Điện ảnh

Hai bộ phim và một cuộc ám sát
(phần 1): Ngoài đời… 13. 06. 21 - 10:06 am

Sáng Ánh

Lý Bỉnh Hiến trong vai giám đốc KCIA Kim Tái Khuê, trên áp phích của bộ phim “The Man Standing Next”, ảnh ở đây 

Năm 2021, bộ phim “The Man Standing Next” (Người đứng kế vị) đại diện cho Hàn Quốc để dự giải Oscar, bộ môn phim nói tiếng nước ngoài. Đề tài của bộ phim là sự cố “10. 26”, tức vụ ám sát tổng thống Phác Chính Hy bởi nhân vật số hai của chế độ vào năm 1979. Trước đó, năm 2005, cũng về sự cố này là bộ phim “The President’s Last Bang” được trình chiếu (nhưng không dự thi) tại Cannes. Hai bộ phim cùng một đề tài này rất khác biệt. Sau đây là phần lịch sử.

Lúc đó mới ngoài 19h40, thượng tướng Kim Tái Khuê (Kim Jae-Gyu), giám đốc Trung ương Tình báo Hàn Quốc (KCIA) vừa đi ra ngoài mấy phút và trở lại vào phòng ăn. Ông ngồi xuống và quát “Sao đại thống lại dùng thằng sâu bọ này làm cố vấn!” rồi quay sang trung tá Tra Chí Triết, cận vệ trưởng của tổng thống Phác Chính Hy. Ông Triết chồm người lên vì tính rất hung hăng. Có bận một tỉnh trưởng mồi thuốc cho tổng thống Phác mà để lửa to bèn bị trung tá Triết đánh ngay tại chỗ. Nhưng lần này ông mới vung tay thì giám đốc Khuê cầm sẵn súng bắn trúng tay phải. Tổng thống Phác trợn mắt thì giám đốc Khuê bắn luôn vào ngực phải. Tổng thống Phác ngả luôn đầu vào vai cô nữ sinh viên 22 tuổi trường diễn viên Đại học Hán Dương, Thân Tại Thuần (Shin Jae-soon), phía bên tay phải ông. Ngồi phía trái, tức là hai cô hai bên (thì người ta tổng thống mà!) là ca sĩ đang lên Thẩm Thủ Phong (Shim Soo-bong), 24 tuổi. Cô mới nổi vào năm trước với bài hát “Người ấy ngày xưa” do chính cô sáng tác và đây là lần thứ ba cô hát cho tổng thống trong tiệc riêng thân mật. Giám đốc Khuê quay sang phía trung tá cận vệ đang giãy dụa trên sàn định bồi thêm mấy phát thì khẩu súng ngắn tự động này kẹt đạn và hoàn toàn bất khiển dụng.

Ảnh màu bên trên, ca sĩ Thẩm Thủ Phong (trái) và sinh viên năm thứ ba môn kịch nghệ Thân Tại Thuần (phải) về sau này. Hai hình đen trắng là cô Phong (đội nón) và cô Thuần khi ra trình diện tòa án sau vụ ám sát. Ảnh ở đây 

Đây là một khẩu Walther PPK của Đức, nổi tiếng vì là vũ khí phòng thân của điệp viên 007 James Bond. Tuy ca líp bé (.32 acp) nhưng nó rất tốt và có thể kẹt đạn chỉ vì triệu chứng được gọi là “cổ tay lỏng lẻo”. Triệu chứng này có thể xảy ra với bất cứ súng ngắn tự động nào nếu xạ thủ không nắm bá cho chắc khi bóp cò. Giám đốc Khuê bèn chạy ra ngoài hô, mang súng cho tao! Đại tá Phác Thiện Hảo (Park Seon-Ho), phụ tá của ông chạy đến đưa cho khẩu súng sáu Smith & Wesson nòng ngắn .38 spl. Đây là súng trái khế, chỉ có thể lép đạn chứ không có chuyện kẹt đạn. Ông Khuê trở vào phòng khi trung tá Triết đã bỏ trốn trong phòng tắm đang lồm cồm bò ra. Bị nã thêm một phát vào bụng, ông chí chết hay Chí Triết giờ… chết tốt, ca sĩ Thẩm Thủ Phong hãi quá chuyển giọng sang tông cao và bỏ chạy. Cô sinh viên vẫn ôm tổng thống trong vòng tay học trò nhưng đứng dậy khi giám đốc Khuê đến sau lưng của ông Phác và bắn thêm một phát vào đầu tổng thống Hàn quốc.

Trung tướng Phác Chính Hy vào ngày đảo chánh 16.5.1961 (đứng giữa đeo kính đen) Bên phải là Tra Chí Triết, áo hoa đeo lựu đạn, lúc đó là đại úy và 1974 trở thành cận vệ trưởng của tổng thống. Ảnh ở đây 

Sự cố này là mấu chốt của tiến trình dân chủ hóa của Hàn Quốc. Sau 18 năm nắm quyền, tổng thống Phác bị ám sát bởi nhân vật được coi là số hai của chế độ. Giám đốc Khuê là người cùng quê Quân Vỹ (Gumi) với Phác, tuy trẻ hơn 9 tuổi nhưng tốt nghiệp cùng khóa 2 sĩ quan 1946. Năm 1954, khi đại tá Phác làm sư trưởng sư 5 Bộ binh thì ông Khuê là một trong các trung đoàn trưởng. Ông Khuê theo đàn anh Phác mà thăng tiến, năm 1974 làm bộ trưởng bộ xây dựng và 1976 nắm chức vụ an ninh cao nhất nước. Trong chế độ Hàn Quốc, quyền lực không ở tay quân đội mà là ở tay của KCIA, ai cũng phải ngán. Vị trí thật của ông Khuê cao hơn tổng tham mưu trưởng quân lực là đại tướng Trịnh Thăng Hòa (Jeong Seung Hwa), cao hơn thủ tướng Thôi Khuê Hạ (Choi Gyu Ha). Ông Khuê có thể bắt hai vị này bỏ khám, đánh cho mấy cái hay là đánh chết cũng được. Nhưng trong thời gian gần đây, vị trí này bị trung tá Triết đe dọa. Ông Triết là cận vệ trưởng sau khi phu nhân tổng thống bị bắn chết năm 1974. Ông trở thành bạn nhậu gần gũi của một tổng thống Phác góa bụa và hay cảm thấy cô đơn khi chiều xuống. Ở chức vị quèn này ông Triết như vậy lại nắm được cả một sư đoàn với chiến xa, đại pháo để bảo vệ Đài Ngói Xanh, Thanh Ngõa Đài (Cheongwadae) là tổng thống phủ với khu vực Bắc Nhạc Sơn (Bukaksan) ở phía sau. Về tính tình, ông Triết huyênh hoang thô lỗ và hung bạo. Về chính trị, ông cứng rắn cực đoan và bảo thủ. Chỉ đeo lon trung tá, ông cất nhắc được trung tướng Toàn Đẩu Hoán (Chun Doo Hwan, sau này tổng thống) vào chức vị giám đốc An ninh quân đội để chốt ông Khuê.

Năm 1979 là năm chế độ Phác gặp khó khăn và đi vào ngõ cụt. Kinh tế đang phát triển thì bị đình trệ, Mặc dù Hiến chương Duy Tân (Yushin) năm 1972 cho tướng Phác chỉ định 33% số ghế tại quốc hội nhưng ông bị đối lập tại viện này là Kim Vịnh Tam (sau này tổng thống) gây rắc rối. Tháng 10. 1979 tướng Phác trục xuất Kim Vịnh Tam khỏi quốc hội khiến Hoa Kỳ phải phản đối. Quần chúng khu vực Phú Sơn-Mã Sơn ở miền Nam là đất của ông Tam xuống đường biểu tình dữ dội. Lập trường của ông Khuê là mềm mỏng nhưng trung tá Triết phê bình KCIA là vô dụng và ăn hại vì không dẹp được chống đối. Ông Triết đòi gửi chiến xa đến, dù có cần giết 10.000 hay 30.000 người. Ông bảo trước mặt tổng thống Phác, Kampuchea giết 3 triệu người để duy trì quyền lực thì mình giết 1 triệu người đã sao nào. Vào trưa ngày 26. 10, ông Phác lên trực thăng để đi khánh thành một đài phát truyền hình mới. Tại bãi đáp khi khởi hành, trung tá Triết nói với giám đốc Khuê là trực thăng hết chỗ rồi, không cho ông này lên theo.
Chiều hôm đó vào lúc 18 giờ có một tiệc nhỏ tại một biệt thự ‘kín’ của KCIA. Những tiệc riêng kiểu thân mật này lúc đó 1 tháng có đến 10 bận và do KCIA sắp đặt từ đầu đến cuối. Họ lo tất tật phần ăn uống, phần an ninh và phần giúp vui. Ngày hôm đó, giúp vui đàn nhạc là ca sĩ Thẩm Thủ Phong, về sau nổi tiếng cực kỳ. Giúp vui õng ẹo “dạ, em không biết hát ” với tướng Phác là cô sinh viên Thân Tại Thuần do KCIA ‘tuyển’ vào dịp đó. Người lo việc này là chánh nhân viên Phác Hương Châu (Park Heung Jo) bất đắc dĩ phải hành nghề dắt gái cho tổng thống Phác thay vì được chỉ định thi hành một điệp vụ bắn súng hai tay và vượt vĩ tuyến 38 bắt cóc Kim Nhật Thành chẳng hạn. Có người lấy thế làm vui, ông Châu hình như lại lấy làm bất mãn. Đã làm trai sống ở trong trời đất, không phải để bắt gái cho tổng thống. Dự tiệc này có ông Phác, cận vệ trưởng là ông Triết, tướng Kim Quế Nguyên (Kim Gye Won), bí thư phủ tổng thống và giám đốc Khuê. Tổng tham mưu trưởng Trinh Thăng Hòa cũng có mặt tại biệt thự này, nhưng ăn riêng tại một nơi khác trong khu nhà với lại phó giám đốc KCIA. Ông Phác mang theo tài xế và bốn cận vệ. Phía KCIA là chủ nhà. Chuyện này rất thường, như đã nói, là cứ ba ngày một bận. Khi tiệc bắt đầu rồi, giám đốc Khuê mới gọi hai phụ tá là đại tá Hảo và chánh nhân viên Châu để cho họ biết là lát nữa ông sẽ ra tay. Hai người kia hiểu là phải xử trung tá Triết nhưng nhìn sếp, thế còn tổng thống? Ông Khuê nói “làm luôn”, khi nghe tôi nổ súng là hai anh phải lo phần các cận vệ còn lại của tổng thống.

Các phạm nhân diễn lại vụ ám sát tại hiện trường. Giám đốc Khuê bên phải và tướng Nguyên bên trái. Người mặc áo bay diễn vai trung tá Triết, cận vệ trưởng đã bị giết. Ảnh ở đây https://subin.kim/4603

Chuyện này không tính trước hay có tính trước thì hai phụ tá này cũng không được biết. Đây cho thấy sự trung thành tuyệt đối của các nhân viên này với giám đốc Khuê. Chánh nhân viên Châu có thể khó chịu sẵn vì phải làm nghề đi săn gái, nhưng giết tổng thống không phải chuyện đùa. Anh cũng như đại tá Hảo không hó hé và chấp hành lệnh của giám đốc. Khi nghe tiếng súng nổ, đại tá Hảo dẫn ba nhân viên KCIA núp sẵn bắn vào tài xế và hai cận vệ trong bếp. Chánh nhân viên Châu lúc đầu chỉ định uy hiếp hai cận vệ đang ăn ở phòng bên vì một cận vệ lại là bạn của gia đình và bạn đồng khóa của anh. Nhưng cận vệ còn lại phản ứng khiến Châu phải bắn chết cả hai. Giám đốc Khuê chân đi vớ vì quên mang giày vào lại chạy sang chỗ đại tướng tổng tham mưu trưởng bảo, tổng thống chết rồi, đi theo tôi về Nam Sơn (Tổng hành dinh KCIA). Tướng Hòa bảo, về bộ tổng tham mưu chứ, phải họp tướng lãnh và hội đồng nội các lại. Ông Khuê đồng ý, có lẽ vì ở vị thế của ông, ông không sợ ai và trước đây vẫn coi thường quân đội. Đây là sai lầm của ông. Mấy tiếng sau, ông bị quân đội bắt. Nếu ở tổng hành dinh của KCIA thì đã không dễ như vậy và ông đã có thể uy hiếp cả nội các nếu họp tại đó và bắt hết mọi người.

Đại tướng Trịnh Thăng Hòa là người ra lệnh cho giám đốc An ninh quân đội Toàn Đẩu Hoán bắt giám đốc KCIA Khuê. Tướng Hoán bắt thêm tướng Kim Quế Nguyên, bí thư phủ tổng thống vì bị tình nghi đồng lõa. Tới tháng 12, tướng Hoán bắt luôn cả đại tướng Hòa. Cái chết của tổng thống Phác Chính Hy cũng là dịp khai trừ các tướng lãnh thuộc thế hệ lập quốc. Ông Phác chết, nhưng con đường dân chủ còn gập ghềnh nhiều. Thủ tướng Thôi Khuê Hạ nắm quyền tổng thống theo hiến pháp, sau đó sẽ bị tướng Toàn Đẩu Hoán đảo chánh vì quyền đảo chánh không có ghi trong hiến pháp. Giám đốc Khuê ra tòa và bị xử tử với bốn thuộc hạ, hành quyết vào 24 tháng 5.1980. Tướng Nguyên ngồi tù cho đến 1982. Ca sĩ Thẩm Thủ Phong bị bỏ khám một tháng rồi nhốt trong nhà thương điên, khi ra ngoài cấm được lên đài trình diễn và ở nhà luyện giọng cho đến 1981. Phần vòng tay sinh viên là cô Thân Tại Thuần thì hiện sống ở Los Angeles và có viết hồi ký về cái đêm hôm đó (“Người phụ nữ hiện diện ”). Đúng 40 năm sau khi ông Khuê bị hành quyết, tức là 2020, gia đình ông đệ đơn đòi xử lại vì phiên tòa kết án ông bất hợp pháp, ông bị tra tấn để nhận tội.

Tới giờ, lý do ông Khuê hạ sát tổng thống Phác vẫn khó hiểu. Một dư luận cho rằng ông ganh tỵ với trung tá Triết và nổi giận ra tay chứ không hề suy nghĩ. Mày cấm tao lên trực thăng vào buổi trưa, đến chiều tao cho mày đi tàu suốt! Một dư luận khác (cũng như bản thân thượng tướng Khuê trước tòa) thì bảo vệ chuyện này là một hành động chính trị hầu mang dân chủ đến Hàn Quốc. Ông Khuê còn tiết lộ là khi nhận chức bộ trưởng xây dựng năm 1974 ông đã định bắt giữ tướng Phác vì ông chống lại Hiến chương Duy Tân độc tài của tổng thống năm 1972. Sau này, ta được biết thêm là lập luận này không hoàn toàn vô lý. Ông Khuê từng có trao đổi và qua lại với các thành phân dân chủ đối lập qua Hồng Y Công giáo Kim Thọ Hoán, tổng giám mục Hán Thành. Có thể, ở địa vị của ông, ông đánh hơi được là Hoa Kỳ năm 1979 sẽ chấp nhận hay là tán thành một cuộc thay đổi nhân sự tại Hàn quốc. Tổng thống Phác đối với chính quyền Carter là một hình nhân đã lỗi thời, chống cộng sản kiểu ngáo ộp trong khi Mỹ đã chuyển sang chiêu bài nhân quyền. Điều chắc chắn là ông Khuê quá tự tin, vào bộ tổng tham mưu chỉ có phụ tá là đại tá Hảo đi theo, không coi ai ra gì, ngồi gác chân lên ghế ngủ ngon lành.

(Còn tiếp phần 2: “… và trên phim“)

*

Sáng Ánh viết về điện ảnh:

- Bụi Đời Chợ Lớn: Bụi đời ngáp vặt

- Sống cùng điện ảnh

- Bài học từ “The Room” (phần 1):
Dở không tả được

- Bài học từ “The Room” (phần 2):
Cái gì cũng dở tuy dùng toàn thứ chuyên môn

- Bài học từ “The Room” (phần 3):
Thành công bất ngờ và ngậm ngùi cá nhân (tôi)

- Ba ngày Tết ôm một vòng eo (phần 1): đâu khác gì 42 năm trước

- Ba ngày Tết ôm một vòng eo (phần 2): âm thanh giả tạo là một cực hình cho người xem

- Tẩy chay Oscar, ra Trafalgar chiếu cũng tốt

- “Đồng chí Kim đi (đu) bay”: cứ vậy đi lại chấp nhận được

- “Vắng mặt không phép”, phim được giải mà lại không được chiếu

- Kong, Đảo Đầu Lâu: bắt lỗi nho nhỏ với một bộ phim to (tiền)

- Quả bong bóng trắng (bài 1): một ví dụ về điện ảnh trung thực thì hay

- Quả bong bóng trắng (bài 2): đã đến lúc ta nên làm phim xấu

- Điện ảnh Uganda: thành công nhờ biết mình ở nhà lá và xung quanh cũng toàn nhà lá

- Xem Ma’ Rosa: ta nên học theo hướng nào?

- “Đồng niên vãng sự”: một giọt nước to của một làn sóng mới

- “Đồ tể”: đạo đức nào và khoảng cách nào cho người làm phim tài liệu?

- “Lặng im”: Quá lố và xuất sắc

- “Bảng đen”: cứ xem phim họ lại muốn “đọ” phim ta

- ADÚ: một bộ phim hay được 1 phần 3

- Bài 8 – Nhật ký (không) làm phim:
Đi chọn bối cảnh, gặp Eric the Red

- Hai bộ phim và một cuộc ám sát
(phần 1): Ngoài đời…

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả