Nghệ sĩ Việt Nam

12 nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam 26. 04. 10 - 10:52 pm

Từ Viet Art Centre và Đào Mai Trang

 

Giới thiệu cuốn sách song ngữ Việt- Anh:
“12 nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam”
10h, thứ Tư, ngày 28- 4- 2010
Tại  Viet Art Centre, 42- Yết Kiêu, Hà Nội.

Trong giới hạn thời gian của hai thập niên qua, ít nhất ba thế hệ nghệ sĩ mỹ thuật của Việt Nam đã và đang tiếp nối nhau cùng làm nghệ thuật. Bên cạnh việc chinh phục công chúng trong nước, họ còn mở rộng biên giới nghệ thuật giữa Việt Nam với phần còn lại của thế giới, nói cách khác, họ đem nghệ thuật của mình ra thế giới với tâm thế tự tin hơn, dần vượt qua cái nhìn ngoại lai phần nào thiên kiến. Việt Nam cũng trở thành điểm dừng chân của ngày càng nhiều nghệ sĩ nước ngoài, thành nơi trở về của những nghệ sĩ mang một phần hoặc toàn phần dòng máu Việt. Dòng giao lưu giữa nghệ sĩ trong và bên ngoài biên giới Việt Nam có thêm nhiều điều kiện được mở rộng, được thông luồng mạnh mẽ.

Xét riêng ở khía cạnh nghệ thuật, thời gian này cũng chính là thời gian mỹ thuật Việt Nam trải qua một bước ngoặt lớn về hình thức, nội dung, quan niệm. Mỹ thuật từ những giới hạn của từng bộ môn riêng lẻ như hội họa, điêu khắc, đồ họa tiến tới những hình thức nghệ thuật rộng mở về giới hạn không gian, thậm chí cả thời gian thưởng ngoạn và qua đó, mở rộng thế giới quan của con người về một lĩnh vực nghệ thuật.

12 nghệ sĩ mỹ thuật đương đại Việt Nam đều có những thành tựu nghệ thuật được rộng rãi công chúng và giới mỹ thuật cả nước biết đến. Họ ít nhiều có những ảnh hưởng tới cộng đồng đồng nghiệp và hiệu ứng thẩm mỹ xã hội, tùy mức độ, phạm vi khác nhau. Họ khác nhau nhiều ở hoàn cảnh sống, xuất thân, cũng như ở các suy nghĩ, quan niệm, tác phẩm nghệ thuật. Điểm chung của họ (có lẽ) là nghệ thuật không dừng lại là những tiếng nói cá nhân, về cá nhân và cho cá nhân. Hơn thế, nghệ thuật của họ thử thách chính họ và công chúng thưởng lãm ở đa dạng góc độ: thói quen tư duy (về nghệ thuật), thói quen cảm xúc, thói quen ứng xử và thói quen nhìn nhận về nghệ thuật trong tương quan với xã hội, con người và thời cuộc.

Cuốn sách không chứa đựng một tham vọng lớn nào khác ngoài việc giới thiệu thêm với bạn đọc trong và ngoài nước một đời sống nghệ thuật đương đại Việt Nam với một sự trân trọng dành cho các nghệ sĩ, thay lời ủng hộ họ trên hành trình nghệ thuật luôn nhiều thách thức và rào cản. Sách được in màu, 210 trang, khổ 24cm x 25cm, do Nxb Thế giới ấn hành. Dự án xuất bản này đã nhận được tài trợ cho phần chuyển ngữ từ Quỹ Phát triển và trao đổi văn hóa (CDEF), ĐSQ Đan Mạch tại Hà Nội.

Buổi giới thiệu sách, với sự tham dự của Đại sứ Đan Mạch, 11 tác giả và 12 nghệ sĩ, sẽ được tổ chức tại Viet Art Centre, 42- Yết Kiêu, Hà Nội, từ 10 giờ sáng, ngày 28- 4- 2010. Trân trọng kính mời quý vị đến dự.

Sơ lược về 12 nghệ sĩ và 11 tác giả trong sách

Nghệ sĩ:

1.Vũ Dân Tân (1946- 2009, Hà Nội): Trường hợp độc đáo nhất của nghệ thuật đương đại VN. Ông tạo nên một thế giới nghệ thuật hoàn toàn khác với tất cả các dòng hướng nghệ thuật đương đại VN khác.

2. Trương Tân ( 1963, sống tại Paris &Hà Nội): Ông có nhiều ảnh hưởng đến đồng nghiệp trẻ bởi thông qua nghệ thuật của ông, người ta có thể thấy rõ bản ngã của ông cũng như sự thành thực của ông với bản ngã của chính mình. Đồng thời, nghệ thuật của ông, tranh vẽ, nghệ thuật sắp đặt và trình diễn, là những bản ngợi ca miên viễn về thẩm mỹ.

3.Trần Lương (1960, Hà Nội): Nghệ sĩ đương đại và giám tuyển nghệ thuật VN được biết đến nhiều nhất ở bên ngoài biên giới. Ông cũng được biết đến như là một người tiên phong của nghệ thuật đương đại VN.

4.Đào Anh Khánh (1959, Hà Nội): nghệ sĩ trình diễn nổi tiếng  nhất của Việt Nam. Ông bắt đầu thực hành nghệ thuật trình diễn từ năm 1999. Ông và các tác phẩm nghệ thuật trình diễn của ông luôn được tranh luận với hai chiều ý kiến ngược nhau: đó là nghệ thuật hay là thứ mang tính giải trí…

5. Đinh Ý Nhi (1967, Hà Nội): Có lẽ, chị là nữ họa sĩ đầu tiên của Việt Nam từ bỏ dạng hội họa thấm đẫm tính trang trí truyền thống. Chị vẽ về những nỗi sợ hãi và sự đồng nhất hóa của con người trong thời đại toàn cầu.

6.Nguyễn Minh Thành (1971, Hà Nội): Anh là một nghệ sĩ nghệ thuật sắp đặt và họa sĩ Việt Nam nổi tiếng nhất ở bên ngoài lẫn bên trong biên giới VN. Tranh vẽ của anh có thể nói với khán giả  rất nhiều về tâm lý con người bởi anh nhìn sâu vào bản ngã chính mình để hiểu được tính cách chung của con người.

7.Nguyễn Bảo Toàn (1950, Hà Nội): Nghệ thuật sắp đặt của ông cho thấy rằng thẩm mỹ truyền thống VN có thể rất hợp với nghệ thuật đương đại mang giọng điệu đầy thử thách.

8.Lê Quảng Hà (1963, Hà Nội): Ông có lẽ là họa sĩ đầu tiên của hội họa đương đại VN nói lên những tiếng nói thẳng thắn và trực tiếp về những vấn đề phổ quát của nhân loại hiện nay như khủng bố, dục tính.

9.Jun Nguyễn Hatsushiba: Ông có cha là người Việt, mẹ là người Nhật Bản. Ông nổi tiếng với những tác phẩm nghệ thuật video (video art) về xe xích lô dưới nước. Ông được mời tham gia nhiều liên hoan nghệ thuật được đại định kỳ hai năm (biennale) uy tín trên thế giới.

10. Ly Hoàng Ly (1975, sống tại tp. HCM): Chị là nữ nghệ sĩ nổi tiếng nhất của nghệ thuật trình diễn VN. Chị được mời tham gia nhiều liên hoan nghệ thuật trình diễn cũng như các kỳ triển lãm nghệ thuật định kỳ 2 năm uy tín, như một đại diện của châu Á và VN. Nghệ thuật của chị tập trung thể hiện số phận của giới nữ VN và châu Á nói chung trong truyền thống và những dấu vết của nó trong xã hội đương đại.

11.Lê Quang Đỉnh (Dinh Q. Le) (1969, Hà Tiên): Anh là một người Việt di cư sang Mỹ từ khi còn nhỏ. Thực hành nghệ thuật của anh hết sức đa dạng mà độc đáo; ví dụ như việc  anh cắt các tấm hình thành từng sợi và dệt chúng thành “các bức tranh” lên tiếng mạnh mẽ về nhiều vấn đề của đời sống con người, trong đó, số phận của những di dân được anh chú ý. Các sáng tác của anh được nhiều bảo tàng và gallery uy tín thế giới sưu tập và mời triển lãm.

12.Lý Trần Quỳnh Giang ( 1978, Hà Nội): Chị chọn một con đường chông gai trong nghệ thuật, làm những bản khắc gỗ độc bản- giống như tranh nguyên bản. Nghệ thuật của chị thể hiện sự độc lập của tính cách và thông qua nghệ thuật, những phẩm chất của giới nữ được bộc lộ bất chấp các áp lực và sự bất công về giới trong xã hội.

Người viết:

1.PGS. Đỗ Lai Thúy (1946, Hà Nội): Ông là một nhà phê bình văn học nổi tiếng ở Việt Nam. Ông nghiên cứu nhiều về các lý thuyết phân tâm học của S. Freud và K. Jung và áp dụng chúng một cách thành công trong việc phê bình, phân tích một số tác phẩm và tác giả văn chương xuất sắc của VN. Về lĩnh vực hàng xóm với văn chương là nghệ thuật thị giác và nghệ thuật đương đại nói chung, ông yêu thích chúng từ khi còn trẻ. Bởi vậy viết một tiểu luận về nghệ thuật đương đại VN nhìn từ góc độ Tâm lý học và xã hội học, với ông, là một thuận lợi.

2.Nora A. Taylor: Giáo sư về nghệ thuật Đông Nam Á của Viện nghệ thuật Chicago (Mỹ). Bà là tác giả của cuốn sách Họa sĩ ở HN: một nghiên cứu nhân học về nghệ thuật VN (Hawaii 2004 và NUS Press, 2009) và một số bài viết riêng về nghệ thuật hiện đại và đương đại VN. Bà cũng là giám tuyển một số triển lãm nghệ thuật VN lớn tại Mỹ như  Bản diện đổi thay: sáng tác gần đây của một số nữ họa sĩ VN, Ký ức xanh: sắp đặt của Trần Trọng VũThở là tự do: tác phẩm mới của Jun Nguyễn Hatsushiba,…

3.Iola Lenzi: Được đào tạo nghề luật sư, song hiện  bà là một nhà phê bình nghệ thuật uy tín của Singapore, chuyên về nghệ thuật đương đại Đông Nam Á. Bà là phóng viên tại Singapore của báo Nghệ thuật châu Á (London), biên tập viên cộng tác của tạp chí C- Arts, tạp chí uy tín về nghệ thuật đương đại châu Á.

4.Trang Thanh Hiền (1974, Hà Nội): giảng viên Đại học Mỹ thuật VN

5.Vũ Đức Toàn (1982, Hà Nội): một cây viết phê bình nghệ thuật độc lập đồng thời là một nghệ sĩ tha thiết với nghệ thuật thử nghiệm. Anh tốt nghiệp khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật- ĐHMTHN năm 2007.

6.Bùi Như Hương: Bà có nhiều năm làm việc tại Viện Mỹ thuật- ĐHMTHN. Bà là một nhà phê bình mỹ thuật uy tín. Tác phẩm sách gần đây của bà là cuốn Hội họa mới VN thập kỷ 90, xuất bản năm 2001.

7.Natalia Kraevskaia: Bà là chủ salon Natasha, 30- Hàng Bông, HN, nổi tiếng. Tuy nó phải đóng cửa từ vài năm trước vì nhiều lí do, song bà hiện vẫn làm việc với rất nhiều dự án về nghệ thuật đương đại Việt Nam ở trong và ngoài nước. Bà vốn là tiến sĩ ngôn ngữ học, sang VN nghiên cứu từ đầu thập niên 80, thế kỷ XX.

8.Nguyễn Phương Linh (1985, Hà Nội): Chị là một nghệ sĩ trẻ VN đang lên. Chị giành được giải Nhất- cuộc thi nghệ thuật đương đại VN do ĐSQ Italy tổ chức và sang Ý một năm để khám phá nghệ thuật đương đại ở đó.

9.Moira Roth (1933, Luân Đôn, Anh): Giáo sư Lịch sử Mỹ thuật, Đại học chuyên ngành Mills , California, Mỹ, nhà phê bình và sử gia nghệ thuật nữ quyền, viết và giảng bao quát về nghệ thuật đương đại.

10. Vũ Lâm (1977, Hà Nội): phóng viên báo Thời Nay (phụ trương của báo Nhân Dân), tốt nghiệp khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, ĐHMTHN.

11.Đào Mai Trang (1976,  Hà Nội): Biên tập viên Mỹ thuật, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Bộ VHTTDL.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nói lại với Mỹ Ngọc

Người xem Hà Nội

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả