Soi học

Ai mới là người Do Thái chính hiệu? 09. 11. 13 - 9:51 pm

Sáng Ánh

Tiếp theo bài 1

Nên hồi hương hay hoài hương?

Israel thường được đồng nghĩa với Do Thái, nhưng không hẳn là vậy. Thứ nhất, số người Do tại nước ngoài (12 triệu) cao gấp hai số người Do tại Israel (là 6 triệu) và số người Do tại Mỹ cao bằng (hay cao hơn chút đỉnh) số người Do tại Israel. Và theo đà tăng trưởng, số người Do tại Mỹ thể nào cũng sẽ đông hơn. Thí dụ, năm 2006, khi Thủ tướng (Israel) Olmert bình Đông phạt Bắc tại láng giềng Lebanon thì các con ông đều ở mặt trận… Mỹ. Giờ nếu đánh luôn Iran thì con số người Do tại Israel sẽ bớt hẳn, và con số người Do tại Mỹ sẽ gia tăng, đây là nói thật chẳng phải đùa.

Poster truy nã Ehud Olmert (có hai poster riêng) và Ehud Barak (cả hai đều từng là cựu Thủ tướng Israel) tại Jerusalem, tháng Tư 2010. Olmert và Barak bị cáo buộc ăn hối lộ và tham nhũng. Theo Văn phòng Tổng chưởng lý Israel, trong thời gian trước khi được bầu làm Thủ tướng Israel năm 2006, ông Olmert nhận hàng trăm nghìn USD bất hợp pháp của doanh nhân người Mỹ gốc Do Thái Morris Talansky

Theo thống kê Hoa Kỳ, trong thập niên 2000-2010, số người sinh ra tại Israel và định cư tại Mỹ tăng 30%. “Yerida” (bỏ Israel ra nước ngoài) là một vấn đề nghiêm trọng vì nó đi ngược lại với huyền thoại trở về (Aliyah) dựng nước của Israel. Trong thập niên 80, khi chính quyền Reagan tại Mỹ sẵn sàng đón nhận 1 triệu di dân Do Thái từ Liên xô và Đông Âu thì chính quyền Israel hoảng hốt (hoảng hốt chứ không phải là hoan hô), và tìm đủ cách, áp lực với Hoa Kỳ, thông đồng với cả an ninh Romania, Hungary để ngăn chặn người Do di dân sang Mỹ.

Sao lại thế? Lẽ sống của Israel và Zion chủ nghĩa là người Do trở về “cố quốc” trồng cây chứ không phải là họ sang Mỹ mở tiệm vàng. Người Do được phép rời Đông Âu thì rất tốt, nhưng phải ngăn họ sang New York hay London và buộc họ “trở về” Israel. Như đã nói đến, ngay cả trước Thế chiến 2 cũng đã thế. Người Do bị ngược đãi tại Đông Âu sang Palestine bảo hộ bởi Anh quốc, không phải vì đó là Đất Hứa gì hết của Chúa Trời mà bởi vì họ không đi Anh Mỹ định cư được. Đất hứa là Golders Green ở London và Brooklyn ở New York, không phải là trồng rau tưới nước ở Đất Thánh nào đó Palestine. Nói thế dễ hiểu, ai cũng vậy hết, con người khi có lựa chọn thì tìm nơi dễ sống và cơ hội tốt, có ai đâm đầu vào chỗ chết tiệt nhọc nhằn vì những câu chuyện 3000 hay 7000 năm.

Một chuyện cười Yiddish (Do thái Đông Âu) trước thế chiến kể: Thế nào là một người (Do) theo Zion chủ nghĩa? Đó là một nguời đi quyên tiền của một người Do thứ nhì để giúp một người Do thứ ba thực hiện Aliyah, tức là trở về sinh sống tại “Eretz Israel”.

Golders Green, trung tâm của người Do trung lưu tại London


Khăng khăng một dân tộc Do

Nhưng thế nào là một người Do? Đó là một người theo Do Thái giáo. Thế còn (rất nhiều) những người Do thế tục (trước hết là trong phong trào Zion) hay vô thần thì sao? Vậy người Do không theo đạo nhưng theo truyền thống văn hóa Do Thái giáo cũng là người Do. Theo giáo luật, thì người Do phải có mẹ là người Do (và bà ngoại, bà cố ngoại v.v. trở lại mấy ngàn năm trước hay trở lại thời khai thiên lập địa). Ở trong trường hợp này, bạn có quyền sang Israel mà nhận Đất Hứa, hay thực tế là được sang đó sinh sống, nhập tịch và có một nhà nước che chở, không trục xuất bạn đi bất cứ nước nào khác dù bạn có tội tình hay bị quốc tế truy nã.

(Nói qua cho vui, đây là trường hợp nhà độc tài Gaddafi. Mẹ của ông này người Do và ông có bà bác, cô cháu người Israel đang sinh sống tại đó. Lúc chính biến tại Lybia, lỡ ông đòi quyền Aliyah (trở về cố quốc) thì sao? Chẳng những ông sẽ phải được chấp nhận tỵ nạn và chứa chấp mà sẽ là công dân đương nhiên của quốc gia theo cái quyền bất biến mà thượng đế đã ban cho dân tộc này trên mảnh đất đó!)

Trên 1 triệu người Do ngụ tại thành phố New York là thành phố Do Thái thứ nhì trên thế giới (chỉ kém có Tel Aviv). Riêng tại quận Brooklyn, con số này là 600.000, tức ¼ dân số.

Nhưng thế nào là một dân tộc? Một dân tộc có bất biến và muôn đời không? Một dân tộc sống liên tục 2000 năm trên một mảnh đất đã khó định nghĩa được chính xác. Thí dụ, người “Pháp” thời La mã có phải là người Pháp của ngày nay không? Hay ngay nguời Ý, có phải hẳn là từ thành Roma mà ra? Một “dân tộc” nếu có, 2000 năm phân tán khắp nơi lại càng khó, cái này trẻ con cũng hiểu, nhưng đó là không biết đến “tính cách độc đáo” của dân tộc được “chọn lựa” này. Đặc điểm của dân tộc Do Thái là không có ai giống họ hết nhé. Những nhận xét thông thường như mới kể không áp dụng với dân tộc này được. Pháp không phải là Do Thái, Ý không phải là Do Thái, đừng có ví! Pháp, Ý, Đức gì đó không có được chọn lựa bởi Chúa Trời, có cần phải nhắc lại nữa hay không?

Môsê nhận “Mười điều răn” khắc trên hai phiến đá, của Đức Chúa Trời trao riêng cho dân Do Thái. Kinh Thánh, Xh 19, 3-6, chép: “Ông Môsê lên gặp Thiên Chúa. Từ trên núi, Đức Chúa gọi ông và phán: ‘Ngươi sẽ nói với nhà Giacóp, sẽ thông báo cho con cái Israel thế này: …giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Israel”.

Nếu định nghĩa một dân tộc là một nhóm người tin chung vào một huyền thoại thì hẳn có một dân tộc Do thái.  Dân tộc này nhiều ngôn ngữ (tiếng Hebrew ngày nay là một phát minh mới của thế kỉ 20), nguồn gốc từ Âu, từ Á, từ Phi, sắc da đen da trắng da nhôm nhôm và đâu có cả da vàng. Họ khả dĩ có cùng một tôn giáo. Dân tộc Do, như vậy cũng như là “dân tộc Phật”, “dân tộc Khổng” hay “dân tộc Lão”, “dân tộc Bah’ai” hay “dân tộc Hồi”. Có dân tộc nào gọi là “dân tộc Phật” hay không? Nhưng lại có một dân tộc gọi là dân tộc Do, thì đã nói, đây là một dân tộc ngoại lệ mà. Nhưng một phần lớn người Do lại là thế tục tức là không có tôn giáo, kiểu, thì tôi dân tộc (đạo) Dừa nhưng tôi không tin chút nào và thoải mái nước mãng cầu. Nhưng tôi đòi phải trả cho tôi miền đất hứa Bến Tre!

Vậy có dân tộc nào là dân tộc Do hay không? Trớ trêu là đầu thế kỉ 20 tại Âu châu, thành phần kỳ thị người Do (như Đức Quốc Xã) đã gắng sức chứng minh một cách “khoa học” là có hẳn, để mà phân biệt và tận diệt. Nó có đi đâu 2000 năm thì nó vẫn là dân tộc Do! Nó không theo đạo hay đã cải đạo Ki tô thì vẫn là người Do! Nó có ở đây 30 đời hay năm bảy thế kỉ thì nó vẫn không phải là người Đức, cho nó vào trại tập trung mà giết hết! Lập luận “dân tộc Do” này cũng lại là lập luận của chủ nghĩa Zion để biện minh cho một quốc gia và nhà nước Israel.

Những tù nhân Do Thái bị bỏ đói trong trại tập trung Mauthausen, được giải thoát hôm 5. 5. 1945


Một giả thiết bất ngờ về người Do chính hiệu

Vào đầu Công nguyên, người Do tại Palestine nổi loạn và bị Đế quốc La Mã đàn áp dã man, kẻ bị giết, người ra đi. Truyền thuyết cho rằng ai không bị giết thì ra đi hết. Cho là như vậy, và họ bỏ đi hết thì trên đường bôn ba của họ, cũng có nhiều nơi các dân tộc khác, Berber ở Bắc Phi, hay Khazar ở Tây Á cải đạo theo Do.

Vương quốc Khazar, kẹp giữa gọng kìm Ki-tô và Hồi giáo, vào thế kỉ 7-10 đã chọn Do Thái làm quốc giáo nhưng sau đó bị người Nga xâm lăng và Mông cổ phân tán. Dân tộc Khazar mang Do Thái giáo lưu vong sang Đông Âu. Phần này, nếu quả là như vậy,không thấy (chưa thấy, chắc phải đợi 10 thế kỉ nữa) về đòi lại và lập nước tại Nga-Ukraine-Kazakstan ngày nay.

Khazar là một vương quốc hùng cứ phía Đông Ukraine và phía Bắc Georgia, Armenia ngày nay và tan rã vào thế kỉ 13 khi Mông cổ tràn qua. Do Thái giáo được vương triều tôn lên làm quốc giáo và cả nước (tức là dân tộc Khazar này) theo. Lý do họ theo Do Thái giáo, ngoài việc “bởi vì tôi thích thế”, là các bộ lạc Khazar lắm đạo và đa thần lúc đó cần một ý thức hệ độc thần thống nhất lúc họ đang bị vây hãm hai bên bởi Ki tô giáo của Đế quốc La Mã phương Đông (Bizantium) đồng thời bởi Đế quốc Hồi giáo.

Sau khi Khazar tan rã, người Khazar đi Tây hay đi Đông, bảo tồn tôn giáo Do thái của họ trong những cộng đồng cá biệt. Xin nhắc lại, đây là tôn giáo, không phải là dân tộc.

Người Do ở Khai Phong, Trung Quốc, khoảng 1900

Còn những người Do ở lại nôi Palestine của thời La Mã thì sao? Họ chuyển đạo theo Ki tô giáo (ngày nay Ki-tô vẫn là một thiểu số 8-10% của người Palestine). Đa số lớn sau đó theo đạo Hồi.

Tại sao người Do mà lại cải đạo theo Hồi? Khó tin quá. Tại sao người Âu, người Hy Lạp, La Mã lại bỏ đạo mà theo một tôn giáo Trung Đông là Ki-tô? Tại sao có người Ấn giáo lại bỏ đạo theo Hồi? Tại sao người Việt mà lại cải đạo theo Phật giáo? Khó tin thật, nhưng chắc là “tại vì họ thích thế”. Nếu tin được, thì có người Do ở lại miền đất ấy, theo Ki-tô hay theo Hồi về sau. Nói cách khác, thì “dân tộc” Do Thái chính gốc theo giả thiết này chính là… những người Palestine ngày nay! Họ là hậu duệ của một số lớn người Do Thái không lưu vong và không đi đâu hết. Đạo gì thì đạo, tôi đây mới là chính hiệu Do Thái Bảo Hiên Rồng Vàng. Tại tỉnh Hải Dương này, tôi đã ở đây làm bánh đậu xanh chí ít là 1500 năm rồi, còn anh từ Cần Giuộc hay là Cà Mau đến, anh bảo anh mới là chính hiệu Con Nai thì tôi không biết. Nói thế thì nghe cũng được chứ, ta nên tin vào người nào?

Giải thiết trên (của sử gia Schlomo Sand, Abraham Poliak, hay phần nhà văn Arthur Koestler) là một giải thiết đáng được đào sâu thêm. Cuốn sách “Sự phát minh ra dân tộc Do thái” của Sand là một sách bán chạy hàng đầu tại Israel năm 2009 nhưng cũng chẳng vì thế là đã đúng. Tuy nhiên nó chứng tỏ sự quan tâm mới của quần chúng tại đây với việc bắt đầu công việc giải hoặc nguồn gốc Do Thái một cách nghiêm chỉnh.

Người Falasha, Do Thái tại Ethiopia, đang theo lớp về quốc gia họ sắp sửa sang định cư là Israel, tức là sắp sửa “trở về Đất Hứa”.

Người Do đi vắng, người Do giữ nhà

Nghiên cứu sử học lề phải của Do Thái và Israel quan tâm đến vương triều huyền hoặc của Solomon hay là David, hơn là Khazar và không buồn đào sâu. Đáng tiếc là những công trình nghiên cứu lại đào sâu những việc khác, như “di tích” vương triều David 3000 năm về trước, và để đào xới tìm di tích này phải dời cả một thị trấn 50,000 dân cư Palestine, tống cổ họ đi. Nỏ thần của Mỵ Châu hay Sừng tê quà cưới của Thủy Tinh thì chưa tìm thấy đâu làm bằng nhưng sờ sờ là những người Palestine đang sinh sống tại đây ngày hôm nay mất đất. Bởi vì họ chỉ mới sở hữu phần đất đó từ 1500 năm thôi chứ không phải 3000 của thủa lông ngỗng đưa đường nào.

Một người Palestine khóc trước mồ người thân. Bia mộ bên phải ghi “Ramla”, một thành phố bị các đơn vị bán vũ trang Israel càn quét vào cuối những năm 1940s và sau đó chuyển sang bị chính quyền Israel cai trị vào đầu năm 1949. Đây nhiều phần là nghĩa trang của những người Palestine tị nạn. Ảnh và chú thích từ trang Smpalestine

Quyền trở về đất cũ của một dân tộc Do Thái đồng nhất và bất biến 2000 năm sau, dù nếu có, thì đằng nào cũng phải cân nhắc với quyền hiện diện tại đó của một dân tộc khác trong 2000 năm họ “bỏ nhà”. Điều này cũng dễ hiểu nốt. Anh vì lý do gì đó bỏ nhà ra đi biền biệt. Một hôm anh đến gõ cửa đòi lại. Anh lấy Kinh Thánh làm bằng, nói những chuyện hoa đào gió đông năm nào đó, mà tôi cũng không biết có phải là anh không nữa. Tôi không nhận ra, anh nhận vơ hay là anh đã khác nhiều. Anh bảo tôi phải đi ngay, và anh đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Người Do gọi đó là Chiến tranh Độc lập (chứ không phải là Chiến tranh Xâm lăng) và người Palestine gọi đó là Đại họa (Nakba).

Ảnh chụp năm 1948, khi Israel trục xuất hàng trăm ngàn người Palestine khỏi 450 ngôi làng Palestine. Người Palestine gọi đó là “Day of Nakba” (Đại họa)

Vào năm 2006, khi Israel trừng trị Hezbollah tại Lebanon thì có nhiều biểu tình phản đối tại Âu châu. Một nhà trí thức Pháp bèn viết bài mắng bọn trẻ con ồn ào này là dốt, người Do không phải chỉ có mặt tại vùng từ khi lập quốc (1948) mà là từ trước đó, đầu thế kỉ, năm 1920 v.v. Vậy thì trước đầu thế kỉ, trước 1920, ai ở đó? 1820? 1720? 1620? Không có người Do thì không có ai sao?

Tiền đề thứ nhì của huyền thoại là chẳng những Đất Hứa là của dân tộc Do từ ngày ông  David bắn ná lõ đầu thằng khổng lồ Goliath. Để nó đẹp như mơ thì phải có thêm huyền thoại là lúc “dân tộc” Do này trở về, miền đất này chẳng có ai ở cả nên tôi mới lấy lại! Và đó là bài sau…

*

Còn tiếp

*

Về khu vực Trung Đông:

- Chuyện Syria: chỉ vì ở cạnh “cậu ấm”

- Chuyện Syria: anh Hai, anh Ba, anh Tư, và anh rể

- Chuyện Syria: Lắm mối tối nằm không

- Huyền thoại Do Thái trở về nhà: Đố ai dám cãi nào

- Ai mới là người Do Thái chính hiệu?

- Huyền thoại thứ nhì: 2000 năm nếu quay lại, đất nào cũng phải là đất hoang

- Tiền đề thứ ba: huyền thoại (khổng lồ) tự vệ trước hiểm họa (của tí hon)

- Ái phi Israel: nặc nô thừa thông minh nhưng thiếu công bằng

- Kỷ lục Ai Cập: Mùa xuân sang có 720 án tử hình

- ISIS giặc cờ đen (phần 1): Trên cái nền rối tinh của Hồi giáo

- ISIS giặc cờ đen (phần 2): Bởi thế giới cần có hung thần

- Người Kurd: dân tộc chỉ có núi là bạn

- Bưu thiếp Trung Đông: Ra ngõ gặp Clooney

- Bưu thiếp Trung Đông: Cô gái Chiclets

- Bưu thiếp Trung Đông: Vô địch thế giới

- Bưu thiếp Trung Đông: Hàng cơm tùy hỉ

- Bưu thiếp Trung Đông: Có sao nói vậy

- Bưu thiếp Trung Đông: Vô mao bất nghì

- Bưu thiếp Trung Đông: Bữa Pork Adobo – cơm thịt heo kho

- Bưu thiếp Trung Đông: Người ở Lebanon

- Bưu thiếp Trung Đông: Giấc trưa đất thánh

- Người tỵ nạn Syria: gánh nặng đè ngay trong xóm

- Vô lý! Tại sao Hoa Kỳ lại để cho ISIS bán dầu cho Israel qua trung gian Turkey?

- Israel giúp Al Nusra thành công,
Hoa Kỳ chống ISIL thất bại

- Tamara Chalabi, tá điền không dùng trà

- (I)Rắc Bình Vương Ahmed Chalabi, người lừa cả Mỹ

- Ginane thăm Baghdad

- Mặc burqini + đọc Syria Speaks + một quả dưa chuột = đi gặp công an

- Hồi giáo thành “khủng bố” từ khi nào (bài 1): từ gợi tình xem thành đe dọa

- Hồi giáo thành “khủng bố” từ khi nào (bài 2): khi không ưa nữa thì thành hà khắc và bạo chúa

- Hồi giáo thành “khủng bố” từ khi nào (bài 3): cười cũng chết mà ngu ngơ cũng chết

- Tẩy chay Oscar, ra Trafalgar chiếu cũng tốt

- Chuyện ăn mặc của phụ nữ Hồi giáo: đừng căn cứ vào trùm khăn và che mặt…

- Đời không đơn giản, thế mới phải đi tỵ nạn

- Chuyện ông Bernadotte chết ở Jerusalem

- Từ chuyện Yemen nghĩ đến phận nước bé

- Bác tài Bashar và cuốc xe Ghouta

- Vụ nhà báo bị phanh thây:
Chuyện trong nhà chơi dao với nhau

- Cao nguyên Golan (phần 1): Golan ở đâu? Golan của ai?

- Cao nguyên Golan (phần 2): Ba món quà ngon của Mỹ

- Có Do hay không có Do? Trả lời bạn hung898

- Cấm thịt heo trong đạo Do Thái

- Israel với Hamas: tiếc đã muộn rồi

Ý kiến - Thảo luận

19:55 Friday,26.11.2021 Đăng bởi:  Trần Ngọc Bich





Có một thực tế là Người Do Thái cũng chỉ là một sắc tộc tôn giáo cho nên bất cứ ai cũng có thể gia nhập dân tộc Do Thái hay kết nạp làm thành viên dân Do Thái . #nguoid
...xem tiếp
19:55 Friday,26.11.2021 Đăng bởi:  Trần Ngọc Bich





Có một thực tế là Người Do Thái cũng chỉ là một sắc tộc tôn giáo cho nên bất cứ ai cũng có thể gia nhập dân tộc Do Thái hay kết nạp làm thành viên dân Do Thái .
#nguoidothai @nguoidothai #nguoi-do-thai @nguoi-do-thai #nguoi_do_thai @nguoi_do_thai . Cho nên dân tộc Do Thái cũng hổng có gì đặc biệt hết ngoài bản sắc tín ngưỡng tâm linh truyền thống của cha ông tổ tiên họ .


Thực tế cá nhân người Do Thái thực hành đạo thì bị giới hạn vào trong các lề luật tôn giáo của đạo giáo Do Thái hay môn phái Do Thái Giáo . Trang Facebook Văn Hoá Do Thái nói khá rõ về điều này kèm theo nhiều tư liệu phim ảnh thiết thực : https://www.facebook.com/vanhoadothai .


Thêm vào đó Bạn có thể hiểu rõ về nhân dân Do Thái trong trang blog Võ Lâm Trung Đông Truyền Kỳ : https://volamtrungdong.wordpress.com Võ Lâm Truyền Kỳ Trung Đông .


Thêm thông tin kỳ thú là 90% người Mỹ gốc Do Thái Ashkenazi là dân Nhật Nhĩ Man và 80% dân nho thái trên toàn cầu cũng là người Nhật Nhĩ Man Do Thái Ashkenazi . Cho nên nước Hoa Kỳ Mỹ có nhiều người Do Thái sinh sống nhất hiện nay .




 
10:23 Saturday,12.6.2021 Đăng bởi:  Trinh
Bài viết hữu ích và dí dỏm quá ạ!
...xem tiếp
10:23 Saturday,12.6.2021 Đăng bởi:  Trinh
Bài viết hữu ích và dí dỏm quá ạ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả