Ở Đâu - Làm Gì

27. 10: CÕI RIÊNG CHUNG
của cố họa sĩ Dương Đình Sang 24. 10. 12 - 9:30 am

Thông tin từ N.S.A.F.

CÕI RIÊNG CHUNG
Triển lãm tranh của cố họa sĩ Dương Đình Sang

Khai mạc: 16h30 thứ Bảy ngày 27. 10. 2012
Từ 27. 10 đến hết 7. 11. 2012
Tại: New Space Arts Foundation (N.S.A.F.)
Làng nghề Huế – trung tâm văn hóa Phương Nam
Tầng 2 Số 15 Lê Lợi, TP. Huế

Đơn vị tổ chức:
– Trung tâm văn hóa Phương Nam
– New Space Arts Foundation (N.S.A.F.)
– Trường Đại Học Nghệ Thuật
– Hội Mỹ Thuật Thừa Thiên Huế

 

Cõi riêng chung của Dương Đình Sang

Dương Đình Sang đã là họa sĩ khi chưa thành… họa sĩ. Nói cách khác, anh đã vọc sơn từ khi bước chân chưa chạm đến cổng trường (như Đinh Cường), ngay thời kỳ sinh viên anh đã thực hiện một số bức tranh xứng danh là tác phẩm hội họa triển lãm chung với các bạn và luôn cả với những người thầy của mình. Điều này không dễ xảy ra, ngoại trừ đối với những ai có năng khiếu và lãnh hội vững chắc và nhanh chóng những kỹ thuật cơ bản.

Hội họa với Sang, Sang với hội họa, như vầy hội cùng nhau, như cá với nước, ăn ở với nhau từ thuở nào. Mà hình như bạn của anh, những người quen biết anh, tuy không nói ra, ai nấy ít nhiều trực nhận điều này. Về phần anh, anh tỉnh táo và chậm rãi chung sống với màu và cọ.

Phụ họa vào đó, năng khiếu âm nhạc trong Sang hòa điệu thêm vào nét vẽ khiến tranh anh thường đẹp, sang, dễ chịu, sạch, không ôm đồm.

“Niệm khúc” của họa sĩ Dương Đình Sang (hình ảnh lấy trên internet, có thể không có ở triển lãm)

Anh lớn lên giữa điệu hò trên sông nước, quanh mình là lớp lớp thành quách chen giao với sắc màu thảo mộc của kinh thành: rất nhiều long não, nhãn, muối, phượng. Anh cũng như bao nhiêu bạn khác bị mê hoặc theo phong cảnh hữu tình nuôi dưỡng mình và cũng khởi đầu bằng những tranh phong cảnh. Nhưng anh không vẽ phong cảnh đơn sơ theo từng lớp mỏng, mà vẽ dập lên nhau từng rặng cây phủ vây những kiến trúc cổ như thể tất cả đó được chất đầy trong ký ức, những hoài niệm qua nhiều lớp tuổi tác, hơn là phong cảnh có thực trong thiên nhiên. Và như vậy tự khắc nảy sinh những tương giao giữa họa sĩ và người ngắm tranh.

Dương Đình Sang sớm từ giã tranh phong cảnh đậm màu vàng đất của mình để đi vào tranh hình thể. Về mảng này, dù chắc tay về hình thể, anh vẫn có xu hướng xô lệch và nghiêng lệch nét vẽ của mình để cho hình thể thường chỉ chiếm khoảng nhỏ trong tranh, và họa sĩ dành quyền đối thoại với khoảng trống mênh mông còn lại. Mặt người có xuất hiện trong tranh của anh, nhưng thiếu nét, hoặc nét gãy là nhiều. Anh lại thích mặt nạ, như André Breton. Như thể anh ngầm cho rằng mặt người chân phương vẫn không tiết lộ được con người.

Dương Đình Sang có vẻ thoải mái hơn ở tranh trừu tượng hoặc bán trừu tượng để cho anh tự định đoạt bố cục, màu sắc và vẽ ra những hình người lấp ló hoặc ngay cả chân dung bản thân thường cũng không đủ nét.

Tranh trừu tượng của Dương Đình Sang (hình ảnh lấy trên internet, có thể không có trong triển lãm).

Dương Đình Sang có một loạt tranh cuối đời chưa kịp ra mắt. Loạt tranh này khổ lớn, không khí từ tranh toát ra có vẻ phiêu phất. Hình người trong tranh lặng lẽ, nhường chổ cho khoảng trống, khoảng lặng hút lấy người xem khiến người xem dường như không còn để ý đến bố cục tranh, không còn để ý đến cả bức tranh, không còn để ý luôn cả tác giả mà chỉ còn muốn buông mình rơi tự do vào khoảng không như là trạm cuối của đời người nghệ sĩ hay là, nói ngắn gọn, trạm cuối của đời người.

 

– Huế, tháng 9. 2012
Bửu Ý

 

Ý kiến - Thảo luận

6:45 Thursday,25.10.2012 Đăng bởi:  Phong Thụ
Bức "Niệm khúc" của Dương Đình Sang có khác gì tranh của Đinh Cường pha với tranh của Nguyễn Trung hồi trước đâu?
...xem tiếp
6:45 Thursday,25.10.2012 Đăng bởi:  Phong Thụ
Bức "Niệm khúc" của Dương Đình Sang có khác gì tranh của Đinh Cường pha với tranh của Nguyễn Trung hồi trước đâu? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả