Nghệ sĩ Việt Nam

“Một hành tinh”: không như lời rao 09. 07. 13 - 7:34 am

Trịnh Lữ

MỘT HÀNH TINH
Sắp đặt của Nguyễn Mạnh Hùng
Khai mạc: 18h30, thứ Bảy, ngày 6. 7. 2013
tại manzi art space, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội
Kéo dài tới 28. 7. 2013

Mô hình nhà tập thể trong “Một hành tinh”


Một Hành tinh – One Planet
, hóa ra không được như lời rao của Arlette Quỳnh Anh Trần. Vẫn là hai mô típ: nhà tập thể tầu bay phản lực chiến đấu đi chợ như trong các tranh được biết đến từ trước đến giờ của tác giả. Nhưng bây giờ là mô hình. Mới vào là một mô hình tầu bay phản lực đi chợ, một cái thôi. Lên gác là một mô hình nhà tập thể, mà chỉ là mặt sau khu nhà, tỉ mỉ chi tiết còn hơn cả trong tranh, nóc nhà chất các bao tải như bao cát chống lụt. Không hiểu sao hai mô hình ấy lại có thể là “một hành tinh”, rồi hành tinh ấy lại có thể là cả quá khứ lẫn hiện tại của Việt Nam? Chả nhẽ cái nhà là biểu tượng của cuộc sống Việt Nam trong quá khứ? Còn cái tầu bay đi chợ là biểu tượng của Việt Nam đang cuống quít mơ phải bay tới tương lai bằng tầu bay phản lực chiến đấu, mà chỉ để đi chợ mua ít rau quả tòm tem?

Mô hình máy bay trong “Một hành tinh”

Còn có một bức tranh nữa vẽ theo lối “tranh bờ hồ” của Tây, được giới thiệu bằng tiếng tây là tranh “mauvais gout” chứ không dùng tiếng Anh “kitsch” hay “kitschy”. Cả cái khung cũng cố tình chọn kiểu khung cho “tranh Bờ Hồ”. Hai người trong tranh chắc là tác giả tự họa, vì tên tranh là “Ta đã đến đây”. Chắc bức tranh muốn nói rằng “ta thấy cái nơi ta sinh ra ở thế giới này như thế đấy – nó chỉ thế thôi, thì ta cũng chỉ thế thôi”. Cái tên tranh bảo là “đã đến”, khiến người xem nghĩ thầm vậy thì chắc bây giờ tác giả đã đi chỗ khác rồi, không phải ở trong cái cảnh trí toàn những thị hiếu thấp kém này nữa.

.

Đứng mãi trước cái mô hình nhà tập thể mà cũng không thấy có một cảm xúc gì. Nó không có những yếu tố có thể gây nên được một “siêu thực” với những ám ảnh xúc động, khiến mình nghi ngờ ngay cả đến nguồn cảm hứng của tác giả. Hễ đã không có cảm xúc, thì không thể gợi đến những ý nghĩ gì về tác phẩm. Thấy tiếc, vì nếu mô-típ “nhà” thực sự là một ám ảnh của tác giả, thì những hình hài mà anh sáng tạo ra để giải tỏa cái ám ảnh rất riêng tư và phần nhiều vô thức ấy sẽ rất xúc động và ám ảnh với người thưởng ngoạn, vì “nhà” là một biểu tượng lâu đời và mạnh mẽ nhất về khao khát được trở về lòng mẹ, được che chở, được an toàn và yên bình. Cả cái mô-típ “bay” nữa, biểu tượng của hoài bão và mơ ước, cũng có sức lay động mạnh mẽ biết bao. Có cảm giác tác giả không sáng tạo vì những thôi thúc riêng tư, mà tự đặt cho mình một sứ mệnh thay mặt xã hội hoặc cộng đồng thế nào đó. Chắc vì thế mà lời giới thiệu mới nhấn mạnh rằng tác giả đã mang lại cả một hành tinh, mà là “one planet” – chứ không phải “a planet”, nhưng lại với thái độ như đang coi cái hành tinh ấy là một thứ “mauvais gout”, chỉ là nơi mình đã đến chứ chả dính dáng gì đến mình.

Chắc vì thế mà Một hành tinh-One Planet lại chỉ là thêm một hai “tuyên bố” đã quen thuộc nữa vào trong không gian nghệ thuật hiện giờ, vốn đã không rộng rãi gì mà còn đang chật ních những tuyên bố tương tự.

Nguyễn Mạnh Hùng trong triển lãm tại Manzi

 

Chi tiết của mô hình

 

.

 

Bài liên quan:

– Nguyễn Mạnh Hùng đem về Hà Nội một hành tinh
– Một hành tinh của Nguyễn Mạnh Hùng
– Lên đến thiên đường vẫn phải sống chung cư?

– Chung sống trên thiên đường: Đẹp, hay, nhưng hơi tiếc…
– Nguyễn Mạnh Hùng: Sinh ra từ khu tập thể
– Một hành tinh: không như l
ời rao

Ý kiến - Thảo luận

11:19 Wednesday,10.7.2013 Đăng bởi:  madam
Em đã xem triển lãm này hồi bày trong Sài Gòn, chắc đợt tới mà ra Hà Nội kịp trước khi hết thì sẽ lại đi xem nữa. Cách đây mấy năm em có xem triển lãm tranh của anh Hùng cũng đã thấy rất thích rồi, thích cái câu chuyện anh ấy kể và thích cách anh ấy diễn đạt n&
...xem tiếp
11:19 Wednesday,10.7.2013 Đăng bởi:  madam
Em đã xem triển lãm này hồi bày trong Sài Gòn, chắc đợt tới mà ra Hà Nội kịp trước khi hết thì sẽ lại đi xem nữa. Cách đây mấy năm em có xem triển lãm tranh của anh Hùng cũng đã thấy rất thích rồi, thích cái câu chuyện anh ấy kể và thích cách anh ấy diễn đạt nó ra. Giờ anh ấy làm mô hình còn đẹp hơn, kỹ hơn nữa nên lại càng thích.Thật lòng mà nói rất ít tác phẩm của các nghệ sỹ đương đại bây giờ làm em có nhiều cảm xúc như thế. Hồi triển lãm trong Quỳnh, tranh và mô hình tổng cộng được 4 hay 5 món lọt thỏm trong không gian cực kỳ đơn giản nhưng đối với em lại có tạo ấn tượng mạnh vì sự rời rạc của nó. Đi qua mỗi một tác phẩm lại có một độ hẫng như nhẩy từ cảnh này qua cảnh khác như trong lúc mình mơ ấy :)). Cũng chẳng biêt tả thế nào nhưng cái bức " Ta đã ở đây" lúc xem và đọc thuyết minh làm em suýt khóc, kiểu như đó xộc thẳng vào tâm trí mình ấy, chả biết tại sao. 
18:56 Tuesday,9.7.2013 Đăng bởi:  IQ ABC
@Sương: Đó là cảm giác cá nhân khi đọc xong bài của bác Trịnh Lữ nên nhận xét vậy. Đúng là mỗi người một cảm nhận và một quan điểm. Cá nhân em cũng thế, cũng có chút suy nghĩ riêng về triển lãm cũng như với bài viết này: cứ thấy nó ép ép sao ấy. Nên c
...xem tiếp
18:56 Tuesday,9.7.2013 Đăng bởi:  IQ ABC
@Sương: Đó là cảm giác cá nhân khi đọc xong bài của bác Trịnh Lữ nên nhận xét vậy. Đúng là mỗi người một cảm nhận và một quan điểm. Cá nhân em cũng thế, cũng có chút suy nghĩ riêng về triển lãm cũng như với bài viết này: cứ thấy nó ép ép sao ấy. Nên comment vài dòng như là ủng hộ, cảm ơn bài của bác Lữ (dù khác quan điểm với bác ý ) :) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả