Nghệ sĩ Việt Nam

Chuyện về những con ốc 22. 03. 12 - 7:09 am

Lê Võ Tuân

.

 

Triển lãm Đời Ốc là một bước chuyển mình của Phương Quốc Trí, rất khác và rất xa với những gì trước đây tôi từng biết về tác phẩm của anh.

Đời Ốc bắt đầu bằng một cái tên đã làm tôi mường tượng đến một cách nói khác, một sự “luẩn quẩn” của cuộc đời, một sự chiêm nghiệm chẳng hạn – hay nó cũng có thể bằng những con ốc “nhỏ” để diễn một ý tưởng nào khác chăng!?

Quả vậy, bước vào phòng triển lãm, ấn tượng đầu tiên của tôi là màu đỏ. Hết màu đỏ với những vết trườn “ngoằn ngèo” lại đến màu trắng – những xác chết của ốc tựa như hóa thạch. Hai không gian tách biệt, đối lập nhau về màu sắc: yên ả, chầm chậm…

.

 

Câu chuyện về những con ốc trong tác phẩm của Phương Quốc Trí được vẽ ra và nhân lên. Tập trung vào một sự vật, một hiện tượng, Phương Quốc Trí đã làm nên tác phẩm có tính tự tình, hay tác phẩm là một cái nhìn vào những giá trị sống.

Cũng vậy, ốc luôn mang trên thân mềm một vỏ bọc cứng cáp, bò chậm chạp. Cái vỏ bọc cứng cáp và nặng nhọc đó là thứ bảo vệ duy nhất cho sự tồn tại, và đó chính là sinh mệnh của nó.

Tác phẩm của Phương Quốc Trí làm tôi nhớ đến một câu chuyện về những con ốc: “Ốc không giống sâu róm và cũng không thể biến thành bướm để một ngày nào đó bầu trời sẽ bảo vệ, và ốc không thể biến thành giun để một ngày nào đó lòng đất sẽ bảo vệ. Ốc không dựa vào trời, không dựa vào đất, ốc dựa vào chính bản thân của nó. Đó cũng là lý do vì sao nó luôn mang theo mình một cái vỏ bọc nặng trĩu.”

Tác phẩm với hình tượng “ốc” mang nhiều gợi ý!

 

Ốc là một cách nói ẩn dụ

Những con ốc bắt đầu bằng những câu chuyện dường như đơn giản đó lại mang lại nhiều ý nghĩa, triết lý nhân sinh con người. Và hình tượng ốc trong tác phẩm của Phương Quốc Trí cũng không nằm ngoài những lẽ đó. Mượn câu chuyện của ốc, phỏng hình tượng của ốc, đưa vào thế giới trực diện với những suy nghĩ của mình.

Với hơn hai trăm con ốc nằm trong “rọ”, là một con số chỉ mang tính tượng trưng – lấy cái hữu hạn đựng cái vô hạn. Hai trăm con ốc, chỉ khác nhau một vài động tác thân mềm, phần vỏ cứng chai lì và rập khuôn. Thế giới của những con ốc trong tác phẩm thật chật chội, cố hữu, và chúng như đang tự vươn mình để thoát khỏi những cám cảnh tương tự.
Sự rập khuôn của những con ốc, của những đường xoắn ốc, thật khó phân biệt. Ốc giống nhau như một, trong thế giới chồng lấn và ngụy trang hợp lý.

.

 

Đi theo những con ốc như đang cố vươn mình thoát ra khỏi vỏ bọc, gắng mình trườn dài với những vết nhờn chậm chạp và mệt mỏi, tác phẩm như một cảnh đặc tả, quay chậm những chuyển động chậm rồi ngưng hẳn – nhưng cũng có sự rộn ràng nháo nhiệt, bởi cái lộn xộn dò dẫm lẫn nhau.

Cái “Rọ ốc” là tác nhân chính gây ra cảnh hỗn loạn náo nhiệt và chậm chạp đó. Bắt ốc bỏ rọ, rồi để ốc tự dò dẫm mà ra. Đây cũng là cách diễn cảnh, vẽ ra một thế giới của ốc, một thế giới đã có sự can thiệp của con người. Và, cũng bởi hình tượng nghệ thuật ẩn dụ này, thế giới chật chội và khắc nghiệt được vẽ ra. Một màu đỏ tràn ngập không gian tác phẩm.

Bằng hình tượng của ốc, cái vỏ bọc tự nhiên đó, Phương Quốc Trí dường như đã mượn hẳn cái tứ, nghĩa vốn có, cho những ý tưởng ẩn chứa song hành cùng tác phẩm. Những cái gồng mình như đang cố thoát ra trong vỏ bọc của chính mình – trong thế giới ngổn ngang thành “đống”, trong một cái rọ được quy hoạch… dường như đang đặc tả về những chiều ý không gian rộng lớn.

Và,

Một không gian trắng xóa, những con ốc vỡ vụn, đối diện với một màu đỏ có vẻ hồ hởi và bức bối kia. Một sự ngổn ngang chồng lấn khác, đối lập và tách biệt. Cái vòng tròn “luẩn quẩn” mà tôi mường tượng ngay từ cái tên của triển lãm Đời Ốc dường như đã dừng lại nơi này – chỉ còn những vết trườn dài, một đống vỏ, vô sự…

Đúng là lan man đời ốc!

.

 

Thế giới đơn lẻ và cô độc

Có thể nói, trong những tác phẩm trước đây của Phương Quốc Trí, ta luôn thấy sự cô độc, những nhân vật đơn lẻ trong một thế giới xám màu. Những hình tượng nghệ thuật đó, cách nhìn đó, đã làm cho thế giới của Phương Quốc Trí, cũng như quan niệm nghệ thuật của anh có nhiều sắc màu riêng biệt. Và chính sự độc thoại ấy, một lần nữa lại được cất lên – bừng náo và mạnh mẽ, trong một không gian sắp đặt cứ thế vẽ mình qua các đoạn đường đi đến.

.

 

Ngoài cái vẻ ồn ào của hai trăm con ốc trong rọ, ta thấy sự cô độc khi theo dõi diễn biến từng con một – thật chậm. Sự chậm rãi kéo dài này là yếu tố chính tạo nên tác phẩm, bởi những giá trị hình tượng tự thân của nó.

Những con ốc nằm rời ra không gian chung này, tự thân là một tác phẩm điêu khắc hiện thực – diễn lại những động tác chân thực. Bừng náo bởi màu đỏ. Đỏ ở mọi không gian mà ốc trườn đến. Ở đây ta thấy những yếu tố cá nhân, tính cá thể trong một tương quan “lổm nhổm”, nhưng được sắp đặt gọn gàng.

.

 

Và,

Những bức tranh là một phần gắn kết tác phẩm sắp đặt này, tất thảy đều với một màu trắng như tự tách mình, đắm chìm và vùng vẫy – vỡ vụn, trong khoảng sáng của nhiều vết loang úa. Và có chăng, đây cũng là cách mà Phương Quốc Trí đang muốn diễn cái độc thoại, phơi mình, tiếng nói cất lên như một cách nhìn vào thế giới con người với nhiều cám dỗ.

Những nét tút mê hoặc vốn có của Phương Quốc Trí giờ đây yên ả, những bức tranh như những điểm nhấn chuyển động mạnh, hối thúc những rệu rã.

Những con ốc đơn lẻ được đặt để riêng biệt nhưng với nhiều níu kéo. Một phần tách rời trong không gian tác phẩm chung đó, có lẽ một lần nữa lại gợi lên những chân dung “đăm mình” vốn có trong những tác phẩm trước đây của anh.

Lộn xộn, vùng vẫy, dò dẫm trong một thế giới đã quy ra rọ – tan rã với những vết tích sót lại. Lúc đơn lẻ, lúc chồng chất, dập nát, cho đến những vết chảy xước – tất thảy như đang diễn ý.

.

 

*

Bài liên quan:

– Cactus Contemporary Art chuyển vào trung tâm
– 10. 3: ĐỜI ỐC – Phương Quốc Trí làm thơ?

– Khai mạc ĐỜI ỐC: Đông, vui và gallery đẹp!

– Chuyện về những con ốc

Ý kiến - Thảo luận

13:46 Friday,23.3.2012 Đăng bởi:  Gracekellyphan
@buoi: Bạn không cần phải đọc thì mọi người ai cũng biết là các yếu tố để đem lại thành công cho một người nghệ sĩ chân chính đó là đầu tiên phải có sự cảm nhận sự việc, hiện tượng tốt hơn so với những người bình thường cũng như là những người tầm thường. Và chính vì không phải bình thường, tầm thường nên họ mới nghĩ ra những quy luật nhân sinh tr
...xem tiếp
13:46 Friday,23.3.2012 Đăng bởi:  Gracekellyphan
@buoi: Bạn không cần phải đọc thì mọi người ai cũng biết là các yếu tố để đem lại thành công cho một người nghệ sĩ chân chính đó là đầu tiên phải có sự cảm nhận sự việc, hiện tượng tốt hơn so với những người bình thường cũng như là những người tầm thường. Và chính vì không phải bình thường, tầm thường nên họ mới nghĩ ra những quy luật nhân sinh trong vũ trụ. Leonardo da Vinci mãi là huyền thoại của nghệ thuật, triết học đó thôi... 
12:54 Friday,23.3.2012 Đăng bởi:  Bưởi
Xin được mạn phép "đọc" cách làm việc của nhiều nghệ sĩ như sau:
- Đầu tiên người nghệ sĩ sẽ có một độ cảm tốt, rung động trước những sự vật, hiện tượng xảy ra xung quanh, thấy những thứ hay ho mà người bình thường khó cảm nhận ra dc.
- Tiếp đến là tìm hình thức diễn đạt nó sao cho lạ, đẹp.
_ Cuối cùng mới ngồi nghĩ ra sự liên kết của nó với n
...xem tiếp
12:54 Friday,23.3.2012 Đăng bởi:  Bưởi
Xin được mạn phép "đọc" cách làm việc của nhiều nghệ sĩ như sau:
- Đầu tiên người nghệ sĩ sẽ có một độ cảm tốt, rung động trước những sự vật, hiện tượng xảy ra xung quanh, thấy những thứ hay ho mà người bình thường khó cảm nhận ra dc.
- Tiếp đến là tìm hình thức diễn đạt nó sao cho lạ, đẹp.
_ Cuối cùng mới ngồi nghĩ ra sự liên kết của nó với nhân sinh quan, xã hội ( Nếu ko có điều này e rằng ko gây tác động tới đa số quần chúng, vì các bác quần chúng hay khai triển ý rất sâu xa và cao đẹp).
_ Tôi cũng rất quan tâm đến các triển lãm trong nước, tuy nhiên mỗi lần đi xem, tôi chỉ chú ý tác phẩm có gây ấn tượng thị giác cho tôi ko. Nếu ko có, tôi chẳng thích xem. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả