QUA PHỐ NHỚ GÌ: Thiện ý, nhưng cũ kỹ và lộn xộn
25. 08. 10 - 3:06 pm
Người xem HN
Qua phố nhớ gì? là tiêu đề của triển lãm mỹ thuật đương đại được trưng bày tại Vietart Center, số 42 Yết Kiêu – Hà Nội từ ngày 13 đến 19 tháng 8 vừa rồi. Triển lãm đã được kết thúc bằng một hội thảo khoa học.
Vẫn trong chuỗi sự kiện để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long, đây là một đề tài cũ nhưng vẫn là khá nóng vì được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: những vấn đề từ việc bảo tồn di sản phố cổ Hà Nội, triển lãm được đặt ra với tiêu chí mang tính phản biện xã hội và tiến tới tương tác với cộng đồng. Có lẽ với một dự án nhắm đích quy mô như vậy nên đợt trưng bày lần này quy tụ được khá nhiều các tên tuổi quen thuộc và nổi tiếng trong giới học thuật: PGS. TS. Nguyễn Văn Huy – Nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (cố vấn), ông Dương Trung Quốc – Tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay, ông Nguyễn Quân – Nhà phê bình nghệ thuật. Họa sỹ Trần Hậu Yên Thế, giảng viên trường đại học Mỹ thuật là chủ nhiệm đề tài.
Xin điểm qua một chút các “hạng mục” chính của triển lãm.
Chính giữa phòng, một bức pano lớn chụp tượng đài vua Lý Thái Tổ và được đặt lên tiền cảnh những hình cây bát bửu (tám vật linh) thường được đặt trong các đền thờ. Đây là tác phẩm của họa sỹ Trần Hậu Yên Thế với tiêu đề Dâng Nguyện Ước: ý tưởng của họa sỹ là thay bằng những vật linh theo truyền thống bằng những hình biểu tượng cho những nghề của 36 phố phường Hà Nội xưa. Và như thế, hàng Hành sẽ có củ hành, Hàng Cháo sẽ có tô cháo, hàng Điếu… và hàng Vôi sẽ có cái bình vôi làm biểu tượng vv…
Toàn bộ mặt chính diện của triển lãm là không gian được dành cho nhóm 36 phố.vn trình bày có tên: Phố Hàng Mã. Ở đây các sản phẩm hàng mã (các đồ dùng dành cho những người ở thế giới bên kia) được trình bày cùng với một bộ phim tài liệu nhân học về nghề làm mã ở phố Hàng Mã.
Bên trái phòng triển lãm là nơi trưng bày những bức tranh thêu của hai chị em Trần Thị Thùy và Trần Thị Mỵ đến từ làng Khoái Câu, Thường Tín. Nơi có những làng nghề thêu tài hoa. Hai chị em đặt khung thêu ở tại phòng triển lãm và sẵn sàng trả lời các câu hỏi về những câu chuyện đường kim, mũi chỉ thời kinh tế thị trường, về sự mất dần của các làng nghề.
Bên tay trái là phòng trưng bày tác phẩm của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Quốc Thành và họa sĩ Nguyễn Huy An. Nguyễn Quốc Thành dùng hình ảnh các cô gái mặc áo dài đầy vẻ lãng mạn trên những nền những căn nhà cổ đang biến đổi hàng ngày bởi làn sóng thương mại hóa. Tác phẩm có tên: Vô đề.
Tác phẩm của Nguyễn Huy An: Những con đường. Với những nắm chỉ dùng để đo chiều dài những con phố cũ trong hành trình nhiều ngày đi khắp 36 phố phường Hà Nội. Sản phẩm mang đến triển lãm là những nắm chỉ nhỏ bé được cất vào từng ô mang tên phố.: Hà Nội bé nhỏ và khiêm nhường biết bao. Đó là thông điệp của họa sỹ.
Chiếm hẳn một góc của phòng triển lãm là tác phẩm của Lê Trần Hậu Anh. Môt tác phẩm sắp đặt những đồ chơi trung thu truyền thống mà ngày càng ít dần bởi sự lấn át của các đồ chơi bằng plastic Một cố gắng tái tạo lại một đồ chơi xưa cũ với không gian chật hẹp của phố cổ. Tác phẩm có tên: Rằm Trung thu.
Xem một vòng triển lãm, có người nhận xét hay vì đây là một đề tài quen, cách làm cũng quen nốt, nên có vẻ nghệ sĩ không còn nghĩ nhiều về nó? thậm chí cẩu thả về chất liệu, về bố cục?… Riêng tôi không nghĩ thế. Rõ ràng các nghệ sĩ có tìm tòi, nhưng việc người xem thấy triển lãm là một thứ hổ lốn, không kết nối được các tác phẩm với nhau, có lẽ xuất phát từ chính sự lúng túng của người làm triển lãm trong việc tìm một hình thức thể hiện sao cho vừa có tính nghệ thuật, đương đại, vừa chuyển được “nhiệm vụ” là thông điệp về bảo tổn phố cổ Hà Nội. Nhiệm vụ “bất khả thi’, khiến phòng triển lãm trông giống như một phòng trưng bày sơ sài tại một hội chợ bên nước ngoài, với chủ đề Một thoáng Việt Nam và có bán đồ mỹ nghệ.
*
Tối ngày 18, một cuộc tọa đàm đã được tổ chức ngay tại phòng triển lãm, khá đông mọi người đến dự, ngoài thành phần chính còn thấy có mặt của nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, họa sỹ Đăng Thị Khuê, nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, kiến trúc sư Lý Trực Dũng, họa sỹ Trần Lương và khá đông giới báo chí.
Có lẽ điểm nổi trội nhất của triển lãm này là công tác tuyên truyền khá tốt, tập trung được rất nhiều những khuôn mặt có uy tín trong các giới: sử học, dân tộc học, mỹ thuật và kiến trúc. Trước và sau sau hôm khai mạc, đồng loạt các báo đều đưa tin: nhưng chỉ tiếc là khá giống nhau ở chỗ là đều dùng nội dung của thông cáo báo chí và biên tập lại, đặt lên trên, đặt xuống dưới..
Để mở đầu, nhà sử học, đai biểu quốc hội, nhà sử học DươngTrung Quốc mở đầu rằng có thể là ông vẫn tự cho mình không quá cổ hủ, nhưng khi thấy các bạn trẻ có ý tưởng về triển lãm này thì giật mình vì nghĩ mình đã bị bỏ một quãng xa – bị bỏ rơi… Ông nói với một giọng trầm ấm của một diễn giả chuyên nghiệp, với một sự dẫn dắt khá dài dòng, và cuối cùng ông cho người nghe có cảm giác về sự mất mát của một thời hoàng kim.
“Tôi được lớn lên trong khu phố cổ nên mình có may mắn được chứng kiến được cả những thay đổi, trong những cái thay đổi đó đương nhiên ta thấy có cái phát triển, có cải nảy nở, có cái mới mẻ và nhất là đời sống tiện nghi ngày càng tốt hơn nhưng quả thật là mình thấy mất mát quá nhiều”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng nói rất nhiều về những bức ảnh cũ, những ghi chép cũ của người Pháp để lại… như một tư liệu quý. Thế nhưng chúng ta sẽ làm gì với những tư liệu ấy thì ông chưa có gợi ý gì cụ thể. Hay là cất đấy thỉnh thoảng mở ra xem như một thời để nhớ chăng.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, nhà sử học Dương Trung Quốc và PGS. TS Nguyễn Văn Huy
Với PGS Nguyễn Văn Huy, triển lãm đã khiến ông muốn nói về lĩnh vực mà ông nghiên cứu. Hơi khác với nhà sử học Dương Trung Quốc chỉ tiếc nuối một không gian phố cổ lãng mạn, theo ông, thông điệp của triển lãm vẫn tập trung nhiều hơn đến không gian phổ cổ và những con người đã và đang sống ở đó: “Cái phố và cái đời, ta phải hiểu đó là sự liên quan. Phải chăng đấy chính là bản chất trong thông điệp của người tạo ra cuộc triển lãm này? Những đời, những phố… đấy chính là thông điệp. Chủ đề của cuộc tọa đàm hôm nay nói về ký ức thành phố, ký ức di sản. Mỗi người có ký ức khác nhau, ký ức rất riêng của mình, nếu làm thế nào mà mọi ký ức thành giống nhau, thành cái nhất thể là rất nguy hiểm. Chỉ nên tạo những ký ức đa dạng qua ký ức riêng mỗi người. Người làm lịch sử thì nhớ về những gì mang tính lịch sử, nhà nghệ thuật thì nhờ về những cái gì mang tính nghệ thuật, người thì nhớ về văn hóa tinh thần, người thì nhớ về văn hóa vật chất..”
Ông gợi ý nên tìm lại kí ức của những nghề xưa của những người dân sống trên phố nghề. Một gợi ý hay, chỉ không hiểu còn được bao nhiêu người dân gốc trong các phố nghề thực sự, khi Hà Nội trải qua bao cuộc xáo trộn, bể dâu từ giữa thế kỉ 20 đến giờ. Về ký ức đương đại của phố Hà Nội, giáo sư Nguyễn Văn Huy đưa ra một hướng hay cho các nhà xã hội học: “Một ngôi nhà ống ở các khu phố cổ chẳng hạn, cả chục hộ sinh sống, người ta tự đoàn kết với nhau. Hãy xem những vấn đề người ta phải giải quyết với nhau như thế nào, đấy chính là tính văn hóa đương đại, ít nhất là trong khoảng thời gian 50 – 60 năm nay người ta đã cùng sống ở đấy. Với 50 – 60 năm đó người ta có được loại ký ức gì?”.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân đứng lên phát biểu. Ông hết lời ca ngợi sự thành công của triển lãm và gây ra ngạc nhiên trong cử tọa, vì ông vốn là một nhà phê bình mỹ thuật vốn kiệm lời.
Ông nói: “Tôi đã đi xem nhiều triển lãm đương đại, nhưng trong triển lãm này có nhiều cái tôi thích. Thứ nhất, qua các tác phẩm, ngôn ngữ đương đại tương đối nhuần nhuyễn, không phải là gây shock, gây tò mò mà là gây được cảm thức mà nghệ thuật đương đại, thứ mà cách đây vài năm hơi yếu. Tôi nói ví dụ cái sợi chỉ mong manh của quá khứ, của đời sống của con người trong tác phẩm của anh Nguyễn Huy An, đã gây ra một sự tội nghiệp, nó gây ra một xúc cảm về vấn đề đô thị. Hoặc những bức ảnh của anh Thành là sự cười nhạo về sự hời hợt của mọi người nhìn về Hà Nội. Chúng ta vác phố cổ ra khoe, vác áo dài ra khoe, nhưng thực ra Hà Nội đâu phải như thế: những thứ đó giếu nhại sự hời hợt. Thế rồi đời sống ở hàng mã, đó là đời sống ảo, nhưng đó là một phần của đời sống thật, đẻ ra cho tới khi chết , rồi chết rồi mà vẫn muốn sống với những đô vật khi sống.”
Rồi ông ca ngợi sự tương tác và giáo dục trong các triển lãm đương đại khi biết là nhà tổ chức đã mời các cháu đến chơi và học trong không gian triển lãm. Tất nhiên, theo ông, cái này Tây nó làm lâu rồi, nhưng ở ta nay mới làm thì thế là rấ tốt. Ông mong là trong ngày đại lễ 1000 năm Thăng Long sẽ có những hình tượng “bát bửu phố nghề” được cắm trên phố. Có vài tiếng vỗ tay hưởng ứng.
Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng được mời phát biểu. (Đến đây máy ảnh người viết hết pin). Ông đính chính rằng ông hay viết về nông thôn nhưng thực ra ông là người sống ở Hà Nội từ bé, và là người phố cổ. Ý kiến của ông khá quyết liệt. Theo ông, người quy hoạch Hà Nội được gọi là có tầm nhìn thì chỉ có Lý Thái Tổ, còn chúng ta ngày nay đang phá và xây dựng lung tung:
“Không biết gì về địa lý, không biết gì về văn hóa, lịch sử và sự phát triển như thế nào, xây thế nào để về sau con cháu không còn được hưởng những cái thành tựu của ông Lý Công Uẩn... Mà bản thân Hà nội cũng xuất phát từ nông thôn mà dần dần lên thành phố, mỗi người từ nông thôn lên thành thị lại cải tiến thành thị theo cái kiểu nông thôn của mình, dẫn đến kết quả như ngày nay là trồng lên nhiều lớp văn hóa…Và tôi nghĩ rằng chúng ta không thể kế thừa kiểu đó…, thà cứ giữ nguyên thì may ra Hà Nội còn. Tôi nghĩ rằng đây là một thứ mà các anh chị làm nghệ thuật cần để ý, bởi vì sao, bởi vì người Việt Nam hay thay đổi và cứ thích chọc cái mới của mình vào cái cũ.”
Ông kết luận một cách chua chát về Hà Nội: “Thực ra ta thấy thành phố của chúng ta ngày càng đông người, không phải vì văn hóa , không phải vì chính trị … mà là người ta đến đây vì kinh tế, vì đến đây kiếm tiền dễ.”
Về triển lãm, ông nói một cách chí lí: “Hoan nghênh các họa sỹ đã làm nên triển lãm này và đó là cơ hội cho chúng ta có một buổi tọa đàm vui và có ý nghĩa, nhưng thật tiếc là các anh đặt đề tài rất to nhưng khai thác chưa được mỹ mãn lắm, còn đứng ở bên ngoài nhìn vào chứ chưa thực sự hiểu Hà Nội…”
Rồi rất bức xúc, ông quay lại nói với ông Dương Trung Quốc: “Có ông Dương Trung Quốc đây, mong ông về nói với Quốc hội là văn hóa Hà Nội đang suy đồi và lỗi cũng bởi chính các vị lãnh đạo không hiểu biết gì đến văn hóa đô thị.”
Và cuối cùng, họa sỹ Trần Lương được mời phát biểu: với giọng nói từ tốn và hấp dẫn, họa sỹ nhấn mạnh đến tính chuyên môn của triển lãm: “Dù các bạn có tìm đề tài kêu đến đâu, to đến đâu thì cuối cùng vẫn phải dùng yếu tố thẩm mỹ để bầy tỏ, theo tôi, triển lãm này yếu tố thẩm mỹ của nghệ thuật sắp đặt không đạt, nó sẽ giảm đi đáng kể thông điệp được truyền đạt.”
Mọi người quen nghe khen, nay sững sờ. Ông nói tiếp: “Triển lãm thiếu hẳn tính đương đại, và nó có thể bị nhầm với một triển lãm về dân tộc học. Tôi ví dụ như những những bát bửu phố nghề với cách thiết kế cũ kĩ như vậy mà được trưng ra phố, nó sẽ lọt thỏm vào không gian hỗn loạn của phố xá mà chả cón giá trị, đấy chính là thiếu tính đương đại.”
Quá hay và quá đúng, hội thảo dù có hay đến mấy thì cũng chỉ là một phần của triển lãm, cái tai nghe không thể thay cho cái mắt thấy. Thử không có hội thảo này thì người ta sẽ xem được gì ở triển lãm này nào? Hay hội thảo là một thứ chú thích trá hình và vĩ đại cho triển lãm?
Trong cuộc hội thảo, rất nhiều lần các diễn giả nhắc đến tính tương tác của dự án nghệ thuật này. Lân la ngồi nói chuyện với hai chị em Thùy và Mỵ ở làng thêu sau khi xem những bức tranh thêu của họ, thấy bức thêu được làm thật kì công, nhưng những đề tài được thể hiện vẫn cũ kĩ và nhàm chán.
Các cô thợ thêu cũng rất hiểu điều đó, và các bức tranh thêu của họ thật khó bán với giá cao. Dù yêu nghề đến đâu, nhiều người cũng không thể trụ mãi cái nghề này được. Làng nghề cứ teo tóp dần. Từ hôm ra ngồi ở triển lãm, nhiều người đến và hỏi han, nhưng phần lớn họ chỉ xuýt xoa: kì công nhỉ! Thế thôi. Khi được hỏi rằng triển lãm này đông họa sĩ đến xem, thế có ai gợi ý rằng sẽ giúp các làng thêu thiết kế những mẫu mới không? Bởi nếu có những mẫu mới thì có thể sản phẩm sẽ bán được với giá cao hơn? Hai cô thợ thêu lắc đầu. Dạ chưa. Thế nhưng anh ạ, Thùy nói, em vừa thi đỗ vào trường mỹ thuật công nghiệp. Em sẽ học để tự thiết kế lấy mẫu thêu của mình. Lòng tôi tự hỏi, khi đã thành họa sỹ (công nghiệp) rồi, không biết em có còn muốn quay lại với nghề thêu không. Quay lại với những thứ phải dụng công, hay lại đi làm sắp đặt rất dễ và rất nhanh nổi tiếng?
Cuối cùng, trong phòng triển lãm có treo hai cái áo mang biểu tượng của triển lãm: một người đi lộn ngược. Biểu tượng đó gợi nhớ đến hình ông già trong chai rượu Johnnie Walker nổi tiếng với câu khẳng định: “Tôi vẫn đi”. Ừ, biết là cũ kỹ nhưng vẫn đi.
tôi thấy anh Dương Zơi gì đó nói không đúng một chút nào về tác phẩm của anh Hậu Anh gì đó. Tôi đã đến xem cuộc triển lãm này. Anh Dương nói là không thấy video art đâu cả mà chỉ thấy ánh sáng lờ mờ như trong phòng karaoke là anh hoàn toàn không hiểu gì cả. Hệ thống video xen lẫn và lồng vào hình anh sắp đặt rất hay và chính cái ánh sáng mà anh bảo là karaoke đó l ...xem tiếp
19:33Saturday,11.9.2010Đăng bởi: thằng cuội
tôi thấy anh Dương Zơi gì đó nói không đúng một chút nào về tác phẩm của anh Hậu Anh gì đó. Tôi đã đến xem cuộc triển lãm này. Anh Dương nói là không thấy video art đâu cả mà chỉ thấy ánh sáng lờ mờ như trong phòng karaoke là anh hoàn toàn không hiểu gì cả. Hệ thống video xen lẫn và lồng vào hình anh sắp đặt rất hay và chính cái ánh sáng mà anh bảo là karaoke đó lại là mấu chốt cho tac phẩm, nó gợi về một thứ ánh của RẰM.
0:23Thursday,26.8.2010Đăng bởi: Dương
Cả triển lãm mình thấy thích mỗi bộ ảnh của bạn Thành Lukas. Mọi thứ trình bày dễ dãi quá. Cái góc bày đồ Hàng Mã, bày là cứ bày thôi, chả thấy có ý gì cả. Một diện tích lớn để dành cho cái bạn gì quây ri đô rồi treo đèn vào, đâu phải mang một it đồ ra sắp sắp đặt đặt nó vào là có thể gọi nó là sắp đặt đâu. Nhiều khi người ta dễ dãi quá đâm mang ...xem tiếp
0:23Thursday,26.8.2010Đăng bởi: Dương
Cả triển lãm mình thấy thích mỗi bộ ảnh của bạn Thành Lukas. Mọi thứ trình bày dễ dãi quá. Cái góc bày đồ Hàng Mã, bày là cứ bày thôi, chả thấy có ý gì cả. Một diện tích lớn để dành cho cái bạn gì quây ri đô rồi treo đèn vào, đâu phải mang một it đồ ra sắp sắp đặt đặt nó vào là có thể gọi nó là sắp đặt đâu. Nhiều khi người ta dễ dãi quá đâm mang tiếng những người làm sắp đặt. Tác giả đã viết "hay đi làm sắp đặt rất dễ..." , rồi sẽ nhiều người nữa nghĩ thế nếu các bác cứ làm ăn kiểu này... À mà sau mới biết thì ra cái anh bạn được nguyên một góc to của phòng triển lãm để quây ri đô là con bác Lê Anh Vân - sếp Tổng nơi bác Thế đang công tác ----. Sorry em nói thẳng.
...xem tiếp