Soi học

Bài học Chủ nhật: Poseidon
– Nổi tiếng vì có vợ đẹp 02. 10. 11 - 6:21 am

Pha Lê

 

 

Bức tượng đồng Poseidon này có niên đại 575 BC. Nó được tìm thấy vào năm 1929, tại vùng biển Aegean (gần Thổ Nhĩ Kỳ). Ông Poseidon hình như đang cầm cây đinh ba (giờ đã mất), nhưng những món cổ như vầy thì thường không nguyên vẹn. Tác phẩm hiện nằm tại Bảo tàng Khảo cổ Quốc gia ở Athens. Biểu tượng của ông: đinh ba, ngựa, cá, cá heo, và bò đực.

 

Trong tích Hy Lạp, nam thần là một đề tài gây nhiều khó chịu. Trong khi các nữ thần có nguồn gốc lâu đời hơn và cũng kiêm nhiều tài lẻ, chức vụ; thì nam thần khá là “một chiều”. Trừ một số nhân vật đặc biệt như Hermes, Apollo, hay Hephaestos là có tí gì đấy “khang khác”, chứ nhìn chung, tích về các nam thần cũng quanh quẩn trong phạm vi hiếp dâm và nhậu nhẹt (tích về các nam anh hùng hảo hán thì phong phú hơn).

Poseidon (tên La Mã: Neptune) cũng nằm trong danh sách nhạt nhẽo đó. Lý do chính: Olympia đã có Zeus rồi, nên Poseidon giống như “người thừa”, vì tính cách hai ông này na ná nhau.

 

Tác phẩm “Sự kết hợp giữa đất và nước”, Rubens, 1618. Tuy có vợ, nhưng Poseidon vẫn ve vãn các bà, các cô, y chang ông Zeus. Trong tranh, Poseidon (cầm đinh ba) đang tán Cybele. Chắc mọi người đang tự hỏi: Ủa, đất mẹ là Gaia chứ sao lại là Cybele? Vụ này hơi rắc rối. Nói cho đúng Cybele không phải thần Hy Lạp, bà thuộc nước Phrygia (giờ là Thổ Nhĩ Kỳ), nhưng dân Hy Lạp biết đến bà và có thờ như một nữ thần bản địa. Bà cũng là đất mẹ giống Gaia. Theo một số nguồn, Poseidon còn léng phéng với Gaia và đẻ con, nên chắc Rubens lộn hai “đất mẹ” với nhau, vẽ Gaia thành Cybele. Biểu tượng của Cybele là con sư tử, nhưng Rubens tiếp tục vẽ lộn thành con cọp (góc trái). Phía dưới ở góc phải là đám thủy quái thuộc hạ của Poseidon. Hình do bạn Hiếu Thiện cung cấp.

 

Lật lại bài “Zeus và cây phả hệ rối ren“, Poseidon là anh trai của Zeus, nhưng bị bố Cronus nuốt vào bụng và sau này oẹ ra nên từ chức “anh” bị đảo thành chức “em”. Poseidon bốc thăm trúng thưởng và trở thành thần biển, nhưng hình như chỉ có tiếng chứ không có miếng. Theo nhà thơ Homer, Poseidon có “phẩm chất” ngang với Zeus (nghĩa là không nhiều lắm), còn sức mạnh thì thua Zeus một bậc. Do giống nhau như vậy nên tích Hy Lạp không chú ý đến Poseidon mấy. Ông thần biển cũng rất hay thua người này người kia, đơn cử:

1 – Thua Athena trong vụ giành đất Athens

2 – Thua dân Hy Lạp về việc chế ngự biển (dù mang tiếng làm thần biển). Theo nhà thơ Homer, Poseidon tức anh ách khi dân chúng Hy Lạp xây tường, xây đập, ngăn lũ thành công; cũng rất ghét những con tàu chiến/tàu đánh cá do dân Hy Lạp đóng vì chúng xâm phạm lãnh thổ của mình. Điều này đi đôi với lịch sử hàng hải thời bấy giờ. Lúc đó, kỹ thuật đóng tàu của Hy Lạp thuộc loại tốt nhất thế giới, và thủy quân của họ thì gần như không có đối thủ.

3 – Theo Euripides, Apollo và Poseidon giúp ông vua Laomedon vây bức tường thủ xung quanh thành Troy. Nhưng sau này Troy bị Hy Lạp chiếm, tường bị phá, coi như thành thứ vô dụng. Vậy là Poseidon lại thua người dân Hy Lạp thêm cú nữa. Nhưng ông thần biển vốn ghét dân Troy nên cắn răng chịu đựng. (Theo lời Homer và Virgil, Laomedon hứa sẽ trả công cho Poseidon và Apollo nếu cả hai giúp Laomedon xây thành, nhưng khi xây xong thì Laomedon quỵt nợ. Poseidon ghét Troy từ đó)

Poseidon chỉ có một số chi tiết đặc biệt. Cái thứ nhất là tài thuần ngựa. Chính ông chỉ cho dân cách thuần ngựa hoang và cách lai giống để có phương tiện chuyên chở cũng như đi lại. (Trái với phim Hollywood, thời ấy rất ít người dám đem ngựa đi đánh nhau vì chúng rất đắt và hiếm, chỉ thủ lĩnh may ra mới được ngồi). Nhiều tượng/tranh vẽ Poseidon ngồi xe chariot (loại xe đánh trận) do 4 con ngựa kéo từ dưới biển lên. Ngựa cũng là một trong những biểu tượng quen thuộc của Poseidon. Nếu đứng một mình thì ông này được tạc tượng nhiều hơn vẽ tranh, và tượng của ông thường được đặt ở hồ, ở đài phun nước.

 

Đài phun nước Trevi ở Rome, với tượng Poseidon đứng giữa, vây quanh ông là đám thủy quái và lũ ngựa chiến. Đài Trevi cao 26 mét, rộng 20 mét, và được kiến trúc sư Nicola Salvi hoàn thành vào năm 1762. Mọi người đồn là nếu thảy một đồng tiền xu vào đây, bạn sẽ trở lại thăm Rome lần nữa; nếu thảy 3 đồng, bạn sẽ hoặc có tình yêu mới hoặc sẽ ly dị (vì có tình yêu mới chăng?). Nói chung thì mỗi ngày dân du lịch ném vào Trevi hết tổng cộng 3000 Euro tiền xu.


Tượng Poseidon cùng thủy quái và 4 con ngựa ở hồ nhân tạo của lâu đài Versailles. Điêu khắc gia Tuby hoàn thành tác phẩm này vào khoảng năm 1670. Một số chuyên gia cãi rằng đây là Apollo chứ không phải Poseidon (vì tượng có nét mặt nhìn khá đẹp, trong khi Poseidon thì xấu kinh), nhưng sao Apollo lại đi kèm với thủy quái nhỉ? Thường thì những tác phẩm để trong hồ hay trong đài phu nước là về Poseidon hoặc về Venus đang cởi truồng thôi.

 

Điểm đặc biệt thứ hai là Poseidon có bà vợ đẹp. Giống Zeus, ông thần biển vô cùng lăng nhăng, nhưng vợ thì lấy mỗi một cô, tên Amphitrite. Vào thời mẫu hệ, lúc chưa có Poseidon thì cô này làm thần biển (chữ Amphitrite có nghĩa là biển cả), sau đó bị giáng xuống làm vợ ông Poseidon. Theo nhà thơ Hyginus, lúc Poseidon tán tỉnh Amphitrite, cô này (chắc thấy ông Poseidon không có điểm gì được) sợ quá nên bơi đến chỗ thần Atlas trốn (đâu đó ở Châu Phi). Nhưng Poseidon cử do thám – thần cá heo Delphinus – đi tìm, và Delphinus (chữ Dolphin (cá heo) trong tiếng Anh có gốc từ đây) mò ra được tung tích của Amphitrite. Sau một hồi dỗ ngọt (chắc theo kiểu: Poseidon cũng có điểm tốt, ít lăng nhăng hơn Zeus v.v…), Amphitrite gật đầu đồng ý làm vợ thần biển. Cũng vì cô rất đẹp nên các họa sĩ thích vẽ kèm cô với Poseidon (chứ vẽ ông này một mình thì chán chết). Xin mời mọi người xem tranh.

Tác phẩm “Lễ mừng Amphitrite”, Poussin, 1600. “Lễ mừng” ở đây giống như một dạng “đám cưới” chăng? Với thiên thần rải hoa trên đầu và Poseidon kéo ngựa đi bên cạnh, trông quang cảnh này giống đám cưới thật. Các họa sĩ luôn tìm cớ để vẽ phụ nữ khoả thân nên Amphitrite là một chủ đề hấp dẫn. Nhưng do cô na ná với Venus (cũng từ biển chui lên) nên nếu vẽ cô cởi truồng một mình thì người xem dễ nhầm, nên các họa sĩ hay vẽ cô cùng Poseidon hoặc cùng đám thủy quái.


Tác phẩm “Neptune và Amphitrite”, Ricci Sebastiano, 1691. Ông Poseidon trong bức này nhìn già khú, còn Amphitrite trông trẻ đẹp thế kia. Nếu để ý thì sẽ thấy Amphirite dùng một sợi chỉ đỏ để quấn tóc lại. Các họa sĩ có một quy ước chung là để tiện phân biệt với Venus, Amphitrite sẽ cột tóc bằng dây hoặc bằng lưới (hay có kẹp con cua, con sò gì đó trên đầu), còn Venus sẽ xõa tóc. Đôi lúc chỉ vẽ Poseidon không cũng chẳng đủ, vì Venus có léng phéng với thần biển mà.


Tác phẩm “Lễ mừng Amphitrite”, Taraval Hughes, 1780. Amphitrite ở đây có cột tóc, nhưng lại dùng hoa và lá cây cài lên nên trông giống Venus cực kỳ; lại có bé nào nhìn y chang Cupid bên cạnh. Nếu không có yêu tinh biển (con kình ngư xấu xí bên phải) và đám thủy quái nửa người nửa cá xung quanh thì dám người xem sẽ lộn Amphitrite thành Venus lắm.


Tác phẩm “Poseidon và Amphitrite”, Jan Gossaert, 1516. Poseidon dùng vỏ sò che của qúy, còn cô vợ thì chẳng che gì để tăng độ hấp dẫn. Trong tranh này, cặp vợ chồng của biển giống như một bức tượng được đặt trong đền thờ hơn là hai nhân vật trong tích.


Tuy không phải tranh nhưng đây là một món rất thú vị. Đố mọi người biết đây là vật gì? Xin thưa, nó chính là lọ đựng muối tiêu, do nghệ nhân Benvenuto Cellini làm, vào năm 1540. Bên phải là Poseidon, bên trái có thể là Amphitrite (hoặc Gaia, nhưng khả năng này hơi thấp). Chậu đựng muối nằm cạnh Poseidon, còn ngôi đền đựng tiêu nằm cạnh Amphitrite (muối biển nên Cellini dùng hình ảnh của Poseidon cho nó ton sur ton). Sao cầu kỳ thế? Đó là vì vào thời của Cellini; muối và tiêu đắt như vàng, chỉ có quý tộc hay vua chúa mới mua nổi. Hũ đựng muối là thứ hoành tráng nhất trên bàn ăn thời ấy. Vua chúa thậm chí còn có vài hũ đựng muối đính hồng ngọc, lam ngọc.

 

Vậy là lại có thêm bài về một ông nam thần của đỉnh Olympia, nhưng ông này không đẹp trai cho lắm. Bài học lần sau sẽ chú trọng tới một nam thần xinh xắn trẻ trung, chứ vai u thịt bắp hay già khụ mãi thì cũng chán chết.

*

GiGi bổ sung:

– Có tích khác là tuy giúp người Troy xây thành, nhưng trong cuộc chiến thành Troy, Poseidon hoàn toàn đứng về phía Hy Lạp, thậm chí còn tham chiến, đánh nhau với thần ủng hộ phe Troy. Lý do đơn giản: vì người Hy Lạp đi biển rất giỏi, mà Poisedon là… thần biển!!!

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp
– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

Ý kiến - Thảo luận

11:51 Monday,3.10.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...thời của Cellini...muối và tiêu đắt như vàng, chỉ có quý tộc hay vua chúa mới mua nổi. Hũ đựng muối là thứ hoành tráng nhất trên bàn ăn thời ấy. Vua chúa thậm chí còn có vài hũ đựng muối đính hồng ngọc, lam ngọc..."

Em nghe báo chí nói quê ta rừng vàng biển bạc bây zừ còn phải nhập cả muối ăn, dân làm muối bể bỏ nghề hết trơn hết trọi.

Coi báo, nghe S
...xem tiếp
11:51 Monday,3.10.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...thời của Cellini...muối và tiêu đắt như vàng, chỉ có quý tộc hay vua chúa mới mua nổi. Hũ đựng muối là thứ hoành tráng nhất trên bàn ăn thời ấy. Vua chúa thậm chí còn có vài hũ đựng muối đính hồng ngọc, lam ngọc..."

Em nghe báo chí nói quê ta rừng vàng biển bạc bây zừ còn phải nhập cả muối ăn, dân làm muối bể bỏ nghề hết trơn hết trọi.

Coi báo, nghe Soi kể về muối mà muối cả mặt!!! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Mỹ học vị quan hệ (phần 2)

Nicolas Bourriaud - Như Huy dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả