Trò chuyện với Bàng Nhất Linh. Phần 1: Về triển lãm mới và vai trò curator
18. 07. 12 - 7:43 am
Na Trần phỏng vấn & ghi
SOI: Cuộc trò chuyện này khá dài, trên nhiều vấn đề. Soi xin chia thành vài kỳ để các bạn dễ theo dõi và thảo luận, cuối cùng sẽ gộp lại thành một bài đầy đủ.
Tôi gặp Bàng Nhất Linh lần đầu năm 2009 khi tới xem và viết bài về triển lãm đầu tay của Linh. Lần này gặp lại khi Linh đang chuẩn bị cho triển lãm cá nhân lần thứ ba. Linh hầu như không thay đổi gì, cách nói chuyện vẫn vậy, nhỏ nhẹ thưa gửi như con gái nhưng khá thẳng thắn… Bọn tôi trao đổi về công việc chuẩn bị cho triển lãm lần này của Linh và những mối quan tâm khác.
VỀ TRIỂN LÃM SẮP TỚI
Na Trần: Chào Linh. Cảm ơn đã cho tôi xem phác thảo và những hình ảnh khi anh đang làm việc để chuẩn bị cho triển lãm lần này. Các tác phẩm lần này đề cập tới điều gì, và anh sẽ thể hiện nó thế nào?
Nhất Linh: Thực ra bây giờ còn quá sớm để nói về triển lãm này. Tôi vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị. Còn rất nhiều việc phải làm cho tới khi triển lãm diễn ra. Có lẽ tốt hơn để tới khi nó được bày ra, chúng ta sẽ nói chuyện về nó sau nhé.
Có thể tạm mô tả nó là triển lãm với một sắp đặt. Sắp đặt này gồm một khối – có thể tạm gọi là điêu khắc nằm ở bên trong. Bao quanh khối điêu khắc này là một hệ khung được căng lụa trắng. Ánh sáng được bố trí sẽ hắt từ bên trong lên bốn mặt vải này để tạo ra những hình ảnh đen trắng theo kiểu rối bóng… Người xem khi bước vào phòng sẽ thấy như họ đang gặp một cái đèn kéo quân lớn. Nhưng có một lối vào nhỏ để đi vào đằng sau tấm vải, và họ lại thấy một khối điêu khắc ở bên trong lớp vỏ này. Những hình ảnh dùng để “chiếu bóng” tôi lấy từ tranh dân gian. Nói chung đó đều là những hình ảnh được lấy từ lịch sử, dân gian…
NT: Qua những hình ảnh ở đây, tôi thấy rằng anh đã thực hiện được một khối lượng công việc kha khá rồi và gần như hoàn thành dự án này từ tháng 9 năm ngoái. Bây giờ nó vẫn chưa được hoàn thiện một cách tổng thể sao?
Nhất Linh: Vâng. Một dự án từ khi hình thành ý tưởng đến khi nó được ở trong phòng triển lãm là cả một quá trình dài. Có thể cần một chút cân nhắc, chỉnh sửa để có hiệu quả tốt nhất. Tôi đã gần như hoàn thành dự án vào tháng 9 năm ngoái, khi đó nó rất khác bây giờ, rồi một chút trục trặc khiến tôi phải hoãn lại. Sau đó khi tiếp tục làm việc với nó, tôi thấy vẫn chưa được tốt nên tính bổ sung thêm một sắp đặt nữa để hoàn thiện hơn. Suốt thời gian từ đó tới giờ tôi loay hoay với sắp đặt thứ hai này. Cuối cùng, thấy vẫn chưa hợp lý lắm khi đặt chúng cạnh nhau nên tôi lại bỏ nó để quay lại hoàn thiện sắp đặt đầu tiên. Cuối cùng thì dự án sẽ chỉ có một sắp đặt.
VỀ CURATOR
NT: Dự án lần này của anh có gì khác với hai dự án trước mà anh thực hiện không? Tôi thấy có thêm một chi tiết là lần này anh không làm việc một mình như hai lần trước mà có sự tham gia của curator Trần Lương.
Nhất Linh: Vâng, thực ra thì mỗi dự án là một câu chuyện khác nhau. Đúng là lần này tôi không làm việc một mình mà có sự tham gia của anh Trần Lương trong vai trò curator. Bọn tôi gặp nhau lần đầu tiên vào cuối năm trước sau khi có kết quả từ Hội đồng Anh khi tôi gửi dự án tới BCAF. Chúng tôi trò chuyện về công việc, những thực hành nghệ thuật, việc thực hiện những dự án sắp đặt… tôi đã không nghĩ chúng tôi có nhiều thứ cùng quan điểm như vậy. Kết quả của lần gặp nhau đầu tiên đó là chúng tôi sẽ cùng làm việc trong dự án này. Thay đổi này có lẽ sẽ mang lại sự tích cực hơn cho công việc của tôi.
NT: Sự tích cực? Theo cách nào?
Nhất Linh: Như chị có thể thấy và chia sẻ với tôi khi nãy, để thực hiện một triển lãm hóa ra cần phải hoàn thành khá nhiều việc. Từ ý tưởng trong đầu triển khai ra giấy, đó là bước đầu tiên. Sau đó việc thực hiện mới thực sự là bắt đầu một quá trình làm việc, nó khiến tôi nghĩ đến một cuộc chạy marathon. Những bước chạy đầu hào hứng và phấn khích, rồi quãng giữa thì ta bắt đầu thấm mệt. Cuối cùng là về đích trong trạng thái rã rời…
Có khá nhiều việc phải quan tâm: xử lý các vật liệu, nhà xưởng, vận chuyển, rồi việc ứng xử với những người lao động tham gia một số phần việc trong dự án để không khí làm việc luôn thoải mái và dễ chịu. Cuối cùng là kết hợp tất cả mọi thứ để chúng được sắp đặt tại phòng triển lãm vào một ngày đã ấn định trước… Đôi khi không tránh được việc phải làm lại một thứ gì đó… Cũng đôi khi có những trục trặc ngoài ý muốn. Những lần trước dù tôi rất chủ động nhưng cũng có những phát sinh và cho đến sát lúc khai mạc tôi vẫn chưa hoàn thành 100% công việc của mình. Điều này khiến tôi không còn minh mẫn để quan tâm thật tốt tới những việc khác như gửi lời mời một ai đó mà mình thân thiết, hay những người quan tâm đến các triển lãm… Sau khi triển lãm diễn ra, tôi thậm chí lâm vào trạng thái bực bội với bản thân vì mình đã ứng xử không chu đáo với một số trong những người đến triển lãm.
Việc triển lãm có một curator sẽ rất có lợi về mặt tổ chức, nghệ sỹ có thể tập trung vào công việc của mình, giống như một sự phân công lao động vậy, tôi nghĩ thế.
Ngoài ra có một khía cạnh tôi thấy khá tích cực. Vị trí của một curator rất thú vị, đó là vị trí vừa ở trong, lại vừa ở ngoài. Đôi khi tôi thấy khi thực hiện các dự án của mình, đi mải miết với nó từ khi là ý tưởng tới khi thực hiện sẽ không tránh khỏi sự chủ quan, có thể có những khuyết điểm về tạo hình, về cấu tứ….; chính vì nó quá quen thuộc khiến tôi không nhận ra. Curator sẽ vừa ở vị trí đồng hành với nghệ sỹ, trong khi lại có cái nhìn như một người xem từ bên ngoài vào quá trình tư duy và xây dựng tác phẩm, nên sẽ có sự khách quan hơn để có thể nhận ra những khiếm khuyết đó và góp ý cho nghệ sỹ.
Đó là những mặt tích cực tôi nghĩ đến trước khi bọn tôi làm việc cùng nhau. Từ đó tới nay, chúng tôi đã gặp nhau 3, 4 lần. Trong quá trình làm việc cùng nhau, tôi nhận ra thêm một điều, anh Lương là một người rất sắc sảo. Bọn tôi có nhiều bàn luận rất có ích và có nhiều quan điểm làm việc trùng nhau. Có lẽ tiếp theo dự án này bọn tôi sẽ làm việc cùng nhau trong những dự án sau này của tôi nữa.
NT: Trước triển lãm này anh đã thực hiện được cho mình hai triển lãm được đánh giá khá tốt, nên có thể điều đó khiến anh cũng thoái mái hơn khi kết hợp với một curator như lần này. Nhưng theo tôi biết, trước đây có một nhóm nghệ sỹ được nhào nặn nhiều năm bởi curator Trần Lương, họ được gọi là “nhóm Trần Lương”vì ảnh hưởng từ người tổ chức nhóm tới họ, với các nghệ sỹ như: Nguyễn Huy An, Trần Nam, Vũ Hồng Ninh…Tôi muốn hỏi là anh có nghĩ đến việc có những can thiệp từ phía curator tới công việc độc lập của nghệ sỹ không?
Nhất Linh: Tôi thấy không thích hợp lắm khi đề cập tới công việc của người khác. Ngoài ra tôi nghĩ rằng nếu làm việc một cách chuyên nghiệp thì người ta sẽ coi trọng hiệu quả công việc lên trên hết. Như tôi nói ở trên, tôi hướng tới những mặt tích cực khi chúng tôi làm việc cùng nhau. Có thể chị quen với việc nghĩ rằng quan hệ giữa curator và nghệ sỹ là mối quan hệ một chiều. Nhưng thực ra, nếu nghệ sỹ đủ khỏe mạnh thì nó sẽ đúng như vốn có là một mối quan hệ 1-1 trong công việc. Trong quan hệ hai chiều đó, nghệ sỹ và curator cùng có trách nhiệm của riêng mình trong một dự án và nhận lại từ một dự án tốt những điểm cộng cho uy tín của mình, cũng như ngược lại. Do cùng chịu trách nhiệm với dự án, nên việc chúng tôi đề xuất hay phản đối những chi tiết nào mà mình thấy không phù hợp hay không có lợi cho dự án là điều bình thường. Tôi không nghĩ có vấn đề với sự độc lập ở đây.
*
Một số hình ảnh trong quá trình thi công tác phẩm:
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
.
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
12:32Saturday,23.2.2013Đăng bởi: Sơn Nguyễn
Chào Linh, anh Sơn - Nhàxinh đây. Gọi chú ra Hoa Viên giao ban đầu năm tí chút mà chú tắt máy. Sáng nay đọc bài này trên Dân Trí, chúc mừng chú nhé: ht ...xem tiếp
Chào Linh, anh Sơn - Nhàxinh đây. Gọi chú ra Hoa Viên giao ban đầu năm tí chút mà chú tắt máy. Sáng nay đọc bài này trên Dân Trí, chúc mừng chú nhé: ht
...xem tiếp