Gẫm & Bình

“Kho báu từ con tàu đắm…” nhấn chìm sự nghiệp Damien Hirst? 25. 04. 17 - 7:51 am

Alastair Sooke - Hàm Phong lược dịch

Damien Hirst, Demon with Bowl. Ảnh: Angus Mackinnon / Franck Iovene

Phi lộ: Cái tên Damien Hirst không xa lạ gì với giới mỹ thuật đương đại thế giới. Sinh năm 1965, là tác giả của các sắp đặt từ xác động vật ngâm trong bể phoóc-môn, của pho tượng đầu lâu nạm kim cương, hay các tranh bướm, ngay từ 30 tuổi, Hirst đã là gương mặt đương đại nổi tiếng thế giới và thống trị làng nghệ thuật xứ sương mù. Hơn 40 tuổi, ông trở thành nghệ sĩ tạo hình đương thời có tác phẩm đắt giá nhất thế giới, sở hữu khối lượng tài sản ước tính khoảng 130 triệu Bảng Anh.

Với quan điểm sáng tác kỳ dị và nhiều tác phẩm gây tranh cãi, ông cũng bị dư luận chỉ trích là “Đứa con hư hỏng” của nghệ thuật đương đại Anh. Mới đây, tại bảo tàng Palazzo Grassi, Venice, Ý, Hirst vừa khai trương một triển lãm hoành tráng nhan đề “Treasures from the Wreck of the Unbelievable” (tạm dịch: ‘Kho báu từ con tàu đắm Phi Thường’) được ông chuẩn bị kỹ lưỡng và PR ồn ĩ trong nhiều năm trời. Triển lãm này sẽ kéo dài từ 9. 4 đến 3. 12. 2017, và tất nhiên, không có liên quan gì tới Venice Biennale 2017, nhưng dù biennale chưa diễn ra, rất có thể triển lãm của Hirst mới là tâm điểm của Venice trong những tháng nghệ thuật hội hè tới.

Nhưng chất lượng nghệ thuật của ‘trận đánh lớn’ này của Hirst có thực sự ‘phi thường’ không?

Nghệ thuật ĐƯƠNG ĐẠI có nhất thiết phải ĐÌNH ĐÁM đến ĐIÊN ĐẦU không ?

Dưới đây là ý kiến của tờ The Telegraph.

*

.

Sau nhiều tháng đồn đại, và cả những cường điệu giàu kịch tính, ‘trận đánh lớn’ của Hirst cuối cùng đã khai hỏa ở Venice – và, trời đất ơi, sao hoành-tá-tràng thế!!!

Với 190 tác phẩm được trưng bày trong không gian rộng tới 54.000 feet vuông (chính xác là 5016,76 m2), “Kho báu từ con tàu đắm Phi Thường” – tên triển lãm – được bố trí tại hai địa điểm: bảo tàng Palazzo Grassi bên kênh Lớn (Grand Canal) và Punta della Dogana – nhà hải quan cũ của thành phố. Cả hai nơi này đều thuộc sở hữu của tỷ phú người Pháp François Pinault, một nhà sưu tập các tác phẩm của Hirst lâu năm.

Trọng tâm triển lãm – nhằm mang lại một trải nghiệm bí ẩn đùa nhạo ‘kiểu Borges’ (hiện thực huyền ảo – ND) nêu những câu hỏi sâu sắc về sự thật và ảo tưởng, thực tế và huyền thoại, hoài nghi và đức tin – là câu chuyện về nhân vật Amotan giàu có ngoài sức tưởng tượng, tương truyền sống vào thế kỷ thứ Nhất và thứ Hai CN.

Theo câu chuyện mà cuộc triển lãm muốn kể, Amotan – một nô lệ được trả tự do, sống ở vùng Antioch, mạn tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ – tích lũy được một khối tài sản khổng lồ, và dùng vô số tiền của để sưu tầm đủ loại tuyệt tác nghệ thuật. Theo truyền thuyết – và Hirst cũng muốn làm chúng ta tin vậy – Amotan đã chất 460 tấn báu vật, gồm 100 đồ quý giá nhất trong kho báu của mình, lên một con tàu khổng lồ mang tên ‘Apistos’ (tiếng Hy Lạp là ‘Phi Thường’), rồi dong buồm ra khơi – một chuyến hải hành dài ngày hướng về ngôi đền mặt trời.

Thật không may, con tàu Phi Thường gặp nạn ở bờ biển Đông Nam Phi. Toàn bộ kho báu của Amotan trên tàu đã bị chôn vùi dưới đáy biển Ấn Độ Dương trong suốt hai thiên niên kỷ – cho đến năm 2008, khi khu vực tàu đắm được các nhà khảo cổ phát hiện ra và bắt đầu trục vớt. Rất nhiều đồ vật đã bị xói mòn và hư hỏng do tác động của san hô, hàu và những bồi lắng khác dưới đáy biển, hầu như không còn hình hài cũ

Ảnh tư liệu về cuộc trục vớt tàu. Hình từ trang này 

Tại triển lãm, các hình ảnh tư liệu [trục vớt] được gắn trong các hộp đèn, bày rải rác khắp hai địa điểm, mô tả những khoảnh khắc ‘khai quật’ kho báu dưới đáy đại dương. Một video giới thiệu cảnh quay một chiếc thuyền, được hỗ trợ bởi một cần cẩu lớn, như thể đang trục vớt các tác phẩm nghệ thuật từ con tàu Amotan tại nơi bị đắm.

Tất nhiên, không mất nhiều thời gian mới nhận ra rằng toàn bộ câu chuyện của thời Byzantine này chẳng là gì khác ngoài câu chuyện dài lộn xộn với một kết thúc ngớ ngẩn. Vâng, trong triển lãm có những cái tủ, giống như trong các viện bảo tàng trứ danh, trưng bày những dãy xu bằng vàng và các đồ trang sức, bình gốm bị ăn mòn hay các vũ khí han gỉ bởi nước biển. Các tờ giấy thuyết minh giả-khoa học đính kèm giải thích một cách trịnh trọng những truyền thuyết hoang đường dựng nên câu chuyện kho báu nghệ thuật Amotan. Nhưng chúng ta cũng phát hiện ra những manh mối khá lộ liễu, cho dù có cả một bộ máy [tổ chức triên lãm] tinh vi hỗ trợ, cho thấy toàn bộ triển lãm là một âm mưu bịp bợm, gian trá.

Tại triển lãm

Ví dụ, pho tượng đồng Nữ Nhân Sư bán khỏa thân trong bộ đồ ren rách rưới bó sát dắt theo một quái thú đáng sợ; Không phải sử gia, nhưng tôi đồ rằng những đồ lót như thế không thể phổ biến ở vùng Tiểu Á dưới thời Đế chế La Mã được.

.

Ở chỗ khác, người xem bắt gặp một tảng thạch lịch Aztec giả, đúc bằng đồng, cho dù vụ đắm con tàu gỗ dài 60 m của Amotan xảy ra chí ít cũng 1000 năm trước khi người Aztec thống trị vùng đất Trung Mỹ cổ đại Mesoamerica.

.

Đồng thời, chúng ta cũng rất băn khoăn trước những tác phẩm điêu khắc lỗi thời với các nhân vật hoạt hình kiểu Disney, có cả chó Goofy và chuột Mickey?

.

Hoặc bức tượng đồng, ở tầng trên khu trưng bày Palazzo Grassi, tạc một người sưu tầm béo ục vênh vang như một nguyên lão La Mã – giống bộ mặt của Hirst chăng?

.

Khi lướt ngang lưỡi kiếm “cổ” bị oxy hóa lên màu gỉ xanh với dấu biểu tượng Sea World, một đồng xu, và cuối cùng – rất rõ – những giọt nước: À, thì ra chúng ta đang lang thang trong một công viên giải trí khổng lồ ướt át giàu trí tưởng tượng của Hirst. Manh mối lớn nhất, tất nhiên rồi, là cái tiêu đề: triển lãm này là (kho báu từ con tàu đắm) “Phi Thường”, mà theo nghĩa đen, “không thể tin được”. Vậy thì chúng ta mong đợi điều gì ở đây chứ?

Triển lãm này cũng không thể tin nổi, theo một nghĩa khác. Hãy cho phép tôi được thẳng thắn nhé: “Kho báu từ con tàu đắm Phi Thường” là một trò điên ngoạn mục, cồng kềnh, một sự hoàng tráng rất có thể cho thấy sự nghiệp của Hirst đang chìm.

Ngay từ đầu, (đập vào mắt du khách là) một tấm biển báo vụng về, vô nghĩa được dựng ngay bên bờ biển trước bảo tàng Punta della Dogana, chỗ có một pho tượng lớn mô tả một người đàn ông đang cưỡi trên lưng ngựa bị một con rắn biển khổng lồ tấn công. Được làm bằng đá cẩm thạch Carrara (một vật liệu nổi tiếng được Michelangelo ưa chuộng), mà theo tôi phỏng đoán, là nhằm gợi cho du khách tưởng nhớ tới tác phẩm điêu khắc cổ bi tráng có tên là “Laocoön và các con trai” ở Vatican.

.

Đừng bị lừa: trên thực tế, nó là một thứ bắt chước rởm rít (kitsch pastiche) quá lố đặc trưng bởi những bề mặt vô hồn, những cảm xúc ngớ ngẩn và những chi tiết quá cường điệu, chẳng hạn như một vài cây quýt đang mọc lên từ sàn nhà. Thật tởm.

Bên trong, chúng ta bắt gặp ba tác phẩm điêu khắc lớn hơn, tất cả đều đúc bằng đồng: một khối Thạch Lịch “Aztec”, một tượng mô tả thợ lặn khỏa thân – trên người dính đầy các vẩy san hô, giống như phiên bản đột biến gien ngực bự, và một nữ chiến binh đang la hét đấu tay đôi với một con gấu trên một bệ tượng đài.

Thạch lịch

Tượng thợ lặn

Như nhiều tác phẩm trong triển lãm, tất cả thân thể chúng dường như đều mọc ra san hô, như những khối u đang phát triển vô độ. Kiểm tra qua thì thấy các bướu xốp xốp và uốn lượn đó, được tô vẽ bằng các màu sắc ưa nhìn, đậm đà, rõ là không có nguồn gốc [ngâm tẩm lâu ngày nơi] đáy nước, mà bắt nguồn từ một xưởng đúc [trên bờ]. Có rất nhiều tiểu xảo thủ công mỹ nghệ đã được thi triển, còn tính nghệ thuật thì ít.

.

Lúc đầu, tôi đã sẵn sàng vứt bỏ hoài nghi, để nhập cuộc với tất cả mớ hỗn độn này, nhưng rốt cuộc, vẫn có điều gì đấy thật lạ trong bức tượng Chiến binh và gấu, một sự ngớ ngẩn đến mức ‘cười không nhặt được mồm’. Các kênh thẩm mỹ của nó, mà Jeff Koons từng khai thông vào khoảng năm 1988 (có thể tham khảo các tác phẩm điêu khắc Banality nổi tiếng của Koons), nay được Hirst gia cường và trang điểm thêm, nếu có thể. Không nhịn được cười, tôi nghĩ, thôi thì ít ra Hirst cũng đã ‘nổ’, trong cả thập kỷ qua, để chuẩn bị cho triển lãm này.

“Chiến binh và gấu”

Tuy nhiên, sự hồ hởi tham gia vào trò chơi của Hirst trong tôi đã bị xìu nhanh chóng. Trong các gian trưng bày nhái phòng trưng bày bảo tàng, chúng ta được chứng kiến các sản phẩm nhái lại các hiện vật [khảo cổ] một cách cầu kỳ, đắt tiền: những chiếc vòi bạch tuộc bằng vàng, bạc, đá malachite, và thủy tinh pha lê; những phiên bản đồng sơn màu của những vỏ sò khổng lồ; một pho tượng bán thân bằng đá cẩm thạch đỏ của một nàng công chúa theo phong cách Ai Cập quyến rũ, được trang trí bằng đá mã não và vàng lá; một pho tượng Phật bằng ngọc bích; một tượng bán thân của thần Neptune màu xanh tạc từ ngọc lưu ly.

.

.

.

Có những chiếc chuông đồng và những con khỉ vàng, những tượng bán thân “Hy Lạp” giống như những con búp bê Barbie bị tùng xẻo, một “chiếc sọ” ngựa một sừng, một con bọ cạp trang sức khảm ngọc trai, đá hồng ngọc và ngọc bích.

Rất nhiều thứ lặt vặt, đồ chơi, đồ trang sức rẻ tiền như thế đã được nhân bản hàng loạt với các chất liệu khác nhau và kích thước khác nhau, giống như những mặt hàng kinh dị (rác rưởi, xấu) của thị trường nghệ thuật.

Sau một lúc xem triển lãm, tất cả các hiện vật bắt đầu nhạt nhòa, nhòe lẫn vào nhau, giống như những món đạo cụ có thể hoán đổi – thật là những món trang sức quá tốn kém cho một cuộc chơi buông tuồng và tẻ nhạt của Hirst.

.

.

Kể từ khi tổ chức cuộc triển lãm Freeze, năm 1988, một triển lãm ra mắt nhóm YBA (Những nghệ sĩ trẻ Anh), Hirst đã cho thấy ông là nhà quảng cáo nhà tổ chức đại tài hơn là một nghệ sĩ – hoạt động theo cách của một đạo diễn sân khấu hay đạo diễn điện ảnh. Đây là những gì chúng ta thấy ở Venice: mỗi tác phẩm nghệ thuật đều phải phục tùng cho tầm nhìn bao trùm của ông, liên quan đến câu chuyện giả dối của Amotan.

Tuy nhiên, thay vì hùng vĩ và sử thi, tất cả đều cho cảm giác xa hoa và rẻ tiền, hàng mã và đồ giả. Điều này có liên quan rất nhiều đến phong cách thị giác chủ đạo lỗi thời, một phong cách rởm rít Hậu Hiện đại Po-Mo của những năm 1980 với nhiều thiếu nữ khỏa thân, run rẩy, bị đe doạ bởi quái vật. Nước, nước ở khắp mọi nơi – nhưng đáng buồn thay, không có được giọt nước mát lành nào uống được. Nói cách khác, trong Thế giới nước [ướt sũng và rởm rít] của Hirst, [triển lãm] “Kho báu” là một thất bại.

.

Trong một khoảnh khắc cận-Picasso (sub-Picasso) đáng nhớ, [ta bắt gặp nhóm tượng mô tả] một quái vật Minotaur [nửa người nửa bò] bằng đá granit đen đang hãm hiếp một “trinh nữ” thành Athena. Đây không phải là các nhân vật của Homer, mà đúng hơn, là sản phẩm của trí tưởng tượng vị thành niên của Hirst, nếu có thể gọi như vậy – phiên bản rẻ tiền của bộ phim ăn khách “Game of Thrones”.

Trong khi đó, choán gần hết sảnh lớn của bảo tàng Palazzo Grassi là pho tượng quỷ Demon bằng đồng cao 18m, một kiểu “Tượng khổng lồ đảo Rhodes” (Colossus of Rhodes) trong bộ điệu của “Quỷ Flea” của [hoạ sĩ William] Blake (ít nhất thì với kích thước đồ sộ, bức tượng cũng đem lại sự hài hước nào đó). Thật khó hình dung nổi chi phí đúc những pho tượng khổng lồ như thế này – đặc biệt khi kết quả lại là con số không, với những bề mặt rộng, đơn điệu, nhẵn lỳ và không hề có đặc điểm.

.

.

Không thể tin được, “quái vật Minotaur” và “quỷ Demon cầm bát” vẫn chưa phải là những tác phẩm điêu khắc kỳ quặc nhất. Một tác phẩm bằng đồng khủng khiếp được tác giả đặt tên là “Metamorphosis” (Hóa thân) – một cái đầu của một con ruồi được ghép với cơ thể mập mạp của một người đàn bà, được bọc trong một tấm vải choàng cổ điển.

Nhưng tồi tệ nhất phải là nhóm tượng “Andromeda và quỷ biển”, được bày trên tầng hai của bảo tàng Palazzo Grassi. Tử trong lòng quái vật bằng đồng màu xanh da trời này, nhô lên một con cá mập khổng lồ, trông tựa như một dương vật, sẵn sàng xơi tái nàng công chúa thần thoại đang bị xiềng vào vách đá. Từng bị tai tiếng với tác phẩm cá mập hổ, có lẽ chúng ta nên hiểu động vật biển này như một bức chân dung tự họa nữa của Hirst. Dù gì, cũng thật kinh khủng.

.

Cuối cùng, tôi cảm thấy như bị tra tấn liên tục bởi sự áp chế không ngừng trong triển lãm này, mà tệ hại hơn – quá buồn tẻ. Con gái của Henry Moore, Mary, cho biết gần đây Hirst đã đẩy điêu khắc lùi lại cả trăm năm. Về điểm này, tôi đồng ý. Sự ám ảnh với những cốt chuyện và câu chuyện kể, với chi phí không cần suy nghĩ để tác phẩm đạt được một cảm xúc thực nào đó; Sự ‘cố đấm ăn xôi’ bắt người xem tin vào những sản phẩm sống sượng – tất cả đều đã phản tác dụng.

Thật vậy, có tác phẩm, mô tả hình ảnh lễ tang của một thiếu phụ quyến rũ đang nằm trên mộ, trông ý chang tác phẩm mô phỏng tượng thần gợi cảm thế kỷ 19. Nghệ thuật đương đại đâu phải thế.

Với chi phí khổng lồ, phô trương, triển lãm này rõ ràng quá lãng phí và không thích hợp trong một kỷ nguyên bất ổn và bất bình đẳng. Thật không khó kết nối hình ảnh của một Amotan giàu nứt đố đổ vách, như giới thiệu của triển lãm, với Hirst, cũng là một nhà sưu tập – một so sánh mà Hirst rất sốt sắng đón nhận.

Nói cho công bằng, cũng có những bùng sáng của sự nhanh trí, những khoảnh khắc bộc lộ kỹ thuật, và một tầm tưởng tượng, mà về lý thuyết, có vẻ quyến rũ. Là màn trình diễn hội chợ [của một kẻ] dân túy, triển lãm này không thể chấp nhận được.

Rốt cuộc, “Kho báu từ con tàu đắm mang tên Phi Thường” chỉ chứng tỏ quy mô và những thứ rởm rít khoác áo ‘nghệ thuật cao’, chứ chưa đạt được ý đồ. Có lẽ, khi cuộc triển lãm kết thúc vào tháng 12, “kho báu” của Amotan cũng sẽ được kín đáo trả về cho đáy biển sâu mà thôi.

*

(Người dịch: cám ơn nghệ sĩ Trần Lương đã sưu tầm và gửi cho người dịch bài báo “Damien Hirst, Treasures from the Wreck of the Unbelievable, review: this spectacular failure could be the shipwreck of his career”, ‘The Telegraph, 6. 4. 2017’. Phần ảnh tư liệu: từ Internet).

Ý kiến - Thảo luận

2:38 Sunday,8.4.2018 Đăng bởi:  Con Mòe Béo Bụng
Cảm ơn bác Hàm Phong vì bài dịch. Cảm ơn SiêuNoob, lâu rồi mới thấy :3
...xem tiếp
2:38 Sunday,8.4.2018 Đăng bởi:  Con Mòe Béo Bụng
Cảm ơn bác Hàm Phong vì bài dịch. Cảm ơn SiêuNoob, lâu rồi mới thấy :3 
9:21 Thursday,27.4.2017 Đăng bởi:  SiêuNoob
Em mạn phép "chê" phần dịch của bác Hàm Phong thêm tí nữa, vì có thể nó liên quan tới phần bình của hai bác Tùng-Linh:

- Đoạn "Lúc đầu, tôi đã sẵn sàng vứt bỏ hoài nghi, để nhập cuộc với tất cả mớ hỗn độn này, nhưng rốt cuộc, vẫn có điều gì đấy thật lạ trong bức tượng Chiến binh và gấu, một sự ngớ ngẩn đến mức ‘cười không nhặt được mồm
...xem tiếp
9:21 Thursday,27.4.2017 Đăng bởi:  SiêuNoob
Em mạn phép "chê" phần dịch của bác Hàm Phong thêm tí nữa, vì có thể nó liên quan tới phần bình của hai bác Tùng-Linh:

- Đoạn "Lúc đầu, tôi đã sẵn sàng vứt bỏ hoài nghi, để nhập cuộc với tất cả mớ hỗn độn này, nhưng rốt cuộc, vẫn có điều gì đấy thật lạ trong bức tượng Chiến binh và gấu, một sự ngớ ngẩn đến mức ‘cười không nhặt được mồm’. ". Đoạn này bác Phong dịch không chính xác đâu, ở đây ông Tây không hề chê tác phẩm, ngược lại nguyên văn ông ấy viết "At first, I was willing to suspend my disbelief, and play along with the whole farrago: after all, there’s something so gloriously demented about The Warrior and the Bear, so exultantly absurd, that my jaw hit the polished-concrete floor."
Ở đây, ý ông Tây là thực sự tác phẩm này, với sự hoành tráng/kỳ quặc của nó, đã khiến ông ấy bị cuốn hút vào cuộc chơi của Hist. Theo ông Tây thì tác phẩm Chiến binh và gấu này, tuy có thể lấy ý tưởng từ Banality của Jeff Koons, nhưng được Hist phóng đại và trang trí hoa lá cành thêm.

- Đoạn "Đây không phải là các nhân vật của Homer, mà đúng hơn, là sản phẩm của trí tưởng tượng vị thành niên của Hirst, nếu có thể gọi như vậy – phiên bản rẻ tiền của bộ phim ăn khách “Game of Thrones”." Nguyên văn ông Tây nói là "Homer, this isn’t, but, rather, adolescent fantasy: Hirst’s version, if you like, of the cheap thrills of Game of Thrones.". Nếu để ý kỹ thì sẽ thấy cách bác dịch "phiên bản rẻ tiền của bộ phim ăn khách “Game of Thrones”" là sai nghĩa. Thực ra phải dịch là "...cảm xúc rẻ tiền như trong bộ phim “Game of Thrones”". Nếu hiểu như em nói thì sẽ thấy sự nhất quán trong tác phẩm của Hist, đó là nhắm tới cảm xúc (rẻ tiền?) của đại chúng, những người mê thể loại "Game ò Thrones". Cá nhân em ở đây liên tưởng tới một câu của Matisse. Matisse nói rằng khi vẽ bức quỷ hiếp tiên (Nympth and Satyr), ông ấy không biết là đang vẽ cảm xúc của quỷ hay của chính ông ấy. Vậy ở đây Hist chỉ khác Matisse là thay vì tả cảm xúc cá nhân thì ông ây tả cảm xúc của quần chúng mà thôi.

- Đoạn cuối "Nói cho công bằng, cũng có những bùng sáng của sự nhanh trí, những khoảnh khắc bộc lộ kỹ thuật, và một tầm tưởng tượng, mà về lý thuyết, có vẻ quyến rũ. Là màn trình diễn hội chợ [của một kẻ] dân túy, triển lãm này không thể chấp nhận được." nguyên văn ông Tây là "In fairness, there are flashes of wit, moments of technical virtuosity, and an imaginative vision that, on paper, seems alluring. As a populist fairground spectacle, the show is unmissable." Bác Phong dịch "unmissable" thành "không thể chấp nhận được" là ngược nghĩa. Ở đây ông Tây nói triển lãm này với dân thường là "không thể bỏ qua", một ý khen. Nói cách khác, nó chính là cái kitsch mà Hist hướng tới.

***Em đại cảm ơn bác nào bỏ công đọc hết mấy đoạn em viết ở trên ạ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả