Thị trường

Hãy điên thật để thu được tiền thật 19. 06. 10 - 11:10 am

Thỏ Trắng Minh Đức dịch

Hymn

(SOI: Lần trước SOI đã giới thiệu một lần về Damien Hirst, nay rảnh rỗi xin dịch thêm để các bạn rõ thêm về nhân vật này, nhất là khi ông mới dẫn đầu về giá bán tác phẩm tại hội chợ Mỹ thuật Hong Kong.

Damien Hirst, người giật giải Turner năm 1995, thành viên của một nhóm có tên Young British Artists – những nghệ sĩ đang ngày càng trở nên nổi tiếng trong giới nghệ thuật quốc tế từ khi được ông trùm trong ngành quảng cáo Charles Saatchi đỡ đầu và không ngừng… tiếp thị.

Chọn sự phân hủy làm chủ đề gần như xuyên suốt, tác phẩm của Hirst rất táo bạo và gây choáng váng cho nhiều người. Trong số đó, nổi tiếng nhất phải kể tới một con bò đang phân hủy được sắp đặt trong tư thế đang phối giống, những con cá mập, cừu được ngâm trong formol hay lũ giòi bọ đang tấn công một cái đầu bò.

Cừu đang phân hủy

 Có thể kể thêm vào đây những kệ bằng kính chất đầy chai và lọ thuốc, những ngăn trưng bày xương động vật và những bức tranh chỉ bằng các dấu chấm và hoa văn hình xoáy nhiều màu sắc.

Những tác phẩm đầu tiên của Hirst bao gồm từ tranh “chấm” (dot painting) tới các tủ đựng thuốc và không thể không nhắc tới ‘This Little Piggy Went to Market, This Little Piggy Stayed at Home (Lợn con đi chợ, Lợn con ở nhà – 1996), là một con lợn được cắt lát từ mũi tới đuôi và ngâm trong formol. Tác phẩm này, thường được gọi ngắn gọn là ”Piggy”, ngay khi mới được đem ra triển lãm ở London đã hứng chịu cơn giận dữ kinh khủng của “Hội Những người Đấu tranh cho một sự đối xử nhân đạo với động vật” trong suốt một năm trời.

Lợn con đi chợ, lợn con ở nhà

Hirst sinh năm 1965. Và mỗi năm, ông đều muốn đem lại một  cái gì đó mới mẻ. Mùa hè 2007, hàng ngàn người xếp hàng trước gallery White Cube để chờ được chiêm ngưỡng cái sọ người làm bằng bạch kim được khảm 8.601 viên kim cương. Khi được hỏi giá, Hirst tuyên bố đã bán tác phẩm này với giá 100 triệu đô-la Mỹ. Nhưng người ta đồn rằng người mua chẳng phải xa xôi gì, chính là một nhóm các nhà đầu tư vào cái sọ ấy, bao gồm chính Hirst, Jay Jopling, chủ nhân của White Cube và Frank Dunphy, người quản lý của Hirst.

sọ khảm kim cương

Trước đó vài tháng, Hirst đã làm một tác phẩm sắp đặt là một vương quốc động vật bao gồm 30 con cừu đã chết, 1 con cá mập chết, hai nửa con bò, 300 cái xúc xích và một đôi chim bồ câu, trưng bày tại tiền sảnh tòa nhà Lever House ở New York. Một tác phẩm khác có tên Physical Impossibility of Death in the Mind of Someone Living (Tính bất khả về thể chất của sự chết trong tâm tưởng một vật thể sống) là một con cá mập ngâm trong formol đã được bán cho một tỉ phú chủ một quỹ đầu tư là Steven A. Cohen với giá 8 triệu USD. Hiện nó đang được bảo tàng Metropolitan mượn để trưng bày.

Tính bất khả về chất thể của cái chết trong tâm tưởng một vật thể sống

Cho dù Hirst đã trực tiếp làm ra các tác phẩm đầu triên trong sự nghiệp, ông vẫn phải cần đến các trợ lý (chẳng hạn Carl Freedman đã giúp đỡ làm các tủ kính). Giờ đây, khi khối lượng tác phẩm nhiều lên, đòi hỏi tầm cỡ phải có của một “công xưởng”, giống như trường hợp của Andy Warhol hay một xưởng họa thời Phục hưng.

Từ đây đặt ra câu hỏi về tính xác thực và dấn ấn cá nhân trên tác phẩm, đã từng trở thành vấn đề lớn vào năm 1997, khi một bức tranh xoay bị Hirst cho là giả mạo được đem ra bán. Trước đó, Hirst đã nói rằng mình không hề liên quan gì tới việc tạo ra các tác phẩm kiểu đó.

Tranh xoay

Hirst cũng tuyên bố cả đời mình chỉ tự tay vẽ có 5 bức tranh chấm, bởi vì “Tôi đếch thể nào làm được cái đó”. Ông miêu tả những nỗ lực của mình chỉ là… rác “Mấy cái đó chỉ là rác rưởi” nếu so với người vẽ tranh chấm cho tôi, đó là Rachel. Cô ấy rất tài năng, cực kỳ tài năng. Bức tranh chấm đẹp nhất mà mọi người có được từ tôi, chính là do Rachel vẽ!”.

Ông cũng nói về một trợ lý vẽ tranh mà khi nghỉ việc đã xin lại một trong những bức tranh cô từng tham gia vẽ. Ông đã nói với cô là hãy đi mà tự “làm” lấy một bức cho riêng mình. Và cô trả lời: “Không. Tôi muốn một bức của ông”. “Điều khác biệt duy nhất giữa bức tranh cô ấy tự vẽ và bức của tôi, đó là tiền!”

Tranh chấm

Tới tháng 2 năm 1999, hai người trợ lý đã vẽ được tất cả 300 bức tranh chấm. Hirst là người khởi xướng ý tưởng, chứ không trực tiếp thực hiện, bởi đơn giản ông là một nghệ sĩ.

“Nghệ thuật nảy sinh trong đầu bạn,” ông nói. “Nếu bạn nói một cái gì đó hay ho, rất có thể nó sẽ trở thành chủ đề cho một tác phẩm nghệ thuật, và tôi sẽ nhớ rồi ghi lại ngay. Nghệ thuật có từ khắp nơi. Đó chính là cách bạn đáp lại những gì diễn ra xung quanh mình. Có những ý tưởng cứ liên tục ám ảnh mà tôi đã nỗ lực thực hiện từ nhiều năm nay, chẳng hạn làm sao để tạo ra một cầu vồng trong phòng triển lãm. Tôi có sẵn một danh sách các tựa đề, các ý tưởng và cả những tác phẩm vô đề.”

Hirst còn được biết đến như một người sẵn sàng hỗ trợ để sửa chữa, phục chế các tác phẩm sau khi đã được bán. Ông đã từng cung cấp dịch vụ này cho Steven A. Cohen, người đã mua con cá mập ngâm trong bể formol.

Từ Internet

(Nói thêm: Trong Hong Kong Art Fair vừa rồi, Hirst và White Cube quả thực đã mang tới rất nhiều tác phẩm không bán được. SOI so sánh và thấy trên hình long lanh hơn rất nhiều lần. Ở bên ngoài, đó quả thực là những món hàng vứt lâu trong kho và chủ nhân cũng không mong bán được. Nhưng xét cho cùng, vẫn có những người mua Hirst, hay nói đúng hơn là mua cái điên của ông. Và xét cho cùng một lần nữa, nghệ sĩ chẳng phải là nghề bán cái điên của mình sao? Miễn là điên thật).

Ý kiến - Thảo luận

22:47 Saturday,19.6.2010 Đăng bởi:  admin
Bản gốc đấy Hà Chi, và nó giễu Hirst, vì ông này không vẽ mấy cái tranh chấm và tranh xoay, mở hẳn mấy xưởng cho thợ họ làm mà. Khi người ta làm thì ông nói mình là nghệ sĩ, chỉ nghĩ ý tưởng còn thao tác thì để "nghệ nhân". Đến khi bán thì "nghệ sĩ" hưởng. Giống chuyện con gấu và chàng nông dân bàn nhau trồng củ cải hay trồng mía mà hồi bé chúng mình đọc không
...xem tiếp
22:47 Saturday,19.6.2010 Đăng bởi:  admin
Bản gốc đấy Hà Chi, và nó giễu Hirst, vì ông này không vẽ mấy cái tranh chấm và tranh xoay, mở hẳn mấy xưởng cho thợ họ làm mà. Khi người ta làm thì ông nói mình là nghệ sĩ, chỉ nghĩ ý tưởng còn thao tác thì để "nghệ nhân". Đến khi bán thì "nghệ sĩ" hưởng. Giống chuyện con gấu và chàng nông dân bàn nhau trồng củ cải hay trồng mía mà hồi bé chúng mình đọc không? 
22:43 Saturday,19.6.2010 Đăng bởi:  triệu hà chi
"Hirst là người khởi xướng ý tưởng, chứ không trực tiếp thực hiện, bởi đơn giản ông là một nghệ sĩ" không biết câu này của bản gốc hay của người dịch. nhưng là của bản nào cũng là 1 câu "có vấn đề".
...xem tiếp
22:43 Saturday,19.6.2010 Đăng bởi:  triệu hà chi
"Hirst là người khởi xướng ý tưởng, chứ không trực tiếp thực hiện, bởi đơn giản ông là một nghệ sĩ" không biết câu này của bản gốc hay của người dịch. nhưng là của bản nào cũng là 1 câu "có vấn đề". 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả