Ở Đâu - Làm Gì

Art talk PHẬP PHỒNG: Phần 1: “Chiến” và “Nở” 05. 12. 11 - 6:56 am

Bài và ảnh: B&G

 

PHẬP PHỒNG
Triển lãm sắp đặt của các tác giả nữ trẻ thành viên của CHAAP COLLECTIVE

Khai mạc triển lãm: 18h00  Thứ Năm 1. 12. 2011
Giao lưu nghệ sĩ: 18h00  Thứ Sáu 2. 12. 2011
Thời gian triển lãm: 2. 12 – 13. 12. 2011, mở cửa hàng ngày từ 9h00 đến 19h00
Địa điểm: Viện Goethe Hà Nội, 56-58 Nguyễn Thái Học

*

Buổi art talk diễn ra vào lúc 6h chiều, 2. 12. 2011. Đọc láng quáng trên Soi, cuối cùng tôi bỏ lỡ mất buổi khai mạc vào 1. 12, chỉ còn đi được art talk.

Giám tuyển Trần Lương dĩ nhiên là một trong những người đầu tiên có mặt tại phòng triển lãm


Dần dần cũng khá khá người đến dự art talk và đang ổn định chỗ ngồi

 

Bà giám đốc viện Goethe (khăn xanh)


Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế (ngoài cùng, bìa trái) ngồi cạnh chị Trang Thanh Hiền của viện Mỹ thuật


Từ trái qua phải, hàng đầu, là các tác giả: Phạm Hồng, Hoài Thơ, giám tuyển Trần Lương, Hường, Ngọc Huế, Hồng Ngân, Thu Thủy.

 

Mở đầu, họa sĩ-giám tuyển Trần Lương nói: “Kính thưa quý vị, trước tiên tôi xin làm cái việc mà đáng ra là của ngày hôm qua, nhưng lúc khai mạc tôi bị kẹt đường thành ra không có mặt. Để có được triển lãm này, chúng tôi không thể nhắc đủ được hết những người đã ủng hộ cũng như giúp đỡ để triển lãm được hoàn thành.Chúng tôi xin cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ trước tiên từ viện Goethe, giám đốc và nhân viên viện Goethe, trong suốt nhiều tháng trời, từ khi chuẩn bị đến khi triển lãm ra đời, rồi những người cộng tác viên, dịch chuyển ngữ…Sâu tận đáy lòng, với tư cách curator triển lãm này cũng như thay mặt dự án của chúng tôi trong 8 tháng, tôi chân thành cảm ơn những người đã giúp chúng tôi để triển lãm được như ngày hôm nay”.

Tiếp theo là xoay quanh những ý kiến phản đối của một số người nước ngoài trước tác phẩm “Chiến” của Hồng Ngân.

Sắp đặt “Chiến” của Hà Thị Hồng Ngân. Chất liệu: lưới inox, tôn, sắt, dây thép, ốc vít, sỉ than, mèo, chuột, nơ

 

Trần Lương: Bản thân tôi là một nghệ sĩ quốc tế có kinh nghiệm, tôi biết đây là việc không thể chấp nhận ở những nước phát triển, nhưng đối với chúng ta, những nước đang phát triển, còn rất nhiều vấn đề không chỉ là về súc vật mà còn về con người chúng ta còn chưa có đủ. Nghệ sĩ Hồng Ngân làm với con vật cũng như là một cấu tứ nói lên thân phận con người, nhưng bản thân con vật này bị phản ứng bởi cộng đồng châu Âu và chắc là không tránh khỏi đêm nay chúng tôi phải giải thoát những con chuột con mèo này. Tác phẩm này sẽ chỉ còn là một tờ giải trình. Đây cũng là một điều rất hấp dẫn nhưng cũng là một điều đáng buồn cho thứ nghệ thuật mà chúng tôi đang làm.

Tuy vậy, tôi cũng muốn nói thêm, nghệ thuật là những gì luôn luôn đi trước, luôn thách thức luật pháp, đạo đức. Chuyện này không chỉ xảy ra tại các nước đang phát triển mà ngay tại trung tâm các nước phát triển, văn minh trên thế giới; tại các nước Châu Âu, hay ở Mỹ cũng thường xuyên xảy ra vì nghệ sĩ là những người luôn nói lên những tình trạng mới khi xã hội thay đổi, và vấn đề đạo đức luôn luôn xoay chuyển. Rõ ràng với hoàn cảnh Việt Nam chúng tôi biết trước sự việc sẽ xảy ra, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện được tác phẩm này như một thông điệp của chúng ta về quyền lợi con vật cũng như con người… Nhóm nghệ sĩ nữ ngồi đây thực chất là trong nhóm Chap Collective; tôi xin nói qua về lịch sử nhóm này.

Trong lịch sử nghệ thuật, nghệ thuật thực nghiệm và đương đại tại Việt Nam ra đời từ những nhóm, tất nhiên cá nhân vẫn là quan trọng. Trong một vài hoàn cảnh lịch sử, ở những nơi chưa đủ điều kiện xã hội hoặc điều kiện về mặt chuyên môn, thường người ta tụ tập thành nhóm. Việc thành lập nhóm là một sự hỗ trợ lẫn nhau, động viên, ủng hộ về các điều kiện khác để làm việc, cũng như có một nguồn lực về mặt tư tưởng. Chap Colective là nhóm nghệ sĩ trẻ nhất, ra đời sau nhất ở Việt Nam cũng như ở Hà Nội. Các em là sinh viên có tổng khoảng 30 người ở khắp các trường khác nhau chứ không chỉ riêng quá khứ là học Mỹ thuật, đều là những ngườu yêu nghệ thuật, hoặc muốn tiếp cận với nghệ thuật. Chúng ta không có đủ dạng đào tạo xã hội như các trung tâm nghệ thuật, các CLB nghệ thuật, artist studio của các nghệ sĩ nổi tiếng luôn luôn mở cửa để tiếp nhận các nghệ sĩ trẻ như trong lịch sử hàng ngàn năm của nhân loại. Vì vậy, rất nhiều người gọi là nghiệp dư thôi, nhưng họ có trái tim yêu nghệ thuật mà không có điều kiện về mặt văn hóa thì những nhóm Collective này chính là điều kiện xã hội để cho mọi người tiếp cận nghệ thuật một cách mềm mại nhất…

Triển lãm này làm ra không phải là mục đích để làm ra vật phẩm nghệ thuật. Mục đích của nó đầu tiên là một dự án đi từ ý tưởng hoàn cảnh xã hội, từ cá nhân, sau đấy đúc kết rút ra vấn đề gì mà những người nghệ sĩ nữ phải đối mặt trong đời sống của họ.

Chi tiết “Chiến” của Hồng Ngân. Cái đen đen ẩn nấp chỗ dây thừng là con mèo bị nhốt.

 

Một người xem: Đi ngay vào tác phẩm “Chiến”, tôi muốn hỏi ý kiến của những khán giả phương Tây như thế nào khi phản đối viện Goethe trưng bày tác phẩm này? Các nghệ sĩ đã trả lời như thế nào? Tại sao chúng ta phải gỡ bỏ tác phẩm này?

Giám đốc viện Goethe: Người xem phương Tây phàn nàn, phản đối sự cầm tù, tra tấn con vật. Người Châu Âu rất nhạy cảm trước vấn đề bảo vệ động vật, và thực chất đây là một vấn đề rất nhạy cảm. Tác phẩm này, trong quan điểm người Châu Âu, là mạnh quá, không thể chấp nhận. Sau khi thảo luận với nghệ sĩ và anh Trần Lương, chúng tôi quyết định sẽ chấm dứt tác phẩm này sau ngày hôm nay, coi như đây là một tác phẩm sắp đặt tạm thời, chúng tôi không muốn làm tổn thương đến cảm xúc nhạy cảm của người xem.

Hà Thị Hồng Ngân: Sau khi thảo luận với anh Trần Lương và bà giám đốc, tôi cũng quyết định sau cuộc nói chuyện ngày hôm nay thì thả những con mèo đó ra, bởi vì cái thứ nhất tôi tham gia triển lãm tại viện Goethe – là một viện của nước ngoài chứ không phải của Việt nam. Tôi tôn trọng những quan niệm của người phương Tây cũng như là những ý đóng góp của mọi người với tác phẩm của tôi. Ngay từ đầu anh Trần Lương đã nói với chúng tôi vấn đề này và chúng tôi cũng lường trước được là sẽ có thể xảy ra chuyện này. Tuy nhiên chúng tôi vẫn làm. Tôi ấp ủ tác phẩm này từ lâu, tôi cảm thấy bản thân tôi hay các chị em phụ nữ cũng như một con mèo. Qua một ngày khai mạc và buổi nói chuyện ngày hôm nay, tôi đã rất mừng khi tác phẩm được chia sẻ với quý vị dù chỉ trong 1, 2 tiếng đồng hồ. Tôi cũng đồng ý với quyết định của giám đốc và anh Trần Lương là hãy coi nó như một cuộc trình diễn.

Giám tuyển Trần Lương chia sẻ thêm: mèo ở đây được ăn xúc xích và chuột ăn pho mát. Ngày hai lần nghệ sĩ đều vệ sinh sạch sẽ cho chúng.

Giám tuyển Trần Lương

 

Họa sĩ Lê Quảng Hà: Tôi xin có ý kiến, khi xem tác phẩm này tôi thấy tác giả nhân đạo hơn những người đang phản đối nó. Chúng ta thấy mèo là một loại ăn thịt chuột. Con mãnh thú khi đi săn, nó tự đặt cho nó quyền đi săn các loại khác, và nghiễm nhiên đây là quyền Thượng đế ban cho nó, cũng như kẻ mạnh nuốt kẻ yếu, cá lớn nuốt cá bé. Và đây tôi thây giữa lồng hai con khác nhau, con mèo dù mãnh liệt đến mấy, ham ăn con chuột đến mấy thì cũng không thể ăn được con chuột. Vậy những người phản đối nó muốn thả chúng ra để chúng ăn nhau à. Chính thế tôi cho rằng tác giả nhân đạo hơn những người phản đối nó.

Một vị khách: Ý tưởng của tác giả thì tôi rất hoan ngênh nhưng giả sử không phải mèo và chuột, không phải là con vật, mà là một cái gì đó trong tác phẩm… Tôi là một người yêu nghệ thuật nhưng bản thân là một nhà công nghệ môi trường nên lúc nãy khi nghe tôi đã hiểu cái ý của tác giả. Tôi xin nói thật chắc ngồi đây rất nhiều người am hiểu về nghệ thuật nhưng về công nghệ môi trường tôi nghĩ chắc là ít, bởi vì tôi đã từng cộng tác với các cơ quan quốc tế Hà Nội, nghiên cứu về công nghệ môi trường Việt Nam, tôi thấy có cái gì đó chưa giải thích được là sao lại cho chuột và mèo sống trong một cái lồng, nay thì riêng phần tôi, đứng ở góc độ môi trường mà lại là nhà công nghệ môi trường yêu nghệ thuật, thì nói thật tôi hơi thông cảm với ý kiến của người nước ngoài. Còn ở ta thì xin lỗi, nói công nghệ môi trường rất nhiều người nói nhưng bản chất của nó là cái gì thì không nhiều người biết. Tôi nói thế để đánh giá cao ý tưởng của tác giả nhưng tôi chỉ lưu ý rằng liệu có thể chuyển hướng của tác phẩm này theo hướng người ta vẫn hiểu là mèo và chuột trong lồng nhưng không phải mèo và chuột hàng ngày phải cho ăn. Và cảm ơn tác giả, tôi chia sẻ với quyết định của viện Goethe và tôi nói thật nếu tôi mà ở Hội đồng của các nhà khoa học thì tôi cũng đề nghị là ý tưởng rất hay nhưng nếu mèo và chuột chỉ ở trong lồng thì mô hình chỉ nên để trong một thời gian ngắn.

“Chiến” của Hồng Ngân và “Nở” của Phạm Hồng. Statement của “Chiến”: “Cái ta nhìn thấy ở nó:/Mềm mại, lười biếng, lả lướt, quyến rũ và / Luôn luôn chiến thắng… / Cái ta không nhìn thấy: / Sẵn sàng, quyết chiến, hận thù,/ Và trả mọi giá cho miếng ăn / Lại gần một chút thôi / Sẽ thấy những điều khác… / Chẳng biết buồn hay vui?”

 

Một vị khách khác: Để cập nhật với các ý kiến của các bạn, tôi xin kể một thông tin xảy ra cách đây đúng mười ngày, hôm 22. 11. Chúng tôi có tổ chức một cuộc hội thảo và nó chẳng liên đến chuyện này nhưng lại có sự trùng hợp nào đó. Cuộc hội thảo ấy có tiêu đề “nâng cao nghệ thuật biểu diễn xiếc thú”. Bởi vì lâu nay có một thực tế là xiếc Việt nam vắng bóng những con thú mà những con thú lại rất hấp dẫn với khán giả trẻ con, thế nên xiếc bị ế khán giả. Khi tranh cãi làm sao để cái thiện tình trạng này thì diễn ra một cuộc xung đột ý kiến khác nhau hệt như quý vị vừa trải qua trong việc có những con mèo trong trưng bày.Tôi xin nói lên kinh nghiệm thế này: việc đó chúng tôi phải tổ chức và đình hoãn rất nhiều lần vì có tiếng nói phản đối của công ước bảo vệ động vật, và có thể dẫn đến việc đến một lúc nào đó sẽ không có con thú tham gia biểu diễn xiếc. Tuy rằng công ước ấy ở Việt Nam chưa được kí kết, chúng ta vẫn còn là một ngoại lệ, tạm thời xiếc thú được biểu diễn và chúng tôi vẫn tổ chức hội thảo ấy, nhưng chỉ trong một phạm vị hẹp hơn và lái nó với chủ đề là làm sao cho xiếc thú tạo nên sự thân thiện của con người với con thú.

Trong việc chúng ta tranh cãi đưa con mèo thật vào trình diễn ở đây, tôi thấy chúng ta cần có sự phân biệt hai điều: con thú thật và chúng ta đối xử với nó như một sinh thể, với việc tác giả ở đây đã dùng nó như một chất liệu, một phương tiện và như vậy là như thế nào? Như vậy có vi phạm điều gì không? Vì nó là một cơ thể sống, nó không phải một men chết, một chất liệu chết. Và khi chất liệu sống được dùng và kéo dài như thế này thì cũng là một sự đầy đọa. Nó đáp ứng một ý đồ nào đấy của tác giả và tôi thấy nó bất cập với một trình diễn sống hôm qua của một tác giả nữ trẻ đội đá lên đầu mà tôi nói với người bạn của tôi đây là khổ hình. Một người phụ nữ trẻ mặc áo rất mỏng trong thời tiết không phải nóng bức và đội trên đầu một tảng đá nặng, lạnh. Tôi tò mò đến mức đã ra sờ và chạm vào đá, cảm thấy cái lạnh của nó và tôi đã cảm thấy sự chịu đựng của người phụ nữ.

Trình diễn “Hạnh phúc” của Hà Thị Hồng Ngân. Chất liệu: vải, đá đông lạnh. Màn trình diễn này diễn ra hôm khai mạc, được quay lại bằng video chiếu trong phòng hôm art talk. Trong ảnh, tay cô dâu cầm hoa đá.


Cổ đeo vòng kiềng đá


Khuôn mặt đau đớn của cô dâu khi mặc một số đá đông lạnh lên người. “Bố mẹ tôi chia tay nhau khi tôi 10 tuổi, chị gái tôi ly hôn 3 năm sau đám cưới, tình yêu của tôi đổ vỡ… nhìn ra xã hội cũng đầy rẫy hoàn cảnh, thậm chí còn khốc liệt hơn. Tôi tự hỏi hạnh phúc đích thực ở đâu? Khi ta bước chân lên xe hoa, hạnh phúc bắt đầu, hay bắt đầu khổ đau? Hạnh phúc quá mỏng…”

 

Tôi cảm giác các bạn đang muốn tạo ra một cảm giác rất thực, tôi thấy sự liên hệ giữa các tác phẩm ở đây. Người ta không quan tâm đến việc con mèo kia bắt chuột hay không bắt chuột, người ta thấy cái lồng đang nhốt nó và ngay cả cái kêu của nó cũng rất rón rén, thảm thiết. Công chúng nào đó phản đối việc này tôi cho là họ có lí do của họ, và chúng ta cũng phải tôn trọng dù chúng ta có những khác biệt.

Giám tuyển Trần Lương ngắt lời: Nghệ sĩ đưa việc này ra là để bật lên dấu hiệu xã hội mà chúng tôi đối mặt, đó là mục đích của nghệ sĩ chứ nghệ sĩ không ngớ ngẩn gì lại làm cái này ra để người ta phản ứng anh ạ. Trên dọc đường chúng ta đi ở Hà Nội, những con chim bị vặt lông giãy đành đạch trước mắt chúng ta mà không có một cơ quan nào đứng ra bảo vệ, còn muôn vàn những dẫn chứng khác. Thí dụ vừa rồi lão bà bà Abramovic làm một cái trình diễn mà đem người thật ra, làm những vật object cho bà ta trình diễn; ngay cả xã hội văn minh phương Tây cũng vừa xảy ra với những chuyện như thế với con người chứ không phải con vật. Chúng ta luôn luôn phải nhìn thông điệp nghệ thuật theo một góc nhìn khác thay vì áp dụng những luật xã hội bình thường như với những con vật ngoài xã hội.

Một khán giả nữ: Đây là một triển lãm rất cuốn hút nên này giờ toàn là các bạn nam giới nói. Tôi rất thích và bị ấn tượng với triển lãm này, tôi thích đến mức nằng nặc đòi cha tôi đến đây xem. Tôi công nhận tác phẩm “Chiến” của bạn Hồng Ngân rất đáng để tranh luận sôi nổi. Cha con chúng tôi đã cũng có những tranh luận rất sôi nổi. Theo như tôi hiểu, đây là triển lãm của những nghệ sĩ nữ nói về nữ quyền cũng như vai trò của người phụ nữ ở xã hội đang thay đổi. Cha tôi sau khi xem các tác phẩm có nói ở tác phẩm “Chiến”, ông không nhìn thấy liên hệ nào với cả chùm tác phẩm. Tôi thì có quan điểm khác, và thay mặt chị Hồng Ngân, để có những phản biện lại là những tác phẩm này có những liên hệ. Cha tôi hôm nay bận không đến được, và đã nói là hãy để chính tác giả Hồng Ngân có cơ hội nói về ý tưởng đấy. Nhân tiện là trong tác phẩm này, chị Hồng Ngân có nói phụ nữ giống con mèo và có rất nhiều đặc tính của mèo, vậy thì chị liên hệ gì về chuột nếu như phụ nữ là mèo?

Hồng Ngân: Trước hết tôi xin lỗi tất cả đấng mày râu ở đây vì là quả thật phụ nữ đôi khi ở một khía cạnh nào đấy, một nhóm nhỏ nào đấy, có vài người coi đàn ông như những con mồi của mình. Đấy là sự thật, nên đấy là phần liên hệ tôi muốn nói ở đây.

Họa sĩ Ngọc Huế (ngoài cùng, bên trái), Hà Thị Hồng Ngân (áo đỏ), họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, chị Trang Thanh Hiền (áo đen)

 

Một vị khách nước ngoài: Chúng ta đã nói về tác phẩm “Chiến” nhiều rồi, vậy hãy dành cơ hội cho các tác giả khác chia sẻ về những tác phẩm của họ?

Phạm Hồng: Tôi là tác giả của “Nở”. Tôi xin nói về xuất phát để làm ra tác phẩm này. Bản thân tôi có một câu chuyện về quá khứ: tôi luôn luôn suy nghĩ về hình thức, tính cách tự ti của mình. Về hình thức bên ngoài, tôi luôn cố gắng tỏ ra mạnh mẽ, lúc nào cũng gồng mình lên cho người ta thấy nếu mình không được đẹp thì mình sẽ có cái khác để thu hút, nhưng thực ra nội tâm bên trong luôn có gì đó mỏng manh, dễ vỡ. Chính cái tự ti đấy làm cho tôi phải suy nghĩ, dằn vặt, đôi khi tôi rất buồn. Tôi nghĩ không chỉ cá nhân mình mà rất nhiều người phụ nữ khác, về hình thức họ không đẹp. Đôi khi cái đẹp nhiều người rất trân trọng vì một người phụ nữ đẹp sẽ được tôn vinh, được nâng niu. Vậy thì người phụ nữ chưa đẹp, không đẹp thì như thế nào. Khi mọi người nhìn vào phụ nữ đẹp, họ luôn luôn cất lên những lời khen, nhưng ngoài ra họ có hiểu gì phẩm chất, tâm tính, nội tâm của người ta hay không. Tôi muốn nói về vẻ bên ngoài, còn nội tâm bên trong của mỗi người phụ nữ thì đôi khi mọi người không dễ nhận ra, và ẩn sau lớp vỏ bên ngoài rất mạnh mẽ, gai góc đấy của người ta là cái gì? Mọi người có suy nghĩ gì về điều đó hay không? Khi làm tác phẩm này, tôi muốn gửi thông điệp cho mọi người rằng bất cứ người phụ nữ nào, dù hình thức gai góc, xù xì không cân đối, trông nam tính nhưng ẩn bên trong là nội tâm của người ta đôi khi rất mong manh, yếu ớt, đôi khi rất trong sáng, thánh thiện.

Sắp đặt “Nở” của Phạm Hồng. Chất liệu: dây thép, voan, ren. Statement: “Xù lông, một cách mà theo bản năng tự nhiên là để tự bảo vệ, chống chọi trong tình trạng nguy hiểm. Cũng thể hiện trạng thái ghê rợn hay sợ hãi. Đôi khi lại là các ngụy trang khéo léo, đánh lừa thông minh, là thứ vũ khí tự nhiên của phụ nữ, nhưng vô tình nó cũng trở thành một sự hấp dẫn, một cái duyên ngầm nào đó.”

 

Một bạn sinh viên trẻ khối kinh tế: Em muốn hỏi tên “Nở” thì có liên quan gì đến ý nghĩa mà chị vừa trình bày trước đấy?

Phạm Hồng: Tên là “Nở” vì như tất cả mọi người thấy, nó là một cái áo dài làm từ rất nhiều dây thép có gai nhọn, giống như một người cứ nở ra, tạo ra những gai góc cho chính bản thân mình; bởi vì như đã nói, tôi từng bị chê là xấu và người ta xì xào rất nhiều mỗi khi tôi đi qua; tôi phải gồng lên mạnh mẽ, coi như không quan tâm về những điều đấy. Cái áo này giống như sự bảo vệ của bản thân tôi với tất cả những cái nhìn, những lời nói của người xung quanh về tôi.

Bạn sinh viên kinh tế: Cái thứ hai, như chị nói, là nhìn vào tâm hồn, vào nội tâm bên trong người con gái, nhưng em không hiểu sao ở đây bên trong chị lại chọn bộ đồ lót, mà theo em nghĩ theo cách nghĩ thông thường của xã hội, đồ lót gắn với sự gợi cảm nhiều hơn, trong khi nghe những gì chị nói thì cái nội tâm ấy không liên quan đến tình dục, nó gắn với điều gì sâu sắc hơn…

Phạm Hồng: Mình chọn bộ đồ lót vì đồ lót, ngoài việc nó mỏng manh được làm bằng ren rất gợi cảm, còn gợi ra cái giới tính. Ví dụ, cái hình thức bên ngoài đầy gai góc, xù xì, đanh thép, là những từ dùng cho đàn ông thôi không dùng cho đàn bà. Còn ở đây bộ đồ lót thể hiện cho giới tính, tức là bề ngoài có thể là nam tính, rất nam tính, nhưng bên trong phẩm chất cuối cùng vẫn là người phụ nữ.

Bạn sinh viên kinh tế: Thực sự khi bước vào đây, nhìn cái áo, ấn tượng của em là thấy những cái gai trên cái áo như một lời nói “tránh xa tôi ra”, vậy thì ấn tượng người xem đã em trái ngược với những chị gì chị nói, rằng những người khác hãy khám phá, hãy nhìn vào nội tâm của tôi. Một đằng, cái vỏ bên ngoài như nói “hãy đứng xa ra”, thế liệu có mâu thuẫn với ước muốn hãy khám phá tôi, vẻ bên trong của tôi không?

Phạm Hồng: Ở đây cũng không có mâu thuân gì lắm bởi vì tuy những cái gai nhọn này gần như dọa dẫm người ta, cũng là cách mà người phụ nữ mạnh mẽ muốn chứng tỏ với tất cả mọi người rằng tôi muốn làm điều này, tôi muốn làm điều kia, nhưng bên trong là sự kêu gọi người ta hãy tìm hiểu. Thật ra trong thâm tâm tất cả phụ nữ đều muốn được người khác chú ý, tuy rằng bên ngoài cái cách thể hiện có thể rất là dữ dằn. Thê nên mình nghĩ cái này không có gì là mâu thuẫn.

Bạn sinh viên kinh tế: Em thấy trong brochure này nói chưa được rõ lắm. Trong phần giải thích chị có nói về việc xù lông, tức những cái gai kia đôi lúc là một sự hấp dẫn, duyên ngầm, thì em không hiểu những cái khiến người ta cần phải đề phòng cẩn thận thì duyên ngầm là như thế nào ạ?

Phạm Hồng: Cái này rất là thú vị, vì khi là một cô gái nhỏ, mình bị chê là xấu, mình thấy rất tự ti. Khi mình cố gồng lên như một thằng con trai thì tất cả mọi người đều “Ồ, thế này không thích”. Nhưng khi đã trở thành một người phụ nữ, mình đi ra ngoài làm bất cứ hành động nào mạnh mẽ thì rất bất ngờ, có rất nhiều đàn ông nói anh rất thích cái mạnh mẽ đấy của em, và đây là một sự quyến rũ rất đặc biệt, hơn những người phụ nữ khác thì lúc đấy mình hiểu đôi khi sự mạnh mẽ của người phụ nữ lại là một thứ duyên ngầm.

“Nở” của Phạm Hồng, làm bằng khung thép gai uốn thành hình áo dài, bên trong mắc bộ áo lót bằng ren.

 

Một nữ khán giả: Về tác phẩm “Nở”, đã có rất nhiều nhận xét rồi, nhưng tôi rất ấn tượng khi bước vào đây, cảm giác khác hoàn toàn với những gì tác giả diễn giải. Khi nhìn chiếc áo dài, tôi thấy sự trói buộc của truyển thống, cho rằng người phụ nữ lúc nào cũng phải đoan trang đức hạnh, nó là một cái khung sắt giam hãm chúng ta lại, bộ đồ lót bên trong thể hiện sự trỗi dậy mỏng manh chăng? Tôi nghĩ như vậy và khi tác giả diễn giải ý kiến của mình, có lẽ hai cách hiểu đó đều phù hợp với tác phẩm này. Đât nước ta chưa từng trải qua cuộc cách mạng tình dục, nhưng trên báo chí lại nói dường như có một cuộc cách mạng tình dục ngầm ẩn đang trỗi lên trong lòng xã hội. Tôi không biết rõ vấn đề này là như thế nào, nhưng tôi thấy cuộc triển lãm này phải chăng có thể coi như một biểu hiện của cuộc cách mạng tình dục đó? Và 6 tác giả này cón rất trẻ, có thể tiếp tục đấu tranh cho con đường cách mạng này, đấu tranh cho quyền lợi của giới mình hay không? Tôi rất hi vọng, các bạn sẽ đi dài hơn những bước đi này.

Phạm Hồng: Xin cảm ơn bạn vì thực ra bạn đã nói ra được cái ý của tôi. Ở đây tôi cũng muốn nhắc đến một chút, nhưng chưa nói được kĩ, đó là bạn nói cái áo này giống như sự trói buộc đạo đức chuẩn mực, và bây giờ đang có sự đấu tranh. Thực ra ban đầu ý của tôi là chỉ cá nhân tôi thôi, nhưng sau đó bắt đầu nghĩ mở rộng ra, tôi nghĩ trong xã hội xung quanh còn rất nhiều vấn đề xảy ra với người phụ nữ. Thực ra cái trói buộc truyền thống trong xã hội phụ nữ bây giờ đã được giải thoát khá nhiều, và họ cũng đã biết tự đấu tranh, vấn đề này đã bớt đi, không còn như trước đây nữa, nhưng tôi vẫn muốn từ câu chuyện cá nhân mà mở rộng ra rất nhiều phụ nữ khác. Vấn đề giới tình và tình dục vẫn là một thứ rất là tế nhị, không ai muốn nói ra ở những nơi công cộng, luôn phải che giấu đi.

 

(còn tiếp)

 

*

Bài liên quan:

– 2. 12: PHẬP PHỒNG tại viện Goethe
– Art talk PHẬP PHỒNG: Phần 1: “Chiến” và “Nở”

– Art talk PHẬP PHỒNG: Phần 2: Ngọt, Chuyện của Mẹ, Cổng Vạn Tuế, và Giàn mướp

– Ngày cuối cùng của PHẬP PHỒNG và Cổng Vạn Tuế

Ý kiến - Thảo luận

9:36 Tuesday,6.12.2011 Đăng bởi:  EM-CO-Y-KIEN
Em thích cái tít CHIẾN ghê gớm.

Đọc lên rất CHIẾN.

Nghe âm thanh của nó cũng rất CHIẾN.

Nhưng hay hơn, xem tác phẩm, thấy cái tinh thần zám thách thức quan điểm "yêu động vật" của người Tây trong 1 không zan văn hóa Tây zữa Hà Nội á đông sao nó CHIẾN thế!

Cám ơn chị Ngân!
...xem tiếp
9:36 Tuesday,6.12.2011 Đăng bởi:  EM-CO-Y-KIEN
Em thích cái tít CHIẾN ghê gớm.

Đọc lên rất CHIẾN.

Nghe âm thanh của nó cũng rất CHIẾN.

Nhưng hay hơn, xem tác phẩm, thấy cái tinh thần zám thách thức quan điểm "yêu động vật" của người Tây trong 1 không zan văn hóa Tây zữa Hà Nội á đông sao nó CHIẾN thế!

Cám ơn chị Ngân! 
8:39 Tuesday,6.12.2011 Đăng bởi:  tra Mi
Tôi rất ủng hộ hai tác phẩm "Chiến" và "Hạnh phúc" của chị Hồng Ngân. Bởi vì cả hai tác phẩm rất thâm thúy. Tôi có cảm giác tác phẩm "Chiến" dám nói rất nhiều điều mà nghệ sĩ lâu nay ít khi dám chạm đến: đó là vấn đề chính trị. Ai cũng biết mèo tượng trưng cho quan, chuột là dân đen... nhưng cái ý nghĩa sâu xa này hình như tác giả cố tình không nói đến. Tác
...xem tiếp
8:39 Tuesday,6.12.2011 Đăng bởi:  tra Mi
Tôi rất ủng hộ hai tác phẩm "Chiến" và "Hạnh phúc" của chị Hồng Ngân. Bởi vì cả hai tác phẩm rất thâm thúy. Tôi có cảm giác tác phẩm "Chiến" dám nói rất nhiều điều mà nghệ sĩ lâu nay ít khi dám chạm đến: đó là vấn đề chính trị. Ai cũng biết mèo tượng trưng cho quan, chuột là dân đen... nhưng cái ý nghĩa sâu xa này hình như tác giả cố tình không nói đến. Tác giả khôn khéo luồn lách ra khỏi chính trị. Nhưng rõ ràng người xem ai cũng liên tưởng đến bức tranh Đông Hồ: đám cưới chuột. Và đó là một thành công đáng khen ngợi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả