Kiến trúc

Bes Pavilion: Năm gian chụm lại thành… cái quán nhậu :-)21. 12. 13 - 4:47 pm

Nghiêm Toàn

Đây là bài thứ 4 trong chùm bài “Giới thiệu và phân tích các công trình kiến trúc của năm 2013 do ASHUI đề xuất và tổ chức”. Bài thứ nhất: về công trình nhà hàng của Võ Trọng Nghĩa. Bài thứ hai: về Nine Spa của A21 Studio. Bài thứ ba: về ANH House của Sanuki+Nishizawa Architects

.

CÔNG TRÌNH
Thiết kế: H&P Architects
Chức năng: Không gian cộng đồng
Địa điểm: Hà Tĩnh, Việt Nam
Kiến trúc sư: Đoàn Thanh Hà, Trần Ngọc Phương
Nhà thầu: HPA Vietnam jsc
Diện tích: 123 m2
Năm hoàn thành: 2013
Nhiếp ảnh: Trần Tuấn Trung, Trần Ngọc Phương

.

Để nói về công trình này, người viết bài xin được bàn một chút về nhà cộng đồng ở nước mình.

Đầu tiên, loại trừ các yếu tố tâm linh, tín ngưỡng, thì cái gọi là nhà cộng đồng truyền thống ở nước mình là… cái Đình của người Kinh, nhà Rông của người Tây Nguyên…; ngay từ tên gọi thì nó là một cái sân, nơi mọi người, trong một cộng đồng nhất định sinh hoạt, hội họp. Đình là một trong 4 kiến trúc cổ truyền đặc trưng Việt Nam, đó là nhà ở, đình, chùa, miếu. Những ngôi đình còn sót lại như đình Chu Quyến, đình Đình Bảng… vẫn là những kiến trúc mang vẻ đẹp và một trình độ kỹ thuật đáng kinh ngạc.

Đình Chu Quyến (Ảnh: vietnam.vnanet.vn)

Về sau này, nhà cộng đồng rút xuống về quy mô và hoạt động, chỉ còn tính chất khiêm tốn như các nhà văn hóa thôn bản. Ở đô thị thì có các trụ sở, nhà văn hóa cụm dân cư… Nói một cách thẳng thắn, những kiến trúc thuần duy vật này vĩnh viễn chả có cửa nào mà cạnh tranh với đình làng – nơi diễn ra các hoạt động văn hóa tâm linh, nơi tổ chức các việc trọng đại của làng và các lễ hội hàng năm.

Nhà Văn hóa thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng) – Ảnh: báo Quảng Ngãi

Vậy, ở những không gian sinh hoạt cộng đồng – những thứ “hạng hai” – này, dù khiêm tốn, chúng cần có những gì? Theo người viết bài, chúng cần đáp ứng những thứ cơ bản sau:

–    Có một diện tích đủ rộng bao gồm cả không gian trong nhà và ngoài nhà để chí ít tập hợp được đa số dân cư trong cộng đồng – tất nhiên là trong khả năng có thể.

–    Tổ chức được thuận tiện các sinh hoạt với các tính chất và quy mô khác nhau.

–    Nên tính đến việc bố trí các sinh hoạt thường xuyên – tất nhiên là tùy điều kiện, ví dụ như kết hợp là điểm bưu điện văn hóa chẳng hạn.

Tùy đặc điểm dân cư các vùng khác nhau mà nên có thêm những chức năng sau:

–    Trung tâm thông tin dịch vụ du lịch – với những nơi có điều kiện tổ chức dịch vụ du lịch cộng đồng chẳng hạn: làm nơi quảng bá, giới thiệu các sản phẩm địa phương được thì cũng rất tốt.

–    Với các nhà cộng đồng ở đô thị, có lẽ tốt hơn nếu như có thể tổ chức tang ma, cưới hỏi phục vụ dân cư trong cộng đồng.

–    Với nhà cộng đồng vùng bão lũ, nên kết hợp là nơi tránh trú thiên tai.

–    Có cấu tạo bền vững, vật liệu phù hợp, có tính đến phòng cháy chữa cháy.

Sinh hoạt tại đình làng Đông Yên. Ảnh: Hung.TD

Trong vài năm qua, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào và một số cộng sự là những người hết sức tâm huyết trong việc thực hiện các nhà cộng đồng kiểu này, điển hình như nhà cộng đồng thôn suối Rè – Hòa Bình, nhà cộng đồng Tả Phìn – Sa Pa. Những nhà cộng đồng kể trên, tất nhiên cũng không thể không có những ý kiến khác nhau nhưng có thể nói, những người thực hiện đã có sự làm việc nghiêm túc, dựa trên nhu cầu của cư dân sở tại, vật liệu, đặc trưng kiến trúc địa phương. Hơn thế nữa, họ còn huy động được bà con tham gia đóng góp công sức làm công trình cho chính họ thụ hưởng, có thể nói, phần nào đạt được cái gọi là “của dân, do dân, vì dân” ở ý nghĩa kiến trúc, không phải một công trình từ trên trời rơi xuống từ những ý tưởng xa vời.

Nhà cộng đồng ở thôn Suối Rè

Dài dòng một chút rồi cũng xin phép quay trở lại nhà cộng đồng Hà Tĩnh. Xin phép là phải nói thẳng, theo quan điểm – tất nhiên là cá nhân của người viết bài, công trình này thuần túy là một cuộc chơi vô bổ của kiến trúc. Nói một cách ví von nhưng cũng là sự thật trong đề tựa, có lẽ tốt hơn, công trình nên cho ai đó thuê mà mở… quán nhậu thì hợp.

Cụm nhà cộng đồng Hà Tĩnh của H&P Architects

 

Mặt bằng khu nhà cộng đồng ở Hà Tĩnh

Xin được chỉ ra những điểm sau:

1. Về bố trí mặt bằng: Chia tách thành các gian riêng biệt nên việc hội họp cho số đông là không thể.

 

Ở các công trình này, dù gì thì gì là không có điều kiện trông coi hàng ngày hàng giờ và cũng không thể có hoạt động thường xuyên – các khe, góc tường tạo bởi các gian riêng biệt này, người viết bài chỉ mong đó là nơi in những dấu lưng gấp gáp của con gái thì thích quá. Chứ thông thường mà nói thì nơi này chỉ nồng nặc mùi amoniac hoặc ngổn ngang bơm kim tiêm mà thôi.

 

2. Về vật liệu: Tường chình, có lẽ là tường chình kiểu miền núi khi chất liệu là đất pha đá phong hóa và được đầm từng lớp với coffare. Hy vọng là vùng Hà Tĩnh bây giờ không còn bị ngập lụt để không lo ngay ngáy cho cái chân tường ngập nước. Mái nhà được lợp bằng tre xếp lớp âm dương có thể nói là khá đẹp. Tuy vậy, tuổi thọ, chi phí bảo trì thay thế và khả năng phòng cháy chữa cháy là cả một vấn đề.

 

3. Về thiết kế, tạo hình: Có lẽ là điểm mạnh của công trình này, ngoài điểm bố cục chia nhỏ thì tạo hình và chất cảm của vật liệu tự nhiên là rất hấp dẫn. Tuy nhiên, điểm trừ khá nặng là ở tầng 2 hoàn toàn không có lan can, có lẽ là không an toàn với cả người lớn chứ chưa nói đến trẻ em.

Thú thực là như đã trình bày, công trình trên cũng chẳng có gì nhiều nhặn để nói, người viết bài chỉ có mong muốn nhân công trình để nói câu chuyện be bé về nhà cộng đồng ở mình, tham vọng nhơ nhỡ hơn một chút là mong góp thêm một tiếng nói cho những đồng nghiệp rằng: Kiến trúc, trong bất cứ thời nào, khi nào cũng là để phục vụ con người, cho những người thụ hưởng nó, chứ không phải là một cuộc chơi tốn kém tài lực của cái đất nước nghèo khó này; đừng nên chỉ để thỏa mãn sở thích riêng của người thiết kế.

.

Tham vọng to lớn nhất của người viết bài là nghe đồn là Soi trả nhuận bút mà lại đếm chữ ăn tiền, nên cái công trình bé tý này mà lại bôi ra nhiều chữ như thế là vậy, mong mọi người đọc thấy dài quá cũng xin đừng mắng mỏ mà tội nghiệp  🙂

Ý kiến - Thảo luận

12:17 Wednesday,10.10.2018 Đăng bởi:  Con Moè Béo Bụng
Công trình này giống như đem 1 góc chợ xưa đặt vào khu đất vậy, thứ mà xem các phim cận đại ta vẫn hay thấy.
Dăm ba cái tường đất ngăn thành ô, vài cái mái che tạm bợ. Chúng chỉ hợp để bày ít quà vặt và là chỗ lê la cho các bà các mẹ ăn hàng, hay các anh các chú làm bàn cờ với đôi cút rượu
...xem tiếp
12:17 Wednesday,10.10.2018 Đăng bởi:  Con Moè Béo Bụng
Công trình này giống như đem 1 góc chợ xưa đặt vào khu đất vậy, thứ mà xem các phim cận đại ta vẫn hay thấy.
Dăm ba cái tường đất ngăn thành ô, vài cái mái che tạm bợ. Chúng chỉ hợp để bày ít quà vặt và là chỗ lê la cho các bà các mẹ ăn hàng, hay các anh các chú làm bàn cờ với đôi cút rượu 
17:03 Tuesday,23.5.2017 Đăng bởi:  Minh
Tôi không phải là dân kiến trúc nhưng cũng đồng tình với ý kiến của bài viết.

Đúng, kiến trúc, trong bất cứ thời nào, khi nào cũng là để phục vụ con người, cho những người thụ hưởng nó.
...xem tiếp
17:03 Tuesday,23.5.2017 Đăng bởi:  Minh
Tôi không phải là dân kiến trúc nhưng cũng đồng tình với ý kiến của bài viết.

Đúng, kiến trúc, trong bất cứ thời nào, khi nào cũng là để phục vụ con người, cho những người thụ hưởng nó. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Cảm ơn vì đã cứu SOI

Đức Minh và SOI

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp