Bàn luận

Về một cách nhìn nghệ thuật! 10. 10. 10 - 7:13 pm

Một thành viên của Khoan Cắt Bê Tông

 

 Sự kiện Xà bần sau khi được đưa tin trên Soi, đã nhận khá nhiều ý kiến phản hồi khác nhau. Có ý kiến đồng tình, có ý kiến tỏ ra nghi ngại hay phủ định. Trong các ý kiến tỏ ra nghi ngại hay phủ định, tiêu biểu nhất, là ý kiến của họa sĩ Lê Kinh Tài.

 Ý kiến của Lê Kinh Tài được viết bằng giọng khá trịnh trọng. Chỉ tiếc, sự trịnh trọng này hơi khôi hài.

 Tại sao? Dĩ nhiên không phải trịnh trọng là khôi hài. Nó chỉ trở thành khôi hài khi biểu thị sự tự tin của cái nhìn đã quá lạc hậu, và thiếu tự biết mình!

 Và, cũng bởi chính vì thế mà khôi hài trở thành bi kịch. Bi kịch của người muốn làm nghệ thuật nhưng bị giam hãm trong niềm tin về một cách nhìn nghệ thuật đã quá lạc hậu.

 Chứng minh? Ý kiến của Lê Kinh Tài chỉ có mấy dòng, tập trung vào ba, bốn ý, nhưng ý nào cũng lộ lắm vấn đề

 1/ …có mấy điều muốn góp ý với bạn Lê Thuận

Nhân danh cho cái gì để GÓP Ý? Nhân danh tuổi tác chăng? Nhân danh cho một địa vị nào đó trong nghệ thuật chăng? Nhân danh cho một quan điểm nghệ thuật nào đó tự cho là chân lý chăng? Cả ba chỗ dựa trên, soi cặn kẽ, đều vô lý! Phê bình không phải là GÓP Ý. Phê bình là phân tích, là diễn dịch, là phán đoán về giá trị. Nó hoàn toàn mang tính cá nhân, chủ quan. Điểm tựa của phê bình là lý lẽ. Giá trị của nó, chủ yếu cũng ở lý lẽ. Nó không định hướng cho ai hết. Khi còn nói “GÓP Ý”, tức là còn có tham vọng định hướng, còn có ảo tưởng định hướng. và điều này, chỉ cho thấy sự lạc hậu trong tư duy !

Lê Thuận vứt tranh xuống nền và gọi chúng là "Xà Bần". Những bức tranh được anh vẽ sơ sài, vứt nó ra ngoài để mọi người tự xem xét phải đối xử với chúng ra sao, có xem chúng là xà bần và giẫm lên chúng hay tránh chúng.

 2/ “Mình luôn trân trọng tất cả các sáng tạo của nghệ sĩ bất luận tác phẩm ấy hay hay dở, tác phẩm ấy thuộc xu hướng hay hình thức nào đi nữa nó cũng phải để phục vụ cho ‘cái đẹp’ đã, dù đó là cái đẹp bên trong”

Ý này, nhiều họa sĩ Việt Nam vẫn hay nói. Và xem ra, vững tin đó là chân lý. Thực tế, ý kiến này là không chấp nhận được. Nó chỉ cho thấy sự nông cạn về kiến thức, sự lười biếng trong suy nghĩ, và, sự hẹp hòi trong tâm hồn của đa số các nghệ sỹ và công chúng Việt Nam.

Bất cứ ai có kiến thức về lịch sử nghệ thuật thế giới và chịu khó theo dõi các chuyển động của nghệ thuật nhân loại ngày nay, thì sẽ dễ dàng nhận thấy, cái niềm tin vào một bản chất bất biến của nghệ thuật, vào một giá trị mang tính phổ quát và vĩnh cữu, cái đẹp là điều ngớ ngẩn. Không chỉ ngớ ngẩn, nó luôn trở thành phản động-phản động, hiểu theo nghĩa kiềm chế tự do sáng tạo, kiềm hãm sự phát triển của nghệ thuật.

Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng, Mỹ thuật của thế kỷ 20 đã đạt được một sự trọng vọng cực độ, gây ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa và xã hội của thời kỳ đó. Và bảo tàng Mỹ thuật đảm nhiệm những vai trò như một ngôi nhà thờ hay một ngôi đền, họa sỹ được coi như những người bất khả xâm phạm, chính vì điều đó, tất cả những gì nằm ngoài vòng xoáy đó đều bị tẩy chay không thương tiếc. Hội họa Ấn tượng bây giờ ai cũng thừa nhận là thành tựu vàng son của nghệ thuật hiện đại, nhưng ở cuối thế kỷ 19, nó đã bị bao nhiêu người nhân danh cho “cái đẹp đích thực”, “nghệ thuật đích thực” tìm cách tẩy chay, loại trừ. Giám đốc bảo tàng Louvre, khi tuyên bố “Tôi mà còn ở đây thì tranh Gauguin đừng hòng bước vào” cũng đã nhân danh cho “cái đẹp đích thực”, “nghệ thuật đích thực” như thế. Không chỉ với Gauguin, Van Gogh mà cả với Matisse và nhiều nghệ sỹ khác trong nhóm Dã thú cũng vậy. Kết quả, sau này, người Pháp đã phải hối tiếc vì đã để cơ hội có được tranh của các danh họa này lọt vào tay người Đức, người Nga, người Mỹ… Chưa kể đến trường hợp Duchamp.

Riêng ở Việt Nam, cả thời gian dài, bởi người ta tin vào “một thứ nghệ thuật đích thực nào đó” (!), xét tất cả các khuynh hướng nghệ thuật hiện đại vào cái rọ “suy đồi” rồi tìm cách ngăn chặn mọi cố gắng tiếp cận lý thuyết một cách hệ thống, nên đã dẫn cả nền mỹ thuật vào tình trạng, mà có người nhận xét không quá chút nào là “bộ phận thoái hóa của nghệ thuật phương tây” ! Trước những bài học lịch sử này, bất cứ đầu óc tỉnh táo và tự trọng nào cũng phải hết sức cẩn trọng khi nhân danh cho “cái đẹp”. sáng tạo là tìm ra cái mới. Không thể nhân danh cho những qui phạm về cái đẹp cũ để đánh giá cái mới. Phê bình và thưởng thức luôn cần đến sự phóng khoáng, cởi mở là vậy!

“Thu lượm” của họa sỹ Ngô Lực trong dự án Xà Bần với những ảnh chụp anh trong một ngày hóa thân vào người thu lượm xà bần.

3/ “Tác phẩm của bạn (theo ý mình) như thể bạn muốn lên tiếng chà đạp lên Nghệ thuật giá vẽ?”

Không có cái gọi là “nghệ thuật giá vẽ”. Tranh giá vẽ có thể đạt đến một phẩm chất nghệ thuật nào đó mà cũng có thể không! Còn tranh giá vẽ có đáng bị “chà đạp” hay không thì cũng chẳng phải là chuyện gì mới mẻ nữa. Trong một chừng mực nhất định, sự “chà đạp” này là cần thiết. Với hành động quẹt râu lên Mona Lisa, vứt ra cái bồn tiểu, Duchamp đã xổ toẹt lên CÁI HUYỄN TƯỞNG ĐỘC TÔN HAY SANG CẢ của cái được gọi là “nghệ thuật giá vẽ”. Phải chăng đây là hành động phá phách, hay là cách đặt lại một cách nhìn mới, một giá trị mới?! Bất cứ ai hiểu biết nghệ thuật thế kỷ 20, có thể thấy, đó là sự phá phách mang tính cách mạng. Nó mở ra cả một kỷ nguyên mới cho nghệ thuật thế kỷ 20-đa dạng, tự do và đến gần với đại chúng hơn…

Ở Việt Nam hiện tại, CÁI HUYỄN TƯỞNG ĐỘC TÔN HAY SANG CẢ của cái được gọi là “nghệ thuật giá vẽ” (cách nghĩ về nghệ thuật giá vẽ hiện tại) là càng không thể chấp nhận được. Chính cái huyễn tưởng này đã dung dưỡng cho sự tồn tại dai dẳng trong trạng thái lạc hậu nhưng lại mang đầy màu sắc trưởng giả, lừa mị của hội họa Việt Nam…

Hướng dẫn khách dẫm lên tranh trong dự án Xà Bần

 4/ Đành rằng bạn trẻ, muốn tìm cái mới trong thể hiện tư duy nghệ thuật của bạn, không ai cấm bạn. Nhưng tác phẩm của bạn, theo tôi nó ngược lại với con dường bạn đang đi, bởi lẽ, con đường nghệ thuật trước tiên trái tim của bạn phải thật “NGHỆ”…

Khi đã tin có một giá trị phổ quát cho “cái đẹp” và cho “nghệ thuật”, chắc hẳn Lê Kinh Tài cũng có một khuôn mẫu riêng cho “trái tim NGHỆ”. Nhưng như đã nói ở trên, những niềm tin như vậy đã là những lỗ hổng lớn, nên ý nghĩa của “trái tim NGHỆ” kia cũng trở thành vớ vẩn.  Sáng tạo là một hành trình phiêu lưu tìm những vẻ đẹp mới. Đó là hành trình nằm ngoài những xa lộ, những đại lộ, những lối mòn… Kẻ nào dám dấn thân và cõi phiêu lưu mù mịt ấy bằng tất cả tâm hồn mình, kẻ đó mới xứng đáng được gọi là “nghệ”. “Nghệ”, do đó, không phải là thứ danh xưng do ai ban phát, và cũng không cần phải được bảo chúng bằng giá tiền bán tranh!

Viết bài này, chúng tôi không nhằm vào cá nhân họa sĩ Lê Kinh Tài. Đơn giản, đây chỉ là sự bức xúc trước một cách nhìn, cách nghĩ phổ biến về nghệ thuật ở Việt Nam lâu nay mà thôi. Và chính vì bức xúc nên đã có một số lời không được thân thiện, thành thật xin lỗi nếu có lời nào xúc phạm đến cá nhân họa sỹ. Chúng tôi sẳn sàng cho mọi thảo luận tiếp theo. Xin cảm ơn.

 
  
Một thành viên KCBT
 

*  

Bài liên quan:

 – Khoan cắt bê tông 
– Tường thuật XÀ BẦN (phần 1) 
– Tường thuật XÀ BẦN (phần 2)
– Về một cách nhìn nghệ thuật
– Nếu nghệ sĩ thiếu tư duy về thẩm mỹ?

 

Ý kiến - Thảo luận

3:13 Monday,26.11.2012 Đăng bởi:  Believe
Lần đầu tiên bước chân vào địa hạt của dân nghệ thuật, cho phép tôi được gửi lời chào tới các anh, chị! Đập vào mắt đọc bài viết trên về việc anh Lê Thuận, tôi có mấy điều muốn chia sẻ như sau:
- Tôi cảm nhận được sự mong cầu tiến thủ của anh trên con đường nghệ thuật, khi anh kh&oc
...xem tiếp
3:13 Monday,26.11.2012 Đăng bởi:  Believe
Lần đầu tiên bước chân vào địa hạt của dân nghệ thuật, cho phép tôi được gửi lời chào tới các anh, chị! Đập vào mắt đọc bài viết trên về việc anh Lê Thuận, tôi có mấy điều muốn chia sẻ như sau:
- Tôi cảm nhận được sự mong cầu tiến thủ của anh trên con đường nghệ thuật, khi anh không hài lòng với tác phẩm mình làm ra, thậm chí dẫm đạp lên nó. Hãy cố gắng lên anh vì thành công phải qua khổ luyện trừ khi anh sinh ra đã là thiên tài, sinh ra đã vẽ tác phẩm để đời.
- Nhưng mặt khác, khi anh dẫm đạp lên bức tranh của chính anh, tôi thấy xót xa quá, cứ như thể anh đang giẫm đạp lên chính anh và chính tôi vì tôi rất yêu cái  mình làm ra. Tại sao anh không xếp nó vào và vẽ tiếp. Nếu không có cái dở ấy thì anh lấy gì để so sánh cái hay, tiến bộ trong những bức tranh tiếp theo.
Chúc anh vững tin, thành công trên con đường nghệ thuật!
  
10:45 Tuesday,2.10.2012 Đăng bởi:  LÊ CẢNH
Chủ Nghĩa Lãng Mạn đã cứu vãn Thế Giới !Và ... Chủ Nghĩa Lãng Mạn sẽ quay trở lại để cứu vãn Thế Giới ... ! ...
...xem tiếp
10:45 Tuesday,2.10.2012 Đăng bởi:  LÊ CẢNH
Chủ Nghĩa Lãng Mạn đã cứu vãn Thế Giới !Và ... Chủ Nghĩa Lãng Mạn sẽ quay trở lại để cứu vãn Thế Giới ... ! ... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả