Điện ảnh

The Master: Một kịch bản thông minh, hai diễn viên xuất sắc 09. 03. 13 - 8:01 am

Nguyễn Thế Tuấn tổng hợp

 

Năm năm sau There will be blood, Paul Thomas Anderson trở lại với bộ phim gây nhiều tranh cãi trong giới phê bình cũng như người xem: The Master, với sự diễn xuất của hai diễn viên gạo cội từng được nhiều lần đề cử giải Oscar, Joaquin Phoenix và Philip Seymour Hoffman.

Paul Thomas Anderson là một trong những đạo diễn tài năng của điện ảnh Hollywood đương đại, người đã tạo được những vị rất riêng cho phim của mình, một phong cách mà giới mê phim luôn luôn trông đợi mỗi khi xem phim.

The Master là một phim thật bõ công để trông đợi. Bộ phim kể về L. Ron Hubbard – người sáng lập một giáo phái kín ở Mỹ với tên “Scientology”, giáo phái mà ai cũng biết sau vụ ly hôn tai tiếng của Tom Cruise và Katie Holmes vào năm 2012, vì nhiều lời đồn rằng nó dính líu đến nguyên nhân đổ vỡ của cặp đôi đầy quyền lực ở Hollywood này. Nhưng The Master không chỉ là một bộ phim tiểu sử, đây còn là một bộ phim hậu chiến tranh thế giới thứ II với cách lột tả chân thực về lính Mỹ khi trở lại cuộc sống thường nhật ở quê nhà. Và cao hơn câu chuyện về tôn giáo, đây là câu chuyện về lòng tin, về triết lý sống, về những ám ảnh mà trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có dù ít nhiều.

Nhân vật Lancaster dùng triết lý scientology để chữa bệnh.

Trong phim, Lancaster Dodd (Philip Seymour Hoffman) là nhà triết học, nhà văn, người sáng lập một phong trào triết lý với tên gọi “Căn Nguyên” (The Cause). Ông đi nhiều nơi cùng với gia đình, phụ tá và những môn đồ mình thu nạp để tìm tài trợ, diễn thuyết, rồi áp dụng triết thuyết đấy để chữa bệnh theo các liệu pháp kiểu phân tâm học. Ông đặt ra những câu hỏi cho người bệnh, và từ đó khám phá ra quá khứ tổn thương mà họ giấu kín. Đôi khi, bằng một cách hơi huyễn hoặc, ông gọi những hình ảnh mà người bệnh nhìn thấy là tiền kiếp, mà đối với ông, khi người bệnh có thể nhìn thông suốt vào mọi kiếp sống, mọi bệnh tật sẽ tan biến, giống như ta tìm được nguyên nhân và điều chỉnh nó để được kết quả tốt hơn hiện tại.

Philip Seymour Hoffman trong vai “Lancaster Dodd”.

Freddie Quell (Joaquin Phoenix) một cựu quân nhân của Hải quân Mỹ tham gia chiến đấu trên mặt trận Thái Bình Dương, rời bỏ quân ngũ do những chấn thương tâm lý, bệnh nghiện rượu và ám ảnh về tình dục. Sau nhiều lần phải bỏ nghề (cũng do nghiện rượu), Quell tình cờ gặp Lancaster Dodd. Lancaster Dobb nhận ra những chấn thương tâm lý của Quell và mời anh tham gia một cuộc thử nghiệm, trong đó Lancaster Dobb chữa bệnh cho Quell. Khi cả gia đình Dodd bắt đầu khó chịu và nghi ngờ cách hành xử kì quặc của Quell, không muốn anh tiếp tục được sống cùng, Dodd đã nói, nếu ông không chữa được cho Quell thì lý thuyết của ông thất bại hoàn toàn. Những trải nghiệm của Quell cùng gia đình Dodd, những cơn bộc phát về tâm thần, chứng nghiện rượu không thể kiềm… chính là mạch truyện xuyên suốt dẫn dắt người xem vào triết thuyết bí ẩn, đôi khi thiếu thuyết phục của Lancaster Dodd – một phản chiếu của L. Ron Hubbard trong cuốn tiểu sử Dianetics: The Modern Science of Mental Health (cái này các nhà phê bình Mỹ nói chứ tôi chưa có đọc, nhưng cứ giới thiệu vào đây cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn về cuộc đời ông và tôn giáo này).

Joaquin Phoenix trong vai “Freddie Quell”.

Đối với tôi, điều đầu tiên khiến đây thực sự là một bộ phim đáng xem, vì nó là một bộ phim có kịch bản chặt chẽ và thú vị. Anderson đã đưa ra một đức tin, và lý giải đức tin đó dựa trên những triết lý mà những người đi theo phải dùng trí tưởng tượng của mình để khiến nó thành sự thật. Tôi nhớ đến câu nói của Chúa Jessus: “Phúc cho ai không thấy mà tin“, Dodd vừa dùng khoa học, nhưng bên cạnh đó, đưa vào trong người bệnh, người tin theo tôn giáo ông một sự tưởng tượng. Ông cài đặt vào đấy một con chíp vô thức để khiến cho người ta có đức tin vào “Căn Nguyên”. Những câu thoại thông minh mà Dodd dùng để dẫn dắt người khác tin theo quan điểm của mình, rồi những khó khăn, cũng như những xung đột của nội bộ gia đình, hay sự xung đột thầy trò giữa Dobb và Quell, mối quan hệ gần như cha con của hai cá nhân đấy (gợi nhớ đến bộ phim There will be blood), sự trợ lực cho nhau, nhìn thấy nhau trong mỗi bản thể… tất cả được đan kết khéo léo trong kịch bản này, với sự dẫn dắt tâm lý nhân vật vô cùng thông minh.

 

Kịch bản thông minh đó đã được dẫn dắt bởi hai diễn viên tuyệt vời Hoffman và Phoenix. Có nhà phê bình chê phim này vì bộ phim đã không chọn cho mình nhân vật trung tâm, khiến cho không có sự gắn kết của tổng thể, khiến câu chuyện như một cặp song ca ai cũng hát hay nhưng lại thể hiện một bài song ca tồi. Tôi không nghĩ vậy, quả thực Hoffman và Phoenix đã có những vai diễn quá xuất sắc, nếu không vì sự có mặt của Daniel Day Lewis và Christopher Waltz thì hai tượng Oscar cho hai vai diễn này là hoàn toàn xứng đáng. Hai vai diễn này đã làm lu mờ tất cả các vai diễn khác trong phim, bộ phim giống như một chuỗi DNA bện lấy nhau của hai diễn viên. Hoffman có cái uy của một người thầy, có giọng nói mạnh mẽ của một người diễn thuyết, biết lúc nào cần cứng rắn, lúc nào cần mềm mỏng, một người biết cách thuyết phục, một tính cách thông minh và bảo thủ, một niềm tin chắc chắn vào lý thuyết của mình. Một người thầy đầy thuyết phục.

Nhưng Phoenix mới thực sự là vai diễn của diễn viên lớn. Đây là một vai diễn vô cùng phức tạp. Ta có cảm giác Quell lúc nào cũng như sắp nổ tung, luôn luôn căng thẳng, muốn luôn khiến mọi thứ trở nên nặng nề và nghiêm trọng. Quell có một người mẹ bị bệnh tâm thần, có một quá khứ đáng quên, anh không bao giờ trở lại quê hương như lời hứa với cô bạn gái cũ trước khi lên đường nhập ngũ. Nhưng với cách thức chữa bệnh bằng tâm lý của Dodd, Quell đã tiết lộ ẩn ức giấu kín của mình trong quá khứ. Quell – với chứng nghiện rượu, sống đầy bản năng giống một con thú bị thương, những ám ảnh về tình dục – đích thị là một bệnh nhân hoàn hảo để Dodd áp dụng triết thuyết của mình.

 

Từ Gladiator, đến Walk the line, Phoenix cho thấy một khả năng diễn xuất tuyệt vời, và thêm vào đó, anh thực sự phù hợp với những vai diễn bi kịch, và có vấn đề về những chứng bệnh liên quan đến tinh thần, một trái tim đa cảm, sâu sắc, mạnh mẽ và yếu đuối đan nhau trong cái chất bản năng thực sự của con người. Các diễn viên khác diễn xuất cũng rất tròn vai, như Amy Adams trong vai một người vợ tận tụy vì chồng, và giúp đỡ chồng bảo toàn mục đích mà ông theo đuổi… và nhiều diễn viên khác, tuy nhiên, tất cả đều đã trở thành rất phụ so với hai nhân vật chính tôi đã nói ở trên.

Từ kịch bản, đến diễn xuất, từ âm thanh, âm nhạc đến kết cấu câu chuyện, từ cảnh quay đến màu sắc và bối cảnh… tất cả đều được hòa trộn một cách tinh tế để tặng cho giới mê điện ảnh một tác phẩm nghệ thuật xứng đáng dược lưu trữ, và chiêm ngưỡng. Nếu trong There will be blood, Anderson kể một câu chuyện về của nước Mỹ thời kì công nghiệp hóa, khi những mỏ dầu trên khắp đất nước bị săn đuổi, một dạng “blood-oil” mà qua đấy nước Mỹ đã phát triển, thì qua The master, Anderson kể một câu chuyện về đức tin của nước Mỹ, một câu chuyện, của những niềm tin tôn giáo riêng biệt được phát triển và mở rộng để trở thành chỗ dựa cho những người Mỹ đang còn chấp chới bởi ảnh hưởng của chiến tranh, bởi nền công nghiệp đang khiến xã hội mất niềm tin vào cuộc sống.

Bộ phim thực sự là một bữa tiệc hình ảnh đẹp mắt, màu sắc của phim rất quyến rũ, ngay từ đầu phim, trên bãi biển ở vịnh Guam, thủy thủ đoàn của hải quân Mỹ đang nghỉ ngơi trông rất đẹp mà thật khó có thể lý giải thành lời, điều đấy có thể được lý giải bởi sự hợp tác với nhà quay phim Mihai Malaimare Jr, nhà quay phim ưa thích của đạo diễn bậc thầy Francis Ford Coppola, những khung hình như những bức ảnh khiến bộ phim thực sự mãn nhãn.

Cảnh lính hải quân tụ tập trên biển, quay góc rộng.

Và có một chút ngạc nhiên khi bộ phim được công chiếu ở định dạng phim 70mm, với độ phân giải cao hơn hẳn 35mm.70 ly vốn thường được dùng quay những bộ phim bom tấn phục vụ cho màn chiếu IMAX, Anderson sử dụng cho bộ phim này có phần không cần thiết. Tuy nhiên, cộng với những góc máy đẹp, thiết kế bối cảnh kỹ càng cũng như màu sắc, cảm giác về độ phân giải cao sẽ càng làm tăng độ hấp dẫn với mắt người xem, cho một bộ phim có đề tài có vẻ “khô” như thế này. Phần âm nhạc, vẫn là người đã làm nhạc cho phim There will be blood – Jonny Greenwood, hơi thiên về “dark music”, nhịp điệu u ám, và đôi chỗ tiết tấu nhanh cộng hưởng với hình ảnh khiến cho cảm nhận điện ảnh thực sự mạnh hơn rất nhiều.

Năm 2012 thực sự là một năm đẹp cho những người yêu điện ảnh, vì những tác phẩm được tạo ra thực sự mang hàm lượng nghệ thuật rất cao. The Master là một trong số đó, nhiều nhà bình luận còn ưu ái cho rằng bộ phim xứng đáng được vinh danh là một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Tôi thì nghĩ đơn giản hơn, một bộ phim đáng xem, đáng lưu trữ lại, và đáng để giới thiệu cho mọi người.

 

*

Bài liên quan:

– The Master: Một kịch bản thông minh, hai diễn viên xuất sắc 
– Xem Master, nghe Phan Đăng Di nói về đạo diễn Paul Thomas Anderson

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả