Soi học

Đọc sách cũ: Những quả đào vàng từ vùng Samarkand 23. 05. 16 - 8:15 am

Hieniemic

 

“Những quả đào vàng từ vùng Samarkand” (The golden peaches of Samarkand – 1963) là sách của Edward Schafer, nhà Hán học người Mỹ chuyên về thời Đường.

*
Từ thế kỷ thứ 8 tới 10, đế quốc Đại Đường nổi lên trở thành tụ điểm giao thương cực kì nhộn nhịp ở phía viễn Đông của con đường tơ lụa. Ta quen nghĩ về con đường tơ lụa như thể một chiều, đi từ Trung Quốc qua các vùng Hồi giáo rồi đến châu Âu, nhưng thật sự đó là con đường hai chiều. Nếu là một thương nhân mang hàng hóa từ phương Tây đi theo hướng ngược về Trung Quốc, anh ta sẽ đi từ Byzantine (Đông La Mã) chẳng hạn, qua thế giới Hồi giáo, rồi lên Tây Vực hoặc xuống Ấn Độ, cuối cùng kết thúc ở bờ biển phía Đông.

Bản đồ sơ lược con đường tơ lụa

Từ đây, hàng hóa sẽ đi tiếp xuống Nam Dương thông qua Long Biên, Giao Châu – nơi đặt đô hộ phủ (protectorate của Đại Đường). Hệ thống kênh đào Đại Vận Hà lúc này đã gần như hoàn thiện, nội thương cũng nhộn nhịp và giúp đưa hàng hóa đi khắp nơi.

Kênh đào tay Đại Vận Hà có từ thế kỷ thứ V TCN

 

Một đoạn kênh đào của hệ thống Đại Vận Hà. Hình từ trang này

Thời kỳ toàn cầu hóa và chủ nghĩa tiêu dùng đầu tiên của con người đã bắt đầu. Trường An trở thành một đô thị cosmopolitan: dân số đông, nhiều chủng tộc, có lẽ chưa tới nỗi như Khanbaliq (Bắc Kinh) thời Mông Cổ, nhưng lượng người ngoại quốc đi buôn (Ấn Độ, Nam Dương, Tây Vực, Ba Tư, Nam Âu…) sống thành cộng đồng cũng đã bắt đầu tăng. Quý tộc thời Đường có thể dễ dàng vừa uống rượu vừa ngắm gái “Tây”, như thơ Lý Bạch, trích trong sách:

Hồ cơ mạo như hoa
Đương lô tiếu xuân phong
Tiếu xuân phong
Vũ la y
Quân kim bất túy tương an quy

Tạm dịch:

Gái Hồ mặt như hoa
Đứng cạnh lò lửa, cười như gió xuân
Cười như gió xuân
Mặc áo lượt mỏng mà múa
Này người chưa say mà đã vội về sao?

Thế kỷ thứ bảy, nước Khang (tức Samarkand) ở Tây Vực (hiện là ở Uzbekistan) cống cho Đại Đường thứ đào màu vàng, to bằng quả trứng ngỗng. Quay lại với những quả đào vàng, tác giả Schafer đã chọn những quả đào này làm biểu tượng cho những giá trị vật chất ngoại lai, được trung chuyển nhờ quá trình toàn cầu hóa, làm nên nền văn minh của chúng ta. Cùng theo chân các quả đào vàng là đủ thứ hàng hóa khác, gần gũi nhất có thể nói là rau củ quả bây giờ chúng ta dùng thường nhật. Nho (và rượu nho) từ Địa Trung Hải, lựu từ Ba Tư, dưa hấu từ Bắc Phi (chữ Hán dùng cho dưa hấu là tây qua – dưa (từ phương) Tây), thảy đều tới đây qua đường tơ lụa.

Sản vật theo con đường tơ lụa. (Các bạn nhấn vào hình để xem bản to)

Theo chiều ngược lại, hàng hóa (lụa là, ngọc, gỗ thơm…) của Đại Đường (gồm cả An Nam và An Đông) được xuất sang phương Tây, xuống Nam Dương và vượt biển đi tiếp sang phía Đông tới xứ Wa (Nhật), lúc này đang là fanboy của Đại Đường; xứ này lại tích cực cử sư sãi, trí thức sang học tập văn minh cấp tiến. 

Đây là cuốn sách về văn minh vật chất của thời kỳ toàn cầu hóa đầu tiên. Sách của Schafer hàn lâm nhưng không khô khan. Ông không viết ghi chép thống kê mà ông kể chuyện. Ông kể chuyện vật chất đã được chuyển giao giữa các nền văn minh như thế nào, đã làm biến đổi văn hóa, kinh tế và nghệ thuật, thi ca ra sao.

Sách về thời Đường, dĩ nhiên cũng có rất nhiều thơ Đường để trích, nhưng toàn tiếng Anh, mà không phải bài nào cũng có thể dễ mò ra bản chữ Hán ☹

Ý kiến - Thảo luận

21:17 Friday,27.5.2016 Đăng bởi:  Giang Hà
Hấp dẫn, thú vị.
...xem tiếp
21:17 Friday,27.5.2016 Đăng bởi:  Giang Hà
Hấp dẫn, thú vị. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả