Nghệ sĩ Việt Nam

“Vùng ký ức và những không gian thần bí” của Nguyễn Cầm 11. 02. 17 - 11:15 pm

Thông tin từ BTC

VÙNG KÝ ỨC VÀ NHỮNG KHÔNG GIAN THẦN BÍ
Triển lãm của họa sỹ Nguyên Cầm
tại Salon Saigon – 6D Ngô Thời Nhiệm, Phường 7, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
từ 15 tháng 2 đến 15 tháng 3 năm 2017

Phòng tranh Art Vietnam rất vui mừng được tham gia cùng với Salon Saigon, một trung tâm di sản và văn hoá mới được thành lập, để giới thiệu các tác phẩm của Nguyên Cầm, một hoạ sỹ gạo cội của chúng tôi. Triển lãm này đánh dấu 23 năm hoạ sỹ trở về Việt Nam sau 40 năm vắng bóng.

Sinh năm 1944 tại Hải Phòng, hoạ sỹ trở về Việt Nam lần đầu tiên là năm 1994 sau cuộc di cư của gia đình vào năm 1954. Cầm sống ở Lào, một mình ông nuôi lớn 5 người em từ khi ông 17 tuổi. Tự học hội hoạ, ông mở một phòng tranh ở Vientiane và đã tạo được danh tiếng như một hoạ sỹ có tài năng và đam mê. Năm 1969, với tràn đầy tham vọng và ước mơ, ông chuyển đến Paris để vào học tại Đại học Mỹ thuật, để khẳng định với bản thân rằng ông là một “nghệ sỹ thực thụ”.

Năm 1994, Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã mời Cầm về nước để triển lãm và giảng dạy tại các trường đại học nghệ thuật. Đoàn tụ với đất mẹ sau 50 năm xa cách là một trải nghiệm cảm động và mãnh liệt với nghệ sỹ gạo cội này. Ký ức về Việt Nam của ông chỉ là của một đứa trẻ ngây thơ bị vây bủa bởi sự hỗn loạn và căng thẳng của đất nước vượt ngoài tầm kiểm soát.

Chi tiết bức “Những nét bút 2” của Nguyễn Cầm

Đi dọc theo chiều dài ký ức, những vết tích quá khứ dần xuất hiện trong các tác phẩm của Cầm. Ta bắt đầu thấy các bao tải gạo cũ, giấy tiền vàng mã, các mảnh lá bạc nhỏ được gắn lên tranh trang trọng và tình cảm như thể người ta trang hoàng cho một bức tượng Phật. Những mảnh vỡ quá khứ và sự sùng kính hiện tại cùng có mặt, tô điểm hài hoà cùng với cuộc đời và con tim hoạ sỹ. Ta thấy xuất hiện một cảm giác tự do không dễ mà có được, những bức tường sụp đổ, phù sa bồi tích và tuôn chảy khi suối nguồn hy vọng và hân hoan của người nghệ sỹ rốt cuộc đã được giải thoát khỏi cuộc phong toả của thời gian.

Các tác phẩm ban đầu là một tập hợp của những mảnh vải bạt và toan không có khung, được bồi thêm những mảnh xé ra từ bao gạo, giống như những nhát chém thương tích được bó lại với nhau bằng sợi chỉ hy vọng, những khúc dây thừng đu đưa kết nối tinh tế làm nổi bật hình ảnh một người đàn ông đang vật lộn để hàn gắn những mảnh vụn tâm hồn.

Dần dần, các tác phẩm chuyển thành những dòng suy ngẫm tĩnh lặng về quá khứ và cuộc đời xung quanh hoạ sỹ như sự hoà hợp vào hồi ức. Những niềm vui xuất hiện nhiều hơn với những tia sáng và hy vọng, một dòng chảy của năng lượng được làm mới và một cảm giác tĩnh lặng bình an bắt đầu thống trị. Một trực cảm về thế giới diệu kỳ, về vị trí nhỏ bé của chúng ta trong đó và tính vô thường của đời sống được bung ra trên những mảnh toan khi hoạ sỹ bắt đầu bước vào mùa thu của cuộc đời.

Chi tiết bức “Âm nhạc vô tận” của Nguyễn Cầm

Trong 20 năm qua, Cầm đã quay lại Việt Nam để vẽ, triển lãm và thăm hỏi bạn bè, gia đình, kết nối lại sợi dây ràng buộc với mảnh đất quê hương và ký ức. Các tác phẩm gần đây của Cầm cho thấy một người đàn ông tự tại với nguồn năng lượng mới được đong đầy, thể hiện sự mãnh liệt của cuộc sống với tất cả hạnh phúc và đau thương.

Vùng ký ức và những không gian thần bí 2017 là hành trình của một người đàn ông và trái tim của người nghệ sỹ. Các tác phẩm biến đổi từ những nét bút thư pháp to, đậm trên toan tự do chuyển thành những nguồn năng lượng tĩnh lặng.

Âm nhạc vô tận 2008 thể hiện tình yêu âm nhạc của hoạ sỹ với những nét thư pháp trên giấy Dó như dòng chảy của những bản giao hưởng của Bach mà ông yêu thích. Những dấu ấn trên toan giống như những nốt nhạc trên một bản nhạc kết lại bằng những chiếc lá bạch quả nhỏ ở phía bên phải của bức tranh, một ẩn dụ đầy chất thơ về tính bất tận của đời sống và cũng là của chính cây bạch quả, loài cây lâu đời nhất trong tự nhiên và cũng là một biểu tượng của sự hồi sinh.

“Âm nhạc vô tận”

Thái Bình Dương 2005, Đại dương 2005, và Rong biển II, 2005 là tập hợp phong cách thư pháp đặc trưng của Cầm cùng những điểm nhấn của tự nhiên, tạo ra những không gian thần bí trong tâm trí.

Những nét bút 2, 2006, Dấu vết nét bút và mặt đất 3, 2006, và Vũ trụ và Mặt đất 1 và 2, 2006, gợi nên một hồi tưởng tinh tế về quá khứ với những mảnh bao gạo được xé rời rạc như một hình ảnh biểu tượng cho sự tàn phá của thời gian, hoà cùng những nét thư pháp đầy hy vọng về hiện tại đang trôi qua với từng khoảnh khắc thoắt ẩn thoắt hiện. Người nghệ sỹ đã tìm thấy bình yên trong quá khứ của ông và tiếp tục mang theo nó trong cuộc hành trình của cả thể xác lẫn tâm hồn.

“Những nét bút II”

Vô tận, 2009, là một cái nhìn hướng đến tương lai, tôn vinh quá khứ và trân trọng hiện tại. Một bức tranh đầy hy vọng cộng hưởng với cái đẹp và tinh thần bất diệt, hoạ sỹ đã dùng toan tự do như biểu tượng của cuộc đời không giới hạn, những chiếc là bạch quả tượng trưng cho sự vĩnh hằng và chân trời màu son đỏ sẽ đưa ta tới một tương lai hứa hẹn.

“Vô tận” 2009

Những bức tranh gần đây của Nguyên Cầm, Những vết tích 2, 5 và 8, 2011, là những tác phẩm tươi sáng chứa đầy sự chiêm ngưỡng với cuộc đời, với những nét bút và dấu vết tự do phóng khoáng hơn. Đầu đông, 2012, và Đông chí, 2013, thể hiện một cái nhìn mới đối với thế giới. Đó là khi người đàn ông và người nghệ sỹ đều đã quay lại hoà nhập với thế giới.

“Những vết tích 2”

Nguyên Cầm đã có nhiều triển lãm rộng rãi trên thế giới như ở Tây Ban Nha, Bỉ, Mỹ, Pháp, Hong Kong, Nhật Bản, Đức. Tranh của ông có mặt trong nhiều bộ sưu tập cá nhân và cộng đồng trên thế giới.

Phòng tranh Art Vietnam vừa tổ chức cho Nguyên Cầm cuộc triển lãm 20 năm – Dấu ấn cội nguồn vào năm 2014 ở Hà Nội. Chúng tôi hân hạnh hợp tác cùng Salon Saigon, giới thiệu tranh của ông ở nơi ông đã có triển lãm vào lần đầu tiên về nước.

Xin mời các bạn đến với chúng tôi để chào mừng sự trở về này.

Suzanne Lecht
Giám đốc Nghệ thuật
Phòng tranh Art Vietnam

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả