Kiến trúc

Nine Spa của A21 Studio: thông minh, chắc tay, nhưng cẩn thận không rơi vào đồng nát 13. 12. 13 - 6:08 am

Nghiêm Toàn

Đây là bài thứ 2 trong chùm bài “Giới thiệu và phân tích các công trình kiến trúc của năm 2013 do ASHUI đề xuất và tổ chức”. Bài thứ 1 là về công trình nhà hàng của Võ Trọng Nghĩa.

.

VỀ CÔNG TRÌNH
Thiết kế: a21studio
Chức năng: Công trình nghỉ dưỡng
Địa điểm: Nha Trang, Việt Nam
Diện tích: 450 m2
Năm xây dựng: 2013
Nhiếp ảnh: Hiroyuki Oki, Nam Phan (a21studio)

Mô hình chuỗi spa và khu tiếp đón

Nine Spa, do A21 Studio thiết kế, nằm trong tổng thể I-resort –  khu du lịch suối khoáng Vĩnh Ngọc – Nha Trang, trước mặt công trình là tổng thể khu I-resort, sau lưng là triền đồi thấp, và sau đó nữa là dòng sông Cái.

Công trình cũng… khá đơn giản, gồm 9 phòng spa riêng biệt và một nhà hàng (có lẽ giống nhà đón tiếp và nghỉ ngơi hơn).

Các phòng spa có thiết kế và cấu trúc giống nhau, đặt thành một dải dọc theo triền đồi, ở trung tâm là nhà đón tiếp (đã nói ở trên).

Việc bố trí xoay theo hướng khác nhau của các phòng spa có lẽ vừa để giữ được riêng tư, vừa do sự phụ thuộc vào địa hình.

Chuỗi spa ở các cao độ khác nhau

Ở những công trình dạng này thì cách thông thường và dễ làm nhất là nhà tiếp đón cùng các phòng spa sẽ được thiết kế và xây dựng độc lập, sau đó được nối với nhau bằng một kiểu hành lang gì đó. Làm thế thì nhìn chung là nhàn hạ cho thiết kế và cũng không ai chê xấu được.

Tuy vậy, với địa hình công trình ở các cốt cao độ khác nhau, lưng lại tựa đồi, thêm các phòng spa bé tí thế kia, thì cả tổng thể công trình sẽ bị quả đồi nuốt chửng, ấn tượng về tổng thể (đặc biệt quan trọng là ở công trình du lịch thế này) là không còn.

Nhưng các bạn A21 Studio đã có cách tiếp cận và đặt vấn đề thông minh khi kết nối toàn bộ dải công trình thành một hệ mái thống nhất, như một dải xếp gấp khúc vắt ngang bình độ của chân đồi.

.

 
Tuy ý tưởng này cũng không phải là quá mới mẻ, nhưng việc lựa chọn giải pháp của các bạn trong trường hợp này là phù hợp; khi đó, đường viền của diện mái sẽ trở thành điểm nhấn thị giác có ấn tượng nhất của công trình.

.

Nhưng để thực hiện giải pháp này cũng là cả một vấn đề, khi các phòng spa và nhà tiếp đón nằm ở các cốt cao độ khác nhau, việc xử lý góc mái, giao mái về mặt kỹ thuật cũng như thẩm mỹ là không dễ dàng. Nhìn hình ảnh công trình khi đã xây dựng, về mặt kỹ thuật, có thể nói các bạn đã xử lý rất chắc tay, người viết bài cũng nhiều lần ôm hận khi xử lý cao độ cho những công trình kiểu này nên có thể dành cho người thiết kế hệ mái này sự khâm phục thật lòng về nghề nghiệp.

Những bậc thang hóa giải các cao độ giữa các phòng spa lẻ

Tuy thế, công trình không phải không có những điều đáng tiếc.

1. Về tổng thể công trình

Về tạo hình: Tuyến mái và diện tường có sự tranh chấp về hình, tuy người thiết kế đã tạo các góc vát từ tường để nhắc lại các góc chuyển của mái, nhưng vô hình chung lại làm giảm ấn tượng thị giác từ đường viền mái, vốn là ý tưởng được đặt ra từ đầu. Ngoài ra, các diện tường có đục những lỗ tròn khá vô duyên, hoàn toàn không ăn nhập vào tổng thể.

Tạo hình mái và tường tranh chấp nhau, lại bị rối mắt vì những lỗ tròn khoét trên tường.


Về vật liệu: Tường sử dụng đá tự nhiên, mái lợp cỏ tranh, đây là thứ vật liệu cũng sử dụng cho các công trình khác trong toàn khu I-resoft. Điều này, tuy tạo nên tính tổng thể thống nhất cho cả khu, nhưng ở bản thân công trình Nine Spa, các vật liệu trên lại làm giảm đi sự sắc sảo của ý tưởng ban đầu.

Tường đá và mái tranh

Theo quan điểm riêng của người viết bài, với diện mái trên, hoàn toàn có thể đơn giản làm một hệ mái bê tông cốt thép và đổ đất trồng cây trên đó, hay nói ví von là như đồi hoa vàng đẹp đẽ ở phía sau trùm lan lên mái. Bên cạnh đó, giữ một đường biên mái sắc sảo, các diện tường được tính toán kỹ lưỡng về chất cảm (vật liệu và chi tiết) thì công trình sẽ như một vệt điêu khắc chạm vào núi, như là một phần của núi. Nói một cách nôm na là như lấy mái núi mà làm mái nhà vậy.

Mái tranh bị chìm lỉm


2. Về vật liệu và chi tiết nội thất

Vách nhà đón tiếp tạo cảm giác như được ghép từ những cánh cửa cũ với kích thước khác nhau (mà có lẽ là như vậy), nền gạch bông với nhiều hoa văn khác nhau ghép lại; điều này cũng được nhắc lại ở nền và một số diện tường của khu vực spa.

Vách nhà đón tiếp

 

.

 

Tường và nền của một spa

Thú thực, cái chất cảm đấy, cái chơi bời đấy tạo cho người viết bài cảm giác hoang mang lo sợ, bởi ranh giới giữa một bản tổng phổ độc đáo đầy màu sắc với một cửa hàng đồng nát là hết sức mong manh. Muốn không rơi vào “đồng nát” cần lắm sự tinh tế và tiết chế một cách nghiêm túc, chứ không thể phóng tay bày vẽ nghịch ngợm.

.

Như đã nói bên trên, A21 Studio thực sự đã có ý tưởng tốt và cách đặt vấn đề phù hợp trong việc thiết kế Nine Spa. Tuy vậy, đáng tiếc (khi nào cũng đáng tiếc) là ý tưởng đó không được thực hiện một cách xuyên suốt, làm cho công trình vẫn chỉ ở mức tiềm tiệm, trong khi nó hoàn toàn có thể xuất sắc hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, là đồng nghiệp, mong trong các công trình sau, các bạn A21 Studio luôn có sự tiết chế và đủ tinh tế để giữ được cái bản tổng phổ độc đáo đầy màu sắc – như phong cách của các bạn vậy. Thân ái.

Ý kiến - Thảo luận

22:03 Friday,13.1.2017 Đăng bởi:  Mỹ Minh
Duy Anh nói chuyện hay ghê, viết bài phân tích về một công trình không lấy cái tôi chủ quan ra làm cột mốc nhân sinh quan mà thể hiện thì lấy cái "éo" gì ra? Lấy quan điểm của đoàn thể à?
Chắc lại là một fan cuồng của trường phái "đồng nát" và đang sợ bị chủ đầu tư bắt sửa lại chứ gì :-)))
...xem tiếp
22:03 Friday,13.1.2017 Đăng bởi:  Mỹ Minh
Duy Anh nói chuyện hay ghê, viết bài phân tích về một công trình không lấy cái tôi chủ quan ra làm cột mốc nhân sinh quan mà thể hiện thì lấy cái "éo" gì ra? Lấy quan điểm của đoàn thể à?
Chắc lại là một fan cuồng của trường phái "đồng nát" và đang sợ bị chủ đầu tư bắt sửa lại chứ gì :-))) 
21:31 Friday,13.1.2017 Đăng bởi:  DuyAnh

Bài viết thật giàu tính giải trí cho soier, giàu chất cảm gió bảo cá nhân! Tiếc cho 1 bài phân tích viết dài mà giá trị mang lại cho người đọc chằng được là bao. Nếu là kiến trúc sư mà cứ phải lấy cái tôi to lớn của mình ra để thể hiện thì biết đến bao giờ mới có thể đóng góp được 1 chút gì đó cho đời đây...


...xem tiếp
21:31 Friday,13.1.2017 Đăng bởi:  DuyAnh

Bài viết thật giàu tính giải trí cho soier, giàu chất cảm gió bảo cá nhân! Tiếc cho 1 bài phân tích viết dài mà giá trị mang lại cho người đọc chằng được là bao. Nếu là kiến trúc sư mà cứ phải lấy cái tôi to lớn của mình ra để thể hiện thì biết đến bao giờ mới có thể đóng góp được 1 chút gì đó cho đời đây...

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả