Nghệ sĩ Việt Nam

“Đồng hành – ghế và gió”: Sự vắng mặt và có mặt của con người 22. 04. 14 - 6:55 am

Lý Đợi

Triển lãm Đồng hành – ghế và gió của Síu Phạm (12 bức acrylic trên bố, chủ đề ghế) và Jean-Luc Mello (13 bức mực trên giấy, chủ đề gió) đang diễn ra tại phòng tranh Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, TP.HCM), sẽ kéo dài đến hết ngày 29/4. Cuộc chơi này lý thú vì nếu Síu Phạm thiên về chơi ý niệm – cắt nghĩa sự thiếu vắng con người, thì Jean-Luc Mello lại thiên về chơi vật liệu – với sự hiện diện của con người.

Cũng xin nói ngay, Síu Phạm và Jean-Luc Mello chính là vợ chồng, họ cùng nhau làm vài phim tài liệu khi còn ở Thụy Sĩ. Từ năm 2009, khi hai người thường xuyên ở Việt Nam, họ đã cho ra mắt hai phim truyện là Đó… hay đây? và Homostratus, cả hai đều được đánh giá cao bởi các giải thưởng uy tín về phim thể nghiệm nghệ thuật trên thế giới.

Síu Phạm và Jean-Luc Mello. Ảnh: TL

Ám ảnh ghế

Khi xem các tác phẩm chủ đề ghế của Síu Phạm, chúng ta không khỏi liên tưởng đến vở kịch phi lý Những chiếc ghế (1952) của Eugène Ionesco (1909-1994). Đó là câu chuyện về hai ông bà già Sémirami tuổi xấp xỉ 100, sống cách biệt ngoài đảo xa, nên phải tưởng tượng ra nhiều vị khách vô hình, mỗi lẫn như thế thì một chiếc ghế lại xuất hiện, cho đến khi chật ních sân khấu.

Mỗi bức tranh của Síu Phạm cũng là một trạng thái vắng mặt và tưởng tượng như thế. Qua các tư thế của ghế mà ta có thể hình dung ra thân phận buồn và hoàn cảnh cô độc của các nhân vật vắng mặt. Đôi khi chỉ một chiếc ghế mà ta thấy cả cuộc tranh giành của đám đông, đôi khi ngược lại, nhưng tất cả đều vô nhân diện, vô tính cách.

Nếu so về ý niệm thì tranh của Síu Phạm hiện tại diễn tả rõ ràng các tình huống hiện sinh, kín đáo mà mạnh mẽ hơn các loạt tranh trước đây. Còn nếu so về biểu hình và biểu hiệu, loạt tranh ghế này có vẻ ngụy trang bằng sự nhẹ nhàng, thơ mộng.

Síu Phạm, “Tĩnh vật 2”, acrylic trên bố, 60 x 60 cm


“Tái sinh” giấy vàng mã

Xem tranh Jean-Luc Mello lần này có thể liên tưởng về truyền thống tranh cuộn, tranh giấy của Đông Á, trong đó có Việt Nam. Thế nhưng nó không hoàn toàn tuân thủ kỹ thuật có sẵn, mà là quá trình mày mò đặc biệt về vật liệu.

Jean-Luc Mello dùng giấy xuyến chỉ làm nền, sau đó dùng giấy vàng mã, giấy khâm liệm để bồi nhiều lớp, nhằm tạo độ dày và các hiệu ứng màu sắc. Ông cũng dùng sơn, acrylic, véc-ni và các loại keo, cồn để tạo thêm hiệu ứng. Tiếp theo là in lại các hình chụp nhân diện cũng bằng giấy, và dùng mực, màu vẽ thêm các chi tiết. “Tôi dùng các vật liệu phục vụ cho cõi âm để tái sinh vài hình tượng cho cõi dương”, Jean-Luc Mello nói vui.

Các tác phẩm của Jean-Luc Mello là cuộc đối diện trực tiếp với những mặt người cụ thể, nhưng gần như vô danh, để qua đó đặt các câu hỏi về sự hiện hữu. Có khi nó giống như các mặt nạ, các lồng đèn, các con sâu rỗng ruột… đang phất phơ trước gió, bay vô định.

Nếu các chiếc ghế của Síu Phạm đại diện cho cái gì đó tĩnh tại, dù trong cõi lòng nhân vật giông tố, thì các mặt người của Jean-Luc Mello đại diện cho dịch chuyển, bay nhảy, nhưng cõi lòng lại bình yên. Đúng là các khối mâu thuẫn đang được kết hợp nhịp nhàng và ăn xăm với nhau.

“Jean-Luc Mello”, Chân dung 1, mực/in trên giấy,120 x 60 cm

Jean-Luc Mello sinh năm 1943 tại Thụy Sĩ, gốc Ý, sống và làm việc tại Việt Nam hơn 4 năm nay, với một xưởng vẽ nhỏ ở Hội An. Ông theo quan niệm “arte di poverti” của Ý, nghĩa là chỉ dùng những vật liệu sơ sài, đời thường để làm nghệ thuật. Ông còn là nhà xã hội học, là giáo sư dạy về ngành in ấn nghệ thuật và môn graphiste (đồ họa) tại Trường Mỹ thuật Ecal nổi tiếng ở Lausanne, Thụy Sĩ. Từ lúc 18 tuổi, Jean-Luc Mello luôn theo đuổi việc vẽ, dù ở đâu, làm gì. Ông từng triển lãm tranh tại Hội An tháng 12/2012 và tháng 10/2013.

 

 

 

 

Ý kiến - Thảo luận

20:16 Wednesday,23.4.2014 Đăng bởi:  diep diep
Chúc mừng chị Síu và anh nhà. 
Ước gì Hà Nội bớt muộn phiền để ta nhẹ cánh liệng qua Sài Gòn ngắm tranh và thở dài với nhau một lát. Chị nhỉ?

...xem tiếp
20:16 Wednesday,23.4.2014 Đăng bởi:  diep diep
Chúc mừng chị Síu và anh nhà. 
Ước gì Hà Nội bớt muộn phiền để ta nhẹ cánh liệng qua Sài Gòn ngắm tranh và thở dài với nhau một lát. Chị nhỉ?
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả