PHÊ NHƯ CON TÊ TÊ" /> » Rất nhiều “bảo kê” cho PHÊ NHƯ CON TÊ TÊ

Nghệ sĩ Việt Nam

Rất nhiều “bảo kê” cho
PHÊ NHƯ CON TÊ TÊ 26. 03. 13 - 11:59 am

Thông tin từ Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam

 

Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam trân trọng giới thiệu tập “thành ngữ sành điệu bằng tranh” với tên gọi Phê như con tê tê. Cuốn sách được thực hiện theo ý tưởng của nhóm tác giả và được họa sĩ Thành Phong thể hiện bằng những minh họa sinh động, hài hước… Đây là tập hợp các thành ngữ, tục ngữ quen thuộc được giới trẻ hiện nay sử dụng một cách phổ biến. Được coi là sự quay trở lại của Sát thủ đầu mưng mủ, một cuốn sách gây nhiều tranh luận khi ra đời vào cuối năm 2011, Phê như con tê tê với những sửa chữa, bổ sung… hứa hẹn nhiều điều thú vị với bạn đọc.

A. Về họa sĩ Thành Phong

Họa sĩ Thành Phong, tên đầy đủ là Nguyễn Thành Phong. Sinh năm 1986, Thành Phong tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống hội họa. Bố là Phó Giáo sư, trưởng khoa Điêu khắc đại học Mỹ thuật Hà Nội; mẹ là Thạc sỹ, giảng viên khoa Sư phạm Mỹ thuật (ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương) nên từ nhỏ, Thành Phong có sự đam mê với loại hình nghệ thuật này.

.

 
Thành Phong là thành viên nhóm vẽ truyện tranh Phong Dương, nổi tiếng trong giới truyện tranh trẻ với những tác phẩm từng trở thành trào lưu cho nét vẽ của truyện tranh Việt Nam. Với tư cách cá nhân, dù là một họa sĩ trẻ, tuy nhiên Thành Phong đã có những thành tích đáng ghi nhận: Tại triển lãm Espai Cromatic (Tây Ban Nha), Festival truyện tranh quốc tế Bucheon (Hàn Quốc), Thành Phong từng tham dự với tư cách một nghệ sĩ triển vọng của Việt Nam. Năm 2010, tác phẩm Bicof Story của anh được chọn đăng trong tuyển tập truyện tranh của các họa sĩ trẻ Đông Nam Á. Đến năm 2011, truyện tranh Người hóa hổ trong bộ tranh truyện cổ tích Việt Nam do Nhã Nam xuất bản đã được trao giải thưởng đặc biệt tại Liên hoan Truyện tranh và hoạt họa trẻ châu Á.

Bên cạnh đó, Thành Phong còn có những tác phẩm được cộng đồng hoan nghênh như Sát thủ đầu mưng mủ, dự án Hà Nội, thành phố của Tôi hay chùm tranh vẽ biếm họa giao thông Không còi.

.

 

 B. Về cuốn sách PHÊ NHƯ CON TÊ TÊ

Tháng 8. 2011, tập “thành ngữ sành điệu” Sát thủ đầu mưng mủ do Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam liên kết với Nhà xuất bản Mỹ Thuật ra đời, tuy được đại đa số các bạn trẻ hoan nghênh, ủng hộ nhưng cuốn sách cũng đã gây nên rất nhiều tranh luận trong dư luận bạn đọc và giới báo chí… Nhiều ý kiến đồng tình, chia sẻ nhưng cũng không ít ý kiến chê bai, phản đối gay gắt. Sau đó, NXB Mỹ Thuật đã quyết định tạm ngừng phát hành cuốn sách để thẩm định nội dung. Tuy vậy, vấn đề mà cuốn sách đặt ra vẫn tiếp tục gây nên những tranh luận không dứt…

Bìa sách “Sát thủ đầu mưng mủ”

Sau một thời gian dài lắng nghe những ý kiến đóng góp của bạn đọc, từ giới báo chí và đặc biệt là từ Tọa đàm “Ngôn ngữ giới trẻ thời @” tổ chức ngày 29. 3. 2012 do Trung tâm Văn hóa Pháp và Công ty Nhã Nam phối hợp thực hiện, cũng như từ những góp ý trực tiếp của một số chuyên gia ngôn ngữ, giáo dục; nhóm tác giả cùng đơn vị xuất bản đã rà soát lại toàn bộ danh mục các thành ngữ có minh hoạ của Sát thủ đầu mưng mủ trước kia, loại bỏ một số thành ngữ gây nhiều phản ứng hoặc ít nhất là gây nên sự suy diễn hiểu lầm không đáng có và thay thế bằng một số thành ngữ mới cùng minh họa mang tính hài hước, vui vẻ… Tên của cuốn sách cũng được thay đổi để phù hợp với nội dung hơn. Đặc biệt, đầu sách có lời giới thiệu tương đối đầy đủ, phân tích rõ ràng cụ thể của Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Văn Tình, một chuyên gia về ngôn ngữ, hiện là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Từ điển học. Tại bìa 4, cuốn sách cũng được bổ sung thêm các lời nhận xét – dưới dạng tối giản – của Giáo sư Văn Như Cương, Giáo sư Tiến sĩ ngôn ngữ học Hoàng Dũng và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.

Về mặt nội dung, sau khi đã có một độ lùi cần thiết về thời gian (gần 3 năm) cuốn sách đã được biên tập lại, kể cả chỉnh sửa nét vẽ, đã được thẩm định và tái thẩm định và được tiến hành xuất bản theo đúng quy trình tại Nhà xuất bản Văn học. 

.


Phê như con tê tê
là một cuốn sách tập hợp kèm minh họa bằng tranh những thành ngữ, tục ngữ hoặc “câu cửa miệng” mới mà thoạt đầu là giới trẻ, và giờ đây là có không ít người lớn tuổi đã sử dụng một cách thông dụng, thoải mái, vui vẻ… trong sinh hoạt thường nhật. Vì thế, theo ý kiến nhiều chuyên gia, xét về bản chất, Phê như con tê tê là một cuốn sách sưu tầm văn hóa dân gian, giống như các cuốn sưu tầm tục ngữ phong dao mà các học giả xưa đã thực hiện. Nếu ngày xưa, các tác giả như Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Vũ Ngọc Phan… không mạnh dạn sưu tầm các lối ăn nói dân chúng, câu cửa miệng của dân gian, kể cả những trường hợp tục tĩu, thô ráp… thì bây giờ kho tàng những tục ngữ, thành ngữ, câu đố… dân gian Việt Nam khó mà có thể trở nên phong phú, đa dạng như hiện nay. Do vậy, với cách làm này, Sát thủ đầu mưng mủ, nay là Phê như con tê tê cũng đã được sự ủng hộ của nhiều nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian…

.

Trong mỗi thời kỳ, cùng với sự phát triển của xã hội, ngôn ngữ luôn có những sự biến đổi nhất định. Trong tình hình hiện nay, ngôn ngữ của giới trẻ có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thay đổi đó. Đó có thể là những từ “lóng”, những “câu cửa miệng” rất vần, những lối nói “giễu nhại”… Hiện tượng này, theo nhiều chuyên gia, vừa thể hiện sự biến đổi của ngôn ngữ, đồng thời cũng phản ánh cách nhìn nhận đánh giá, tâm thế xã hội của một bộ phận không nhỏ giới trẻ thông qua cách sử dụng từ ngữ. Những điều đó, dù có phù hợp hay không phù hợp, đều không thể phủ nhận sạch trơn, mà cần được ghi nhận. Rồi sau đó, cùng với thời gian, những gì không phù hợp sẽ bị đào thải. Những điều phù hợp sẽ được thừa nhận, dung nạp vào làm giàu hơn vốn ngôn ngữ của người Việt.

.

 
C. Nhận xét về cuốn sách

“Việc xới lên một mảng ngôn từ giới trẻ để làm sáng rõ hơn bức tranh ngôn ngữ tiếng Việt là cần thiết và tiếp tục cần thiết. Tiếng Việt sẽ phong phú thêm, giàu thêm, đẹp thêm chính từ những chắt lọc, bồi đắp ngôn từ theo dòng chảy lịch sử. Cuốn sách này là một sự mở đầu cho việc khai thác mảng từ ngữ đó. Đó chính là một thành công với người làm sách mà chúng ta cần phải trân trọng”.

PGS.TS. Phạm Văn Tình, Ủy viên BCH Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Phó Tổng biên tập tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư

.

 
“Giới trẻ có cách ăn nói tếu táo của họ, sao lại bắt họ phải nghiêm chỉnh mới cho là hay? Còn chuyện lệch về đạo đức thì không đến nỗi như thế… Giới trẻ muốn khẳng định mình và ở đây là khẳng định bằng ngôn ngữ của riêng họ…”

PGS.TS ngôn ngữ học Hoàng Dũng

.

“… ngôn ngữ truyền thông đại chúng của Việt Nam đặc biệt phát triển. Tôi nghĩ cần có những người sưu tầm giới thiệu những từ ngữ mới… Việc sưu tập lại các thành ngữ mà hiện nay giới trẻ đang sử dụng trong ngôn ngữ đời sống hằng ngày của họ, như tập sách này là rất đáng cổ vũ.”

GS.TS ngôn ngữ học Phạm Ðức Dương

.

“… dăm năm nữa, cuốn sách này chính là một tài liệu giúp tìm hiểu ngôn ngữ đường phố, ngôn ngữ thành thị một thời của lứa tuổi trẻ, khi mà những câu nói được ghi lại trong đó đã không còn được dùng nữa.”

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

*

Thông tin về sách: PHÊ NHƯ CON TÊ TÊ

Tác giả: Thành Phong
Đơn vị xuất bản: Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam – NXB Văn học
Số trang: 120
Kích thước: 15.5 x 15.5 cm
Giá bìa: 54.000 VNĐ

 

*

Bài liên quan:

– Nghèo cũng phải cho Tèo đi học 
– Bé lợn, lớn bò
 
– Rất nhiều “bảo kê” cho PHÊ NHƯ CON TÊ TÊ

Ý kiến - Thảo luận

19:39 Wednesday,27.3.2013 Đăng bởi:  hieniemic
Vấn đề nào lên sàn mà chẳng có ý kiến đối nghịch này nọ. Lấy ví dụ thuyết tiến hóa của Darwin tới tận bây giờ ngoài một đống người bê lên bàn thờ lạy lục như sấm truyền còn có một lực lượng cũng hùng hậu không kém đi bài bác, bảo là không CHÂN T
...xem tiếp
19:39 Wednesday,27.3.2013 Đăng bởi:  hieniemic
Vấn đề nào lên sàn mà chẳng có ý kiến đối nghịch này nọ. Lấy ví dụ thuyết tiến hóa của Darwin tới tận bây giờ ngoài một đống người bê lên bàn thờ lạy lục như sấm truyền còn có một lực lượng cũng hùng hậu không kém đi bài bác, bảo là không CHÂN THIỆN MỸ, hạ nhục loài người này nọ mà. Ngoài ra, còn cả một lực lượng thứ ba xem xét nó như một vấn đề mang tính khoa học, coi nó như một cách lý giải, tìm cách phát triển chỗ đúng và khắc phục chỗ sai.
Ở đây cũng vậy. Lần trước cuốn sách chưa có ai chống lưng nên bị bâu vào ném đá không biết đường nào mà đỡ. Lần này đã có bảo kê nhưng chắc chắn vẫn sẽ có người mắng. Dù gì thì nó cũng là 1 cuốn sách ghi chép lại những gì đang diễn ra hiện giờ, sao không nhìn nó dưới góc độ đó, gán cho nó những điều khác vào để làm gì? 
Nếu không thích nhìn theo kiểu đó, thực ra vẫn có thể xem cuốn sách này như một cuốn sách kiểu truyện cười giải trí vậy, vẫn hay hơn cả đống mấy tờ báo tuổi trẻ cười đang ngày càng xàm. 
11:10 Wednesday,27.3.2013 Đăng bởi:  Nhà báo bổ sung ý kiến cho Gừng.

Ai cũng biết văn hóa là tiếp và sáng. Có nghĩa là tiếp thu tinh hoa của các cụ, ông cha nhà ta, đồng thời sáng tạo làm giàu thêm văn hóa. Nhưng dù tiếp thu hay sáng tạo đều phải tuân theo ba yếu tố đó là: Chân, Thiện, Mỹ. Không phải cái gì của ông cha ta cũng
...xem tiếp

11:10 Wednesday,27.3.2013 Đăng bởi:  Nhà báo bổ sung ý kiến cho Gừng.

Ai cũng biết văn hóa là tiếp và sáng. Có nghĩa là tiếp thu tinh hoa của các cụ, ông cha nhà ta, đồng thời sáng tạo làm giàu thêm văn hóa. Nhưng dù tiếp thu hay sáng tạo đều phải tuân theo ba yếu tố đó là: Chân, Thiện, Mỹ. Không phải cái gì của ông cha ta cũng hay, cũng hợp thời đại, không phải cái gì của lớp con cháu cũng là văn minh, đặc biệt là ngôn ngữ. Mà các bạn biết đó, sức mạnh của ngôn ngữ thì quá mạnh, không được sự kiểm duyệt khắt khe của những nhà kiểm duyệt minh quang thì vô hình chung đẩy lớp trẻ trở thành bát nháo, sấc xược, láo toét. Công nhận một sáng kiến nào đó, đặc biệt lá sáng kiến văn hóa (vì nó có sức mạnh ảnh hưởng tới tương lai) cần phải thật sáng suốt, không được để tình trạng bụng ăn quá no, tinh thần mệt mỏi (vì căng da bụng, trùng da mắt mà) uể oải sinh khí rồi thì cứ gật đầu bừa và ký đại là công nhận. Đôi khi vài giáo sư, vài tổ chức, vài tiếng vỗ tay thay cho pháo cũng chưa thể là đại diện sáng suốt công nhận cho một vài sáng kiến (vì vỗ tay không có xác, đốt pháo xong thì có xác pháo làm vật chứng) . Thời trẻ có nhiều người có những sáng kiến lúc đó cảm thấy hay, sáng tạo, nhưng qua thời gian kiểm nghiệm của xa hội, của bản thân, cộng với sự chín chắn của người sáng "CHẾ" ra nó nhận ra một điều thật là lố bịch, kệch cỡm. Có một giáo viên trương đại học ngoại ngữ ĐHQG Thanh Xuân Hà Nội nói: "Tuổi trẻ là táo bạo mạnh mẽ nhưng đi kèm với nó là ngông cuồng bồng bột. Tuổi già là chín chắn nhưng đi kèm với nó là nhút nhát sợ sệt". _ nguyên văn. Lớp trẻ bây giờ hay nói những câu ví dụ như thế này: Kệch con nhà bà cỡm. Mĩ con nhà bà mãn, Oách sờ lách,.... Đó là văn hóa chân thiện mỹ ư? , có chăng đó chỉ là văn hóa kiểu như mớ rau con cá, củ khoai, răm củ tỏi hành, mớ rau muống chưa được vệ sinh bày ở cái mẹt, trải tấm linon ra bày ở chợ. Chứ tuyệt nhiên không thể tiệt trùng đóng gói bao bì để bán trong siêu thị được, mà tương lai chúng ta hướng tới siêu thị mà.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hợp thể nói về hợp thể

Phan Phương Đông

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả