Bàn luận

Cửu và Long và một bầy linh vật 25. 07. 15 - 10:18 pm

Đặng Thái

Trong phần thảo luận của bài Hàn Quốc, Candid có hỏi: 

“Bác cho hỏi 7 linh vật với 9 linh vật là những linh vật gì? Ở Tử Cấm Thành em thấy trên mái ngói hay có một loạt các tượng phù điêu nhỏ trang trí xếp thành hàng nhưng cũng không rõ là gồm các hình gì. Ở khu Hoàng thành Thăng Long thì em thấy có đầu chim phượng bằng đất, chắc cũng là 1 trong 9 linh vật?”

Bài viết này để trả lời một cách đầy đủ cho những câu hỏi trên của Candid, nhân tiện cung cấp thêm một số kiến thức về hình tượng trang trí trong kiến trúc cung đình Đông Á. Toàn bộ ảnh trong bài lấy từ internet.

*

Người Trung Hoa cổ đại cho rằng chín (9) là con số tượng trưng mạnh mẽ nhất cho quyền lực tối cao. Số lẻ tượng trưng cho dương tính thuộc về đàn ông, số chẵn tượng trưng cho âm tính thuộc về đàn bà. Trong hệ đếm thập phân của người Trung Quốc thì chín là số lẻ lớn nhất có một chữ số. Vì vậy chín là con số biểu hiện cho uy quyền tuyệt đối của nam giới hay là tính cực (kỳ) dương.

Trong tiếng Việt hiện đại ta vẫn thường bắt gặp các cụm “bay lên chín tầng mây”, “ bị đày xuống chín tầng địa ngục”, “cửu đỉnh”, “tru di cửu tộc”, “quan cửu phẩm”, “cửu vạn” (trong tổ tôm hay mạt chược chỉ có tối đa là chín quân trong một hàng) hay “đường chín đoạn”. Nói cách khác, chín là con số tối đa cho một sự vật đơn lẻ. Phật tổ Như Lai bấm đốt ngón tay tính nhẩm cho Thầy trò Đường Tăng gặp đến chín nhân chín bằng tám mươi mốt kiếp nạn là maximum khổ ải lúc bấy giờ rồi. Đồng thời, chữ cửu (九) lại đồng âm với cửu (久) trong vĩnh cửu nghĩa là mãi mãi nên càng làm cho chín trở thành con số may mắn và nó được chọn làm biểu tượng cho hoàng gia, đặc biệt là Thiên tử Trung Hoa.
 

Một cổng trong Tử Cấm Thành, Bắc Kinh. Trên mỗi cánh cổng có chín hàng đinh theo chiều ngang, chín cột đinh theo chiều dọc, không có một cổng nhà ai trong toàn thiên hạ được phép làm bằng con số này đừng nói là hơn.

 

Cung Vương Phủ là cung điện hoàng gia được bảo tồn tốt nhất ở Trung Quốc. Việt Nam ta hay gọi là Phủ Hòa Thân. Sinh thời, Hòa đại nhân chỉ dưới có vua Càn Long nên nhà quan mà cũng vẫn dám làm cổng đỏ, đinh vàng. Cổng phủ này cũng có chín hàng đinh nhưng mà mỗi hàng chỉ có bảy cái, nghĩa là kém Hoàng đế có một tí ti. Sau khi Hòa Thân bị ép phải tự sát, phủ đệ này được giao lại cho các Hoàng tử khác dọn vào ở, vì là người của Hoàng tộc nên may quá không phải sửa cái cổng.

Số chín xuất hiện chi chít trong tất cả các số đo, số liệu của Tử Cấm Thành nói riêng và cung, điện, đền, đài Trung Quốc nói chung, nhưng về kiến trúc phong thủy thì lại là một mảng đề tài rất rộng khác, trong bài này ta chỉ tập trung vào phần trang trí mà thôi. Biểu tượng nổi tiếng nhất của Hoàng đế Trung Hoa có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến tất cả những nước nằm trong vòng văn hóa Hán chính là con rồng. Rồng là loài vật tưởng tượng có sức mạnh phi thường lại kết hợp với số chín thì mới thật xứng đáng để biểu trưng cho Hoàng đế – người chỉ dưới có Trời mà thôi. Con rồng Trung Hoa khác hẳn với rồng châu Âu, so sánh thì có rất nhiều điểm khác biệt từ hình dạng đến màu sắc, tuy nhiên có vài điểm quan trọng hơn cả: rồng Trung Hoa là giống đực, linh thiêng, cao quý và mang đến điềm lành (từ đây gọi tắt là rồng).

Cửu Long Bích – bức tường với chín hình rồng trong công viên Bắc Hải, Bắc Kinh, hoàn thành năm 1402. Hiện nay chỉ còn ba bức loại này trên toàn Trung Quốc. Các con rồng được ghép bằng gốm bảy màu, bố cục đăng đối và tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt về toán học.

Hình tượng rồng đã có rất nhiều biến đổi song song với chiều dài lịch sử Trung Quốc, từ những bích họa trong hang đá thời cổ đại vẽ Phục Hy (tổ tiên người Hoa) đầu người đuôi rắn đến con rồng hoàn thiện ta tham quan ở Tử Cấm Thành phải mất đến mấy nghìn năm. Ta cùng nghiên cứu hình tượng rồng thời Minh-Thanh, khi mà con rồng đã hoàn thiện nhất về mặt triết học, lý luận, quy chuẩn cũng như mỹ thuật. Luôn luôn lưu ý một điều rằng con rồng và số chín là đôi bạn không thể tách rời.
 

Cận cảnh phù điêu rồng bằng sứ tráng men màu. Con rồng uốn mình thành chín khúc.

Rồng là loài sinh ra bởi trí tưởng tượng của con người, do đó người Hoa muốn tạo nên một sinh vật dũng mãnh nhất, đẹp đẽ nhất trong muôn loài, bằng cách sử dụng những bộ phận khác nhau của các loài vật tồn tại thật trên đời, mà cụ thể là chín loài:

– Đầu: Lạc đà
– Sừng: Hươu đực
– Mắt: Thỏ
– Tai: Bò đực
– Mình: Rắn
– Bụng: Cóc
– Chân: Hổ
– Móng: Đại bàng
– Vảy: Cá chép

Trên mình rồng có tổng cộng 117 cái vảy. 117 vảy gồm 81 cái tượng trưng cho dương và 36 cái tượng trưng cho âm. 117 bằng 9 x 13, 81 bằng 9 x 9, 36 bằng 9 x 4. Bản thân các chữ số của 117 cộng lại cũng bằng chín. Lúc bấy giờ đa phần người Trung Quốc còn chưa biết đến chữ số kiểu Ả Rập nhưng toán học của họ đã phát triển đến mức cộng được các chữ số trong một số chỉ với chữ tượng hình.

Rồng đại diện cho vua thì đương nhiên mọi vật dụng của vua đều phải có hình rồng và được gọi tên đi kèm chữ rồng. Áo vua mặc gọi là long bào, giường vua nằm gọi là long sàng, bô đi vệ sinh của vua cũng được gọi là long tiện hồ. Đương nhiên cái nhà vua ở không thể không có hình rồng. Tuy nhiên ở Tử Cấm Thành chúng ta lại thấy không chỉ rồng mà trên mái nhà còn rất nhiều linh vật hình thù kỳ quặc khác nhau.
 

Ảnh chụp tại điện Thái Hòa, chính điện của Cố Cung. Trang trí diềm mái với mức độ tối đa chỉ dành riêng cho Thiên Tử Trung Hoa. Từ trái sang: Rồng, lính canh, chín linh vật và người cưỡi chim.

Trong hình trên, người lính canh cầm kiếm ở phía trước đầu rồng đứng thứ mười, cùng với chín linh vật kia tạo thành một hàng thập (行什).Ta vẫn thường nghe thấy từ hàng ngũ là do trong tổ chức quân đội thời cổ, năm người đứng thành một hàng ngũ, mười người thành một hàng thập. Trong trường hợp này, hàng thập có ý nghĩa là đoàn quân hộ vệ cho Thiên tử. Chín linh vật còn lại là chín đứa con trai (tưởng tượng) của rồng thường được chạm khắc ở nhiều loại công trình khác nhau vì mỗi con mang một biểu tượng, gồm:

– Bồ lao (蒲牢) là tên một loài thú ở biển, hay giành thức ăn với cá kình, khi bị cá kình đánh thì rống lên. Người ta thường chạm hình bồ lao trên móc treo chuông, còn chày đánh chuông thì khắc hình cá kình để chuông kêu cho to.

– Tù ngưu (囚牛) con vật thích âm nhạc nên hay được tạo hình trên nhạc cụ.

– Li vẫn (螭吻 ) là loài thú màu vàng, không có sừng. Các đầu xà nhà hay chạm con li gọi là “li đầu” để xua đuổi tà ma, chướng khí. Nóc cung điện thì đắp hai con rất to hai đầu để tránh hỏa hoạn.

– Trào phong (嘲風) giống con sư tử đứng vững như vách đá, thường đặt ở bốn góc mái nhà

– Nhai Xải (睚眦) thường nổi cơn thịnh nộ và thích giết chóc nên hay được chạm khắc lên vũ khí như chuôi kiếm, đầu đao

– Bí Hí (贔屭) đầu rồng, mình rùa lại yêu thích văn chương nên hay được chạm khắc đỡ văn bia.

– Bệ Ngạn (狴犴)  hình dáng giống hổ, răng nanh dài và sắc, thích cãi lý và tranh tụng đồng thời lại dữ tợn để thị uy nên cái mặt hay được tạo tác trên cồng nhà ngục và công đường nhằm răn đe kẻ phạm tội.

– Toan nghê (狻猊) đầu rồng, mình sư tử. Ngày nay chữ toan nghê dùng để gọi con sư tử. Con này thích nằm và ngồi tĩnh lặng nên hay được dùng trong điêu khắc ở đền miếu: đỉnh đốt trầm, đỉnh cắm hương, bệ ngồi của các vị thánh trong Phật giáo.

– Tiêu đồ (椒圖) chỉ thích cuộn tròn nằm yên, thu mình trong vỏ như con trai, con ốc nên hay được dùng làm tay nắm trên cánh cổng để bảo vệ gia chủ khỏi kẻ xâm nhập.

Ngoài ra còn một số lí thuyết khác, tên khác cho chín con vật này và có thêm một số con vật nữa như:

– Bá Hạ (霸下) giống rùa thích mang vật nặng nên chuyên đỡ bia

– Thao Thiết (饕餮) mắt to, miệng rộng, phàm ăn tục uống nên được đúc trên các đồ dùng trong ẩm thực

– Giải Trãi (獬豸) giống dê có một sừng, phân biệt được chính tà nên chuyên húc kẻ gian mà cụ Trần Nguyên Đán đã lấy tên đặt cho cháu ngoại mình. Nhà Hán làm cái mũ của quan giữ việc xét đoán hình ngục có một cái sừng, gọi là mũ giải trãi để tượng trưng cho sự ngay thẳng.

– Tỳ Hưu (貔貅) là con sư tử có cánh nhưng đặc biệt rất được ưa chuộng trong phong thủy vì nó có khả năng hóa giải điềm xấu, mang đến vận may và đặc biệt là nó không có hậu môn nên chỉ ăn tiền vào cho gia chủ chứ không thải ra một xu nào cả. Riêng quan điểm cá nhân của mình thì dù khoa học có chứng minh được tác dụng của nó là thật thì mình cũng sẽ không dùng cái con quái gở, trái quy luật tự nhiên này trong phong thủy, nó chỉ thể hiện bản chất tham lam của con người ta mà thôi, bất chấp quy luật căn bản nhất của tiền là tính lưu thông.

Ở những tòa nhà ít quan trọng hơn thì có khi chỉ có một con linh vật. Tuy nhiên từng viên ngói lưu ly vẫn đầy đủ hình rồng ở trong.

Bác Candid còn nhắc đến cả Hoàng thành Thăng Long nên nhân tiện nói luôn. Thuyết về những linh vật ở trên ra đời vào thời Minh khi mà chế độ Quân chủ chuyên chế Trung Quốc đạt đến đỉnh cao rực rỡ cùng với sự trở lại của người Hán trên ngai vàng nên rất chi tiết từng con một và quy định rõ ràng. Còn từ đời Minh về trước, mọi sự không phức tạp như thế, đặc biệt là đời  Lý Trần ở ta còn chịu rất ít ảnh hưởng từ Nho giáo phương Bắc nên bản sắc của chúng ta phần nào rõ ràng hơn.

Hình ảnh 3D phục dựng điện Càn Nguyên triều Lý trong Hoàng thành Thăng Long cũng với chín hình trang trí trên mái và đầu rồng.

Rồng cũng là hình tượng đóng vai trò rất quan trọng trong văn hóa Việt, chúng ta cũng nhận mình là con Rồng, kinh đô cũng đặt tên theo Rồng. Tuy nhiên An Nam là cõi ở xa, không thấm nhuần văn minh của Thiên Triều nên dùng cũng rồng có hơi tùy tiện. Đình chùa của thường dân mà hứng lên là cũng khắc, cũng gắn lên mái rồng phượng đủ cả. Còn trong trường hợp cung điện của “An Nam Quốc Vương” này thì sao?

Đây chính là hiện vật viên ngói gắn hình rồng trong lá bồ đề mà các họa sĩ dùng để phục dựng trong ảnh trên. Nghĩa là mái cung điện thời Lý cũng gắn 9 hình tượng trưng cho Hoàng đế nhưng cả chín đều là hình rồng chứ không phải là các con quái thú.

Rồng thời Lý Trần rất khác rồng Trung Hoa vì mình uốn mười hai khúc, đầu cá sấu, mình trơn như lươn, chỉ có ba móng, trông mềm mại như một loài vật bơi dưới nước hơn là bay trên trời, phù hợp với văn hóa sông nước của người mình. Tuy nhiên hình tượng này đã bị xóa sổ khi nhà Lê du nhập văn hóa Trung Quốc và tôn sùng đạo Khổng, đặc biệt đến thời nhà Nguyễn, sự Hán hóa quá mạnh mẽ thì con rồng đã giống Trung Hoa như tạc. Chúng ta cũng có rất nhiều những linh vật khác với Trung Hoa như con sấu, con nghê, voi đá, chó đá… nhưng những bằng chứng về chúng trong kiến trúc cung điện thì chẳng còn bao nhiêu, đành tiếp tục đợi các nhà khảo cổvậy.

Còn đây là đầu chim phương bằng đất thời Trần mà Candid nhắc tới.Phượng hoàng là loài chim tưởng tượng, tính âm, tượng trưng cho phụ nữ nên sẽ không xuất hiện ở điện của các ông mà sẽ chỉ có mặt tại các cung của các bà hoàng hậu, phi tần mà thôi.

 

Một linh vật trên ngói thời Lý, không rõ là chim, là vịt hay phượng hoàng cách điệu nhưng rõ ràng là giống cái và dùng cho cung điện của nữ giới. Thực ra phượng hoàng là một cặp, phượng là con đực, hoàng là con cái nhưng khi đi với rồng, rất dương tính thì người ta chỉ dùng chung từ phượng hoàng, rất âm tính.

 

Nhật Bản trung đại là nước lạc hậu về văn hóa và cách biệt về địa lý nên mái ngói có hơi khác Trung Nguyên. Hình trang trí mặt quỷ theo tín ngưỡng dân gian Nhật Bản này gọi là Onigawara (tiếng Hán: 鬼瓦 – Quỷ ngõa tức là ngói hình quỷ). Cái tượng ở đầu hồi phía trên gọi là Shibi (tiếng Hán: 鴟尾 – Si vĩ là đuôi diều hâu) dựa trên hình ảnh của con Shachihoko là một con đầu hổ mình cá chép phun nước làm mưa, dùng để trấn hỏa, chống cháy nhà (bằng niềm tin).

 

*

Về linh vật Việt:

- Triển lãm linh vật Việt “xịn”: sư tử và nghê trong điêu khắc cổ Việt Nam

- Cửu và Long và một bầy linh vật

- Nghê hay là Toan Nghê?

- Nhân nói chuyện Nghê, khoe luôn hình “Chuẩn Nghê”

- Nghê: lân hay chó?

Ý kiến - Thảo luận

23:08 Thursday,20.12.2018 Đăng bởi:  Hiếu
Nhật Bản thời trung đại lạc hậu về văn hoá? .Những nét đẹp trong văn hóa Trung Hoa đều được Nhật chắt lọc và phát huy. Văn hoá và Nghệ thuật của Nhật độc đáo và được bảo tồn qua nhiều biến động như nội chiến và thiên tai. Văn hoá và Nghệ thuật của Nhật rất phát triển vì vậy không thể coi là "lạc hậu văn hoá" được
...xem tiếp
23:08 Thursday,20.12.2018 Đăng bởi:  Hiếu
Nhật Bản thời trung đại lạc hậu về văn hoá? .Những nét đẹp trong văn hóa Trung Hoa đều được Nhật chắt lọc và phát huy. Văn hoá và Nghệ thuật của Nhật độc đáo và được bảo tồn qua nhiều biến động như nội chiến và thiên tai. Văn hoá và Nghệ thuật của Nhật rất phát triển vì vậy không thể coi là "lạc hậu văn hoá" được 
17:12 Thursday,26.5.2016 Đăng bởi:  Đặng Thái
Đúng rồi NMH, là cái đầu rồng thời Lý nhà ta đấy.
...xem tiếp
17:12 Thursday,26.5.2016 Đăng bởi:  Đặng Thái
Đúng rồi NMH, là cái đầu rồng thời Lý nhà ta đấy. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Marina Abramovic - Tuyên ngôn đời nghệ sĩ

Marina Abramovic – Khôi Nguyên dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả