Nghệ sĩ Việt Nam

Tiền bán tranh lần này sẽ đổi được gì? 14. 04. 14 - 7:37 am

Phạm Huy Thông tổng hợp


.

Ở Việt Nam có nhiều thứ vốn dĩ đơn giản bỗng sau một đêm tối trời chợt chở thành “nhạy cảm”. Chẳng hạn như việc làm từ thiện hiện nay cũng trở thành một việc hết sức “nhạy cảm”. Vì đâu nên nỗi?

Theo những nguồn tin không chính thức nhưng vì xuất phát từ nội bộ nên có vẻ đáng tin thì có nhiều tổ chức nhân đạo, từ thiện ở Việt Nam có chi phí vận hành chiếm tới 45%. Tức là để “bón” cho những người thực sự “đói” một miếng thì những nhà tài trợ cũng phải “bón” cho những bưng mâm một miếng to không kém. Nhiều dự án từ thiện, khi mang được vật phẩm đến tay người nhận, ta mới thấy rằng chẳng ai cần đến những thứ quyên góp đó. Ví dụ gần nhất là có một dự án từ thiện phân phát bao cao su miễn phí cho khách làng chơi, để tăng cao khả năng bảo vệ của gái ăn sương trước những bệnh xã hội truyền nhiễm. Tuy nhiên những cô gái điếm miễn cưỡng nhận  bao cao su của chương trình để rồi vất đi hoặc ném cho trẻ con chơi. Vì những bao cao su được phát chất lượng kém, toàn mùi cao su sống, cả khách chơi và gái điếm đều không mê nổi. Độ an toàn của những bao cao su này không đạt chuẩn, dễ rách, đặt gái làng chơi vào nguy cơ “tai nạn nghề nghiệp” cao hơn. (Vì nếu không dùng bao này thì nhiều khả năng khách làng chơi cẩn thận sẽ dùng bao tốt do họ mua). Những lỗi chủ quan, khách quan làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng từ thiện. Bên cạnh đó là biết bao động thái mượn từ thiện để tạo sóng, đánh bóng tên tuổi, quảng bá sản phẩm, xả hàng tồn… khiến cho những người thực tâm làm từ thiện vì những “nhạy cảm” như vậy nên lắm lúc cũng phải lủi thủi mà “áo gấm đi đêm”.

Giúp người nào và giúp họ theo cách nào hiệu quả, thiết thực nhất là những câu hỏi đầu tiên của mỗi cá nhân, tổ chức làm từ thiện. Tôi nhớ có một dự án từ thiện rất đơn giản, giúp đỡ những người không có được nước sạch bằng cách đưa cho họ… một cái chai không. Nói chính xác hơn là phổ biến cho những người ở vùng xa xôi hẻo lánh không có nước máy, thiếu thốn nguồn đun sôi cách làm thế nào để nước uống của họ trở nên ít vi khuẩn hơn. Lấy nước từ nguồn sạch nhất có thể, cho vào chai nhựa trong suốt, loại như lavie hay aquafina dùng rồi gì đó, tốt nhất là bóc nhãn ra cho chai vỏ chai càng trong càng tốt. Đặt chai đã chứa nước vào chỗ có thể hứng lấy ánh sáng, nếu có thể thì đặt chai nước đó lên mâm kim loại, trên một tấm giấy bạc hoặc vật gì đó phản sáng. Tia sáng mặt trời hội tụ vào chai nước sẽ phần nào giúp diệt các vi khuẩn trong nước, khiến nước sạch hơn. Phương pháp này tuy không thể loại các chất độc hóa học hay kim loại nặng, nhưng cũng đã lược bỏ được nhiều nguồn độc hại sinh học. Hãy tưởng tượng bạn ở trong một thị trấn đổ nát, tan hoang sau bão lũ, xăng dầu hết mà củi thì ướt nhẹp không cháy nổi, phương pháp này sẽ nâng cao cơ hội sống của bạn lên khá nhiều.

Quay trở lại với Triển lãm Gây quỹ Quốc tế Hải Yến (khai mạc ngày 5/4/2014 bên Philippines) mà tôi đã đưa tin tuần trước. Tôi xin đăng thêm một số hình ảnh lấy từ Facebook của triển lãm để các bạn ở Việt Nam biết được rõ hơn tranh của các nghệ sĩ nước nhà đem sang đã được trưng bày như thế nào và sẽ giúp nạn nhân của cơn bão Hải Yến ra sao.

Gallery Duemila, 210 phố Loring, thành phố Pasay, Philippine là nơi diễn ra triển lãm.

 

Cờ quạt đã chăng lên

 

Khuôn viên trong của gallery là một sân rộng như thế này

 

Hình như những tác phẩm tượng ở đây thuộc về gallery, không nằm trong số các tác phẩm của triển lãm từ thiện.

 

Đi sâu vào sân trong của gallery, các bạn hãy chú ý những chai nhựa treo lủng lẳng trên dây ngang ở trên hàng rào

 

Hoặc ở khắp nơi trong sân nắng

 

Một số họa sĩ tham dự triển lãm (tôi đoán thế) cùng chụp ảnh chung. Việt Nam chỉ gửi tranh, không có họa sĩ nào đến tham dự bởi các anh chị em đang bận chuẩn bị cho một triển lãm khác, cũng về bão Hải Yến, nhưng tổ chức ở Hà Nội.

 

Ảnh chụp một số tác phẩm bày trong không gian của triển lãm

 

Số lượng họa sĩ ủng hộ tranh rất đông nên tranh treo tương đối chật. Tôi nhìn ra trong ảnh này có tranh của họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương và họa sĩ Hoàng Duy Vàng

 

Tác phẩm này ấn tượng đấy chứ. Theo tôi thì đây là một tác phẩm của Glenda Sutady, một họa sĩ Úc

 

Một góc khác trong triển lãm

 

Tranh của họa sĩ Trịnh Tuân và họa sĩ Xuân Anh treo cạnh nhau, cả hai tác phẩm đều là sơn mài.

 

Tranh của họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương trong triển lãm. Phụ đề tranh có cả ảnh chụp họa sĩ. Tuy hơi mất tập trung nhưng có lẽ cần thiết cho một triển lãm mà tranh đến từ nhiều nguồn khác nhau.

 

Mọi người vui vẻ trò chuyện

 

Rồi lặng yên xem nghệ thuật

 

Có cả một số vị hình như là quan chức hoặc nhà sưu tập. Tất cả lợi nhuận bán tác phẩm thu được từ triển lãm sẽ chuyển thẳng cho chương trình A Liter Of Light.

 

Các tác phẩm không bán được trong thời gian triển lãm sẽ được gallery giữ và cố gắng bán dần. Túm lại là sớm hay muộn thì tiền cũng sẽ được chuyển cho chương trình từ thiện.

 

.

 

Một khách tham quan đang ngắm bức “Chiếc lá cuối cùng” của họa sĩ Phạm Huy Thông.

 

Mọi người đứng nghe phát biểu khai mạc. Nhìn vào tấm ảnh, tôi thắc mắc về sự có mặt của dải giấy trắng chạy ngoằn ngoèo dưới sàn.

 

Hóa ra đó là một phần của màn trình diễn của nghệ sĩ này:

 

Và kết quả còn lại sau màn trình diễn thì thành ra thế này đây. Hic

 

Ngoài màn trình diễn của nghệ sĩ kia còn có các phần trình diễn văn nghệ của các củ nghệ có vẻ rất xôm tụ.

 

Đại diện của chương trình A Liter of Light là một anh bạn đẹp giai tên là Illac Angelo Diaz lên phát biểu. Trên tay bạn này cầm cái chai rỗng loại 1 lít, chính là một trong những cái chai mà ta thấy treo lủng lẳng đầy ngoài sân lúc chiều

 

Và bạn ấy hướng dẫn những thao tác để những đồ trông đơn giản ấy phát sáng. Những thứ cần có để sản xuất thiết bị này là là một chai nhựa, một ống PVC, bộ phận quang điện có thể “tìm thấy” ở các cơ sở sản xuất ở Philippines. Chương trình Một Lít Ánh Sáng còn hướng dẫn các cơ sở gia công ở Philippines sản xuất các chai sáng này và mua lại số lượng sản xuất dư thừa, chắc là để phân phát sang những vùng bị tàn phá nặng không còn cơ sở gia công nào tồn tại. Tôi nghĩ, có khi phải mời chương trình Một Lít Ánh Sáng này sang Việt Nam, vì ở mình cũng còn nhiều vùng hẻo lánh chưa có điện, hoặc những vùng như Huế, một năm mấy tháng bơi trong lũ. Mì tôm còn không có nói chi đến điện. Bà con găm sẵn ít chai sáng này trên nóc nhà, lúc nào lũ dâng lên đến nóc thì có sẵn ánh sáng mà dùng.

 

Thiết bị ánh sáng này gồm có một tấm quang điện ở trên cùng, một phần pin tích điện, một bộ phận đèn phát sáng đặt trong chai nhựa cũ có tác dụng bảo vệ.

 

Ban ngày, người dân treo các thiết bị này lên cao để hứng ánh sáng, tích tụ năng lượng. Ban đêm, thiết bị dùng chính năng lượng đó để thắp sáng.

 

Thực ra khái niệm về thiết bị này không có gì mới, ở Việt Nam cũng có những đèn LED lắp ngoài trời cho các biệt thự, nhà riêng, cơ quan. Ban ngày nạp điện, ban đêm thắp sáng. Tuy nhiên thiết kế, sản xuất, triển khai các thiết bị như vậy làm sao cho ngon bổ rẻ, dễ phân phát, dễ bảo quản thì lại là một câu chuyện khác. Mỗi chai sáng như này có giá trị thành phẩm khoảng 9 USD.

 

Ánh sáng ngọn đèn khi trời chiều và khi đã tối hẳn

 

Các nghệ sĩ ca hát trong phòng tranh với ánh sáng từ những ngọn đèn. Đây chính là những ngọn đèn mà số tiền bán tranh sẽ dùng để đặt mua từ các nhà sản xuất rồi mang đến cho người dân ở những vùng bị cơn bão Hải Yến tàn phá. Philippines là đất nước của các hòn đảo, việc đưa đường điện đến các đảo bị tàn phá sau bão là việc cần rất nhiều sự kiên nhẫn.

 

Hầu hết các hình ảnh trong bài viết này lấy từ Facebook của triển lãm. Bức hình mà tôi thích nhất là hình một nhân viên của Gallery Duemila đi thu lượm các chai sáng để đem vào trong phòng trưng bày, giống như một người nông dân đi thu hoạch những trái bầu trái bí mình gieo trồng, nhưng thay vì thu hoạch thực phẩm, “người nông dân” này thu hoạch nguồn sáng. Bởi nhu cầu sống của con người bây giờ không chỉ dừng lại ở việc ăn no uống đủ nữa, mà còn có cả các nhu cầu khác của cuộc sống hiện đại như nguồn sáng sinh hoạt hay cao hơn nữa là những nhu cầu tinh thần văn hóa, về tương tác xã hội…

 

Một bức ảnh khác lấy từ trang web của A Liter Of Light chụp ảnh các em bé cầm đèn chai để đi lại trong đêm. Các bạn nên vào xem trang web này vì thiết kế của trang web rất dễ thương, rất mỹ thuật.

Tôi chưa có số liệu tổng kết về giá trị tác phẩm đã bán được để gây quỹ, bởi triển lãm tranh còn kéo dài đến 26/4, nhưng tôi hy vọng số tiền thu được sẽ góp được thật nhiều trái tình thương, thắp sáng cho cuộc sống của những người Philippines còn thiếu thốn đủ thứ sau cơn bão Hải Yến.

Họa sĩ thì nhiều người chẳng bao giờ có tiền, nhưng luôn có sẵn tranh và lòng yêu người, yêu đời. Vậy nên cách làm từ thiện tốt nhất của họa sĩ là hiến tặng tranh mình cho các hoạt động gây quỹ, miễn là cái quỹ đó đem lại những thứ thực sự thiết thực cho những người cần. Hiện nay, có lẽ vì nhận thấy mô hình của Triển lãm Gây quỹ Quốc tế Hải Yến có vẻ ổn nên những người tổ chức triển lãm này đang kêu gọi quyên góp tranh cho triển lãm lần 2. Các bạn nghệ sĩ muốn đóng góp có thể trực tiếp vào trang Facebook của triển lãm (link đã đưa) để liên hệ. Nếu số lượng tranh đi từ Việt Nam mà nhiều, các bạn nên liên hệ với nhau (qua sự kết nối của ban tổ chức bên đó) để cùng gửi tranh đi một lần, sẽ tiết kiệm cước phí hơn.

Ý kiến - Thảo luận

11:38 Monday,14.4.2014 Đăng bởi:  Tuan Trinh
Cảm ơn Phạm Huy Thông về bài viết với những thông tin hữu ích.
 

...xem tiếp
11:38 Monday,14.4.2014 Đăng bởi:  Tuan Trinh
Cảm ơn Phạm Huy Thông về bài viết với những thông tin hữu ích.
 
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Đối thoại: Có nên độ lượng với Nhái?

Minh Thành, Huy Thông, Lý Chuồn Chuồn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả