Ăn uống

Oman-Kazakhstan (bài 6): Ăn lạc đà trong khói hương trầm tỏa 19. 12. 22 - 10:13 pm

Đặng Thái

(Tiếp theo bài 5)

Ăn bún bò ở quán Việt

Bữa đầu tiên mà nhà mình ăn ở Oman thực ra lại là… phở. Tìm trên Google Maps thì không thấy có quán Việt Nam nào ở Oman nhưng rồi lang thang trên mạng, tình cờ lại thấy có một người quảng cáo bán bún phở và trà sữa mà chẳng thấy địa chỉ quán. Sang đến nơi mới biết ở Muscat làm gì có địa chỉ, nhà có số nhưng phố không tên, thế mà các bác lái xe vẫn tìm ra lối mới tài. Chị chủ quán gửi cho toạ độ quán trên Whatsapp, thế là liền phóng xe tới vì cũng không quá xa, coi như mình cũng đã dự phần vào công cuộc khai hóa văn minh Viễn Đông ở xứ này!

Quán ăn Việt Nam đầu tiên và duy nhất ở Oman. Ảnh: Đặng Thái

Hỏi nhị vị chủ quán là sao không đặt tên có chữ Việt Nam cho dễ tìm, tên thế này ngang đánh đố. Câu trả lời rằng để thêm hai chữ “Việt Nam” hay chữ “Nhà hàng” lại mất 5000 USD chạy giấy tờ, vả lại để là quán cà phê thì… đỡ bị chính quyền kiểm tra thường xuyên! Đúng là để ý ngoài đường thì thấy hằng hà sa số quán đều ghi là Coffee Shop nhưng trong thì bán từ bún tom yum đến thịt kho adobo vậy. Thế quán hôm nay có món gì? Dịch giã khó khăn, quán chỉ có hai món là bún bò và chả nem. Lúc sau có một đôi người Việt nữa cũng vào quán, nữ Bắc nam Nam, kêu lên: “Kiểu *** gì mà ngày nào cũng chỉ có hai món này vậy shop?”

Bún bò, chả nem và canh rau mùng tơi ở Muscat. Ảnh: Đặng Thái

Tuy gọi là bún bò, có sa tế rất cay ăn kèm nhưng nước dùng và thịt thì nấu kiểu phở. Vì không có bánh phở nên luộc bún khô thành sợi bún tươi thay thế. Chiêu này thì bọn tớ còn lạ gì, cuối tuần nào chẳng dùng! Nhưng quán không có cơm, vì thế ông con được ăn ké cơm và canh rau mùng tơi của cháu bác chủ quán. Anh chị trước ở Qatar, rồi sang Dubai, giờ sang đây lập nghiệp vì người Việt bên này còn ít. “Bên này nó vẫn còn đang phát triển, phố xá không bằng Hà Nội”. Anh, một công nhân từng đêm đêm xây sân vận động World Cup, bảo thế.

Cô em gái đang đút cơm mùng tơi cho con nói: “Em ở bên Dubai. Hôm nay bay sang đây chơi. Bình thường em lái xe mà lần này lười nên hai mẹ con đi máy bay.” Điều này lí giải cho việc sau này nhân viên nhà nghỉ ở Nizwa khiến mình vô cùng ngạc nhiên: “À Việt Nam thì chúng tớ gặp nhiều rồi, không hiểu tại sao đến Nizwa chơi nhiều thế, trong khi người Hàn Quốc thì chưa gặp bao giờ”. Đó đều là người Việt từ Dubai sang chơi. Bữa ăn này cũng là bữa đắt nhất trong suốt chuyến đi Oman (11 OMR) thế mà anh chị chủ bảo khách Tây vẫn mò được đến ăn đông lắm. Bọn Tây quả thực là ma mọi, không hang cùng ngõ hẻm nào không biết!

Ăn thịt cừu trong quán Ấn

Như bài trước đã nói, dọc đường quốc lộ từ Muscat đến Sur tuyệt nhiên không có hàng quán gì. Có lẽ rẽ vào làng thì cũng có, nhưng ngay các điểm du lịch thì không. Hàng nước cũng không có luôn. Bãi biển cát trắng phau dài vô tận không một bóng người cho thuê ô hay bán mực nướng, y như bãi biển miền Trung nước mình cách đây 20 năm vậy. Đến thành phố Sur thì đã 3 giờ chiều. Thành phố đã đi ngủ trưa! Phố xá vắng lặng như thời chiến, đến các cửa hàng treo biển “Foodstuff” cũng đóng nốt. May sao thánh Google lại đưa lối dẫn đường cho đến một nhà hàng gọi là New Sur.

Các điểm du lịch như hố sụt Bimmah này không có ai bán gì hết, kể cả vé, chỉ có cá rỉa chân. Ảnh: Đặng Thái

Trong nhà hàng không có một khách nào khác ngoài nhà mình, bàn ghế còn bọc ni lông mới cứng nhưng khách đến lấy đồ mang đi thì khá đông. Nhà hàng bán các món Ấn Độ và món Trung Hoa (nấu kiểu Ấn Độ). Những nhà hàng Ấn này chiếm đa số ở Oman và đặc biệt là có rất nhiều nhà hàng kiểu Hyderabad. Như nhà hàng này thì anh bồi bàn khuyên nên thử món cơm biryani Hyderabad là ngon nhất.

Điều đáng nói ở đây là có đến hai thành phố cùng mang tên Hyderabad, một ở bang Telangana của Ấn Độ và một ở tỉnh Sindh của Pakistan. Khi nói đến Hyderabadi biryani là thường nói đến món ở Ấn Độ, bắt nguồn từ bếp cung đình của Nizam (vua). Loại biryani này đặc biệt vì cơm đổ vào nấu cùng thịt đã ướp gia vị chứ không nấu riêng như loại thường nên phải canh lửa cực kỳ chuẩn xác để cơm không cháy mà vẫn ngấm trong khi thịt vừa chín mà lại vừa mềm. Một nguyên liệu đặc biệt của món này là thịt quả đu đủ đem xay, một loại quả được sản xuất nhiều nhất thế giới ở miền Nam Ấn Độ. Trong khi bên Pakistan thì món cơm này gọi là Sindhi biryani với nguyên liệu đặc trưng là có thêm quả khô như mận, mơ, nho.

Cơm dọn lên thơm phức, trông giống món Ấn mà lại có quả khô kiểu Pakistan. Nhưng chẳng quan trọng bằng việc thịt cừu mềm và đậm đà vô cùng với hạt cơm đã thấm đẫm hương vị của nước hầm. Có lẽ nhà hàng mỗi ngày làm một nồi cơm 50 lít thì mới đủ lượng để nấu món này ngon và ra nhanh như vậy.

Từ trái qua, từ trên xuống: Xa-lát Fattoosh (bánh mì khubz cắt mỏng chiên giòn ăn kèm rau sống rắc bột sumac), cơm saffron, gà nướng tandoori, nước sốt cà ri (hỏi cà ri thì họ thấy gọi nhiều món rồi nên mang ra mỗi nước!), biryani Hyderabad, bánh chapati. Ảnh: Đặng Thái

Mình có thắc mắc về chữ Hyderabad này bởi lẽ có một bộ lạc/nhiều dòng họ ở Muscat gọi là Lawatia gồm toàn những thương nhân giàu có, đã định cư ở Oman trên 300 năm, đến từ Hyderabad vùng Sindh. Ở khu cảng Muttrah trung tâm thành phố, có một khu phố cổ Sur al-Lawatia của những dòng họ này thuộc dạng gated community, xây tường bao đóng kín suốt hàng trăm năm nay (dân gian gọi là “cấm thành”), mãi gần đây mới mở cửa cho du khách chiêm ngưỡng những tòa nhà cổ rất đẹp vì các đại gia đã chuyển dần ra ngoại ô xây biệt phủ. Những thương nhân này nắm giữ toàn bộ ngành buôn vàng bạc đá quý và frankincense (nhũ hương) của Oman suốt nhiều thế kỷ.

Trong văn hóa ấm thực Oman, đến cuối bữa ăn người ta thường đốt lên một ít nhũ hương để khách ngồi thư giãn cho tiêu cơm. Phúc Âm Matthew kể rằng khi Chúa ra đời có ba nhà thông thái từ phương Đông tìm tới, mang theo ba thứ quà quý chính là vàng, nhũ hương và myrrh (mộc dược) – là nhựa của hai loài cây mọc trên hoang mạc toàn đá ở Oman. Mỗi lần khai thác, người ta đẽo một lỗ nhỏ trên thân cây để nhựa chảy ra rồi vón cục lại. Khi dùng, người ta nướng đỏ một hòn than, cho vào lư hương rồi đặt nhựa cây lên trên. Một mùi hương rất quyến rũ, quý phái như nước hoa sẽ tỏa lên khắp không gian tạo ra ngay lập tức một không khí Ả Rập huyền bí mà linh thiêng khó tả. Mùi hương giống gỗ trầm này có tác dụng làm thư thái thần kinh, tẩy uế và ru hồn ta mê say. Các linh mục Công giáo cầm cái lư hương bốc khói đi đi lại lại trong nhà thờ mà chúng ta nhìn thấy chính là đốt một trong hai loại hương này.

Cây nhũ hương ở sa mạc Oman. Vùng đất của frankincense được UNESCO xếp hạng là Di sản văn hóa thế giới. Ảnh: Giovanni Boccardi

Đoạn video này của loạt chương trình “So Expensive” có giải thích quy trình sản xuất thủ công nhũ hương để lý giải vì sao chúng đắt, từ suốt hàng ngàn năm nay. Nhũ hương đã trở thành một mặt hàng quan trọng nhất trong lịch sử thương mại thế giới thời Trung đại.

Nhũ hương chính hãng và lò đốt trầm mộc mạc khiến vừa viết bài vừa ngây ngất bay bay. Ảnh: Đặng Thái


Hụt ăn thịt gà ở quán Oman

Quán Ấn thì khắp nơi, còn quán Oman thì phải hỏi dân người ta chỉ đường vì không nhiều. Ở Nizwa, người ta chỉ cho một quán ngay cạnh… chợ dê. Được cái chợ giải tán là người ta đã quét dọn sạch sẽ không còn một tí mùi màu gì. Nhà hàng cũng sạch đến mức nhìn bếp bóng lộn tường gạch và inox như chưa từng được nấu, đầu bếp đội mũ ni lông trùm tóc hết cả như bếp công nghiệp lại nghĩ quẩn kiểu Việt Nam: sạch thế thì nhỡ lại không ngon. Anh phục vụ ú ớ đưa ra thực đơn, thế là đúng quán Oman rồi vì nhân viên không biết tiếng Anh như quán Ấn.

Menu khá lịch sự nhưng chỉ đọc được đúng chữ “Menu”. Ảnh: Đặng Thái

Rất may là bác chủ quán đi chơi về đúng lúc mang ra bản dịch công chứng chứ không thì móm. Ẩm thực Oman nhìn chung cũng giống các nước Trung Đông và bán đảo Ả Rập ở những món như kebab, gà nướng và thịt hầm kiểu cà ri nhưng có khác ở chỗ dùng nhiều hải sản hơn, nhất là cá, quán nào cũng có cá thu và cá ngừ đại dương. Gia vị rất vừa phải, thơm mà không nồng như Ấn, đậm vừa ăn chứ không cay xộc lên mắt mũi. Đặc biệt là món hummus nói chung ngon không thể tả, không rõ họ dùng bí quyết gì chứ làm ở nhà không thế ngon như vậy được, bữa ăn có khi chỉ cần bánh mì nóng mới nướng với hummus là đủ phê. Ăn uống no nê rồi hỏi, anh phục vụ mới bảo: “Vâng quán này bán món Oman nhưng nhà em toàn người Yemen nấu cả! Ở đây còn món cơm gà mandi đặc sản Yemen mà anh lại không gọi!” Tiên sư em, phục với chả vụ! Mandi là món gà luộc sơ để lấy nước cho vào gạo, rồi nồi gạo không đậy vung. đặt vào trong lò đất, con gà treo ngang bên trên để vừa chín bằng hơi nóng của lò, vừa hấp mềm bằng hơi nước của cơm sôi.

Từ trái qua, từ trên xuống: Cơm nấu tôm khô, xa-lát, kebab (bò+cừu) với khoai tây bỏ lò, cá nướng, bánh mì dẹt Ả Rập, hummus rắc sumac tím. Ảnh: Đặng Thái

Trước khi đến Trung Đông mình cứ thắc mắc tại sao ở đó khí hậu khô nóng mà thức ăn người ta ăn đều khô từ cơm đến thịt không có nước gì cả. Nhưng suốt chuyến đi cả nhà mình gồm thằng bé con đều ăn rất ngon lành không chê gì. Sau mình mới nhận ra là đồ ăn có xa-lát cho mát ruột còn thức ăn khô nên khi ăn xong rất nhẹ nhàng “thanh thoát”, không bị cảnh đầm đìa mồ hôi, dinh dính quần áo, vừa ăn vừa thở như khi ăn ở Đông Á, nhất là Đông Nam Á dù có ngồi phòng lạnh. Mình vẫn luôn phục mấy ông bạn trong Nam ăn nồi lẩu nghi ngút khói giữa trưa hè nắng hầm hập.

Ăn thịt lạc đà ở quán không ra quán

Một vấn đề là quán này không có thịt lạc đà vì thế đến Muscat phải tìm một hàng Oman để thưởng thức. May quá lần này lại có anh lễ tân khách sạn đội mũ mặc áo dài chứ không phải Ấn Độ. Anh chỉ ngay đến nhà hàng Oman khá nổi tiếng về… việc bán giá cắt cổ nên phải hỏi là thế nếu anh đi ăn thì anh đi đâu, anh mới chỉ cho hai quán khác ở gần đó.

Đến quán đầu tiên thì nó to như một tòa thành ở giữa bãi đỗ xe rộng như sân vận động, khéo còn to hơn cái thành Nizwa nữa. Đèn đuốc sáng rực, người ra vào dập dìu ăn mặc sang trọng. Nhà mình, người thì mặc áo chim cò, kẻ thì quần loe hoa lá, đứa thì quần đùi trên đầu gối, trông như mới rơi từ hành tinh nào xuống. Đến cửa đang ngần ngừ thì một cô thò đầu ra bảo: “Nhà hàng hôm nay đóng cửa nhé”. Mình đang định bảo chúng tớ chỉ ăn mặc rách rưới tí thôi chứ tiền thì cũng có thì cô nói thêm: “Hôm nay có tiệc, chỉ phục vụ riêng các bà các cô!” Mình vội nhờ nhà hàng gọi cho cái taxi thì cô bảo bận lắm không gọi được rồi đóng cửa ngay vì bên trong mình đã thấy các bà lắc hông khá sành điệu trong ánh đèn disco xanh đỏ.

Dàn xe của các madam đỗ trước nhà hàng, nhiều phụ nữ trẻ tự lái xe đến. Ảnh: Đặng Thái

Đứng trơ giữa bãi xe mênh mông, xung quanh tối đen như mực, điện thoại thì hết tiền, mình vớ lấy ba anh Bangladesh đang đứng nói chuyện nhờ gọi xe. “Ơ chúng tôi là lái xe riêng của các madam, không chở anh chị đi được, madam mà biết thì chết”. Không, tôi nhờ gọi xe bằng app ấy. Sau một hồi cố gắng nạp tiền điện thoại cho mình mà không được anh mới tải app về, đăng ký tài khoản để gọi taxi cho mình vì 12 năm ở Oman anh chưa đi taxi hay gọi xe công nghệ bao giờ!

Cái nhà hàng thứ hai còn ở khu tối hơn nhà hàng trước nhưng đói quá rồi quất thôi chứ biết làm sao.

Quán này chỉ là quán bình dân vì thấy thức ăn nấu sẵn để trong các khay inox to đậy vung. Khách đi đâu về muộn thì ghé qua, mở từng khay xem hôm nay có món gì. Món lạc đà chỉ còn một ít vét nồi mình bảo lấy nốt. Trong khi các món khác đủ gia vị thơm ngon bao nhiêu thì món lạc đà chỉ có cả nạc cả mỡ đem chiên lên thì phải. Thịt bị khô nhưng mùi vẫn khá nồng. Ăn còn không bằng thịt bò hay thịt dê. Mình nhẩn nha trệu trạo nhai hết phần thịt chứ phần mỡ thì xin vái cả nón. Vui nhất là cả chủ cả những khách khác thấy nhà mình như những nhân vật siêu lạ, ai đi qua cũng chào hỏi, bàn tán xôn xao mà rốt cuộc vẫn chưa biết Việt Nam là nước nào mà sản xuất nhiều điện thoại như thế!

Từ trái qua, từ trên xuống: Cơm gà nướng, súp (gọi thêm mà đem ra nước cà ri lạnh!), thịt lạc đà rán, rau sống vắt chanh, cà ri gà. Ảnh: Đặng Thái

Ăn chẳng ra Đông chẳng ra Tây trong trung tâm thương mại

Trước hôm trả xe mình muốn đi ăn chỗ nào mà có kết hợp rửa xe để vệ sinh xe cho sạch dù điều khoản thuê xe không có quy định. Thấy Trung tâm thương mại to nhất nước Mall of Oman ở ngay bên kia đường có dịch vụ rửa xe ở tất cả các tầng của bãi đỗ nên liền phi vào. Đi lòng vòng mãi vẫn chỉ thấy toàn ôtô đỗ mà không thấy chỗ rửa xe đâu, liền dừng lại hỏi một anh lao công Ấn Độ: “Bác ơi cho em hỏi rửa xe chỗ nào ấy nhỉ?”. Đáp: “3 rial anh nhé”. Hóa ra anh ấy chính là người rửa xe mới tài chứ lại.

Công nghệ rửa xe chạy bằng cơm cà ri đây ạ. Ở nơi không có nước thì hóa ra người ta rửa xe bằng khăn! Ảnh: Đặng Thái

Mall tuy to nhưng hàng ăn cũng không nhiều. Ngoài đồ ăn nhanh thì nhà hàng chỉ có vài chỗ. Một quán burger kiểu Mỹ mà thấy bàn ăn nào cũng có chai tương ớt Siracha. Cũng phải thôi, Siracha là món quốc hồn quốc túy của nước Mỹ mà. Đi bộ giữa những hành lang lát đá hoa cương thênh thang mệt quá bèn quyết định ăn thử nhà hàng Thổ Nhĩ Kỳ.Thấy thiên hạ đồn rằng đồ ăn Thổ là đỉnh cao trí tuệ, Đông Tây y kết hợp cúng nên tinh hoa nhân loại hội tụ.

Nhà hàng rất lịch sự, bồi và bếp đều tuyền người Thổ, nhìn cái khác hẳn người Oman. Vừa bước vào đã đầy một tủ kính bánh ngọt baklava và Turkish delight. Mấy món này mình biết là siêu ngọt nên không đả động gì đến. Mình cũng chưa từng thực sự ăn món Thổ ngoài các loại bánh như doner kebab, borek, gozleme nên lần này thử đủ thứ, từ sarma (lá nho cuốn nhân) đến đùi cừu hầm mà anh bồi bàn gật gù bảo chọn khéo đấy.

Từ trái qua: Bulgur pilaf (đại mạch nấu cà chua), đùi cừu nấu chậm (sốt cà chua) và bánh yukfa (filo) mỏng tang như tờ giấy. Ảnh: Đặng Thái

Đồ ăn đợi cũng khá lâu mới ra nhưng cuối cùng Đông chẳng ra Đông, Tây chẳng ra Tây: đại mạch cứng như bo bo luộc, lá nho sarma dai ngoanh ngoách, sữa chua (rất chua) ăn kèm không có một giai điệu gì hòa hợp với phần nhân cơm nhồi trong; bánh mì filo dai như giấy dó và thịt cừu nhàn nhạt buồn tẻ trong khi sốt cà thì chua gắt, đến gà tẩm bột rán cho thằng bé cũng không ra kiểu gì. Vấn đề là món ăn cho mình cảm giác rằng người ta phải nấu kiểu như vậy chứ không phải do nhà hàng nấu chán.

Vậy nên lần này mình mới tin lời các bạn Việt Nam review rằng đi Thổ ăn không ra gì dù bình thường người Việt nhận xét ẩm thực thì không được chính xác lắm.

(Còn tiếp bài 7)

*

Oman-Kazakhstan:

- Oman-Kazakhstan (bài 1): Vừa đổ xăng, vừa chạy giấy lại vừa học tiếng Nga

- Oman-Kazakhstan (bài 2): Qua năm ải quan, đứng sáu tiếng

- Oman-Kazakhstan (bài 3): Nghìn dặm qua hoang mạc, không thấy lạc đà mà thấy… rùa

- Oman-Kazakhstan (bài 4): Chống Cộng sản thì làm thế nào? Thì xây điện, đường, trường, trạm!

- Oman-Kazakhstan (bài 5): Chợ mà không có phụ nữ, cũng chẳng có ruồi

- Oman-Kazakhstan (bài 6): Ăn lạc đà trong khói hương trầm tỏa

- Oman-Kazakhstan (bài 7): Ở Thủ đô, không ai tin tôi là khách du lịch

- Oman-Kazakhstan (bài 8): Bảo tàng, tượng thép dát vàng, khung to mà liệu đồ hàng có to?

- Oman-Kazakhstan (bài 9): Ở Astana mọi thứ đều to đến bất thường

- Oman-Kazakhstan (10): Nurbankgate hay hạnh phúc của một tang gia

- Oman-Kazakhstan (bài 11): Qua Kazakhstan kìa ai tiễn rượu vừa tàn

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nhuộm xanh-trắng-đỏ cùng nước Pháp

Phạm Tuấn Anh - Phần ảnh do Phạm Phong biên dịch

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả