Điện ảnh

Kong, Đảo Đầu Lâu: bắt lỗi nho nhỏ với một bộ phim to (tiền) 15. 03. 17 - 3:05 pm

Sáng Ánh

.

(Tôi xem bộ phim này ở rạp, có một lần, gọi là qua loa. Những nhận xét “vội” này dựa trên ấn tượng duy nhất đó, và có thể không chính xác.)

Kể từ phim đầu tiên King Kong, đây là lần thứ 8 nhân vật này xuất hiện trên màn hình lớn. So với các bản Hoa Kỳ trước, nhận xét nhanh thì thấy có hai điều tiến bộ:

Châu Phi trong bộ phim Skull Island thoát nạn, không còn phải làm bối cảnh truyền thống của dạng phim này và cầm mác nhảy lò cò trong tiếng trống bập bùng. Điều quan trọng, nếu mình là người châu Phi thì mình rất mừng. Trước hễ cứ Kong là người châu Phi (trong óc khán giả là CẢ châu Phi nói chung) sụp xuống vái thần khỉ, mà thần thì chỉ mang lòng tơ vương phụ nữ tóc vàng! May mà có người da trắng đến cứu họ khỏi cái ách khỉ (gió) này! 2016: chuyện phim giờ xảy ra trên một đảo bí mật Thái Bình Dương, cũng có khá hơn chút ít. (Lạ nữa là, sao trước đây không thấy ai ở châu Phi đề nghị dựng tượng thần này để quảng bá du lịch?)

Điều thứ nhì, quan hệ của Kong với vai chính nữ không còn đắm đuối ngẩn ngơ người như trong những phim trước. Thì vẫn cô tóc vàng da trắng (có khi nào bạn Kong này đi yêu một cô da đen hay một cô Hồi giáo, nhấc bổng nàng lên và vụng về gỡ khăn che tóc, che mặt ra để ngây dại trầm trồ?) Nhưng lần này, cô vẫn tóc vàng da trắng không còn là một phụ nữ yếu đuối mà là một phụ nữ có ‎ý chí, nghề nghiệp là phóng viên chiến trường và không còn mặc váy mà đi giày cổ cao. Quan hệ giữa quái vật và người nữ này cũng bớt mang màu sắc dục tính hay là luyến ái. 50 sắc thái này chỉ còn có chừng 3 sắc thái hay 7. Nói cách khác, hết còn là mùa trăng vu quy và hết chuyện thiếu nữ tế thần này.

.

Xin không bàn thêm về hai điều trên mà chỉ có một số nhận xét nhỏ về tiểu tiết. Đằng nào thì đây là một bộ phim kinh phí lớn, nên xin mạn phép nêu lên một số sai phạm bé tí ti nhưng không nên có ở trình độ này.

Về phục trang, cảnh “Bangkok” từ đâu lọt vào mấy cái nón lá Việt Nam. Ngược lại, 1973 là lúc giao thời giữa quần đai cao và quần đai thấp (còn gọi là quần “tai-bát” từ tiếng Pháp taille basse), cho nên Brie Larson mặc quần đai cao mà Tian Jin mặc quần đai thấp cũng không sao.

Diễn viên Tian Jin (đi cuối) cầm súng cũng như diễn viên Brie Larson (vai nữ chính) cầm máy ảnh. Thấy rõ cô Tian Jin không phải là vai cầm súng chuyên.

Phần vũ khí, Samuel L. Jackson sử dụng súng M14 là loại quân đội đã thôi dùng từ 1967. Nhưng chắc ông là Trung tá Tiểu đoàn trưởng, ông thích thì ông xài, ai cấm được ông. Lúc mới đầu, quân nhân Mỹ cựu trào (như ông Trung tá này) rất ghét súng M16, gọi đó là súng đồ chơi bằng nhựa, nên sự hiện diện của khẩu M14 này trên tay ông là có lí. Tuy nhiên, một lúc thì súng có ống nhắm, lúc sau lại không có. Ông gỡ ra chăng, vì anh Kong to thế thì cần gì ống nhắm nữa, nhắm mắt bắn bừa vẫn trúng! Vào 1973, ống nhắm gỡ ra cũng tốn mồ hôi. Nếu gắn vào lại, thì càng mệt. Đây là một dụng cụ chính xác, cách 1 ly thì đi 1 dặm (theo nghĩa đen). Khi lắp vào, cần phải chỉnh lại, bằng cách bắn thử bia 5 hay 7 viên (ngày nay thì khác).

Jackson cầm M14 không đầu nhắm

Súng phun lửa chỉ sử dụng tại Việt Nam ở giai đoạn đầu chiến tranh và sau không có nhiều vì nó không phù hợp với chiến trường (thí dụ như lô cốt của Đức hay Nhật Bản). Nhưng thiếu nó trong phim thì có lẽ cảnh trời chiều không đủ đẹp để lôi cuốn người xem.

Đơn vị này có lúc lôi ra từ đâu không biết một cây đại liên 50 đặt trên chân 3 càng, hẳn không phải là do họ lấy từ chiếc trực thăng Chinook và mang theo trong khi lội rừng, vì bản thân cây đại liên rất nặng, chân nó nặng và đạn nó cũng nặng. Vũ khí này thường chỉ để cố định hoặc trên xe cơ giới.

Đây là đại liên M1 .50 trên chân 3 càng, ảnh từ trang này http://www.usafpolice.org/equipment.html. Trong phim được sử dụng một chỗ bắn rào rạt, chẳng hiểu moi từ đâu ra. Khẩu này nặng 40 kg, càng 20kg, một hộp đạn 100 viên là 16 kg, cho nên chỉ sử dụng trên xe, trên tàu và vị trí phòng thủ, không ai vác đi đâu trong rừng cả.

Vũ khí cá nhân của binh sĩ, chỉ có mươi người mà kẻ mang M16, người mang AR15. Hai khẩu này chỉ khác nhau ở cái che lửa ở đầu nòng, một cái thì chuốt nhọn và một cái thì vuông. Đạo cụ chắc dựa theo tài liệu thời điểm Mậu Thân 1968, khi súng này chưa có băng đạn 30 viên (cong) mà chỉ có băng đạn 20 viên (thẳng). Vì thế dây đeo băng đạn cũng thuộc thời điểm 67-69, loại bằng vải đeo chéo trên ngực.

Vũ khí M16 giai đoạn đầu (băng đạn thẳng 20 viên và đầu nòng “chuốt” không phù hợp với thời điểm 1973 (băng đạn cong 30 viên và đầu nòng kín)

Nhắc lại là phim vào năm 1973. Nói đến băng đạn, anh xạ thủ phóng lựu M79 có một giây đeo bằng da rất đẹp, loại cá nhân “făng” (fantasy) mà ra mẫu sau khi xem phim cao bồi có tướng cướp Mexico, chứ không phải của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, vào thời ấy, bạn ấy có thể ra phố Nguyễn Huệ, đặt mẫu dây đạn bằng da theo kiểu bạn tự thiết kế.

Chi tiết vụng hơn là trong phần diễn xuất của vài vai quân nhân. Có bạn, khi đến nơi nguy hiểm chĩa súng kiểu 20 năm sau mới có trong các phim hành động (trái-phải-quay người). Chuyện này không đáng nói bằng chuyện chụp ảnh của diễn viên Brie Larson (vai Mason Weaver)

.

Cô Mason Weaver là phóng viên chuyên dùng máy Leica M3 nhưng rất lóng ngóng. Cô này thuộc thời máy số cho nên cầm máy này vụng không kém cô diễn viên Tian Jin (Cảnh Điềm) cầm súng.

Diễn viên Cảnh Điềm trong phim coi oai hết biết, Kong cũng phải ngán

Kém thuyết phục vì ở vai phóng viên Leica này, máy hình là phần “dính vào tay” hay trời sinh ra đã thế. Bấm là lên phim ngay, không cần nhìn. Nhắm khung là bằng mắt phải và mở mắt trái để quan sát sự việc (đây là đặc tính của Leica và các loại Rangefinder, khác với máy hình Reflex. Nhích đến gần hay lùi xa ra chủ đề là ngón giữa bàn tay phải chỉnh nét tới lui ở đầu kính. Máy cơ chỉ có 3 thứ để chỉnh, là nét (và đầu kính Leica chỉnh nét chỉ cần phần thịt dầy ở đầu một ngón tay, vậy mới đắt tiền), tốc độ và khẩu độ. Tốc độ để sẵn, khẩu độ thì đi tới đâu chỉnh đến đó, thí dụ từ chỗ sáng ta quay người lại sang chỗ bớt nắng là tay ta đã mở 3 nấc trên đầu kính, như thế mới là chuyên. Có thể cho rằng đây là một đòi hỏi cầu kỳ nhưng thí dụ, vai phi công Đệ nhị Thế chiến (John C. Reilly) khi sử dụng kiếm Nhật, lúc tra lại vào vỏ mà phải nhìn tay thì nó mất hay hẳn.

Leica M3 với đầu kính 35mm (có “mắt kính” vì khung M3 không đủ rộng) và máy đo sáng gắn thêm. Da màu nâu không do nhà Leica sản xuất nhưng ai mua về khát khao “muốn có một làn da nâu” thì gắn thôi.

Mặt khác, lúc đầu giới thiệu vai phóng viên này, các ảnh trong phòng tối cô dang in tráng có vẻ như là thuộc về thời điểm và địa điểm khác nhau như là thuộc 6 cuộn phim chụp trong 3 tuần. Thường thì, nếu không phải in tráng cho một cuộc triển lãm thì trên một cuộn hình tráng đó chủ đề giới hạn, thí dụ nếu là bà đội nón lá thì cái xa cái gần, bà ta ngước lên, nghiêng người đi qua… Nhưng ở đây, các chủ đề, các ảnh lại hơi bị “cliché” (khuôn mẫu), cho nên nó lộm cộm. Nói ví dụ, ta giới thiệu cho khán giả đây là vai một cô nhiếp ảnh người mẫu đang in ảnh trong phòng tối. Ta thấy 5-7 tấm, lại 5-7 cô khác nhau, một cô thì mặc đồ lót (đố cô này tên gì), một cô thì cầm cành hoa và cười, một cô lại nhìn bóng mình suy tư bên mặt nước, đằng sau lại có bóng cầu Thê Húc (trong khi cô đồ lót thì đằng sau nhất định phải có bóng… tỉ phú). Chẳng có gì sai cả, cũng được đi, nhưng là cách trình bày lười động não.

Đây chỉ là một số nhận xét vụn vặt. Bộ phim này, phần chính là quái vật chí chóe choảng nhau tung tóe nước rất ăn hình. Sau cùng, lúc chót sau một thời gian hồi hộp, cái thiện thắng cái ác là thành công. Phần các nhân vật người, ai cũng trở thành đôi lứa sau cơn thử lửa. Phi công bị lạc, chiến trường anh bước đi 28 năm về trước, giờ anh trở về nhà, vợ đẹp hơn xưa và khui bia cho anh uống, happy ending là khán giả vừa lòng.

*

Sáng Ánh viết về điện ảnh:

- Bụi Đời Chợ Lớn: Bụi đời ngáp vặt

- Sống cùng điện ảnh

- Bài học từ “The Room” (phần 1):
Dở không tả được

- Bài học từ “The Room” (phần 2):
Cái gì cũng dở tuy dùng toàn thứ chuyên môn

- Bài học từ “The Room” (phần 3):
Thành công bất ngờ và ngậm ngùi cá nhân (tôi)

- Ba ngày Tết ôm một vòng eo (phần 1): đâu khác gì 42 năm trước

- Ba ngày Tết ôm một vòng eo (phần 2): âm thanh giả tạo là một cực hình cho người xem

- Tẩy chay Oscar, ra Trafalgar chiếu cũng tốt

- “Đồng chí Kim đi (đu) bay”: cứ vậy đi lại chấp nhận được

- “Vắng mặt không phép”, phim được giải mà lại không được chiếu

- Kong, Đảo Đầu Lâu: bắt lỗi nho nhỏ với một bộ phim to (tiền)

- Quả bong bóng trắng (bài 1): một ví dụ về điện ảnh trung thực thì hay

- Quả bong bóng trắng (bài 2): đã đến lúc ta nên làm phim xấu

- Điện ảnh Uganda: thành công nhờ biết mình ở nhà lá và xung quanh cũng toàn nhà lá

- Xem Ma’ Rosa: ta nên học theo hướng nào?

- “Đồng niên vãng sự”: một giọt nước to của một làn sóng mới

- “Đồ tể”: đạo đức nào và khoảng cách nào cho người làm phim tài liệu?

- “Lặng im”: Quá lố và xuất sắc

- “Bảng đen”: cứ xem phim họ lại muốn “đọ” phim ta

- ADÚ: một bộ phim hay được 1 phần 3

- Bài 8 – Nhật ký (không) làm phim:
Đi chọn bối cảnh, gặp Eric the Red

- Hai bộ phim và một cuộc ám sát
(phần 1): Ngoài đời…

Ý kiến - Thảo luận

13:06 Saturday,18.3.2017 Đăng bởi:  SA
@Dương Trần

Kong rất là thô thiển, chuyên chở ý thức hệ thực dân thế kỉ 19 của Âu + tính cách Mỹ là da đen chỉ chực hiếp đàn bà da trắng. Tính cách Mỹ, là vì Hoa Kỳ không có sang Phi châu đô hộ tại chỗ (như Âu) mà mang da đen về nhà để bóc lột. "The Birth of a Nation" (1915)là phim kinh điển về mặt này (v
...xem tiếp
13:06 Saturday,18.3.2017 Đăng bởi:  SA
@Dương Trần

Kong rất là thô thiển, chuyên chở ý thức hệ thực dân thế kỉ 19 của Âu + tính cách Mỹ là da đen chỉ chực hiếp đàn bà da trắng. Tính cách Mỹ, là vì Hoa Kỳ không có sang Phi châu đô hộ tại chỗ (như Âu) mà mang da đen về nhà để bóc lột. "The Birth of a Nation" (1915)là phim kinh điển về mặt này (về mặt điện ảnh, nó cũng kinh điển xuất sắc).

Phiên bản cuối của Kong này, phải thích hợp với hoàn cảnh mới và sửa đổi cho phù hợp với ngày nay và Kong cũng như thổ dân không còn là tiêu cực nữa, mà còn tích cực và nên để cho họ yên trên đảo này, ta đi. May cho đảo, không có tài nguyên hay vị trí chiến lược :-)

Nhân vật Kurtz của Joseph Conrad, ngược lại, tượng trưng cho sự tha hóa của chế độ Đế Quốc/Thực dân. Kurtz trở thành Kong và chính là Kong chứ bản xứ không có quái vật này. Trong truyện ngắn Orwell, nhân vật "tôi" trong thể chế này trở thành tha hóa, và chế độ Đế quốc không chỉ chà đạp hay làm xấu kẻ bị trị mà nó làm xấu cả người thi hành nó. Hai tác phẩm văn học này chẳng có gì để ví với kịch bản Kong nguyên thủy.

Về mặt điện ảnh giải trí thì lại khác, phiên bản nào của Kong cũng rực rỡ thành công. Trong Apocalypse now Redux (bản dựng thứ nhì năm 2001) Coppola thêm 49 phút (về đồn điền Pháp và soi thêm giai đoạn thực dân). Theo ông thì 20 năm trước ông sợ phảu ứng của dư luận nên không dùng đoạn này.

Về mặt phim ảnh thuần túy, theo mình thì 49 phút thêm (tức là 49 phút cắt bỏ năm 1979) làm loãng bộ phim ra. Phần Kong đầu hay Kong cuối (hay Kong sắp tới) thì có thể cắt bỏ toàn bộ phim cũng chẳng sao, nó thuộc dạng tào lao xem cho qua giấc và qua một giấc vui. 
10:13 Saturday,18.3.2017 Đăng bởi:  Dương Trần
Bác SA, vậy nếu so sánh về khía cạnh mô tả thế giới "ngoài phương Tây" giữa loạt phim Kong với những trước tác kinh điển như "Heart of Darkness" hay phiên bản điện ảnh của nó là "Apocalypse Now" thì bác có ý kiến gì? Rất mong chờ được nghe.
...xem tiếp
10:13 Saturday,18.3.2017 Đăng bởi:  Dương Trần
Bác SA, vậy nếu so sánh về khía cạnh mô tả thế giới "ngoài phương Tây" giữa loạt phim Kong với những trước tác kinh điển như "Heart of Darkness" hay phiên bản điện ảnh của nó là "Apocalypse Now" thì bác có ý kiến gì? Rất mong chờ được nghe. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

GMO: Chuông nguyện hồn ong

Pha Lê sưu tầm từ nhiều nguồn và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả