Bàn luận

Ai phải cảm ơn Như Huy và Việt Đặng? 18. 08. 11 - 10:28 am

Lê Hà

1.
Đọc cmt của các bạn Nỗi Buồn Đương Đại và Thuy Vy Art trong bài Thư Việt Đặng gởi Nguyễn Như Huy, rồi thêm bức thư của Việt Đặng gửi độc giả Soi, tôi thấy thật sự thương cho nghệ sĩ Việt Nam. Chúng ta từ lâu sống trong một xã hội coi dính tới pháp luật – dù là để bảo vệ chính mình – là một việc “xấu mặt”; tất cả những việc tranh chấp thường là thu xếp với nhau, hoặc có một người trung gian đến rủ rỉ với từng bên thôi đi “chín bỏ làm mười”. Nay lại là nghệ sĩ mà đưa ra tranh cãi có bằng chứng, con số thì dù có đúng cũng cảm thấy muốn độn thổ và có lỗi với bách tính.

Mà thiên hạ thì xưa nay bao giờ cũng thế: thích nhìn nghệ sĩ như một dạng thiên thần hoặc ác quỷ, chứ không phải người. Nghệ sĩ có thể có nhiều tính xấu: chơi gái như điên, đánh bạc như điên, uống rượu như điên, chơi xong uống xong quên trả tiền…, tất cả đều được thể tất và “có thể hiểu được”. Nhưng nghệ sĩ mà rạch ròi về giấy tờ, tiền bạc, thu chi thì khó được chấp nhận, thậm chí còn bị chê cười, hay bị gán một từ rất “nhục” là “con buôn”.

Nói chung, người thường (tức dân không làm nghệ thuật) thích nghệ sĩ sống phần bản năng hộ mình, làm những việc mà vì mình tỉnh táo nên mình không dám làm. Nghệ sĩ cũng tưởng thế là hay, cố sống cho bản năng, nhiều khi lên báo lại còn khoe bô bô “tôi sống bản năng lắm”, cứ như một giấy chứng nhận nghệ sĩ tính, trong khi bản năng là cái thứ mà văn minh nhân loại đã phải đổ mồ hôi hột suốt ngàn vạn năm để khống chế được nó mà không phải giết chết nó.

Trái lại, người thường cho phép mình được rạch ròi, minh mẫn trước vật chất, giấy tờ; nhiều khi coi đó là phẩm chất để an ủi là mình cao hơn “bọn nghệ sĩ”một bậc.

Cái cách phân chia, phân công này rất nên xóa bỏ. Nghệ sĩ cũng là người, với vợ con cụ thể, ăn uống ngày ba bữa hệt người thường, tốc độ thải cũng thế. Khi có việc phải tự bảo vệ, đầu óc cũng cần được “cho phép” minh mẫn như người thường. Chúng ta chớ nên đứng ngoài lắc đầu ngao ngán, kiểu “Buồn quá, các anh/chị cứ ngớ ngẩn như bò có phải đáng yêu và nghệ sĩ hơn không?

Tranh của Steinberg

2.
Vụ Việt Đặng và Như Huy vừa qua, rất may là Việt Đặng có các bằng chứng, tuy không “đúng chuẩn” của bằng chứng trước tòa, nhưng cũng đủ để câu chuyện sớm có kết luận.

Nếu không có những email cho thấy Như Huy từng coi anh là đồng chí tiền khởi nghĩa, khởi nghĩa, hậu khởi nghĩa thì người ta dễ tin Việt Đặng chỉ đủ tư cách cho Như Huy “thuê mướn” về làm như Như Huy nói.

Nếu không có email cho thấy Như Huy bàn bạc số tiền cụ thể cùng chia xẻ với Việt Đặng theo tỉ lệ 6/4 thì dễ tin là Như Huy giàu có mới là ông chủ bỏ hết tiền ra làm, Việt Đặng chỉ là người làm công.

Nếu không có tờ quyết định do chính Việt Đặng (TGĐ) bổ nhiệm Như Huy làm giám đốc Ga 0 thì chỉ đọc thư Như Huy, người ta đã tin rằng Việt Đặng chẳng dính gì tới Ga 0, lại là một thành phần mà Như Huy có thể “sàng lọc, thải loại”. Không ai có thể tin rằng chính Việt Đặng, về mặt pháp lý, lại là người có thể ra quyết định sa thải Như Huy khỏi chức giám đốc Ga 0!

Tóm lại, nếu không có các bằng chứng thì căn cứ vào tiếng tăm của Như Huy với Việt Đặng, vào lời văn sắc đanh của Như Huy với lời văn lâm ly của Việt Đặng (thư đầu), sẽ nhiều người phán là Như Huy thắng chắc. Hoặc không phán thắng thua thì cũng phán là cả hai đều “ê” quá, và hai nghệ sĩ sau đó sẽ tốn bao nhiêu là thì giờ để đi giải thích với người ngoài, với hai phiên bản khác hẳn nhau mà nghe bên nào cũng có lý.

Thế nhưng giờ đây, cảm giác Việt Đặng cũng thấy là mình xấu mặt.

Tôi muốn nói với anh rằng, anh Việt Đặng ơi, anh đã làm một việc đúng khi đưa các bằng chứng ra. Tôi không biết trước đó anh đối xử với Như Huy thế nào, cũng có thể là rất tệ khiến Huy cũng phải xuống tay, nhưng chỉ nói về mặt “tự bảo vệ”, anh đã làm đúng các bước nên làm và phải làm, dù anh là người làm nghệ thuật.

Việc đưa ra bằng chứng của anh có những cái lợi sau:
– Không làm mất thì giờ của người đọc vì không biết phải tin ai
– Không làm mất thì giờ của anh vì phải đi giải thích miệng với nhiều người
– Cho mọi người một thí dụ tốt về “nói có sách mách có chứng” – một việc rất thiếu trong giới nghệ sĩ
– Cho mọi người làm quen dần với lối làm việc rành mạch, khoa học
– Cung cấp một câu chuyện “hay” vì rất kịch tính và có kết luận khá rõ ràng

Nếu anh có các bằng chứng mà ngại ngần không đưa ra, để đến nỗi mang tiếng oan thì tôi sẽ rất thất vọng vì anh: đến anh mà anh còn không tự bảo vệ anh được thì mong gì anh bảo vệ được nghệ thuật nước nhà!

Mặc kệ ai cười thì cười, trách thì trách – những bức thư anh đưa ra không phải thư giả mạo, không phải thư tâm sự chuyện riêng. Chúng được dùng đúng mục đích. Các nghệ sĩ cũng nên học tập sau chuyện này: đã có công nghệ rồi, chỉ cần ngăn nắp một chút thôi là sau này đỡ phiền hà rất nhiều – những phiền hà nảy sinh do cứ tưởng nhau là nghệ sĩ, là thiên thần cả!

 

3.
Ai xem phim Robin Hood sẽ biết đến King John – ông vua có biệt danh là Bad King John vì ăn chơi nhiều, lại tàn ác, chuyên quyền, o ép các lãnh chúa quá khiến cuối cùng họ nổi dậy. Già néo đứt dây, cuối cùng chính King John, vào năm 1215, đã phải ký hiến chương Magna Carta, theo đó chính nhà vua cũng phải tuân theo luật pháp, mọi quyết định đều phải thông qua nghị viện. Hiến chương này được coi là viên gạch đầu tiên và quan trọng nhất của lịch sử dân chủ, là tiền đề cho bao nhiêu là hiến chương hiến pháp dân chủ về sau (theo Wikipedia ;-)).

Nhưng đó là sản phẩm của ai? Của Bad King John. Và Winston Churchill cũng từng nói đại khái như sau: “Tính cho rốt ráo thì sẽ thấy nước Anh và khối nói tiếng Anh mắc nợ sự đồi bại của John nhiều hơn là mắc nợ những vất vả của các nhà cầm quyền đức hạnh”.

Áp dụng vào trường hợp của Việt Đặng và Như Huy: các nghệ sĩ thực ra phải cảm ơn hai bạn này nhiều. Nhờ vào vụ tố cáo lẫn nhau của cả hai vị mà các nghệ sĩ học được bài học cẩn thận trong giao tiếp nghệ thuật, tiếp đó là bài học sơ đẳng về tranh cãi trước một vụ việc: để bảo vệ danh dự mình, hãy có bằng chứng, dù đôi khi bằng chứng ấy phải đụng chạm đến danh dự của người khác. Nhưng đó là việc phải làm, còn hơn lù mù rồi ai cũng mất danh dự, chỉ để được bọn “người thường” cười cợt và công nhận “nghệ sĩ sống thật bản năng”, mà theo đánh giá của “con buôn” thì kết quả cũng chỉ là lỗ nặng!

*

Bài liên quan:

– Ngủ trong sợ hãi
– Thư Ngỏ của không gian nghệ thuật độc lập Ga Số Không

– Sai một li đi về Zero

– Thư Việt Đặng gởi Nguyễn Như Huy

– Thư Việt Đặng gửi độc giả của Soi

– Ai phải cảm ơn Như Huy và Việt Đặng?

Ý kiến - Thảo luận

1:22 Friday,31.5.2013 Đăng bởi:  Lãng…

Sorry Soi cho mình một câu nhé: Thương cho con dân nước Việt bao nhiêu thì đáng thương hại cho văn nghệ sĩ của xứ Việt này gấp bội lần. Chả nhẽ vì nghèo mà cứ phải hèn mãi sao? Ôi cái bả Danh Lợi, không đóng cửa bảo nhau được nữa rồi à!?Tiếc cho một ý tưởng đẹp bỗng chố
...xem tiếp

1:22 Friday,31.5.2013 Đăng bởi:  Lãng…

Sorry Soi cho mình một câu nhé: Thương cho con dân nước Việt bao nhiêu thì đáng thương hại cho văn nghệ sĩ của xứ Việt này gấp bội lần. Chả nhẽ vì nghèo mà cứ phải hèn mãi sao? Ôi cái bả Danh Lợi, không đóng cửa bảo nhau được nữa rồi à!?Tiếc cho một ý tưởng đẹp bỗng chốc thành mây khói!

 
17:30 Tuesday,30.8.2011 Đăng bởi:  Lê Quốc Thành
Biết nghĩ lại, biết hối cãi, biết nói lời thẳng thắn thừa nhận sai lầm là những phẩm chất căn bản của con người, để xứng đáng làm người. Đến giờ Như Huy vẫn im lặng. Chẳng lẽ ngay cả những phẩm chất cơ bản này cũng không có sao? Buồn thật!
...xem tiếp
17:30 Tuesday,30.8.2011 Đăng bởi:  Lê Quốc Thành
Biết nghĩ lại, biết hối cãi, biết nói lời thẳng thắn thừa nhận sai lầm là những phẩm chất căn bản của con người, để xứng đáng làm người. Đến giờ Như Huy vẫn im lặng. Chẳng lẽ ngay cả những phẩm chất cơ bản này cũng không có sao? Buồn thật! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Giá trị của nghệ thuật

Nguyễn Đình Đăng

Về một cách nhìn nghệ thuật!

Một thành viên của Khoan Cắt Bê Tông

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả