Nghệ sĩ Việt Nam

Kể cả một nồi súp cũng cần có
phong cách 26. 08. 10 - 8:58 am

Họa sĩ Trần Lương

(SOI – Sau hội thảo tại triển lãm Qua Phố Nhớ Gì, Soi đã có cuộc trò chuyện họa sĩ Trần Lương để hiểu rõ hơn những gì anh phát biểu tại hội thảo. Sau đây là những ý kiến thẳng thắn và xây dựng của họa sĩ.)  

Một góc triển lãm Qua Phố Nhớ Gì

*

Thưa họa sĩ Trần Lương, những phát biểu của anh trong hội thảo rất thẳng thắn, nhưng được biết anh có chân trong ban giám đốc quỹ CDEF là quỹ tài trợ chính cho dự án này. Vì sao anh ủng hộ dự án này?
 
Tôi quan tâm đến hiện trạng vật chất và con người của phố cổ.
Vât chất thì đã đổi thay không cưỡng lại được rồi: nguyên liệu và công nghệ đã thay đổi. Thị trường (hàng hóa) đã quốc tế hóa, phố cổ không chỉ bán hàng địa phương nữa. Diện tích sống của một người giảm đi nhiều lần. Các biến cố xã hội và kinh tế đã bóp chết hoặc biến thể các làng nghề gốc ở các tỉnh lân cận (nơi sinh ra các phố HÀNG).
Còn về con người: đó là sự thay đổi của nhu cầu sử dụng của người dùng. Sự tác động của nhịp sống nhanh. Sự khác biệt giữa trước kia cơ bản là “sống” trong phố cổ (bao gồm sự thưởng thức và luôn duy mỹ), còn nay đơn giản chỉ là tồn tại trong phố cổ…
 

Tức đây là một dự án liên quan đến điều anh quan tâm? Phục hồi phố cổ và linh hồn của nó?
 
Việc phục hồi phố cổ dường như là không thể (mặc dù ở một số nước vẫn làm được – như ở Hàng Châu chẳng hạn – nhưng với một tầm nhìn và mục đích dài hơi khác ở ta). Điều thiết thực hiện nay cần làm là – bằng các dự án nghệ thuật và phát triển cộng đồng – có thể nhắc nhở lịch sử phát triển của phố cổ một cách mềm mại, phù hợp, hòa vào với hiện trạng và bằng ngôn ngữ vật liệu của ngày hôm nay.


Ví dụ như…

Như làm những bảng tên phố chẳng hạn (mà gợi ý rập khuôn bát bửu ta thấy ở triển lãm là không ổn). Bảng tên phố nên đủ khái quát và đơn giản để dễ nhận ra nội dung mà dự án muốn chuyển tải về phố đó. Vẫn có đặc điểm địa phương nhưng không thể chõi ra, lạc lõng như vừa bê từ trong đền chùa ra đường. Làm sao vẫn hòa hợp được với chữ latin, với bảng ký hiệu giao thông, và với sự loạn sắc của phố cổ thời học làm kinh tế thị trường.

Bát Bửu trong tác phẩm Dâng Nguyện Ước của họa sĩ Trần Hậu Yên Thế

Và còn gì lớn hơn không ạ?
 
Hơn thế nữa, cần có phố đi bộ thực sự, ở đó có các họat động văn hóa chứ không chỉ bán đồ tàu rẻ tiền như Hàng Ngang, Hàng Đào hiện nay. Chí ít thì cũng phải như thời cổ ở cả Đông, Tây: có diễn xiếc, mãi võ, nặn tò he, bói toán các loại, vẽ chân dung, bốc thuốc khám bệnh, xe biểu diễn kịch hát hay múa rối một người, các trò chơi có thưởng, chiếu-hề-chèo, chọi chim chọi cá chọi gà, các bức tường cho tranh tường và cho quảng cáo, và cuối cùng mới là bán đồ lưu niệm và thức ăn…
Ngoài những hoạt động xưa như trái đất này, phải có các dự án nghệ thuật tương tác ở nơi công cộng để đánh thức sự quan tâm và tình yêu di sản, để thu được ý kiến và đóng góp của dân địa phương và khách du lịch.

 
Theo anh thì dùng kinh phí đâu để làm những việc này, nghe chừng đó việc đã thấy dài hơi và tốn tiền…
 
Lâu dài có thể phải dùng các nguồn thu và thuế để lập quỹ: quỹ này sẽ từng bước tái phục dựng nhà phố cổ và các hoạt động tu bổ khác, cùng lúc phải cải tạo quan trí địa phương, dẫn đến sửa luật di sản cho chi tiết và thực hiện cho nghiêm (như khu phố cổ 300 tuổi ở Amsterdam, ai muốn sơn sửa nhà đều phải đưa hội đồng quản lí nhà thành phố duyệt, lớn là về thiết kế, nhỏ là về loại gạch đến màu sơn). 


Có thể hiểu Qua Phố Nhớ Gì là một triển lãm hoa tiêu cho cả một dự án dài nhằm giúp người ta tập họp lại dần ký ức phố cổ?

Đúng đấy ạ! Và phát triển phố cổ theo hướng tích cực, có văn hóa nữa chứ! Ý đồ của dự án Qua phố nhớ gì rất tốt. Nhưng triển lãm và những gì ban đầu của dự án thì chưa dùng được gì. Còn ai khen tổng thể triển lãm đẹp thì tôi hơi choáng! Nó lộn xộn và mỏng manh quá. Có những tác phẩm hay trong triển lãm, nhưng tinh thần chung thì ngay kể cả một nồi súp cũng cần có phong cách chứ! Yếu tố thẩm mỹ thị giác phải là trung tâm và quan trọng nhất trong một dự án mỹ thuật.

Tác phẩm Hàng Mã trong triển lãm


Và anh là người đã rất thẳng thắn nói về sự “rối rít” này của triển lãm…

 Tôi đã và sẽ ủng hộ cả dự án, nhưng mong các bạn làm tiếp, đẩy sâu hơn và và làm được cái gì xảy ra được ở ngoài phố thì hay nhỉ?

 

Được biết anh là người quan tâm đến Hà Nội nhưng không chỉ “đông lại” với giai đoạn “cổ” của phố…

Tôi không có cảm giác tiếc phố cổ mấy, vì nó đã trải qua một quá trình dài thoái hóa chân thực! (Cũng có thể do tôi sinh ra trong thời đại phá là chính, hay phố cổ vẫn mãi trong ký ức cũng không biết nữa).
Nhưng tôi rất tiếc các kiến trúc nhà máy cổ, nhà ga, khu tập thể của thực dân, của đông Âu giúp xây (có thể vì tôi luôn mơ những chỗ này được chuyển đổi thành các trung tâm văn hoá và bảo tàng như ở các nước khác):  Đó là nhà máy điện, nhà máy rượu Hà Nội, cơ khí Trần Hưng Đạo, cơ khí Mai Động, tập thể Giảng Võ… Rồi những dãy phố kệch cỡm nhưng rất đáng yêu của thời sực tỉnh những năm 80, 90: pha trộn củ hành hồi giáo, ban công phồng kiểu Pháp, ngói vảy cá cùng trang trí rồng phượng Á Đông bên cạnh nhôm kính kiểu Mỹ… Chúng đang xếp hàng ra đi hết rồi… để thay bằng khách sạn, tổ hợp chung cư cao cấp! Cái chết của các di sản này là do bị xử bởi một nhóm nhỏ tham lam, dốt nát và vị kỷ! Ông Phan Cẩm Thượng mắng nhiếc là đúng lắm!

 

Thực là một ý kiến hay. Hà Nội còn bao nhiêu tầng đời sống, của biết bao thời kỳ đặc biệt, khác biệt… Chỉ phục hồi mỗi giai đoạn phố cổ, có nghĩa là “tẩy” hết những lớp kia sao…  Cảm ơn anh. 

Một góc triển lãm với hai thợ thêu Thùy và Mị của làng nghề

  *       

(CDEF: cultural development & exchange fund: quỹ phát triển và trao đổi văn hoá Đan Mạch – Việt Nam, đơn vị tài trợ chính cho dự án này.)

*

Bài liên quan:

Kể cả một nồi súp cũng cần có phong cách
Thiện ý, nhưng cũ kỹ và lộn xộn

 

Ý kiến - Thảo luận

0:54 Saturday,28.8.2010 Đăng bởi:  Lê Hà
Anh Lương trả lời hay quá!
...xem tiếp
0:54 Saturday,28.8.2010 Đăng bởi:  Lê Hà
Anh Lương trả lời hay quá! 
13:31 Thursday,26.8.2010 Đăng bởi:  Vu Hoang Cuong
Vấn đề là quan trí, là "quan tâm", chứ trí với tâm thế này, động đến khôi phục ở đâu là thành phá hết thôi à.
...xem tiếp
13:31 Thursday,26.8.2010 Đăng bởi:  Vu Hoang Cuong
Vấn đề là quan trí, là "quan tâm", chứ trí với tâm thế này, động đến khôi phục ở đâu là thành phá hết thôi à. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả