Bàn luận

Lời thầy dạy có khi cũng thiếu logic 19. 10. 12 - 3:30 pm

Phó Đức Tùng - Nguyễn Đình Đăng - Nguyên Tánh

Gần đây trên Soi có một số tranh luận (trong phần cmt) về Phật giáo. Xét thấy nhiều họa sĩ ta cũng quan tâm đến tôn giáo này, và bản thân Soi cũng ú ớ về lãnh vực này, xin phép trích lại các cmt của mọi người để đưa thành bài, để mọi người dễ trao đổi.

Trước mắt Soi cứ cho vào phần Thảo Luận, về lâu dài, nếu đủ dày dặn, xin lập thành mục riêng. Tên các bài tách ra do Soi đặt.

Cũng mong mọi người cùng vào trao đổi theo tinh thần nhà Phật, ôn tồn, không quá phân quá biệt, và lấy mục đích tự mình vỡ vạc làm chính.

 

Trong cmt của bài Tôi không thấy tính thiền ở đây, tính vô ngã cũng vậy… họa sĩ NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG trích dẫn:

Đại thiền sư Nanpo Shōmyō (南浦紹明=Nam Phố Thiệu Minh) (1235 – 1309) nói về Thiền:

Có một thực tại trước cả trời và đất;
Nó không có hình thù, nói chi tới tên gọi;
Mắt không thấy được nó; nó không có tiếng để tai có thể nghe thấu;
Gọi nó là Tâm hay Phật thì sẽ phá vỡ chân tính của nó,
Bởi khi đó nó sẽ trở thành bông hoa hư ảo trong không trung;
Nó không phải Tâm hay Phật;
Tuyệt đối im lặng, mà vẫn toả sáng một cách kỳ bí;
Chỉ có con mắt sáng suốt mới nhận thức được nó;
Nó là Pháp đích thực vượt ra khỏi hình dạng và âm thanh;
Nó là Đạo không dính dáng gì tới lời nói.
Để mê hoặc những kẻ mù,
Đức Phật đã nhả ra những lời vàng ý ngọc,
Khiến trời và đất từ đó rối tinh như canh hẹ.
Hỡi các bạn quý mến của tôi có mặt tại đây,
Nếu các bạn muốn nghe giọng nói vang rền như sấm của Pháp,
Hãy trút hết lời, làm trống rỗng mọi ý nghĩ
Bởi khi đó bạn có thể sẽ nhận ra Nhất Bản Chất.
Đại Giám Huệ Năng nói: “Phật Pháp là thứ không thể thấu được chỉ bằng cảm tính con người.”

 

PHÓ ĐỨC TÙNG đối thoại

Anh Đăng, rảnh rỗi tranh luận tí nhé.

Rất có thể có những thứ không thể nói được, không thể cảm nhận bằng giác quan, mà phải bằng một cách trực tiếp nội tâm nào đó. Tuy nhiên, đã là không nói được thì không thể nói, còn những gì đã là lời nói thì phải tuân theo logic, đấy là giá trị của lời nói. Lời nói có thể không phải sự thật, mà chỉ dùng để hướng tới sự thật, như ngón tay chỉ mặt trăng, nhưng ngay cả như vậy nó cũng phải thuyết phục được người ta là nó đang chỉ mặt trăng chứ không phải chỉ vào đèn dầu, bởi vì rõ ràng nếu ngón tay chỉ mặt trăng thì rời ngón tay có thể thấy trăng, nhưng không phải cứ rời bất kỳ ngón tay nào cũng thấy được trăng. Em thấy những lời dạy anh trích có rất nhiều điểm đáng ngờ.

Về Đại thiền sư Nanpo Shōmyō (南浦紹明=Nam Phố Thiệu Minh) (1235 – 1309) nói về Thiền:
“Có một thực tại trước cả trời và đất;”
Nói như vậy là ông khẳng định có “một”, có “thực tại” “trước trời và đất”. Như vậy là đã có thể đếm được, xác thực được, định được thời gian.

“Nó không có hình thù, nói chi tới tên gọi”;
Đây lại là một bước xác định tiếp. Nhưng thế nào gọi là không hình thù? Tức là không có thuộc tính nội tại nào, hay không có ranh giới? Nếu không có thuộc tính, sao biết là “thực tại”?, nếu không có ranh giới, sao đếm được là “một”?

“Mắt không thấy được nó; nó không có tiếng để tai có thể nghe thấu”;
Điều này chưa có gì đặc biệt, thiếu gì thứ mắt không thấy được, tai không nghe được. Hay nói với kiến thức ngày nay thì mắt không thể thấy được, tai không thể nghe được bất kỳ thực tại nào.

“Gọi nó là Tâm hay Phật thì sẽ phá vỡ chân tính của nó,
Bởi khi đó nó sẽ trở thành bông hoa hư ảo trong không trung;
Nó không phải Tâm hay Phật”;
Đoạn trên chỉ giảng kỹ hơn chuyện nó không có tên.

“Tuyệt đối im lặng, mà vẫn tỏa sáng một cách kỳ bí”;
Thế nào là tuyệt đối im lặng? Làm sao sự tuyệt đối im lặng lại có thể tỏa sáng, tức là một động từ? Nghịch lý này lý giải thế nào?

“Chỉ có con mắt sáng suốt mới nhận thức được nó;
Nó là Pháp đích thực vượt ra khỏi hình dạng và âm thanh;
Nó là Đạo không dính dáng gì tới lời nói.
Để mê hoặc những kẻ mù,
Đức Phật đã nhả ra những lời vàng ý ngọc,
Khiến trời và đất từ đó rối tinh như canh hẹ.”
Điều này nghe có lý, nhưng thiền sư đã nói gì khác với lời vàng ý ngọc của Đức Phật? và điều gì cho phép hy vọng là sau khi nghe những lời trên của thiền sư, thế giới sẽ không rối như  canh hẹ?

“Hỡi các bạn quý mến của tôi có mặt tại đây,
Nếu các bạn muốn nghe giọng nói vang rền như sấm của Pháp”;
Ít ra ông Phật còn bỏ công giải thích tại sao cần giải thoát, còn nghe thiền sư nói, kiểu như nếu bạn tò mò thì ghé qua xem.

“Hãy trút hết lời, làm trống rỗng mọi ý nghĩ
Bởi khi đó bạn có thể sẽ nhận ra Nhất Bản Chất”;
Nói thật đơn giản, nhưng có thể nào trút hết lời, làm trống rỗng mọi ý nghĩ được không? Cơ chế của việc nghĩ là gì? Lời liên quan đến sự tồn tại của con người thế nào? Làm sao trút bỏ hết chúng được?

“Đại Giám Huệ Năng nói: ‘Phật Pháp là thứ không thể thấu được chỉ bằng cảm tính con người.’”
Thế nào là cảm tính con người? Nếu ta có trong mình một loại cảm tính khác, phật tính chẳng hạn, thì cái đó có phải là “cảm tính con người” không? Giống như  óc trong đầu con chó có thể không gọi là óc con chó được không? Còn nếu cái cần để thấu Phật pháp không nằm trong ta, thì lấy gì để nói là con người có thể thấu Phật pháp. Còn nếu nói “Đã là người không thể thấu Phật pháp”, đã “thấu Phật pháp không phải người”, thì lý do gì để ta muốn tìm Phật pháp? Nếu ta vốn không phải người, thì ta tìm Phật pháp làm gì?, và nếu ta vốn là người, thì ta lại càng không tìm Phật pháp làm gì.

 

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG trích dẫn

Lời dạy của 7 Đức Phật:
Đừng làm điều ác,
Mà chỉ làm việc thiện,
Và giữ cho tư duy mình thuần khiết –
Đó là lời dạy của tất cả các Đức Phật

 

PHÓ ĐỨC TÙNG đối thoại

Về lời dạy của 7 Đức Phật
Thế nào là thiện, thế nào là ác? Cơ sở của việc nhận ra thiện ác và muốn làm việc thiện nằm ở đâu. Nếu chúng là năng lực và nhu cầu nội tại, thì cần gì Phật dạy. Nếu nó không phải khả năng và nhu cầu nội tại, thì chỉ một câu khẩu hiệu như thế là đủ hay sao?

Tương tự, có thể thấy gần như câu nào cũng không chặt chẽ. Không phải là mình muốn bới lông tìm vết, hay cố tình không hiểu, nhưng quả thực là rất nhiều lý lẽ của Phật giáo, nhất là những lý luận sau này, không được chặt chẽ. So với sự tiến bộ của triết học phương Tây, thấy quả là có vấn đề. Đã đành là chân lý có thể không thay đổi từ hàng mấy ngàn năm qua, nhưng cách truyền đạt chân lý thì không thể dậm chân tại chỗ. Như chính ông Phật nói, đạo chỉ một, như sông Hằng, nhưng mỗi loài vật lại qua sông bằng cách khác. Không thể giảng đạo cho những người ngày nay bằng đúng những lời lẽ đã từng giảng cho nông dân Ấn Độ hơn 2000 năm trước. Và thời đó, ông Phật rõ ràng là thông tuệ hơn tất cả các đối thủ, vì thế ông có thể phản biện lại mọi thắc mắc, không bao giờ phải dùng kế cấm nói. Và dù thực sự ông Phật có giác ngộ hay không, có đạt tới Niết bàn hay không, nhưng ít nhất ông cũng biết hơn hẳn những người cùng thời, và vì thế họ có thể tin là ngoài những thứ đó ra, tri thức của ông có khả năng là vô hạn. Còn nếu này nay, những người tự cho là thông tuệ, quán suốt vũ trụ, thông liền cổ kim, mà chỉ nói cho đúng logic như một học giả hạng xoàng, với tri thức hết sức nông cạn, mù lòa thôi cũng không xong thì ai mà dám tin được.

 

Lời bình của NGUYÊN TÁNH

KTS Phó Đức Tùng: Hoàn toàn không có ý xúc phạm anh. Cũng vì tôn trọng anh nên xin được nói thẳng thẳn.

Cảm ơn anh vì bài phân tích. Nó đã hoàn toàn  bộc lộ ra dấu vết CHỒN HOANG. Lý luận như anh có thể gọi là đến nơi đến chốn, nhưng nó ngô nghê đến tức cười. Mang cái trí thức, lý luận đó mà để hiểu THIỀN thì chẳng khác tìm lông rùa sừng thỏ. Anh hãy cảm nhận một cánh hoa mong manh, có cần phải thông kim bác cổ đâu mà sao vẫn dung thông toàn bộ đất trời trong đó. Thiền giản dị hơn cái cách hiểu đầy phức tạp và áp đặt của anh nhiều. Một người đã chạm tới Thiền vẫn có thể là một người NGU hơn anh cả ngàn lần, cái họ hơn anh chỉ là một trực nhận ngoài lý trí đó thôi (Lão tử hoàn toàn thấy rõ điều này khi nói “Trí giả nhược ngu“). Và Thiền cũng chẳng phải là một trải nghiệm nội tâm bí ẩn theo cách anh áp đặt đâu. Mà thực ra anh Tùng chẳng phải là trường hợp cá biệt, hầu như tất cả các nhà học giả cũng vậy thôi. Đó là cơn đại bệnh điên đảo ngàn năm của loài người, mà nhiều bậc sáng trí gọi là CƠN MẤT TRÍ TẬP THỂ.

Như anh Đăng, bài comment trước thì phản đối chuyện “Thiền và lý luận không thể đi với nhau”. Bài sau lại đăng một lời dạy vô cùng minh triết của Thiền sư. Chẳng hay anh có thấy trong mình đầy mâu thuẫn? Cuối cùng, xin được hỏi các anh điều này. Giá trị thực sự của các anh nằm ở đâu? Giá trị của một người sống Thiền nằm ở đâu. Nếu thử làm một thí nghiệm, cho uống một loại thuốc mất hoàn toàn trí nhớ  (theo kiểu format về con số 0) thì chuyện gì xảy ra. Thiền sư vẫn là thiền sư, còn những học giả thành cái gì.

Trân trọng.

 

PHÓ ĐỨC TÙNG trả lời

Bạn Nguyên Tánh
Tôi không bao giờ cho rằng lý luận có thể hiểu được hay tiếp cận Thiền, mà chỉ đang tìm cách dùng lý luận để tiếp cận và hiểu lý luận, bởi lẽ những điều mà các bậc thiền sư nói không thể là thiền (là thứ không thể nói như bạn định nghĩa), mà là lý luận. Tôi không có tham vọng lớn là thành thiền sư hay ngộ đạo, mà chỉ có cái mong muốn nhỏ thôi là hiểu được những thứ đơn giản của lý trí.

Tất nhiên, một thiền sư thực thụ sẽ chỉ coi tôi như mọi loài chúng sinh cỏ rác, vì thế bạn gọi là Chồn, hay chó, hay cứt thì cũng vậy thôi.

Tôi vô cùng yêu thích đạo Phật và kính ngưỡng ông Phật, vì dù không hiểu gì về bản chất, tôi cũng kính phục trí tuệ siêu việt và tư duy sắc sảo của ông ấy, đó là thứ mà trí óc nhỏ nhoi của tôi có thể cảm nhận được. Tôi chẳng thấy ông ấy nói câu nào ngu cả, và Lão tử cũng chưa thấy nói câu nào ngu. Vậy theo cách hiểu của bạn về câu “trí giả nhược ngu” nghĩa là người trí thì ngu thì hai ông này chắc chắn không phải trí giả. Còn loại trí giả thật mà bạn nói có khả năng ngu hơn tôi ngàn lần thì tôi cũng không có cái tham vọng trở thành người như thế.

 

NGUYỄN ĐÌNH ĐĂNG

Các bạn thân mến,
 
Các bạn không những có quyền mà cần nghi ngờ bất cứ cái gì các bạn thấy phi lý. Aristotle từng nói: “Dấu ấn của một trí tuệ có học thức là khả năng tiêu khiển bằng một ý tưởng mà không cần chấp nhận nó.” (It is the mark of an educated mind to be able to entertain a thought without accepting it.)

Tôi không thấy mâu thuẫn gì giữa comment rằng Thiền có nguồn gốc từ lý thuyết Dhyana của người Hindu và những trích dịch của tôi về Thiền. Những đoạn này tôi dịch từ cuốn “Manual of Zen Buddhism” (Sổ tay Thiền Phật) xuất bản năm 1935 của D.T. Suzuki (1870 – 1966)- sinh thời là thiền sư Nhật Bản đồng thời là giáo sư triết học Phật giáo và tiến sĩ văn học. Ông có nhiều công trong việc truyển bá Thiền học sang phương Tây và Hoa Kỳ qua việc giảng dạy, dịch sách Thiền sang tiếng Anh. Cá nhân tôi thấy dễ đọc hơn những sách dịch chứa đầy từ Hán–Việt. Có lẽ đó là một trong những lý do vì sao đây là một trong những cuốn sách về Thiền khá nổi tiếng tại phương Tây. Tôi trích dịch vài đoạn không ngoài mục đích khêu gợi trí tò mò để ai muốn tìm hiều về Thiền (bằng tiếng Anh) có thể tải xuống cả cuốn mà đọc. Trong cuốn này có các bài kinh kệ và các nhận định về Thiền của một số Thiền sư Nhật Bản và Trung Hoa. Dĩ nhiên các nhận định đó không hoàn toàn original, ví dụ nhận định về Thiền cuả Nanpo Shomyo khá giống phần mở đầu Đạo Đức Kinh của Lão Tử từ t.k. 4 tr CN.
 
Tôi nghĩ Thiền, hay hội họa hay âm nhạc hay khoa học – muốn hiểu được cũng cần phải học và thực hành, và khi đã học và hành rồi thì sẽ tránh được những tranh cãi vô bổ. Ví dụ khi đã học hội họa và âm nhạc ở một mức trên trung bình rồi, thì những câu hỏi như “Cái này có nghĩa gì?”, “Cái này đẹp ở chỗ nào?” sẽ tự chúng biến mất, có nghĩa là câu trả lời cũng trở nên không cần thiết luôn! Thay vì làm những so sánh ngây ngô đại loại như nocturne số 1 của Chopin hay hơn valse số 7 của Chopin, người ta sẽ cảm nhận được, chẳng hạn, sự khác nhau giữa phong cách của Vladimir Horowitz và Alfred Brendel khi hai ông chơi cùng một Impromptu G giáng trưởng Opus 90 số 3 của Schubert. Người ta sẽ hiểu Nikolai Lugansky hoặc Lazar Berman chơi Moment musical Op. 16 No. 4 của Rachmaninov hay hơn pianist XYZ ở chỗ nào cho dù kỹ thuật của ông XYZ cũng rất oách. Đối với một người không học và nghiên cứu vật lý và toán học thì có thể nói gì về cơ học lượng tử ngoài mức phổ biến khoa học thường thức?
 
Cho nên những trích dẫn nói trên chỉ có ích nếu ta coi chúng như một sự gợi mở, kích thích hứng thú để ta tự tìm hiểu sâu, và con đường có mở ra cho mỗi người hay không là hoàn toàn do bản thân từng người. Ngược lại những trích dẫn của các tiền bối sẽ hoàn toàn vô ích nếu chúng chỉ là cái cớ để cãi vã.
 
Khi Đức Phật lâm chung, các đệ tử vây quanh ngài hỏi ai sẽ làm thầy họ sau khi ngài băng hà, Đức Phật nói: “Hãy làm cây đèn soi sáng chính mình.”

 

*

Bài liên quan:

– Lời thầy dạy có khi cũng thiếu logic   
– Khi Phật không giảng nữa, và đèn ta tối thì sao?

 

Ý kiến - Thảo luận

23:53 Monday,25.9.2017 Đăng bởi:  Hoang Hoi
@ Đỗ Thanh Nga,
Trả lời thẳng vào hai câu tôi hỏi đê, chị nhiều lời quá. Câu trả lời của chị vòng vo, né tránh cái điều chị đã phát biểu (theo tôi là sai) trong cmt đầu phê phán Phó Đức Tùng. Trong cmt ấy, chị nói như đinh đóng cột về mục đích của tôn giáo khác với triết học thế nào, mới dẫn đến việc tôi hỏi vặn lại, và chị đâm ra nói vòng vo thay vì tr
...xem tiếp
23:53 Monday,25.9.2017 Đăng bởi:  Hoang Hoi
@ Đỗ Thanh Nga,
Trả lời thẳng vào hai câu tôi hỏi đê, chị nhiều lời quá. Câu trả lời của chị vòng vo, né tránh cái điều chị đã phát biểu (theo tôi là sai) trong cmt đầu phê phán Phó Đức Tùng. Trong cmt ấy, chị nói như đinh đóng cột về mục đích của tôn giáo khác với triết học thế nào, mới dẫn đến việc tôi hỏi vặn lại, và chị đâm ra nói vòng vo thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi. Tranh luận kiểu như thế thì... buồn cười quá.

(À mà sao chị biết độc giả sẽ không hào hứng theo dõi cuộc đối thoại của chúng ta? Và sao biết tôi không muốn nghe chị nói, dù lẩn thẩn?)

  
21:23 Monday,25.9.2017 Đăng bởi:  Đỗ Thanh Nga
Gửi anh Hoang Hoi.  Câu hỏi của anh tôi cũng đã trả lời đủ đề luận kết rồi, dù đúng dù sai chí ít cũng chứng tỏ tôi là người không lỗ mãng và tôn trọng người đang nói chuyện với mình. Tôi có ý muốn nghe nhưng anh không có ý muốn nói. Như vậy tôi xin phép không nói nhiều để tránh ảnh hưởng đến hứng thú của bạn đọc.
...xem tiếp
21:23 Monday,25.9.2017 Đăng bởi:  Đỗ Thanh Nga
Gửi anh Hoang Hoi.  Câu hỏi của anh tôi cũng đã trả lời đủ đề luận kết rồi, dù đúng dù sai chí ít cũng chứng tỏ tôi là người không lỗ mãng và tôn trọng người đang nói chuyện với mình. Tôi có ý muốn nghe nhưng anh không có ý muốn nói. Như vậy tôi xin phép không nói nhiều để tránh ảnh hưởng đến hứng thú của bạn đọc. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao đại gia ta chưa bỏ tiền mua tranh ta?

Phạm Huy Thông - Nguyễn Hồng Sơn - Phạm Quốc Trung

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả