Điện ảnh

Phim hấp dẫn,
nhưng cái tên thì không 17. 10. 12 - 7:12 pm

 

TÂM HỒN MẸ
Phim dành giải nữ diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan Phim Dubai 2011

Đạo diễn: Phạm Nhuệ Giang (Vietnam 2011, 92’)
Diễn viên: Trương Minh Quốc Thái, Hồng Ánh
Chiếu ngày 19. 10. 2012 – 20h00 – Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội
Giá vé: 20.000 VND – Giá vé ưu đãi: 10.000 VND
Vé hiện đang bán tại L’Espace

 

Mẹ con họ sống ở bãi giữa sông Hồng. Công việc của họ là dậy sớm đi chợ đầu mối Long Biên mua buôn hoa quả về bán ở chợ cóc.

Lan, người mẹ trẻ vướng vào chuyện tình mù quáng với một người lái xe tải đường dài. Chật vật ngày đêm kiếm sống bằng nhiều nghề để có được chút tiền cho con gái đi học, nhưng Lan cũng dành cả những đồng tiền ấy cho người tình của mình.

Thu-con gái Lan, luôn khao khát tình cảm mẹ-con, cảm thấy càng ngày càng xa dần mẹ cô bởi đời sống mưu sinh nhọc nhằn và những cám dỗ ái tình mà mẹ cô không thể từ bỏ.

Trương Minh Quốc Thái (“thằng” lái xe tải) và Hồng Ánh (cô Lan bán hoa quả)

*

Tóm tắt cốt phim nghe hấp dẫn ghê, gây tò mò nữa: vì sao lại là tình mù quáng? Cô Lan dại trai như thế nào? Cuối cùng thì sao?

Tuy nhiên cái tên thì “cao thượng” quá. Đâu phải người nào cũng đọc truyện ngắn này của Nguyễn Huy Thiệp, hay đọc báo, mục Văn hóa, để mà biết cốt truyện phim ly kỳ thế này. Biết đâu nếu có một cái tên khác gây tò mò hơn thì diễn viên Hồng Ánh đã chẳng phải làm một bài trả lời phỏng vấn tuy kín đáo nhưng không giấu nổi bức xúc về việc bộ phim gặp khó khi ra rạp. Bài này gốc là trên Dân Trí, nhưng sao Soi tìm link không ra. Mời các bạn đọc:

 

Hồng Ánh “Khán giả cũng phải học cách… xem phim”

Phim Tâm hồn mẹ sau 10 năm ấp ủ của đạo diễn Nhuệ Giang vẫn bế tắc tìm đường ra rạp. Diễn viên Hồng Ánh chia sẻ về quan điểm làm phim, về dòng phim nghệ thuật, về cả cảnh nóng bị cho rằng có phần… bạo liệt, sống sượng của cô trong Tâm hồn mẹ.

“Tôi đã nói mãi rồi, vẫn thế thôi…!”

Với nội dung đầy tính nhân văn, cách kể chuyện chân thực, diễn xuất xuất sắc của dàn diễn viên… Nhưng bộ phim Tâm hồn mẹ của đạo diễn Nhuệ Giang đã “trắng tay” tại LHP quốc gia và đến bây giờ vẫn không thể ra rạp. Đó là số phận chung của dòng phim nghệ thuật?

Bạn đã xem Tâm hồn mẹ chưa? Và theo bạn, liệu có nhiều người thích bộ phim đó không?
 
Người viết đã xem trong một buổi chiếu miễn phí dành cho sinh viên ĐH Sân khấu Điện ảnh. Sau buổi chiếu, khán giả đều đứng dậy tìm Nhuệ Giang, xin bắt tay đạo diễn và bày tỏ sự xúc động…

Đó không phải là số đông. Số đông khán giả bây giờ thích ra rạp xem những bộ phim giải trí, trong đó có cả những bộ phim giải trí chẳng có nội dung gì. Cũng không thể trách được khán giả. Không phải tất cả những khán giả đi xem phim giải trí đều là những người hời hợt, không có trí thức… Đó chỉ là lựa chọn của họ khi tìm đến một phương thức giải trí.

Với dòng phim tác giả hay còn gọi là phim nghệ thuật, mặc nhiên là dòng phim kén khán giả. Số khán giả thích dòng phim này không nhiều. Trên thế giới cũng thế.

Tôi nghĩ, để cảm nhận được nghệ thuật, cũng cần phải học. Ví như tôi, nếu không được học về hội họa, tôi chẳng hiểu gì khi đứng trước một bức tranh. Với điện ảnh cũng thế, để hiểu và cảm nhận được hết giá trị nghệ thuật của nó, khán giả cũng cần phải học. Khán giả sẽ phải học cả cách xem phim.

Đạo diễn Nhuệ Giang cùng Hồng Ánh tại một cảnh quay.

 

Với điện ảnh thế giới, dòng phim tác giả có thể không có khán giả, nhưng họ có giải thưởng. Ở Việt Nam, phim nghệ thuật không có cả hai. Tâm hồn mẹ bị… “thất sủng” hoàn toàn tại LHP Quốc gia. Một bộ phim có chất lượng thấp như Vũ điệu đam mê lại được vinh danh. Sự bất cập này sẽ đưa dòng phim nghệ thuật đi đến đâu?

Mùa LHP Quốc gia nào cũng có tranh cãi. Giải thưởng phụ thuộc vào BGK. Khi BTC đã chọn họ, cũng nên tôn trọng quyết định của họ, dù đó là quyết định sai.

Cách trả lời của Hồng Ánh là cách trả lời không muốn động chạm?

Tôi đã nói mãi rồi, vẫn thế thôi. Không có gì thay đổi. Bây giờ tôi sẽ không nói gì cả, tôi tập trung vào công việc của mình.
Với dòng phim nghệ thuật, tôi chỉ muốn nói rằng, khi các đạo diễn đã quyết tâm đi theo dòng phim ấy, hãy làm hết sức mình, và hãy chấp nhận những bất cập của nó. Nói đi cũng phải nói lại, những hãng phim tư nhân sẽ không bao giờ bỏ tiền cho các đạo diễn làm phim nghệ thuật, chỉ có nhà nước chấp nhận. Vậy khi đã cầm tiền nhà nước đi làm phim, không phải lo thu hồi vốn, các đạo diễn hãy hết sức với bộ phim của mình. Khi bộ phim đã hoàn tất, những việc còn lại là của bộ phận khác. Với dòng phim nghệ thuật, nhà sản xuất và đơn vị phát hành cũng phải tính đến những phương án khác, không thể đánh đồng với cách phát hành của phim giải trí.

Với Nhuệ Giang, tôi sẽ nói với chị, đừng quan tâm tới việc phát hành của Tâm hồn mẹ nữa. Bỏ đi. Hãy tập trung sáng tạo cho dự án phim mới. Nỗi buồn là nỗi buồn chung. Khi phim ra được rạp, tôi sẽ vận động bạn bè, đồng nghiệp đi xem, đó là cách duy nhất tôi có thể giúp được!

Hồng Ánh và đạo diễn Nhuệ Giang

 

“Đúng, cảnh nóng bạo liệt, nhưng cần thiết!”

Trong Tâm hồn mẹ, Hồng Ánh vào vai Lan- một phụ nữ bán trái cây nghèo khổ, chạy theo mối tình vô vọng, dại khờ với anh lái xe. Chị có thêm một vai diễn khó. Nếu có thể nói đến những hạn chế chưa làm được với vai Lan, chị sẽ nói gì…?

Điều tôi không bằng lòng nhất với vai Lan đó là, vai Lan có quá nhiều đất diễn. Xem phim khán giả có thể thấy, vai Lan xuất hiện quá nhiều so với một vai phụ. (Ở LHP Quốc gia, BTC từng xếp Hồng Ánh vào danh sách đề cử Nữ diễn viên chính, nhưng thực tế, vai của Hồng Ánh chỉ là một vai phụ). Khi cho mình một bước lùi, nhìn trên tổng thể của bộ phim, tôi đã nhận thấy, lẽ ra, vai Lan nên ít hơn để dành sự tỏa sáng cho nhân vật bé Thu của Phùng Hoa Hoài Linh.

Thêm nữa, vai Lan của tôi có phần sâu sắc hơn bản thể nhân vật cần có. Vai Lan ấy nên nông nổi hơn, hời hợt hơn, hồn nhiên hơn.
 
Trong phim, Hồng Ánh và Trương Minh Quốc Thái đã có những cảnh nóng khá… bạo liệt. Lâu nay, báo chí vẫn nhắc đến cảnh nóng như một sự câu khách. Cách nhìn nhận về cảnh nóng cũng phần nào tầm thường hơn. Về cảnh nóng bạo liệt của chị và Trương Minh Quốc Thái, ranh giới giữa sự dung tục và tính nghệ thuật, sẽ rất mong manh. Chị nghĩ như thế nào khi những cảnh nóng được nhìn nhận là táo bạo, bạo liệt và có phần… sống sượng?

Trước thềm LHP 17, báo chí khi đưa tin về phim Tâm hồn mẹ cũng chỉ nhắc đến cảnh nóng của tôi và tuyệt nhiên chẳng nói gì đến câu chuyện của bé Thu- nhân vật chính. Những đề tài nhạy cảm bao giờ cũng gây tò mò với người xem.

Khi xem phim, tùy thẩm mỹ của từng người xem, họ sẽ cảm nhận được cảnh nóng là dung tục, phản cảm, hay đẹp và cần thiết cho nội dung của bộ phim. Tôi sẽ không thể đi giải thích với từng người về cảnh nóng.

Với Tâm hồn mẹ, cả đạo diễn và diễn viên đều thấy cảnh nóng thực sự cần thiết. Đúng, cảnh nóng được thực hiện khá bạo liệt. Cả tôi và Trương Minh Quốc Thái đều phải làm việc rất cực khổ. Cả hai diễn viên đều phải “nude” là điều chắc chắn. Quay nhiều “đúp” khác nhau… Khi xem lại, tôi vẫn thấy cảnh ấy cần thiết, không hề dung tục. Tôi không thấy “gợn” chút nào.

Theo tôi, để đóng cảnh nóng, cần rất nhiều tới sự chuyên nghiệp của cả diễn viên và đạo diễn.

Hồng Ánh và ông xã Nguyễn Thanh Sơn (Ảnh: Hoài Sơn) – người đã rất ủng hộ vợ phải xả thân khi đóng phim. Anh Sơn cũng từng viết cho Soi một bài.

 

Không chỉ phải “nude” trong cảnh nóng, Hồng Ánh còn có cảnh “nude” táo bạo khi tắm bùn… Phong trào nghệ sĩ khoe thân đang nở rộ. Với cảnh nude trong Tâm hồn mẹ, Hồng Ánh có nghĩ, chị sẽ được xếp vào danh sách những nghệ sĩ khoe thân…?

(cười). Với điện ảnh, tôi có thể làm được tất cả. Cảnh tắm bùn, tôi thấy, mình không được đẹp. Nhưng tôi không ngại. Nếu ngại, tôi có thể nhờ một siêu mẫu có “body” chuẩn, 3 vòng gợi cảm đóng thế. Tuy nhiên, nhân vật Lan của tôi, một phụ nữ nghèo bán trái cây ở chợ Long Biên không cần phải có 3 vòng gợi cảm. Cô Lan ấy chỉ cần… tôi là đủ rồi. Không cần đến một siêu mẫu. Xem phim bạn đã thấy, tôi đâu có gợi cảm để mang tiếng là khoe thân?

Điều đọng lại cuối cùng của cô Lan bán trái cây, của Tâm hồn mẹ trong chị?

Trên tất cả, tôi hài lòng với vai diễn này. Tôi thích thú khi được thể nghiệm với nhân vật mới, được thể nghiệm cả chuyên môn của mình với cảnh nóng, cảnh tắm bùn…

Cô Lan bán trái cây nông nổi, dại khờ trong tình yêu, bỏ rơi con để chạy theo anh lái xe bạc nhược. Không phải cô ấy không yêu con, cô Lan yêu con theo cách của mình. Nhưng với đứa trẻ, như thế là chưa đủ. Tôi không cổ súy cho tuýp phụ nữ như thế, nhưng, những phụ nữ như thế, ta có thể gặp ở bất kỳ đâu trong cuộc đời này.

 

Ý kiến - Thảo luận

11:39 Tuesday,12.2.2013 Đăng bởi:  admin

@ Thanh Yên: Soi nghĩ là bạn nào muốn đọc truyện anh Thiệp thì sẽ tự tìm trên mạng thôi bạn. Hoặc không thì trong sách anh Thiệp đã in...


...xem tiếp
11:39 Tuesday,12.2.2013 Đăng bởi:  admin

@ Thanh Yên: Soi nghĩ là bạn nào muốn đọc truyện anh Thiệp thì sẽ tự tìm trên mạng thôi bạn. Hoặc không thì trong sách anh Thiệp đã in...

 
11:19 Tuesday,12.2.2013 Đăng bởi:  thanh yên
Hồng Ánh trả lời hay. Có lẽ Soi nên cho 1 đường link dẫn đến truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp chăng?
...xem tiếp
11:19 Tuesday,12.2.2013 Đăng bởi:  thanh yên
Hồng Ánh trả lời hay. Có lẽ Soi nên cho 1 đường link dẫn đến truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp chăng? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả