|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhHirst rởm rít hay Hirst nhất quán và nắm được tinh thần thời đại?26. 04. 17 - 4:06 pmBàng Nhất LinhCảm ơn anh Phạm Long vì bài dịch. Cá nhân em thấy bài viết này hơi ngớ ngẩn, nó chê Hirst nhưng chẳng đặt trên một luận điểm nào cụ thể hay gợi ra được điều gì đó để người đọc có thể tìm thấy điều gì lý thú hay học thêm được điều gì đó, đơn giản chê là cứ thế chê thôi. Em không thích Hirst cũng như phần lớn tác phẩm của ông này. Nhưng nhìn từ góc độ người thực hành, em thấy Hirst đã làm được một số việc rất quan trọng đối với một nghệ sỹ. Thứ nhất là lộ trình của Hirst rất nhất quán. Các tác giả có thể tạo ra những tác phẩm mang một mùi vị nào đó, rất mềm-ướt, rất cương cứng, rất chính trị, rất tinh tế, rất nhân văn, rất bạo lực, rất hóm… Nhưng đẩy những tính chất đó lên thành một lộ trình nhất quán là việc khó. Các tác phẩm của Hirst từ những cái xác ngâm, những cánh bướm, đến dự án này đều toát lên một vẻ phù phiếm khá rõ nét. Điều thứ hai mà Hirst làm được là dường như ông ấy đã thành công trong việc nắm được cái tinh thần của thời mà ông ta sống và đưa nó vào tác phẩm. Có nhiều con đường để nghệ sỹ thành công, có thể bằng cách nhìn ngược về quá khứ, hay đi sâu vào các khoảng không tâm lý, hay tạo ra sự phản kháng… nhưng không nhiều nghệ sĩ đi theo hướng mà Hirst đi và làm được tốt điều đó. Có lẽ để đánh giá Hirst cần một khoảng thời gian lâu hơn thời điểm chúng ta đang sống. Andy Warhol ở thời điểm của mình cũng bị chê rất dữ dội khi ông vẽ ra những bức tranh “màu thì mỏng và nom thì nông choèn ra”. Nhưng bây giờ Andy có một vị thế đáng nể, và một phần quan trọng có lẽ bởi bất cứ ai trong chúng ta khi nhìn mấy cái nhãn “nông choèn” của ổng là có ngay cảm giác về cái thời kỳ đó, với văn hóa đại chúng, văn hóa tiêu thụ… Hirst cũng thế, anh em ta thử nhìn lại cái mặt Hirst mà xem, rõ là một người rất thông minh. Và có vẻ con người thông minh đó đưa rất tốt cái tinh thần của thời này vào tác phẩm. Câu chuyện cầu kỳ, “sâu tuổi”, với cái tên Hy Lạp rất hàn lâm, những món chế tác tinh xảo mà bác viết bài phải thốt lên nhìn quá rởm rít… Toàn là ngọc ngà châu báu cả mà nhìn… như cứt. Em nghĩ Hirst không ngu khi tạo ra một cấu trúc sượng như thế, trừ khi nó là một sự cố tình. Milan Kundera có cái quote rất chất là : “Kitsch là sự phủ nhận hoàn toàn khả thể của cứt” (chữ “khả thể” là em mạn phép chua vào cho nó có tí triết ạ, nguyên gốc là “Kitsch is the absolute denial of shit”) Chỉ xem riêng từng tác phẩm của Hirst thì không đủ. Mà toàn bộ câu chuyện của Hirst từ trước đến nay, cách ông ta tạo ra những vật phẩm cầu kỳ, cách ông ta bán chúng, cho tới dự án này; nó giống như một cú đùa dai nhưng rất ra tinh thần của thời này – thời mà người ta có thị hiếu kiểu đám đông, ham muốn sở hữu rất cao nhưng cũng rất phù phiếm…; thời mà một cục gạch Supreme phải xếp hàng để mua với giá 1000 usd mà có khi lúc cáu dùng đập vào đầu thằng khác chưa chắc hiệu quả tương tác đã bằng cục gạch đặc Ma Dziê In Việt Nam giá 1200 vnđ. Cuối cùng, để góp vui với các bác đọc mấy dòng lan man của em tới đây, em xin giới thiệu một bản Remix có tính thư giãn. Thực ra nó chẳng liên quan gì tới nội dung bài này. Nhưng em nghĩ đến nó bởi con tàu của Hirst có tên “Không thể tin nổi” còn bản Remix này nó cũng có cùng tên như vậy :-) * (Đây là cmt cho bài “Kho báu từ con tàu đắm…” nhấn chìm sự nghiệp Damien Hirst?. Soi xin đưa lên thành bài để các bạn dễ theo dõi. Tên bài do Soi đặt) |