Nghệ sĩ Việt Nam

………………. dotted line hay tâm sự của Hâm Liệt……………………… 30. 04. 12 - 1:09 pm

Thạch Sĩ Diệu

“Hamlet”, tranh của Noredin Morgan

 

TÂM SỰ CỦA HÂM LIỆT

Sửa dòng kẻ chấm (1) hay là không sửa dòng kẻ chấm – đó là vấn đề.

Chịu đựng tất tật những viên đá hòn sỏi, những cóp nhặt mổ rỉa, những mũi dãi thò lò hay bột bẹt dịch thuật của các loại ký giả, học giả để rồi e hèm lên một tiếng mà sửa đi, hay là không có e hèm gì hết, cứ thế mà im lặng không sửa và bằng cái không sửa dữ dội ấy mà khiến chúng mỏi mệt, chúng xê ra, chúng im phắc hết đi, đằng nào cao quý hơn.

Sửa là thuận theo. Không hơn. Và tự nhủ thuận theo là sẽ được lòng cả những kẻ đáng ghét dai như đỉa, đồng nghĩa với việc hết hẳn vô số vết chích cắn ngứa rát râm ran mà siêu hình hài đang phải chịu đựng, thuận theo khả thủ như vậy chẳng phải là đáng mong muốn lắm sao?

Sửa, là thuận theo. Thuận theo: có thể là thuận theo í ẹ. Hừ! đây mới là thứ làm khó chịu. Vì trong sự thuận theo dễ dàng ấy, khi ta đã thoát hẳn khỏi cái trận đồ bát quái được giăng ra bởi toàn dòng kẻ chấm và lòng cật(2) này, thì ta làm sao dám chắc ở trong một buổi sáng tương lai, cái sự thật về thuận theo í ẹ lại sẽ không bao giờ hiển hiện với trí óc sáng suốt, chính điều bất tường này khiến ta phải nhíu mày lại mà ngẫm cho kỹ.

Bởi vì, có ai dại dột hứng chịu những nhặt nhạnh ác ý, những thù hằn ngâm tẩm, những nhố nhăng của thời đại, sự dốt nát của báo chí a tòng, thói khoe mẽ của học giả, sự hỗn hào của bọn mới lớn, chứng trì độn của kẻ già lão, sự miệt thị của kẻ hãm tài đối với tài năng không hãm, trong khi chỉ cần e hèm lên mà sửa là dễ chịu thoải mái ngay được.

Có ai đành nhẫn nhục không sửa, chỉ thở vắn than dài, mình thở mình biết, người ngợm sưng tấy như kẻ quanh năm ghẻ lở dưới gánh nặng của ngứa ngáy, nếu không phải chỉ vì kinh hãi cái sự thật về thuận theo í ẹ mông mênh bất tận sau khi sửa, cái thuận theo mà một khi đã xong rồi, thì hỡi ôi nghìn vàng khôn chuộc, cả một trời xanh của í ẹ mà một kẻ dịch già trong cơn bối rối đã chặc lưỡi cất tiếng vâng ưng thuận như một đứa hoa hậu khờ khạo, đấy chính cái nỗi sợ mơ hồ làm cho lòng ta quay quắt, bắt ta phải cam chịu mọi ngứa ngáy khả dĩ còn hơn là một í ẹ khả thể ở chốn vị lai mà ta còn chưa thấu đáo.

Phải, chính cái nỗi khổ tâm rõ ràng ấy khiến cho ta trở nên như một kẻ ba phải chết nhát, và cái ý định sửa chữa dòng kẻ chấm vừa bùng lên đã tàn lụi trước viễn cảnh lạnh lẽo của hối hận, bao toan tính sửa chữa dấm dớ này nọ, tất thảy đều chẳng thể nào mà thực hiện cho nổi.

Thôi khẽ chứ! Kìa bà Dương Tường dịu hiền! Nữ thần của lòng ta, khi bà đi chùa, hãy nhớ khấn vái cho ta thoát khỏi gánh nặng của dức lác.

———–
Chú thích:

(1) on the dotted line
(2) loins

“Hamlet”, tranh của John Link

 

Sở dĩ viết những dòng nhại Hamlet trên vì vô tình xem một loạt tranh John Link vẽ các nhân vật của Shakespeare, trong đó có bức vẽ Hamlet mắt nhìn hoang mang, lại nghĩ đến gần đây, một loạt các bài viết, tranh luận xung quanh mấy từ “on the dotted line” của Lolita, cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi của Vladimir Nabokov, do Dương Tường chuyển ngữ. (Dương Tường không chỉ là một dịch giả mà còn là một nhà phê bình hội họa, là người mà các họa sĩ (nhất là lứa của Đặng Xuân Hòa, hay Nguyễn Minh Thành, Lý Trần Quỳnh Giang) vẫn uống trà cùng ở Mai Galerry ngày nào…)

Điều kì lạ là khi phê bình Dương Tường, ngay cả với những bài viết tưởng như rất chuyên môn, thì những người viết cũng đều chỉ dừng lại ở duy nhất cái “dòng kẻ chấm” trong đoạn mào đầu trứ danh đó để biện luận, trong khi trọn vẹn bản dịch là gần 500 trang sách khổ lớn. Những tranh luận khen chê (quanh cái cụm từ ấy) sôi nổi đến nỗi, ở một mức độ nào đó, dòng kẻ chấm của Dương Tường chẳng khác nào một băn khoăn về “thôi xao” (*) của hiện tại. Độc giả muốn tìm hiểu kỹ hơn, xin mời tham khảo đoạn độc thoại sau của Hamlet, ở hồi 1…

(*) Giả Đảo – nhà thơ đời Đường – khi làm thơ, mãi không quyết được nên dùng chữ “thôi” hay chữ “xao” trong câu “Tăng xao nguyệt hạ môn/Sư dưới trăng gõ cửa”)

*

Sống, hay không sống – đó là vấn đề.

Chịu đựng tất cả những viên đá, những mũi tên của số mệnh phũ phàng hay là cầm vũ khí vùng lên mà chống lại với sóng gió của biển khổ, chống lại để mà diệt chúng đi, đằng nào cao quý hơn?

Chết là ngủ. Không hơn. Và tự nhủ rằng ngủ đi tức là chấm dứt mọi đau khổ của cõi lòng và muôn vàn vết tử thương mà hình hài phải chịu đựng, kết liễu cuộc đời như thế, chẳng đáng mong muốn sao?

Chết, ngủ. Ngủ có thể chỉ là mơ. Hừ! Đây mới là điều khó khăn. Vì, trong giấc ngủ của cõi chết ấy, khi ta đã thoát khỏi cái thể xác trần tục này, những giấc mơ nào sẽ tới, điều đó làm cho ta phải ngừng lại mà suy nghĩ. Chính điều đó gây ra bao tai hoạ cho cuộc sống dằng dặc này!

Bởi vì, ai là người có thể chịu đựng những roi vọt và khinh khi của thời đại, sự áp bức của kẻ bạo ngược, hống hách của kẻ kiêu căng, những nỗi giày vò của tình yêu tuyệt vọng, sư trì chậm của công lí, hỗn xược của của cường quyền, sự miệt thị của kẻ bất tài đối với đực tài nhẫn nhục, khi chỉ cần một mũi dao là có thể đủ đưa mình đến chỗ yên nghỉ?

Có ai đành cam chịu, than vãn rầu rĩ, đổ mồ hôi dưới gánh nặng của cuộc đời mệt mỏi, nếu không phải chỉ vì sợ cái gì mênh mang sau khi chết, một thế giới huyền bí mà đã vượt biên cương thì không một du khách nào còn quay trở lại, nỗi sợ làm cho tâm trí rối bời và bắt ta phải cam chịu mọi khổ nhục trên cõi thế này còn hơn là bay tới những nỗi khổ nhục khác mà ta chưa hề biết tới?

Đấy, chính nỗi vướng mắc của tâm tư ấy làm cho chúng ta trở thành hèn mạt tất cả, và ngọn lửa của quyết tâm vừa bùng lên đã mờ nhạt ốm yếu đi trước ánh leo lét của ý nghĩ đó, bao dự kiến lớn lao, cao quý cũng phải xoay chiều đổi hướng, chẳng thể biến thành hành động.

Thôi khẽ chứ! Kìa Ophelia yêu kiều? Nữ thần của ta ơi, khi nàng cầu nguyện xin đừng quên những tội lỗi của ta.


(Hamlet, hồi 3/1 – Bản dịch của Bùi Ý, Bùi Phụng, nxb Văn Học)

*

To be, or not to be, that is the question:
Whether ’tis nobler in the mind to suffer
The slings and arrows of outrageous fortune,
Or to take arms against a sea of troubles
And by opposing end them. To die—to sleep,
No more; and by a sleep to say we end
The heart-ache and the thousand natural shocks
That flesh is heir to: ’tis a consummation
Devoutly to be wish’d. To die, to sleep;
To sleep, perchance to dream—ay, there’s the rub:
For in that sleep of death what dreams may come,
When we have shuffled off this mortal coil,
Must give us pause—there’s the respect
That makes calamity of so long life.
For who would bear the whips and scorns of time,
Th’oppressor’s wrong, the proud man’s contumely,
The pangs of dispriz’d love, the law’s delay,
The insolence of office, and the spurns
That patient merit of th’unworthy takes,
When he himself might his quietus make
With a bare bodkin? Who would fardels bear,
To grunt and sweat under a weary life,
But that the dread of something after death,
The undiscovere’d country, from whose bourn
No traveller returns, puzzles the will,
And makes us rather bear those ills we have
Than fly to others that we know not of?
Thus conscience does make cowards of us all,
And thus the native hue of resolution
Is sicklied o’er with the pale cast of thought,
And enterprises of great pitch and moment
With this regard their currents turn awry
And lose the name of action.
Soft you now!
The fair Ophelia! Nymph, in thy orisons
Be all my sins remembered.

*

 

 

 

 

 

Ý kiến - Thảo luận

11:02 Thursday,26.9.2013 Đăng bởi:  Hoàng Thiện Mỹ
Theo tôi được biết, bản dịch trên mạng là bản illegal về mặt bản quyền. Vì bản quyền dịch 1 thứ tiếng nào đấy, người ta chỉ bán cho một NXB thôi.
Và về mặt luật pháp, NXB NN có thể yêu cầu họ gỡ xuống.
...xem tiếp
11:02 Thursday,26.9.2013 Đăng bởi:  Hoàng Thiện Mỹ
Theo tôi được biết, bản dịch trên mạng là bản illegal về mặt bản quyền. Vì bản quyền dịch 1 thứ tiếng nào đấy, người ta chỉ bán cho một NXB thôi.
Và về mặt luật pháp, NXB NN có thể yêu cầu họ gỡ xuống. 
9:20 Thursday,26.9.2013 Đăng bởi:  SiêuNoob
Theo mình hiểu thì khi bản dịch được mở trên Internet cho đông đảo người truy cập thì cũng đồng nghĩa là nó đã được "xuất bản" rồi. Hi vọng vấn đề bản quyền đã được sắp xếp.
...xem tiếp
9:20 Thursday,26.9.2013 Đăng bởi:  SiêuNoob
Theo mình hiểu thì khi bản dịch được mở trên Internet cho đông đảo người truy cập thì cũng đồng nghĩa là nó đã được "xuất bản" rồi. Hi vọng vấn đề bản quyền đã được sắp xếp. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ăn kem – xem show

Mr Thứ Hai – Chu Minh Vũ | Việt Nam Ngày Mới

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả