Văn & Chữ

Tiết Bảo Thoa (phần 3): Con sâu chủ động chui vào với hoa 14. 11. 17 - 5:29 pm

Anh Nguyễn

(Tiếp theo phần 1  và phần 2)

Ví dụ thứ ba diễn ra chỉ hai chương sau đó là một cảnh tượng đặc sắc, hàm ý sâu xa:

Bảo Thoa đi một mình, tiện đường tạt vào viện Di Hồng, muốn gặp Bảo Ngọc nói chuyện để khuây khỏa buổi trưa. Khi vào đến sân, thấy lặng lẽ không một tiếng động. Đôi hạc đậu ở khóm chuối cũng đều thiu thiu giấc ngủ. Bảo Thoa rẽ sang bên cạnh, vào ngay trong buồng, thấy ở gian ngoài, bọn a hoàn đương ngủ ngổn ngang cả trên giường. Bảo Thoa đi qua cửa sổ có treo màn gấm các màu, vào tận buồng Bảo Ngọc, thấy Bảo Ngọc cũng ngủ, chỉ có Tập Nhân ngồi thêu bên cạnh, để một cái phất trần cán bằng sừng trắng.

Bảo Thoa đến gần khê cười nói:

– Chị cẩn thận quá, trong nhà này còn có ruồi muỗi à? Để cái này làm gì đấy?

Tập Nhân bất thình lình ngẩng đầu lên, trông thấy Bảo Thoa, vội bỏ kim chỉ đứng dậy, khẽ cười nói:

– Cô đến đấy à? Tồi sợ giật nẩy mình lên. Cô chưa biết, ở đây tuy không ruồi muỗi, nhưng có một thứ sâu nhỏ ở ngoài màn chui vào, chẳng ai trông thấy. Trong khi ngủ, lỡ nó cắn vào người, thì đau như kiến đốt.

Bảo Thoa nói:

– Chả trách được, đằng sau thì gần nước, lại trồng các thứ hoa, làm thơm lừng cả nhà lên, giống sâu này quen ăn nhụy hoa, hễ ngửi thấy mùi thơm là thế nào nó cũng chui vào.

Bảo Thoa nhìn cái bức thêu ở tay Tập Nhân. Đó là cái yếm bằng lụa trắng, giữa có màu đỏ, trên mặt thêu kiểu “Uyên ương vờn hoa sen” có hoa đỏ lá xanh, có chim uyên ương năm màu.

Bảo Thoa nói:

– Ái chà? Tươi đẹp quá! Cái này của ai mà làm phí bao nhiêu là công?

Tập Nhân ngoảnh vào giường bĩu môi. Bảo Thoa cười nói:

– Người đã lớn thế mà còn đeo cái này à?.

Tập Nhân cười nói:

– Xưa nay cậu ấy vẫn không chịu đeo, nên phải làm thật đẹp, để cậu ấy trông thấy tự khắc phải đeo! Bây giờ trời nóng, nhân lúc cậu ấy ngủ không để ý, tôi lựa cách đeo vào cho, lỡ đêm không đắp chăn cẩn thận cũng không sao. Cô nói làm cái này tốn công, có lẽ cô chưa thấy cái cậu ấy đang đeo trong người sao!

– Chị chịu khó quá!

– Hôm nay làm việc nhiều, cổ cúi xuống đau nhừ cả người.

Lại cười nói:

– Cô hãy ngồi chơi, tôi ra ngoài một tý rồi vào ngay.

Nói xong đi ra.

Bảo Thoa chỉ chăm chú nhìn cái bức thêu nên không để ý, ngồi luôn xuống đó. Vì cũng thích bức thêu, Bảo Thoa liền lấy ngay kim thêu tiếp.

Không ngờ Đại Ngọc hẹn Tương Vân đến mừng Tập Nhân. Hai người vào sân, thấy vắng ngắt cả. Tương Vân quay ra ngoài hiên đi tìm Tập Nhân, Đại Ngọc tìm đến chỗ cửa sổ, đứng ngoài màn the nhìn vào, thấy Bảo Ngọc mặc cái áo sa màu hồng, nằm ngủ ở trên giường, Bảo Thoa ngồi thêu bên cạnh, có cái đập ruồi để gần đấy.

Đại Ngọc thấy thế, đứng né ra một bên, lấy tay bịt mồm, không dám cười ra tiếng, liền vẫy Tương Vân lại. Tương Vân tưởng có gì lạ, vội chạy lại, thấy thế, muốn cười, nhưng nghĩ Bảo Thoa xưa nay đối với mình tử tế, liền nín ngay, biết Đại Ngọc vốn tính đành hanh, hay nói bóng nói gió để chế nhạo người, Tương Vân kéo Đại Ngọc và nói:

– Đi đi thôi. Tôi nhớ Tập Nhân có nói là đến trưa sẽ ra ao giặt quần áo, chắc chị ta đã ở đấy rồi, chúng ta đi tìm chị ấy thôi.Đại Ngọc hiểu ý, cười nhạt một tiếng rồi theo đi.

Bảo Thoa thêu yếm uyên ương cạnh Bảo Ngọc, chú ý cái phất trần sừng tê giác ở bên cạnh

Bảo Thoa ngồi thêu trong lúc Bảo Ngọc ngủ trưa

Trích đoạn trên có ý nghĩa thế nào? Về mặt lễ nghi, việc Bảo Thoa ngồi cạnh một Bảo Ngọc say ngủ, ăn mặc không chỉnh tề, rõ ràng là một sai phạm nghiêm trọng. Không những thế nàng còn thế chỗ của Tập Nhân – hầu gái và vợ lẽ của Bảo Ngọc sau này! Theo nhà Hồng học Hồng Thu Phan đời nhà Thanh, hành động này biểu hiện khát vọng hợp thức hóa mối quan hệ vợ chồng của Bảo Thoa với Bảo Ngọc. Khát vọng này mãnh liệt tới mức Bảo Thoa – một tiểu thư luôn chú ý đến phép tắc, quy củ, cũng không thể cưỡng lại được nó. Hồng Thu Phan nhận xét rằng, trong vô thức, Bảo Thoa bị cuốn hút về phía Bảo Ngọc chẳng khác gì “con sâu chui vào nhụy hoa” mà chính nàng nhắc đến. Hình ảnh sâu-hoa làm ẩn dụ cho quan hệ nam nữ vốn không xa lạ gì với người đọc truyện Kiều (Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về.) Điều đặc biệt ở đây là Bảo Thoa lại nắm vai trò chủ động thay vì bị động như những người con gái khác.

Một nhà Hồng học khác là Trương Tân Chi còn “buộc tội” Bảo Thoa một cách ráo riết hơn. Theo Trương, cái phất trần cán bằng sừng trắng là một biểu tượng phồn thực. Thứ nhất, sừng tê giác thường được dùng như một vị thuốc kích dục. Không những thế, chữ tê trong tê giác còn có nghĩa cứng nhọn, vì thế sừng tê thường được dùng để ám chỉ cho bộ phận sinh dục nam giới trong những tác phẩm như Nhục Bồ Đoàn. Quả thật, nếu cái phất trần không phải chi tiết quan trọng thì tác giả đã không bỏ công nhắc tới nó hai lần! Trương Tân Chi còn lật lại hình ảnh sâu-hoa, nhắc lại cho người đọc rằng ở chương 28, Tào Tuyết Cần đã giới thiệu với người đọc một bài hát khá “gợi cảm” những câu như:

“Tháng ba đậu mới trồi hoa,
Sâu kia đâu đã lân la đục rồi.
Đục vào cũng uổng công thôi,
Trên hoa tấp tểnh lên ngồi đánh đu.”

Cuối cùng, khi bình luận về chiếc yếm mà Bảo Thoa thêu cho Bảo Ngọc, Trương Tân Chi đã đặt ra bốn câu hỏi khó: “Chim uyên ương là chim như thế nào? Vờn hoa sen là ý nghĩa gì? Bộ phận nào của đàn ông được che bởi yếm? Cái gì mà ngoài trắng trong đỏ? Tất cả những điều này có ý nghĩa cực quan trọng.”

Uyên ương là một loại vịt mà con trống con mái cả đời quấn quít, vì thế uyên ương hí thủy (uyên ương đùa nước) là một biểu tượng cho hạnh phúc lứa đôi. Hoa sen (liên) đồng âm với yêu thương (lân) và thường được dùng để chỉ bộ phận sinh dục nữ. Loại “yếm” được miêu tả trong đoạn này giống như một thứ tạp dề đeo dưới thắt lưng đàn ông. Và cái gì trong trắng ngoài đỏ thì … để bạn đọc tự đoán. Trong một đoạn văn rất ngắn, Tào Tuyết Cần dệt lên một bức tranh sống động, tục mà vẫn nhã, có ý dâm đấy mà vẫn thanh cao. Và nhân vật Bảo Thoa qua đó càng trở nên thú vị, nhiều màu sắc hơn.

Ví dụ cuối cùng về nữ tính, thậm chí dục tính của Bảo Thoa nằm ở chương 27: Đình Trích Thúy, Dương Phi đùa bướm trắng. Cần nhắc lại rằng trái với Đại Ngọc liễu yếu đào tơ, Bảo Thoa có thân hình nảy nở, đẫy đà. Nếu Đại Ngọc thường được so sánh với nàng Tây Thi đa bệnh thì Bảo Thoa lại được ví với Dương Quý Phi – một mỹ nữ nổi tiếng truỵ lạc đời nhà Đường.

Bảo Thoa bắt bướm ở đình Trích Thuý, được ví với Dương Quý phi

Nghĩ xong, Bảo Thoa định quay đi tìm chị em khác, thì trước mặt có một đôi bướm trắng to bằng cái quạt, con xuống con lên, theo gió bay lượn, rất là đẹp mắt. Bảo Thoa muốn bắt để chơi, liền lấy cái quạt ở trong tay áo ra, định đập xuống đất. Không ngờ đôi bướm cứ lên lên xuống xuống, lượn lượn bay bay, rồi chúng luồn qua khe hoa, khóm liễu, chờn vờn định bay qua sông, làm cho Bảo Thoa cứ rón rén đuổi theo mãi đến đình Trích Thúy ở bên ao. Bấy giờ mồ hôi đầm đìa, hơi thở hổn hển, Bảo Thoa đành thôi không đuổi nữa.

Những cụm từ “mồ hôi đầm đìa” (hương hãn lâm lâm,) hơi thở hổn hển (kiều xuyễn vy vy,) và đặc biệt hình ảnh “đôi bướm lên lên xuống xuống, lượn lượn bay bay” (nhất song hồ điệp, nhất khởi nhất lạc) rất thường được dùng để miêu tả người phụ nữ trong cảnh khoái lạc trong những tác phẩm gợi dục của Trung Quốc, Không những thế, trong Kim Bình Mai, Phan Kim Liên cũng hai lần bắt bướm trong khi đùa giỡn cùng con rể Tây Môn Khánh là Trần Kinh Tế. Trong Lâm Lan Hương, hình ảnh cặp bướm bay lượn cũng gắn liền với nhân vật nữ chính lẳng lơ. Trên thực tế, đoạn Bảo Thoa bắt bướm lẽ ra được viết dài và chi tiết hơn nhiều để làm đối trọng của cảnh Đại Ngọc chôn hoa: cái đẹp nhục dục, trần thế của Bảo Thoa đối nghịch với cái đẹp tinh thần, siêu hình của Đại Ngọc*. Nếu nhìn qua lăng kính trừu tượng thì Bảo Thoa biểu tượng cho tình yêu thân xác, Đại Ngọc biểu tượng cho tình yêu tâm hồn, và sự kết hợp của bộ ba Bảo Ngọc-Đại Ngọc-Bảo Thoa mới là tột cùng của tình yêu hoàn hảo.

Đại Ngọc qua đời, được mọi người rửa ráy để khâm liệm trong khi Bảo Ngọc kết hôn vợ chồng cùng Bảo Thoa

*

*Tiếc là ông Ky Hốt Tẩu (một người hàng cha chú, thậm chí là cha đẻ của Tào Tuyết Cần) đã yêu cầu tác giả cắt đi những cảnh quá sống sượng. Ky Hốt Tẩu là một bút danh có ý nghĩa chua  chát. Ky nghĩa là tàn tật, phế hỏng. Hốt là cái bằng sừng hoặc ngọc các quan cầm khi vào chầu vua. Tẩu là ông già. Dựa vào bút danh, có thể suy đoán Ky Hốt Tẩu là một trưởng lão trong Tào gia đã từng có thời gian làm quan trong triều. Những dòng bình luận bên lề của Ky Hốt Tẩu thường có những từ cảm thán: khấp (khóc,) thán tức (than thở,) thương tai (đau đớn thay.) Vì sự can thiệp của Ky Hốt Tẩu mà Phong Nguyệt Bảo Giám nhiều cảnh chăn gối, yêu đương, hóa thành Hồng Lâu Mộng mà chúng ta đọc ngày nay.

*

Về Hồng Lâu Mộng:

- Đọc Hồng Lâu Mộng: Tần Khả Khanh – kẻ lẳng lơ trong mộng

- 5 dẫn chứng về mối quan hệ “bất chính” của Tần thị

- Hai chị em nhà họ Vưu: càng lăng loàn tợn càng đau vì tình

- Mượn món cà xào “xa xỉ” nói về ẩm thực thực-hư

- Giả Thám Xuân: con phượng hoàng sinh trong ổ quạ

- Người đàn bà ghen Hạ Kim Quế

- Tiết Bảo Thoa: Từ món thuốc giá băng đến mối lương duyên lạnh lẽo

- Đại Ngọc-Tình Văn: tuy hai mà một

- “Hận Phượng Thư, mắng Phượng Thư, không thấy Phượng Thư lại nhớ Phượng Thư”

- Giả Chính: dấu chân trên tuyết của tình phụ tử

- Gửi bác Phúc Bồ: về Xuân Cung Đồ và cái “hư” trong Hồng Lâu Mộng

- Diệu Ngọc: miễn cưỡng diệt dục, sư chả phải sư, tục không phải tục

- Đại Ngọc vs Bảo Thoa: viên ngọc đen vs chiếc thoa vàng, ai hơn ai kém?

- Giả Bảo Ngọc: “một nửa đàn ông là đàn bà”, lại là “nửa dôi”

- Tàn xuân bàn chuyện Nguyên Xuân

- Giả mẫu (phần 1): đầu tiên là chuyện giàu sang

- Giả mẫu (phần 2): đứa trẻ bất chấp và thiên vị

- Giả mẫu (phần 3): may còn được người viết về cuối rủ lòng thương

- Giả Nghênh Xuân (phần 1): rúc đầu vào sách, bịt mắt bưng tai

- Giả Nghênh Xuân (phần 2): hiền quá khó mà gặp lành

- Lý Hoàn của Hồng Lâu Mộng (phần 1): đè nén sống đời vờ nhạt nhẽo

- Lý Hoàn của Hồng Lâu Mộng (phần 2): tiếng hão đành vui phúc về già

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 1): sự thôi thúc của phần con

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 2): tấm gương mê gái có chết cũng (nên) soi

- Về Giả Thụy của Hồng Lâu Mộng (phần 3): bài học cảnh giác về “si”, về “sắc” cho… Bảo Ngọc

- Hồng Lâu Mộng: bi kịch của đàn ông thấy mình đầu thai thành đàn bà

- Tiết Bảo Thoa (phần 1): “lãnh mỹ nhân” giấu kín trái tim nóng

- Tiết Bảo Thoa (phần 2): Trong nóng, ngoài lạnh, thắng cả Lãnh Hương Hoàn

- Tiết Bảo Thoa (phần 3): Con sâu chủ động chui vào với hoa

- Đại Ngọc và mệnh Mộc: sống như cây và chết cũng như cây

- Bảo Thoa và mệnh Kim: hoa mai ấm trong tuyết lạnh

- Phượng Thư và mệnh Hỏa (phần 1): Nội vụ hai tay hai dao

- Phượng Thư và mệnh Hỏa (phần 2): máu đỏ của nam tính

- Bảo Ngọc và mệnh Thổ (phần 1):
Hiền như đất, gieo rắc yêu và khổ

- Bảo Ngọc và mệnh Thổ (phần 2):
Là gương nên không thể cùng người

- Về những cái tên trong Hồng Lâu Mộng (phần 1)

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”: Phần 1 – Từ bức tranh trên tường

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”: Phần 2 – Từ mâm vàng tới quả dưa

- Căn phòng “dâm tình và chết chóc”
Phần 3 – Từ giường báu tới màn châu

Ý kiến - Thảo luận

13:46 Tuesday,21.8.2018 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
@Trang Mai Quý: là cái yindao (陰道) bạn nhé.
...xem tiếp
13:46 Tuesday,21.8.2018 Đăng bởi:  Anh Nguyễn
@Trang Mai Quý: là cái yindao (陰道) bạn nhé. 
1:22 Tuesday,21.8.2018 Đăng bởi:  Trang Mai Quý
@Anh Nguyễn ơi
 
Mình không có ý gì. Nhưng thú thực chưa hiểu trong trắng ngoài đỏ ám chỉ cái gì, bạn giải thích dùm mình với 
...xem tiếp
1:22 Tuesday,21.8.2018 Đăng bởi:  Trang Mai Quý
@Anh Nguyễn ơi
 
Mình không có ý gì. Nhưng thú thực chưa hiểu trong trắng ngoài đỏ ám chỉ cái gì, bạn giải thích dùm mình với  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả