Soi học

Bài học Chủ nhật: Adonis và Venus – Chết vì… chỗ nhạy cảm của đàn bà 04. 03. 12 - 9:07 am

Pha Lê

 

.

Trong bài học kỳ trước, bé Adonis sinh ra từ cây sim, sau đó thì sao?

Thể theo bản của Apollodorus, bé Adonis rất xinh trai, và Venus chết mê chết mệt cậu nhỏ. Nhưng bà thần này vốn không thuộc dạng thích chăm sóc con nít, nên quẳng cậu cho Persophone nuôi. Persephone yêu Adonis như con, nhưng đến lúc bé lớn thành một thiếu niên đẹp ngời ngời, Venus đến… đòi lại Adonis. Persephone bực tức, lôi Adonis và Venus lên Olympia, nhờ Zeus giải quyết vụ việc. Ông này theo bản tính, muốn ‘được lòng cả đôi bên’, nên phán rằng Adonis sẽ dành 1/3 thời gian trong năm cho Persephone, 1/3 thời gian với Venus, và 1/3 còn lại cho riêng mình. Có điều, chàng Adonis này mê gái, nên thay vì dành 1/3 thời gian cho bản thân, cậu lại đi… vui vẻ với Venus.

Nhưng người hay ăn chơi thì hay bất cẩn. Trong một lần đi săn, Adonis bị con heo rừng húc chết.

Tác phẩm “Venus và Adonis”, Paolo Veronese, 1586. Adonis rất ra dáng một gã ham chơi, vòng tay ôm Venus sát rạt và còn lộ liễu sờ ngực nữ thần. Để không lộn với Persephone, họa sĩ vẽ thêm Cupid, nhưng như thế thì Cupid trông giống kỳ đà cản mũi quá. Xung quanh cả ba là đám chó săn – điềm báo cho cái chết của Adonis.


Một trong những tác phẩm nổi tiếng về tích Adonis và Venus là bức tượng điêu khác này, do Canova sáng tác (lại Canova). Ông làm nó từ năm 1789 đến 1794. Adonis nhìn rất trẻ, ra dáng thiếu niên, còn Venus thì chết mê chết mệt chàng trai. Các tác phẩm của Canova rất thơ mộng, nhìn là muốn được chạm tay vào.

 

Còn theo bản của Ovid, Adonis lúc nào cũng ở cạnh Venus, không dính dáng gì tới Persephone hết. Nhưng lâu lâu chàng lại vác cung đi săn với Artemis, và chuyện này làm mích lòng Venus. Theo nữ thần sắc đẹp thì Adonis quá yếu đuối, không hợp với chuyện săn bắn, nên khuyên cậu đi săn ít thôi, tốt nhất là vui vẻ với mình trên giường. Adonis không nghe, nên cuối cùng bị heo rừng giết (học giả Nonnus thì nói thêm rằng con heo rừng là do Ares thả ra để ám sát Adonis, vì thần chiến tranh ghen với chàng trai trẻ tuổi này.) Máu của Adonis sau đó biến thành hoa hồng và hoa anemones (theo từ điển thì là hoa ‘cỏ chân ngỗng’ chả biết phải không?), nói đúng hơn, máu của Adonis giúp hai loài hoa này có màu đỏ tươi. Các chàng trai trong tích Hy Lạp thường biến thành hoa sau khi chết, các nàng thì biến thành cây, hoặc con bò, con gấu…

Tác phẩm “Venus và Adonis”, Paolo Veronesse, 1562. Trong tranh này, Venus ra sức cản Adonis lại, không cho cậu đi săn, cả Cupid cũng nhảy vô giúp mẹ, ghì chặt chú chó, quyết không cho Adonis dắt đi. Chẳng biết họa sĩ nghĩ gì, chứ đúng ra Venus không có tha thiết cấm cản như kiểu ‘anh làm ơn đừng đi nhậu nữa’ như vậy. Venus chỉ khuyên Adonis, cậu không nghe theo, và nữ thần này mặc kệ.


Tác phẩm “Venus và Adonis”, Bartholomaeus Spranger, 1587. Họa sĩ này ví chuyện tình như một kiểu ‘ăn chơi sa đọa’, ngoài Adonis đang ôm Venus cởi truồng, xa xa còn thấy cảnh các dâm thần Satyr đùa giỡn với các cô gái. Để tránh nhầm với Artemis – người hay có chó săn đi theo – Spranger cũng vẽ Cupid vô tranh, nhưng cánh của Cupid thì màu mè y như cánh con vẹt.


Tác phẩm “Venus và Adonis”, Peter Paul Rubens, 1614. Cũng lại cảnh Venus và Cupid níu kéo không cho Adonis đi săn. Rõ khổ! Venus là thần, đâu có phải van nài ai? Đằng sau Venus là hai con thiên nga đang yêu nhau. Thiên nga là biểu tượng của Venus, như vậy ý nói dù gì thì Venus cũng vẫn yêu Adonis?


Cũng một tác phẩm nữa về tích này của Rubens, vẽ năm 1630, và cũng lại màn níu kéo. Được một người đẹp cởi truồng giữ chân mà không chịu yên vị, cứ nhất quyết đòi đi săn, đầu óc Adonis hẳn phải có vấn đề.


Tác phẩm “Cái chết của Adonis, Poussin, 1591. Venus và Cupid ráng lấy nước dội mặt Adonis, nhưng cậu vẫn không sống lại. Thiệt tình, Poussin chắc không đọc hết tích rồi. Nếu Venus yêu Adonis đến thế, thì đã cho cậu ăn Ambrosia (thức ăn của thần, ăn vào chết đi sẽ sống lại, hoặc bất tử), gì thì gì, Adonis không đáng để Venus bận tâm đến vậy. Poussin cũng không vẽ cảnh máu của Adonis làm hoa hồng nở, nhưng có vẽ mấy chú bồ câu (biểu tượng của Cupid) đậu trên chiếc xe kéo.


Tác phẩm “Đánh thức Adonis”, John Williams Waterhouse. 1900. Đánh thức ở đây không có nghĩa là Adonis đang ngủ, mà ý là Venus đang cố cứu sống Adonis. Chàng đã chết rồi, cũng vì vậy mà hoa anemone và hoa hồng nở kìa. Nhưng ai trong số hai cậu bé là Cupid nhỉ?

 

Cái tích buồn thảm kể trên thì chẳng khác gì mấy tích Hy Lạp của mấy bài học trước, nhưng nó liên quan nhiều đến cách xã hội Hy Lạp xưa nhìn nhận về giới tính. Qua bài học về Hyacinthus, mọi người hẳn đã rõ là quan hệ nam/nam ở Hy Lạp cổ phải được chiếu theo luật đàng hoàng, chứ không thuộc dạng ăn chơi sa đọa. Thực ra quan hệ nam/nữ cũng thế. Lại quay về cái quan điểm ‘kiểm soát bản thân’ bất di bất dịch của dân Hy Lạp. Gã đàn ông nào mà hay gái gú là sẽ bị chế giễu. Người đàn ông thực thụ không thể tối ngày ở nhà ôm vợ trên giường, vì hành động này đồng nghĩa với việc ‘bị vợ kiểm soát’ và ‘có những ham muốn tầm thường’. Adonis trở nên yếu đuối, bị heo rừng giết là vì cậu mê gái; nên cho dù thấy tích Hy Lạp viết về các vụ hiếp dâm với các đoạn tả cảnh mây mưa, điều đó không có nghĩa rằng đây là một đất nước không quy củ. Tích về Adonis thực ra không tượng trưng cho một chuyện tình bi đát kiểu Romeo và Juliette, mà lại là một câu chuyện dùng để khuyên răn các chàng trai trẻ giữ mình, tránh sa ngã trước đàn bà.

Còn nữa, đọc tích Hy Lạp thì phải liên hệ với cách dùng từ và ngôn ngữ cổ của người xưa, chứ ‘đọc’ theo nghĩa đen sẽ không đem lại kết quả gì nhiều. Heo là một trong những vật tế dành cho Venus, gần như là biểu tượng của nữ thần này. Nhưng ‘heo’ trong tiếng Hy Lạp cổ còn là một từ lóng, chỉ… chỗ nhạy cảm của đàn bà. Adonis mê gái nên bị heo giết (nghĩa bóng của câu này, mọi người tự hiểu lấy nhé). Nếu về sau, các bạn có đọc thơ Hy Lạp, và thấy vài câu kể chuyện… mê heo, xin nghĩ tới nghĩa bóng trên.

Tác phẩm “Cái chết của Adonis”, Sebastiano del Piombo. 1511. Họa sĩ vẽ cảnh Adonis bị heo rừng húc chết, nhưng tính hình học của bức này hơi bị kém, Adonis trông dẹp lép như tờ giấy. Không biết họa sĩ có hiểu nghĩa bóng của từ ‘heo’ không ta? Xem tranh mà tò mò ghê.

 

Thế nên, người đàn ông Hy Lạp chân chính là người biết kiềm chế trước… heo. Nhưng ‘tội’ của Adonis không chỉ nằm ở việc cậu ‘không kìm chế được’, mà còn ở việc cậu dám yêu một phụ nữ quyền phép hơn mình. Như đã nói trong bài Hyacinthus, đàn ông có nhiệm vụ ‘làm chủ’, mà Adonis không thể nào mạnh hơn nữ thần, lý ra cậu phải tìm đường rút lui, đằng này lại nhúng mũi vào, chết là phải. Đây cũng là lý do tại sao Hylas mất tích sau khị bị các nàng tiên sông lôi kéo. Xã hội Hy Lạp rất bảo thủ về giới, chuyện một người đàn ông mang phận làm ‘kẻ yếu’ là chuyện không chấp nhận được.

Dĩ nhiên, với vô vàn học giả hài hước, dân Hy Lạp sáng tác ra khá nhiểu vở hài kịch hóm hỉnh để “giải tỏa” căng thẳng giường chiếu cho mọi người, nếu đọc những vở kịch này thì chắc ai cũng nghĩ dân Hy Lạp ăn chơi sa đọa, và phụ nữ nắm hết quyền trong nhà. Tỷ như vở Lysistrata của nhà biên kịch Aristophanes. Trong vở này, phụ nữ Hy Lạp từ chối làm tình với chồng cho tới khi các ông đồng ý chấm dứt cuộc chiến với dân Sparta. Kết quả là: các ông chồng chịu không nổi, quyết định chấm dứt chiến tranh. Nhưng vở này viết thì viết vậy thôi, chứ đúng ra phụ nữ Hy Lạp chẳng kiểm soát chồng được theo kiểu đó. Thời đấy, nhà thổ hoạt động hoàn toàn hợp pháp, các ông chồng léng phéng với phụ nữ bình thường thì không được, nhưng họ có quyền đến nhà thổ, nên chẳng bà nào có thể dùng biện pháp ‘cấm vận’ như một kiểu tối hậu thư.

Nói cho ngay, nhà thổ hồi đó phải được cấp giấy phép, gái (lẫn trai) làng chơi phải có thẻ hành nghề, rồi phải đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên (giống Hà Lan bây giờ). Nhà thổ cũng không hoàn toàn mang nghĩa ăn chơi. Người đàn ông nào chăm chỉ viếng thăm các em lầu xanh sẽ bị chế nhạo (ý là ‘mê heo’ vô độ), nhà thổ giống như một dạng bảo hiểm, để các ông chồng không bị các bà vợ lấy chuyện giường chiếu ra dọa (giống như mấy bà trong vở kịch của Aristophanes).

Bởi vậy, các ông lúc nào cũng có quyền hơn. Một số người thích tích Hy Lạp vì trong tích có rất nhiều nữ thần mạnh mẽ (như Artemis, Athena, Venus), chứ thực tế thì những tích như Adonis lại cho thấy rằng: dù xã hội xưa có thờ mấy bà thần này, suy nghĩ về giới của họ vẫn còn lạc hậu.

Dĩ nhiên, ở một số điểm, Hy Lạp cổ là nước cực kỳ văn minh. Rắc rối nhỉ? Nhưng dù bài có rắc rối, ta vẫn cứ học, tội gì không!

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

– Bài học Chủ nhật: Vòng nguyệt quế của Apollo – Tại ghét đàn ông hay tại “thằng” Cupid?
– Bài học Chủ nhật: Chín nàng thơ – Biểu tượng của văn minh, nghệ thuật, nhưng hay bị vẽ sai

– Bài học Chủ nhật: Hestia – Trinh nữ xịn thì hay ở trong nhà

– Bài học Chủ nhật: Ariadne – Vớ được chồng tốt nhờ bị bồ bỏ

– Bài học Chủ nhật: Hades – Cai quản địa ngục, nhưng quậy phá mặt đất

– Bài học Chủ nhật: Dionysus – Bợm nhậu chính hiệu

– Bài học Chủ nhật: Demeter cứu con gái khỏi địa ngục – hay sự tích xuân hạ thu đông

– Bài học thứ Tư: Đám con lai các thần giết nhau, để cậu con nhà trần kết thúc

– Bài học thứ Tư: Odysseus – Kẻ có lắm mẹo vặt chết người

– Bài học Chủ nhật: Orpheus – chết vì đa nghi

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – Thần tình yêu thua chân dài (kỳ 1)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – tàng hình trong đêm động phòng (kỳ 2)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – giặc bên Ngô không bằng hai cô chị vợ (kỳ 3)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – làm dâu Venus cũng nhục vô cùng (kỳ 4)

– Bài học Chủ nhật: Cupid và Psyche – khổ rồi cuối cùng cũng sướng (kỳ 5)

– Bài học Chủ nhật: Hermes – Thần của ngoại giao, nhưng lại hay nói dối

– Bài học thứ Tư: “Con ngựa gỗ thành Troy” hay cả thành bang tiêu tùng vì một tên lính quèn

– Bài học Chủ nhật: Hyacinth và tình dục ở xã hội Hy Lạp cổ

– Bài học thứ Tư: Athena giận khiến một rừng đàn ông khốn khổ

– Bài học Chủ nhật: Adonis và Venus – Chết vì… chỗ nhạy cảm của đàn bà

Ý kiến - Thảo luận

23:18 Friday,14.2.2014 Đăng bởi:  Nguyên
thời đó phụ nữ tiêu chuẩn đẹp là phải mập nhỉ, nhìn to ngang với đàn ông.  Mình đọc  về adonis thì cũng ko ấn tượng mấy, chắc ảnh chết vì gái thật

...xem tiếp
23:18 Friday,14.2.2014 Đăng bởi:  Nguyên
thời đó phụ nữ tiêu chuẩn đẹp là phải mập nhỉ, nhìn to ngang với đàn ông.  Mình đọc  về adonis thì cũng ko ấn tượng mấy, chắc ảnh chết vì gái thật
 
16:54 Tuesday,19.3.2013 Đăng bởi:  dilettant

Thấy nhan đề chết vì... nhưng nhào vô đọc lại thấy chết vì heo rừng? Các tranh cho thấy đàn ông nói chung cố mặc quần áo, còn chị em thì không? Có nên trách các hot girls luôn cố lộ hàng hôm nay.


...xem tiếp
16:54 Tuesday,19.3.2013 Đăng bởi:  dilettant

Thấy nhan đề chết vì... nhưng nhào vô đọc lại thấy chết vì heo rừng? Các tranh cho thấy đàn ông nói chung cố mặc quần áo, còn chị em thì không? Có nên trách các hot girls luôn cố lộ hàng hôm nay.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả