Vừa rồi, tôi có một chuyến đi công tác Bắc Kạn, Hà Giang và Sa Pa với một đoàn người mẫu, make-up, chụp ảnh. Trong nhóm ấy, có nhiều bạn là “gay”. Nhưng quan sát các bạn ấy trong chuyến đi, so sánh với nhiều phụ nữ khác trong đoàn, mới thấy một điều kỳ quặc, có bạn trai “gay” nhìn kỹ còn xinh đẹp và cư xử nữ tính hay ho hơn cả những phụ nữ “gin” cùng đi. Lẩm bẩm nhớ đến câu thơ của Hồ Xuân Hương, nếu phải đảo vị trí, chắc là: “Ví đây đổi phận làm gái được/ Thì sự thuyền quyên há bấy nhiêu?”. Chữ “thuyền quyên” có thể thay được bằng một số từ khác, miễn là nó hợp vận.

 *

Bài liên quan:
 
 
 
 
 
 

 

 

Ý kiến - Thảo luận

23:43 Monday,13.9.2010 Đăng bởi:  Pham Huy Thong
Anh Vũ Lâm liệt kê các từ "Check", "Sercurity" "Yes".. vẫn thiếu. Em nhớ còn một bức chị Nhi vẽ một cô dạng "tè he", rồi ở chính ngay chỗ nhạy cảm nhất, chị ấy cho một ký hiệu "XXL" (cỡ to nhất cho áo quần). Em tạm gọi bức ấy là "Tò Lôn", và em rất muốn mua bức ấy. Hầy dà, ví đây đổi phận làm tỉ phú được.
...xem tiếp
23:43 Monday,13.9.2010 Đăng bởi:  Pham Huy Thong
Anh Vũ Lâm liệt kê các từ "Check", "Sercurity" "Yes".. vẫn thiếu. Em nhớ còn một bức chị Nhi vẽ một cô dạng "tè he", rồi ở chính ngay chỗ nhạy cảm nhất, chị ấy cho một ký hiệu "XXL" (cỡ to nhất cho áo quần). Em tạm gọi bức ấy là "Tò Lôn", và em rất muốn mua bức ấy. Hầy dà, ví đây đổi phận làm tỉ phú được. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hà Nội: bạn cần biết địch biết ta...

Lê Thị Liên Hoan (đạo diễn Lê Hoàng)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả