Ở Laoag thì đoàn ở khách sạn “đám cưới cô Imee Marcos”. Cô này là con trưởng cựu tổng thống Ferdinand.
Vào lúc tôi đến đó thì cô đang là đại biểu quốc hội của một đơn vị Ilocos Norte. Em trai cô, ông Bong Bong, lúc đó là thống đốc tỉnh. Tuy bố mẹ họ có bị đuổi năm 1986 nhưng tại tỉnh nhà quần chúng vẫn còn thương tiếc; năm 1989 khi tổng thống Marcos mất nghe đâu là ở đây phụ nữ ra đường mặc ròng rã cả tháng đồ đen đại tang. Vào tháng 1. 2018, Imee thay em trai làm thống đốc, còn trước đó, hồi tháng 5. 2016, Bong Bong ra ứng cử Phó tổng thống về nhì xém nhất (tại Philippines ứng viên phó và ứng viên tổng thống chung liên danh nhưng được bầu riêng rẽ). Nói vậy là mặt trời Marcos có lên có xuống ở quần đảo nhưng không bao giờ lặn ở Ilocos Norte, bất quá thì mây che chút xíu rồi lại sáng.
Hai chị em nhà cô Imee Marcos và Bong Bong
Trong khi đi chọn cảnh, tôi gặp được một nhà trọ lý tưởng. “Khách sạn” này vào loại gặp đâu xây thêm đó, vách có chỗ ván, có nơi là gạch. Nó chỉ khoảng 20 buồng xọc xạch, nhiều buồng không có phòng tắm riêng và cả nhà trọ vắng tanh vắng ngắt, khách lảng vảng là vài anh công nhân dạng lên tỉnh tìm việc làm. Dưới lầu là một cái bar vắng vẻ, trang trí không thay đổi từ mấy chục năm qua, rượu ở trên kệ tôi nghĩ là cũng thế, Johnny chống gậy từ nhãn đỏ trở thành nhãn đen, giờ nếu vẫn còn đó thì đã thành nhãn “Blue Label”. Tôi thích quá, bèn dọn sang cho không khí và bàn với sản xuất như sau.
Khi bấm máy, mình “nhốt” diễn viên vào đây, bao luôn cái nhà trọ này, trang trí lại kiểu Việt Nam 1975. Đây dễ thôi vì nó đã xập xệ sẵn rồi, với tài thiết kế của Joey Luna thì chỉ trong nháy mắt. Nó không được dùng trong phim để lên hình nhưng là nơi trọ của diễn viên để nhập vai trong thời gian quay. Mở 1 phòng sách về Việt Nam vài chục cuốn, 1 phòng video để họ xem phim bộ hay tài liệu lúc rảnh rỗi, cũng về Việt Nam nốt, tức là ép khéo họ làm việc 24 tiếng 1 ngày, ngay cả ngày nghỉ hay trong đêm mở mắt ra cũng thấy cái mùng vá nhà binh viện trợ Mỹ.
Sản xuất đưa tay chỉ chỗ cái sạp không có bốn mặt tường mà chỉ có ba, bảo như buồng này vệ sinh chung dưới nhà sao ai mà ở được. Tôi nói, đây là phòng ngủ của đạo diễn, ông và đoàn kỹ thuật cứ việc ở suite bên kia còn tôi ở đây chăn diễn viên, phòng này ngay lối lên xuống không có cửa, canh họ lại càng tiện. Phục trang lo cho mỗi người mấy bộ, ai vai gì mặc đồ đó trong thời gian quay, kể cả khi ra phố. Tôi thì không có vai, hay một vai quần chúng, tôi cũng một bộ vải gân nhà binh miền Nam bốn túi, tối về thì tôi tự giặt bằng xà bông hôi và phơi đầu giường dưới quạt máy. Tôi có một danh sách 10 bộ phim mà tôi thích nhất, để luôn đĩa ở đó, ai muốn xem thì xem, đây nói luôn thành phần đoàn kỹ thuật. Vì như vậy dễ trao đổi, quay phim hiểu ngay thế nào là động máy giống như xen gì đó trong bộ phim Stalker của Andrei Tarkovski.
Một cảnh trong bộ phim Stalker của Tarkovsky (1979), có đến 3 quay phim trong đó người mang cái họ dễ nhớ nhất và cả thế giới biết đến, chĩa máy vào ai thì kẻ đó khinh khiếp, là quay phim Leonid Kalashnikov (trùng họ với cha của khẩu súng AK 47, tức Avtomat Kalashnikova ), ảnh ở đây
Tôi vốn hiền, nhưng giờ giở máu ác ôn ra làm Pierre-William rất thích vì hợp dạng côn đồ. Ông từng kể thành tích là trong phim “État de siège” (Thiết quân luật, 1972) ở Uruguay, ông là quay phim. Đạo diễn Costa-Gravas bực mình chuyện gì đó, lên lớp cả đoàn ngay tại sàn quay, từ diễn viên quần chúng mặc áo không cài đúng nút đến diễn viên thượng thặng Yves Montand. Đạo diễn xài xể luôn cả đoàn kỹ thuật, khi đi đến chỗ Pierre-William thì anh này lấy con dao găm ra đứng phóng vào cái cây trước mặt kiểu giết thì giờ (chứ không phải giết người). Costa-Gravas thấy Pierre-William đang có dao trong tay bèn bỏ qua không nói gì và đi lớn tiếng bức xúc với người đứng cạnh. Pierre-William là dân nhảy dù thời chiến tranh Algeria, lại cầm dao dã chiến, lỡ nó phóng vào mình thì phí đời Oscar (phim “Z”, 1969). Lưu ý, Pierre-William là quay phim của bộ “Street of no return” (Đường không lối về, 1989) thực hiện tại Pháp.
Một cảnh trong bộ phim “État de siège” của Costa-Gravas, quay phim Pierre-William, vừa cầm máy vừa cầm dao, ảnh ở đây
Tôi nói, đây như anh tả cảnh James Coburn trong “The Magnificent Seven” (1960). Pierre-William bảo đúng thế. Tôi chọc chơi, “Nhưng anh chưa từng làm phim với lại John Sturges”. Chàng nói “Không có Johmn Sturges, chỉ có làm với lại Samuel Fuller”! (Nói thêm: John Sturges và Samuel Fuller là hai nhà làm phim hoàn toàn khác hướng, nhưng cùng lứa, cùng tăm tiếng và cùng là người Mỹ. Năm 1982, bộ phim “White Dog” (Chó trắng) của Fuller sau khi hoàn thành xong, bị hãng Paramount xếp xó vì ngại phản ứng của dư luận. Fuller giận, sang Pháp ở và không làm phim ở Mỹ nữa.)
Áp phích bộ phim “Đường không lối về”, quay phim Pierre-William, ảnh ở đây
Thủ thuật “nhốt” diễn viên lại là tôi theo lời khuyên của Trần Anh Hùng, tuy Hùng không nói theo nghĩa đen. Ý của Hùng là tập trung diễn viên lại một chỗ và quay luôn một lèo là lý tưởng, vì hai tháng sau về trường quay Bry sur Marne ở Pháp quay nốt một cảnh khác thì diễn viên không còn ăn khớp nữa. Đây là nói lý tưởng thôi, vì thực hiện phim chẳng có chuyện gì là lý tưởng cả, toàn chống đỡ các điều kiện, từ nhân sự đến máy móc và kể cả thiên nhiên.
Muốn nhốt diễn viên thì nhốt, đối với chủ nhiệm thì lại càng tốt vì đỡ tốn tiền. Tôi nghe kể là khi làm phim ở Nga, bạn này chi li từ chuyện cục xà bông nên tôi hơi nhợn. Nhưng chuyện mà đoàn Pháp quan tâm là chuyện ăn uống. Mục này thì Pháp không thể tiết kiệm. Ở Philippines thì rất khó mà hợp gu với họ, cơm “Tây” ở đây là cơm Mỹ, tức đối với người Pháp thì chỉ có… Mỹ nó mới ăn. Laoag lại là Mỹ Tho tỉnh nhỏ, có ông Marcos làm tổng thống thì món ăn vẫn món tỏ món lu. Chủ nhiệm bàn chuyện thực đơn cho đoàn với khách sạn và nhà hàng, thôi thì cũng phải chịu vậy, nhưng chí ít là phải có cà phê. Người Pháp không uống cà phê như người Việt hay người Mỹ, họ uống expresso kiểu Ý. Vậy trong chương trình chọn cảnh lại có chuyện đi tìm máy expresso, và tìm không ra!
Laoag có độc một quán gọi là cà phê ngoài chợ. Có cửa kính, điều hòa và bảo vệ đeo súng ngắn. Mọi người mừng rỡ kéo nhau vào nhưng đó là thời tiền sử, tức là tiền Starbucks, uống gì cũng không lọt cổ họng. Anh bảo vệ thì đeo một khẩu súng sáu sờn thép, dây lưng đạn tôi thấy có mấy viên mà những 3 loại đầu đạn khác nhau (chứ không đến nỗi 3 ca líp đạn khác nhau). Các bạn Pháp tụm lại thì thầm tư lự, giải pháp là khi quay, gì thì không biết, chứ phải nhập một cái máy expresso mang theo đoàn, đây là đạo cụ quan trọng và không tìm ra tại chỗ! Đó là thời tiền sử như đã nói, tức là thời tiền Amazon Prime, hàng giao tận nhà miễn phí ngày hôm sau và vào giờ đó không biết Jeff Bezos đang còn ở đâu. Tôi là dạng uống trà cũng được, có đá, có chanh, có đường thì càng tốt, không có đá, không có chanh đường cũng không sao, nên tôi không có can dự vào.
Nhớ lúc lên tàu sang Manila, sản xuất làm mặt bối rối bảo, đúng cách thì mình phải đi hạng nhất, nhưng giờ chỉ có vé hạng doanh gia, bạn đạo diễn thông cảm hộ. Đời tôi thì chưa đi tàu hạng nhất lần nào, dù là upgrade và đó cũng chẳng phải là niềm mơ ước từ niên thiếu. Tôi được dịp nổ ngay, bạn sản xuất biết không, 1975 tôi đi từ Việt Nam đến Hàn Quốc là bằng tàu biển, không phải 18 tiếng mà là 18 ngày.