Chính trị

Đại gia Ahmet Çalık: mở đường tơ lụa… từ phương Tây 26. 11. 15 - 10:20 pm

Lê Đỗ Huy

Nhân thế giới đang xôn xao chuyện lùm xùm Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga, xin góp một câu chuyện cũ về… một đại gia Thổ, kẻ mang đậm gien lái buôn của đất nước mình.

Có chí thì nên

Ahmet Çalık – một “bạch thủ thành gia”(*) đã chắt chiu từng cơ hội, trở thành chủ một tập đoàn kinh tế tầm khu vực, có năng lực “xâm lược mềm”. Tờ Chronicles of Turkmenistan đã bình Ahmet Çalık là đầu tầu của sự bành trướng Thổ Nhĩ Kỳ. Riêng về nghề gia truyền dệt vải denim, doanh nghiệp của Çalık nhanh chóng đạt tầm cỡ thế giới.

Ahmet Çalık. Hình từ trang này

Sinh năm 1958 ở Malatya, Thổ Nhĩ Kỳ, không được học hành gì mấy, Ahmet Çalık đã quyết đổi phận giai cấp thợ thuyền vào 1981.

Nhưng phi vụ đầu tư đầu tiên của Ahmet – vẫn thuộc dạng “gà cồ ăn quẩn”, tình cờ trở thành bước đi hệ trọng nhất. Ahmet Çalık lập cơ sở dệt vải denim (bò) mang tên Gap Güneydoğu Tekstil tại quê nhà Malatya. Mốt quần bò bùng lên hồi đó đã nhanh chóng cho Ahmet Çalık vốn để sang thử sức trên các lĩnh vực mới như xây dựng, năng lượng, tài chính. Ahmet Çalık dấn vốn lập ra Çalık Holding, hôm nay nổi tiếng là một tay chơi quan trọng trên thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và lân bang.

Đầu thập kỷ 90, khi nền độc lập về tay các dân tộc nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Á, Çalık đã đầu tư thêm vốn… tiếng Thổ của mình, lao sang chinh phục địa bàn chiến lược mới này, trở thành một trong những nhà đầu tư và chủ các nhà máy dệt tại đây.

Sụp tường Berlin

Ở Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã tồn tại hình thái kinh tế “xám”, khi các công trường thủ công như hồi thế kỷ 18 (trong các tác phẩm của Marx) làm nhái các hàng hiệu của các trung tâm thời trang Ý, Pháp… Khách mua là những con em “bần cố nông” của nền tư bản hiện đại. Nhà sản xuất các vật liệu như vải, da thuộc, hay gia công sản phẩm công nghiệp phụ trợ thường sử dụng lao động rẻ, chính danh là cung cấp nguyên liệu cho các trung tâm “xịn” ở giữa châu Âu phồn hoa như “phương lấy chồng”, nhưng chắc chẳng chê những xưởng chế biến “đồ cọp” trong các hầm nhà ở Istanbul, những “vương quốc” của thời trang kiểu hàng mỹ ký, vì số người ở tầng dưới trung lưu chưa bao giờ giảm đi.

Cuối những năm 1980s, những cơn gió chiến tranh lạnh tắt đi, các nước khối Đông Âu lần lượt rời quỹ đạo Xô Viết. Những “chợ giời” mọc lên ở Ba Lan, Tiệp Khắc, miền Đông nước Đức vừa thống nhất, tiêu thụ mạnh hàng hóa công nghiệp nhẹ giá rẻ tràn sang từ phía Tây, lẫn nhiều thời trang “cọp”… Nhu cầu nguyên liệu cho ngành may, nhất là vải may đồ thời trang là denim, đột ngột cháy chợ trước “cơn khát” hàng mốt của khối Đông Âu hàng trăm triệu người với lịch sử bị đè nén thời trang. Ahmet Çalık, ít học, nhưng với gien lái buôn Thổ Nhĩ Kỳ, dự cảm quân cờ đô-mi-nô rồi sẽ đổ cả ở ốc đảo của những người cùng tiếng nói, cùng tôn giáo với ông lúc đó còn thuộc Liên Xô.

Xếp hàng ở một cửa hàng thịt quốc doanh ở Liên Xô. Hình từ trang này

Ngọn gió đổi thay

Khủng hoảng kinh tế từ đầu thập kỷ 1990s đã khiến tình hình kinh tế ở Liên bang Xô viết xấu đi đột ngột. Nhưng thách thức này cũng ló ra những cơ hội. Nhờ tư duy “cải tổ” (perestroika) đã hợp pháp hóa kinh tế tư nhân, đồng thời cung cấp khả năng xuất ngoại không bị cản trở, căn bệnh “thiếu hàng hóa” của một Liên Xô “xếp hàng cả ngày” sinh tâm lý chuộng hàng hóa phương Tây kìm nén suốt lịch sử Xô Viết, nay bung ra, gặp ngay được nguồn cầu là hàng “nhái”mốt phương Tây làm ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng có giá vừa túi. Để hợp pháp hóa loại hình buôn tiểu ngạch bằng máy bay, đã xuất hiện loại hình shop-tour (du lịch “đánh hàng”) có hàng trăm công ty tham gia. Họ làm cả dịch vụ cargo và thông quan trọn gói, khách nhận hàng tạ hàng của mình ở kho của hãng du lịch ở Moscow, khá thuận tiện.

Hàng tiêu dùng rẻ tiền của phương Tây, nhất là hàng nhái (counterfeit) đã vô tình tạo nên một “phồn vinh giả tạo” làm lóa mắt người dân từ những đất nước “đóng”, chưa quen phân biệt hàng xịn và hàng giả, càng xa lạ với luật bảo hộ thương hiệu, hay sở hữu trí tuệ. Kết quả là đồ hiệu rẻ tiền, thậm chí “hàng giả” bề ngoài đã làm cho, chí ít là Ba Lan và Tiệp Khắc, đỏm dáng hơn. Hiện chưa thấy những nghiên cứu sâu về tác động của hàng tiêu dùng giá “bình dân” (trong đó có cả hàng counterfeit nhái theo thương hiệu nổi tiếng để lòe những “con gà”) có đẩy nhanh sụp đổ của Liên Xô?

Thời khó khăn: cô gái điếm 18 tuổi Katya mặc đồ jeans lượn trên phố kiếm khách, trong lúc một chiếc xe cảnh sát đi ngang. Moscow hồi 1991, một thời gian ngắn sau khi Liên Xô sụp đổ. Hình từ trang này

Mr. Çalık đã tái thiết liên hiệp công nghiệp “con đẻ” Gap İnşaat vào giữa những năm 1990s, khi những đợt sóng các nhà “buôn con thoi” (shuttle trader) từ Liên Xô cũ tràn ngập Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là Istanbul. Đây là cựu thánh địa Constantinopol Đạo chính thống (của người Nga), bị đế quốc Ottoman của người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm từ giữa thế kỷ 15. Thế rồi suốt những năm 1990s, người Thổ để mặc cho những người Nga và xô viết cũ “chiếm lại”cố đô của Byzantine, làm giàu bốc lên một mảng tướng trong kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Các hãng du lịch, các hãng hàng không trên tuyến Đông-Tây Âu, cả vận chuyển hành khách lẫn cargo, các hãng vận tải biển, và muôn vàn doanh nghiệp liên đới, đều ký sinh vào cơn sốt “buôn con thoi” ngựa xe như nước vô cùng lộn xộn, trên cái nền cũ còn cứng quèo của lâu đài cát mậu dịch Xô Viết.

Cicek Pasaji (Đường Hoa) – một khu ăn uống, quán rượu nổi tiếng ở Istalbul. Sau Cách mạng tháng Mười Nga, nhiều người Nga chạy sang đây và bán hoa (theo nghĩa đen). Đến 1940s ở đây là một khu toàn các cửa hàng bán hoa, nên có tên Đường Hoa. Hình từ trang này

Hồi ấy, chỉ riêng hai hãng Nga là Aeroflot và Transjago hàng ngày đã bay tới 16 chuyến dạng shop -tour,với khoảng 250 khách trên mỗi chuyến, mỗi khách mang khoảng vài ngàn USD. Vậy là mỗi ngày hàng triệu USD rời khỏi nước Nga chủ yếu để mua về “giẻ” (tiếng Nga tiapka – cũng có nghĩa là quần áo). Và kết quả là: nhà máy Gap Güneydoğu Tekstil của Ahmet Çalıkbốc lên thành một trong 10 nhà máy sán xuất vải denim chất lượng cao hàng đầu thế giới (2006).

Những xưởng may “nhái” quanh Istanbul chẳng hạn, mua vải bò về, may thành quần, váy, xoóc, jacket… vải bò, và gắn vào đó các thương hiệu nổi tiếng nhất: Lee, Levis, Wrangler, Calvin Klein… Doanh số chung của hàng tiêu dùng loại giả (counterfeit) lên tới khoảng 300 tỉ hàng năm. Hậu quả của nó là thảm họa đối với cách làm ăn chân chính. Nhưng khó cáo buộc các chủ xưởng dệt vải denim (vài bò) như Mr. Çalık đã đóng góp vào “kinh tế xám”, vì họ chỉ bán vải bò thôi. (Đồng thời, nếu bản hãng “bị” nền sản xuất hàng nhái “ăn hàng” nhiều nhiều, đây là hẳn một ngòi nổ ngầm cho phát tài).

Quần bò giả ở một chợ Thái Lan. Ảnh của Ben Donley

Sứ thần – sủng thần

Một “mỏ vàng” khác của Ahmet Çalık là quan hệ với Cha của dân tộc Turkmenistan (Türkmenbaşy), Sapamurad Atayevych Niazov (1940 – 2006). Ngài Niyazov, xuất thân công nhân (như Çalık) trở thành cán bộ Đảng chuyên nghiệp, trong thập niên 1980a đã ở tầng cao nhất của Cộng hòa Turkmenistan thuộc Liên Xô, rồi trở thành Tổng thống trọn đời (President for Life) của Turkmenistan độc lập.

Tổng thống Nga Putin and Tổng thống Turkmen (Turkmenistan) Saparmurat Niyazov hồi 2000

Sinh thời nổi tiếng vì tự “sùng bái cá nhân” và độc tài, Sapamurad Niyazov có một gia thần là người ngoại quốc (nhưng không ngoại tộc, ngoại đạo) là…Ahmet Çalık. Báo Chronicles of Turkmenistan tiết lộ, “Sultan đỏ” (theo cách người Nga gọi) Niyazov đã hậu hĩ ban phát cho Ahmet Çalık quyền điều phối xuất khẩu tài nguyên và hàng may mặc của Turkmenistan, và chiếm lĩnh gần như toàn bộ ngành xây dựng cơ bản của Turkmenistan.

Saparmurat Niyazov và Ahmet Chalik cùng nghiên cứu bản đồ quy hoạch xây dựng. Hình từ trang này

Về chính thức, dưới triều Sapamurad Niazov, Ahmet Çalık được tấn phong là đại diện của Tổng thống Turkmenistan về lĩnh vực tiêu thụ khí đốt, dầu mỏ, và điện năng, hàng dệt may và bông trên thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Ông còn làm cố vấn cho Bộ Công nghiệp dệt Turkmenistan (1997-2004), “Đeo ấn làm tướng” nhiều nước như Quản Trọng, năm 2012, Ahmet Çalık lĩnh hàm Công sứ danh dự của Kazakhstan…

Do có nhiều dự án thành công với các công ty Nhật tại Turkey, Trung Á, Trung Đông trong suốt 20 năm, doanh nhân Ahmet Çalık được giáo sư bác sĩ Yagasaki Tadashi, hiệu trưởng trường đại học Nha khoa Matsumoto Dental University, trao bằng tiến sĩ danh dự hồi 2014. Ông Çalık nói, “Tôi đã làm việc với người Nhật 25 năm nay. Chúng tôi là một trong những công ty đầu tiên tiến hành làm ăn với Nhật ở Trung Á. Phần thưởng này do một trường đại học Nhật trao mang rất nhiều ý nghĩa với tôi.” Hình từ trang này

Ahmet Çalık còn thể hiện tầm nhìn xa về địa chính trị kiểu tư bản công thương phương Tây. Nhờ sớm triển khai các cơ sở dệt, nhất là vải denim (bò) ở Turkmenistan (từ 1997), Ahmet Çalık hôm nay gặt hái từ gốc đến ngọn. Với nhân công rẻ của bản địa, quần bò Levis, Ikea “made in Turkmenistan” hôm nay được bày bán trên nhiều supermarket ở Mỹ, với giá chỉ khoảng 20 USD, dùng chủ yếu cho “người lao động” Mỹ – như một minh chứng cho đầu óc kiếm bộn tiền ở chỗ người nghèo – cả người mua (ở Mỹ) lẫn người sản xuất (ở Trung Á). Không ai phủ nhận được công của “ngoại nhân” Çalık trong việc đồ bò “made in Turkmenistan” được thế giới công nhận.

{Kẻ viết bài này còn nhớ, vào khoảng 1997 ở Istanbul, khi các du khách phe phẩy – chelnoki tiếng Nga, tức là các shop tourists Liên Xô cũ –  than phiền nhà nước Nga bắt đầu hạn chế, không cho mang thả cửa ngoại tệ từ Nga như trước, rồi Mafia Nga, Mafia Thổ và Mafia Chechen hè nhau cướp bóc du khách Liên Xô cũ… các ông chủ Thổ Nhĩ Kỳ bảo: chúng tôi sẽ sang bán hàng door-to-door ở quê các vị. Một trong những “chim đầu đàn” buôn tận gốc bán tận ngọn ấy, hôm nay nhìn lại, phải có tiên sinh Çalık.}

Tượng thể hiện các tay chelnoki tại chợ Tagansky Ryad (còn gọi là chợ Tàu ở Yekaterinburg, Nga). Hình từ trang này

Một kinh nghiệm khác của mối cộng sinh lâu đời kiểu Ý (thời trang)-Thổ (sản xuất) cũng làm nặng ví cho các đại gia một thời chân đất như Ahmet, đó là đầu tư thêm để gia công những chiếc quần bò “xịn hơn” (premium) có giá thành tới hơn 7 euro, rồi chúng xuất hiện ở các shop hàng hiệu ở châu Âu phù hoa với giá tới… 90 euro một chiếc. Theo Chronicles of Turkmenistan đây là một trong những cửa kiếm tiền đã giúp Çalıknhiều tiền tươi thóc thật, nhanh chóng leo lên danh sách tỉ phú của Forbes (1,5 tỉ USD năm 2007).

Méo mặt và “bằng mặt”

Ahmet Çalık đã không giấu diếm là ông đã “méo mặt” khi Tổng thống trọn đời, Sapamurad Niyazov đột ngột băng hà năm 2006. Theo báo chí, ông đã mất tới 1/3 tỉ USD vì vương miện ảnh hưởng của Sultan mới đã không tỏa bóng lên thị phần của Ahmet Çalık ở Turkmenistan nữa.

Đám tang của Tổng thống Sapamurad Niazov. Hình từ trang này

Tổng thống mới của Turkmenistan có họ hàng đông đảo hơn là cựu lãnh tụ xô viết Sapamurad Niazov (vốn dĩ trưởng thành ở Moskva). Những người vừa lĩnh suất “hoàng gia” này, theo báo chí, đang trổ tài kinh bang tế thế, giật những mảnh đất “màu mè” khỏi tay “lái buôn Thổ”. Các cơ quan, công sở ở thủ đô Ashgabat nay chỉ “bằng mặt” với người mà báo chí sở tại cho rằng luôn lươn lẹo và tươi cười – Ahmet Çalık.

Những người Trung Quốc từng thành đạt nhờ sang Istanbul “xoáy” các mẫu hàng mà người Thổ ngày nào còn “modifier” từ thời trang Paris -Milan… rồi nhái hàng loạt, bán sang Liên Xô cũ và Đông Âu, dần dà sang cả Tây Âu, nay đã đủ đô la ngõ hầu “buôn vua” ở Liên Xô cũ. Họ muốn nhắc nhở các doanh nghiệp ngoại “gạo cội”, như Ahmet Çalık, ai từng là chủ của con đường Tơ lụa chạy qua sa mạc Karakum, và xứ bên bờ vịnh Caspian là Turkmenistan.

Gurbanguli Berdimuhamedov (phải) – Tổng thống của Turkmenistan từ 2006 và Ahmet Çalık. Hình chụp hồi 2013, từ trang này

Tất cả các dòng sông đều chảy (được)

Ở thế giới của những Hãn (Khan), những Sultan, những Sa Hoàng, danh đi liền với lợi, tước vị có nghĩa là bổng lộc. Tuy nhiên, theo báo chí, dù tiên quân đã băng hà, Ahmet Çalık từ 1993 vẫn bám được vào ngân khố của Turkmenistan, và tới nay, (dù thất sủng) vẫn tìm được cách cắm vòi hút.

“Người ta tống tôi ra cửa, tôi vào bằng cửa sổ”, Mr. Çalık tuyên bố.

Ông thành lập hàng chục công ty mà về pháp nhân không có quan hệ gì với Çalık Holding, nhưng gặt hái bộn qua những đơn đặt hàng của nhà nước, những chuyển nhượng trong tư nhân hóa tài sản công, và những phi vụ thầu khoán ở Turkmenistan và Trung Á. Báo chí từng “chỉ điểm” những Lotus Enerji A.S, Gap Oil Incorporated… có chủ đích thực chính là ngài Çalık.

Trụ sở của Çalık Holding A.Ş. Hình từ trang này

Làm ăn chớ quản scandal, ÇalıkHolding ở sân nhà Thổ Nhĩ Kỳ vướng không ít bê bối. Gần nhất là vụ bóc gỡ băng ghi âm nói chuyện điện thoại “cung cấm”. Theo báo Zaman, Ankara, tháng 2. 2014, Thủ tướng và con trai đã trao đổi về cách đẩy một khoản tiền lớn đang “trôi nổi” ra “sân sau”, qua BeratAlbayrak, CEO của Çalık Holding… Năm 2008 có vụ Çalık Holding mua tờ báo lớn Sabah và kênh truyền hình ATV vớigiá 1,1 tỉ USD, nhưng lại được hai ngân hàng hàng quốc gia lớn là Vakif Bank và Halk Bank cấp tín dụng tới 750 triệu đô la cho thương vụ mà Çalık Holding được độc quyền mua (!)… Rồi 25% tiền mua còn lại được huy động vốn từ Qatar -bị xem là nhằm lobby cho người đứng đầu chính phủ ở Ankara! Đến mức Çalık Holding bị hạ mức tín nhiệm theo chỉ số Hãng đánh giá quốc tế Fitch, tháng 1. 2009. Rồi cũng phải “trong ấm ngoài êm”, vì Berat Albayrak, CEO của Çalık Holding chính là… con rể của Tổng thống.

Berat Albayrak, con rể của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, chụp ở Ankara hôm 23. 6. 2015, được bầu làm Bộ trưởng Năng lượng. Ảnh AFP /Adem Altan

Thôi thì ở đâu âu đấy. Bất chấp những ì xèo, tên tuổi của Ahmet Çalık ngày càng nháng lên cả ở những lĩnh vực xa lạ với “quần bò’. Từ đầu thế kỷ, Çalık Group tỏa xúc tu vào hạ tầng lẫn thượng tầng, công nghiệp và năng lượng, các tổ chức đảm bảo sức khỏe cộng đồng, xây dựng địa ốc cao cấp…, và nhất là trên những địa bàn khó cho triển khai cả về kỹ thuật lẫn “quan hệ”. 

Sau cuộc chinh phạt Trung Á, Çalık nổi lên như một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở vùng Balkan. Năm 2007, tập đoàn Çalık Group sát nhập Albtelecom, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông-Internet ở Albania, nơi mà Çalık đã tậu cả một ngân hàng quan trọng. Năm 2012, ông mua đứt Hãng phân phối và cung cấp điện Kosovo KEDS…

Trong những trang mới của “Nghìn lẻ một đêm”, lái buôn Thổ Çalık chắc vẫn thám hiểm “vùng sâu vùng xa” để vỡ hoang.Vì, ngoài việc tài trợ những công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh viện ở quê hương, Çalık Group còn bắt đầu dấn thân vào những chiến dịch cứu trợ xã hội ở Pakistan, Somali…

*

(*) – “bạch thủ thành gia”: tay trắng làm nên

 

Ý kiến - Thảo luận

21:22 Sunday,29.11.2015 Đăng bởi:  Huy
Vâng xin cảm ơn. Rất sung sướng vì được khen, có xen chút nghi ngờ mình - chắc là được động viên thôi- cố lên. Huy đang viết tiếp một bài nhỏ, trong đó ông nguyên thủ (bố vợ ông CEO của Çalık Group) cáo buộc ngược lại, rằng: đối tác của Thổ trong dự án về một dòng sông không chảy (Turkstream) canh ti với IS buôn dầu (!) chú Sam có tài liệu!
...xem tiếp
21:22 Sunday,29.11.2015 Đăng bởi:  Huy
Vâng xin cảm ơn. Rất sung sướng vì được khen, có xen chút nghi ngờ mình - chắc là được động viên thôi- cố lên. Huy đang viết tiếp một bài nhỏ, trong đó ông nguyên thủ (bố vợ ông CEO của Çalık Group) cáo buộc ngược lại, rằng: đối tác của Thổ trong dự án về một dòng sông không chảy (Turkstream) canh ti với IS buôn dầu (!) chú Sam có tài liệu! 
16:29 Sunday,29.11.2015 Đăng bởi:  Miềng
Bài hay ghê. Tác giả sẽ viết tiếp các bài nữa về đất nước này ạ? Hôm vừa rồi đọc báo thấy tố cáo quan hệ giữa chính phủ Thổ với ISIS, cũng tò mò muốn biết thêm họ đi đêm với nhau ra sao và chuyện ấy có thật không...
...xem tiếp
16:29 Sunday,29.11.2015 Đăng bởi:  Miềng
Bài hay ghê. Tác giả sẽ viết tiếp các bài nữa về đất nước này ạ? Hôm vừa rồi đọc báo thấy tố cáo quan hệ giữa chính phủ Thổ với ISIS, cũng tò mò muốn biết thêm họ đi đêm với nhau ra sao và chuyện ấy có thật không... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả