|
|
|
|||||||||||||
Soi họcTích Hy Lạp: Tại sao chuyện tình thường kết thúc không có hậu? 28. 10. 12 - 6:53 amPha Lê
Mang tiếng là người chuyên kể tích Hy Lạp theo kiểu… nhảm nhí (dù thực sự thì tôi chả thêm bớt gì nếu thể theo đúng bản gốc); nhưng nghĩ lại thì cũng phải thôi, tích cổ gì mà đầy gái gú, hiếp dâm, chém nhau… mà chuyện tình cũng thường có kết cục bi thảm, với đủ kiểu ghen tuông, ếm bùa ếm ngải này kia. Định bụng, hôm nay phải kể một tích đứng đắn; nhưng suy nghĩ một hồi thì thấy mình chưa bao giờ… đứng đắn. Không thể như mấy cuốn sách hàn lâm kia, thuật lại tích rất chi là đĩnh đạc, nhưng bỏ hết mấy phần “cấm trẻ em dưới 16 tuổi”, và chả bao giờ giải thích vì sao thần thánh có nhiều hành động khiếm nhã. Vậy nên, những ai đang tò mò về cái tính giật gân và kết cục “ít khi nào đẹp” của tích cổ, hôm nay xin mạn phép có một bài giải thích. Yêu đương thời Hy Lạp cổ Điều đầu tiên cần biết: người Hy Lạp xưa không coi kiểu “yêu say đắm” là một cái gì đó đáng khen ngợi. Đối với họ, yêu như điếu đổ một ai đó sẽ không khác gì… mắc bệnh. Triệu chứng của bệnh là: thấy bủn rủn, đổ mồ hôi, thở khó khăn, mất ngủ, ăn không ngon, dễ mất tập trung. Triệu chứng của tình yêu cũng… y thế, nó khiến các chàng trai bứt rứt, mất kiểm soát, mất ăn mất ngủ, nói năng lắp bắp. Như đã kể trong bài Adonis, đàn ông Hy Lạp không lấy việc “bị đàn bà làm mất kiểm soát” làm điều tự hào, nên các kiểu yêu đương say đắm trong tích cổ cũng ít khi đem lại kết thúc đẹp. Bởi vậy, khi Apollo mê mệt Daphne, nàng bị biến thành cây nguyệt quế; Zeus yêu Seleme, báo hại nàng bị thiêu sống, Salmacis yêu Hermaphroditus, khiến chàng này bị biến thành người lưỡng tính…
Nhưng nếu không yêu say đắm thì… chán chết. Cũng không hẳn, xã hội Hy Lạp phân chia tình cảm khá là rõ ràng Đám cưới thời Hy Lạp cổ Dù rằng đàn ông thời Hy Lạp hiếm khi chung thủy (hình như thời nay cũng thế!), một cuộc hôn nhân tốt với người vợ đảm vẫn là thứ các ông phải phấn đấu để có. Hôn nhân thời này thuộc dạng cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, ít có “say đắm” và cũng ít có tình yêu gì nhiều. Nó chủ yếu cung cấp người để cho các ông có con cái chính thức, và quán xuyến nhà cửa giùm mấy ông. “Vợ hiền, đảm” là hình ảnh được người xưa tôn trọng. Thế nên chả trách tại sao Zeus cứ hiếp hết em này em kia nhưng Hera không bao giờ ly dị; Odysseus cũng vậy, ông léng phéng với tỉ em trong chuyến hành trình của mình, nhưng Penelope vẫn chờ và cuối cùng Odysseus cũng trở về với vợ. Thế cũng đủ hiểu rằng dù người xưa không liệt hôn nhân vào dạng “yêu say đắm”, nhưng họ cũng coi nặng sự ràng buộc của hôn nhân. Đám cưới thời xưa cũng khá hoành tráng, thường diễn ra trong 3 ngày liền. Cô dâu sẽ đi tắm tẩy trần, rồi làm lễ tế thần linh, xong hết thủ tục thì cô dâu còn nhận quà từ bạn bè và bố mẹ. Đây được xem là một nghi thức trang trọng, với đầy đủ thủ tục lễ nghĩa, và hôn nhân chủ yếu cũng thiên về phần hình thức.
Dĩ nhiên, thế thì không có nghĩa rằng thời đấy không ai yêu vợ, và ai cũng ép con mình lấy người nó không yêu. Nhà sử học Herodotus ghi chép rằng ở Athen từng có một ông bố rất yêu 3 cô con gái của mình, nên ông cho phép cả 3 tự chọn người mình yêu để cưới. Thời nào cũng sẽ có người với tư tưởng tiến bộ, thương con, nhưng cái số này hiếm lắm. Lấy chồng xong xuôi, phụ nữ Hy Lạp không khác gì phụ nữ đạo Hồi; họ gần như không được ra khỏi nhà, phải ngoan ngoãn nghe lời chồng, phải chung thủy (dù các ông được quyền không chung thủy). Vật dụng gia đình dành cho phụ nữ cũng phải kín đáo, không được có hình hở hang. Các loại đĩa, ly, vại… có vẽ hình “gây sốc” là dành cho các ông xài khi các ông tụ họp riêng với nhau, hoặc dùng trong các lễ hội dành cho đàn ông.
Giải quyết tâm, sinh lý thời Hy Lạp cổ Phụ nữ Hy Lạp thường ít được đi học, họ chủ yếu ở nhà, làm nội trợ. Hôn nhân chủ yếu không vì yêu rồi nên các ông chồng cũng chán gần gũi vợ, nói chuyện với vợ càng không hợp vì vợ không học hành gì. Thế phải làm sao? Vụ trò chuyện văn chương chữ nghĩa thì các ông giải quyết bằng mối quan hệ nam/nam Erastes và Eromenos. Như đã giải thích trong bài Hyacinth, dù rằng mối quan hệ giữa đàn ông/thanh niên của Hy Lạp cổ có dính chút tình dục, nhưng nó chủ yếu thiên về “trao đổi, học hỏi” và có luật đàng hoàng, chứ các ông không thể tán trai theo kiểu bậy bạ. Tính đi tính lại thì đây là cách tốt nhất thời đó, nếu đàn bà không được đi học thì các ông chỉ có thể trò chuyện với nhau thôi, từ đó mối quan hệ đàn ông/thanh niên nảy sinh thì cũng không có gì bất thường. Mối quan hệ này được người Hy Lạp xưa đề cao, vì nó mang ý nghĩa “tâm linh”, “đầy chất học vấn”, “trau dồi kiến thức”…
Coi như phầm “tâm lý” các ông cùng nhau giải quyết, vậy còn phần sinh lý thì sao cà? Không hề chi, Hy Lạp thời đó hợp pháp hóa “nghề” làm gái (hoặc trai) lầu xanh. Những cô cậu hành nghề này vẫn được luật pháp bảo vệ, được kiểm tra sức khỏe, và phải đóng thuế hẳn hoi; nhưng họ sẽ bị tước quyền công dân, không được đi bầu cử, không được phép làm nhân chứng tại tòa án. Việc một người đàn ông có vợ đi kiếm gái lầu xanh giải sầu không hề phạm pháp, và không bị coi là bất thường. Rắc rối chỉ xảy ra khi ông đấy cưới gái lầu xanh làm vợ bằng cách nói dối chính quyền rằng “cô ta không phải gái mà là một công dân bình thường” (hoặc có thể do ông ấy không biết rằng vợ mình từng làm nghề này). Thời đó, con cái chỉ được thành công dân nếu cả cha lẫn mẹ là công dân. Nếu cô nào “lỡ” làm nghề Kiều (theo kiểu làm chui), sau đó lấy chồng, rồi bị phát hiện ra rằng mình từng làm Kiều thì con của hai người sẽ bị tước quyền công dân và cắt thừa kế. Bởi vậy các ông được khuyến khích viếng thăm các nhà thổ có giấy phép, và tìm hiểu kĩ ý trung nhân trước khi cưới. Phần việc nhà đã có vợ lo, phần trao đổi kiến thức có trai lo, phần sinh lý có các em chân dài lo; chả trách sao kiểu “yêu nhau đắm đuối” không được nam giới Hy Lạp ưa chuộng và khuyên dùng; nó có khả năng khiến họ làm những chuyện ngông cuồng, dễ gây xấu hổ, mất thể diện đàn ông. Tình yêu cũng phức tạp, mà xã hội này lại khoái quy củ, thích kiểm soát, nên chả trách sao những tích Hy Lạp về tình yêu thường lắm bi kịch. Tình yêu làm ta điên đảo mà, nên tích tình yêu cũng… điên lắm, chứ không chỉ có phần lãng mạn thôi đâu; dù rằng các họa sĩ, nhà văn sau này hay bốc cái phần lãng mạn ra để kể chuyện, vẽ tranh. Thực tế thì cái hay của mấy tích này là nó giật gân, bi tráng, gợi dục, lãng mạn, giàu trí tưởng tượng, hồi hộp, và mang đậm văn hóa của một nền văn minh cổ.
Ý kiến - Thảo luận
2:01
Sunday,7.8.2016
Đăng bởi:
phạm đức
2:01
Sunday,7.8.2016
Đăng bởi:
phạm đức
@dilettan mình thật sự không hiểu bài báo bạn gửi. Trong bài ông tác giả viết quá lủng củng lạm dụng "" ngoặc kép như đánh đố người đọc. Mình đọc xong không hiểu là quan điểm của ông ý là làm sao?
10:01
Friday,28.6.2013
Đăng bởi:
phale
@derpelan: Thời xưa bạn ạ. Bạn đến bảo tàng Athens thì sẽ thấy cả ngàn đĩa/ly/bình/vại vẽ như thế này. Chúng đã được kiểm chứng, chưa kể là còn các tài liệu khác ghi chép lại. Mà thế này đã thấm gì, bạn tới Pompeii, ở đó có cả tranh vẽ cảnh "ấy" nhau ngay tr&ec
10:01
Friday,28.6.2013
Đăng bởi:
phale
@derpelan: Thời xưa bạn ạ. Bạn đến bảo tàng Athens thì sẽ thấy cả ngàn đĩa/ly/bình/vại vẽ như thế này. Chúng đã được kiểm chứng, chưa kể là còn các tài liệu khác ghi chép lại. Mà thế này đã thấm gì, bạn tới Pompeii, ở đó có cả tranh vẽ cảnh "ấy" nhau ngay trên tường, cổ từ thời La Mã, và còn là di sản của thế giới. Bạn đọc bài này của SOI. Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp