Tin tức

Tin ảnh: mùa của tượng tuyết, tượng nhà văn, tượng bị sinh viên phản đối 15. 02. 14 - 8:50 am

 

SAPPORO – Các vũ công Ấn Độ biểu diễn điệu múa Bhangra trước điêu khắc tuyết “Lăng mộ Itmad-ud-Daula”. Các nghệ sĩ xứ cà-ri đã cất công tạc nên phiên bản tuyết của lăng mộ nổi tiếng này hòng tham gia Sapporo Snow Festival (Lễ hội tuyết ở Sapporo) lần thứ 65 – một lễ hội thường niên tại thành phố Sapporo, Nhật Bản. Đây là một trong những sự kiện mùa đông lớn nhất nước Nhật, với lượng khách thăm quan trong và ngoài nước luôn tăng cao vào mỗi năm. Cứ mùa đông đến, khoảng hai triệu người trùm áo lạnh đi tới Sapporo để ngắm những bức điêu khắc bằng tuyết và băng lung linh, đặt quanh công viên Odori cũng như dọc con đường chính của khu Susukino. Ảnh: Toshifumi Kitamura.

 

HELSINKI – Phần Lan cũng có lễ hội điêu khắc băng nổi tiếng không kém. Trong hình là bức điêu khắc băng “Time for celebration” (Đã đến lúc ăn mừng) của nghệ sĩ người Phần Lan Timo Koivisto, chụp tại lễ hội điêu khắc bằng quốc tế “Art Meets Ice” của Sở thú Korkeasaari ở Helsinki, Phần Lan, vào ngày 9. 2. 2014. Ảnh: Lehrikuva / Heikki Saukkomaa

 

30 điêu khắc gia hàng đầu đến từ khắp thế giới đã tụ họp tại sở thú Helsinki nhằm trổ tài ở lễ hội này (tiện thể nói thêm, sở thú Helsinki là sở thú lâu đời nhất hành tinh, lễ hội Art meets Ice cũng là sự kiện mùa đông thường niên rất quan trọng của thành phố). Lễ hội năm nay còn trùng vào dịp kỷ niệm 125 năm hoạt động của sở thú, nên đề tài cho lễ hội kỳ này sẽ là “Các con vật”. Trong ảnh: tác phẩm của nữ nghệ sĩ Helena Rismondo, người Slovenia, hiện đang bày tại tại Sở thú Helsinki. Nguồn: Reuters.

 

PORTMOUTH – Bé Oliver Dickens, 9 tuổi, đứng chụp ảnh cạnh bức tượng cụ tổ Charles Dickens – đại văn hào của xứ sương mù – ở quảng trường Guildhall, thành phố Portmouth hôm 7. 2. 2014. Người dân địa phương vừa khánh thành bức tượng, đúng vào dịp kỉ niệm 202 năm nhà văn Dickens chào đời tại thành phố. Mặc dù những nước khác có dựng tượng Dickens, ví dụ như Mỹ (Philadelphia) hoặc Úc (Sydney), nhưng đây là tượng toàn thân đầu tiên của văn sĩ tại quê nhà. Ảnh: Chris Ison.

 

Bức tượng là tác phẩm của điêu khắc gia vùng Oxfordshire tên Martin Jennings. Trước đây Martin từng tạc tượng nhà thơ John Betjeman (hình – đặt trong nhà ga St Pancras, London), và tượng nhà thơ Philip Larkin (đặt ở thành phố Hull). Jennings cho biết anh muốn tác phẩm Dickens “thể hiện được thần thái, trí tưởng tượng phong phú, cũng như số lượng tác phẩm đồ sộ của nhà văn”.

 

WELLESLEY – Một phụ nữ đang chụp bức điêu khắc có tên “Sleepwalker” (kẻ mộng du) đặt tại khuôn viên trường Cao đẳng Wellesley vào ngày 6. 2. 2014 ở Wellesley, Massachusetts. Bức tượng là một phần trong triển lãm của nghệ sĩ Tony Matelli, tổ chức ở bảo tàng Davis Museum của trường. Tác phẩm hiện đang khiến một nhóm sinh viên khó chịu, họ mở cuộc vận động xin chữ ký trên mạng hòng ép nhà trường chuyển nó đi, bởi theo họ thì kẻ mộng du này nom quá khiêu khích. Ảnh: Darren McCollester

 

LONDON – Một nhân viên của nhà đấu giá Christie’s đang ngắm tác phẩm “Cracked egg (Magenta)” (Quả trứng vỡ – Đỏ son)) của nghệ sĩ người Mỹ Jeff Koons, hiện bày tại nhà đấu giá Christie ở trung tâm London. “Cracked egg (Magenta)” là tác phẩm chủ đạo trong series “Celebration” (Ăn mừng) của Jeff Koons. Theo ước lượng, vỏ trứng sẽ thu về 10-15 triệu bảng (16.3-24.5 triệu USD) khi nó lên sàn tại phiên đấu giá “Post-War and Contemporary Art” (Nghệ thuật thời Hậu chiến và Đương đại) của Christie’s.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả