Thiết kế

Nhật Bản: khi cắm hoa trở thành một thứ đạo 24. 05. 14 - 6:21 am

Anh Nguyễn

Ikebana (hoa sống) hay còn được biết đến như “hoa đạo” là phong cách cắm hoa độc đáo chỉ có riêng ở Nhật Bản. Ikebana khởi nguồn từ nghi lễ hiến tế hoa cho những linh hồn đã chết của Phật giáo (một trong hai tôn giáo lớn ở Nhật Bản.) Ngôi trường dạy Ikebana đầu tiên – Ikenobo được sáng lập bởi nhà sư Ikenobo Senno và đặt ở ngôi đền Rokkadu.

Khác với phong cách cắm hoa phương Tây, Ikebana có một sự kiềm chế ngặt nghèo: các tác phẩm Ikebana đều được dựa theo một hình tam giác, biểu trưng cho thiên, địa, nhân, hoặc mặt trăng, trái đất, mặt trời. Nghệ nhân Ikebana không chỉ tận dụng hoa mà cả cành, lá, gai cũng là một phần quan trọng của Ikebana. Nghệ thuật Ikebana thể hiện sự tôn trọng đối với thiên nhiên qua việc sử dụng những đường nét tự nhiên của cây cỏ, hạn chế tối đa việc thêm thắt quá đà. Hoa lá trong Ikebana ít mà tinh.

Một tác phẩm cắm hoa lys của Martha Stewart

 

Một tác phẩm cắm hoa lys theo phong cách Ikebana

Đa phần những người cắm hoa, từ nghệ nhân chuyên nghiệp đến những bà nội trợ bình thường, đều hướng tới một điểm chung: cái đẹp, sự vừa mắt. Nhưng Ikebana không như vậy. Mục đích của người cắm hoa Ikebana cũng như người thưởng thức là để thanh sạch đầu óc, hướng về thiên nhiên, và cảm nhận được vẻ đẹp trong mọi dạng nghệ thuật. Nói cách khác, hoa chỉ là một phương tiện giúp con người đạt đến một cảnh giới tinh thần cao hơn.

Sự yên lặng rất quan trọng trong toàn bộ quá trình sáng tạo cũng như thưởng thức Ikebana – một dạng thiền. Ikebana có nhiều trường phái khác nhau, mỗi trường phái lại có những quy tắc riêng. Ví dụ, rikka bao gồm bảy yếu tố tượng trưng cho thiên nhiên: sông, suối, núi, hồ, thung lũng, v.v,…, dành cho những dịp tôn nghiêm, trọng đại, trong khi nageire lại tập trung vào vẻ đẹp tự nhiên của hoa với ít giới hạn hơn.

Sơ đồ dạy Ikebana, soạn thảo bởi Ikenobo Senno

 

Tác phẩm Ikebana theo phong cách rikka

Do vậy, thật dễ hiểu khi Ikebana tự thân nó chứa đầy ý nghĩa và biểu tượng. Sự hé nụ, nở rộ hay tàn lụi của từng bông hoa được dùng để chỉ sự luân chuyển của thời gian, các loại thảo mộc biểu trưng cho bốn mùa, và từng loại hoa đều có ý nghĩa riêng biệt. Nên biết rằng, ngôn ngữ của các loại hoa Nhật (hanakotoba) vô cùng tinh tế. Những bông hoa in trên kimono thiếu nữ có thể cho người ta biết nàng có muốn chọn chồng hay không, hoặc hoa trên hình xăm của các thành viên yakuza nói lên vị trí tương ứng trong bang hội. Hãy thử cùng tìm hiểu ý nghĩa một số loại hoa trong văn hóa Nhật, với hình minh họa lấy từ bộ “Ba sáu loại hoa chọn lọc” của danh họa Hiroshige đệ nhị, con trai nuôi của đại danh họa Hiroshige. Trong tiếng Nhật, từ “hoa” khi được viết với kí tự kanji khác, có nghĩa là “nhà thơ,” do đó bộ tranh cũng thường được gọi là “Ba mươi sáu thi sĩ.” Gần như toàn bộ chuỗi tranh có thể được xem ở viện bảo tàng Museum of Fine Arts ở Boston, Hoa Kỳ.

1. Hoa cẩm tú cầu (ajisai)

Ajisai trong tiếng Nhật có nghĩa nôm na là “sự hội tụ các màu xanh.” Hoa cẩm tú cầu có thể có đủ các sắc thái từ trắng muốt, xanh lơ, hồng phấn, đến tím đậm, dựa trên các yếu tố hóa học trong đất trồng. Do sự thay đổi dễ dàng về màu sắc mà hoa cẩm tú cầu là biểu tượng của sự thay lòng đổi dạ, sớm nắng chiều mưa. Tầng lớp samurai  vốn coi trọng lòng trung thành, vì vậy không sủng ái loại hoa này cho lắm.

“Cẩm tú cầu trong vườn Asakusa” của Hiroshige II

 

Cẩm tú cầu theo phong cách Ikebana


2. Hoa cúc đại đóa (kiku)

Hoa cúc vàng là biểu tượng của hoàng tộc Nhật Bản từ thế kỷ 14. Các con dấu của hoàng tộc thường có hình hoa cúc, và ở thời Meiji sử dụng hình hoa cúc làm con dấu chưa được phép là một tội trọng. Hình hoa cúc xuất hiện nhiều ở các đền thờ ở Nhật (hoàng đế Nhật được thờ phụng như một vị thần). Ngày nay, hoa cúc xuất hiện trên nhiều văn bản của chính phủ và … hộ chiếu của công dân Nhật.

“Hoa cúc ở Somei, Tokyo”, của Hiroshige II

 

Hoa cúc cắm kèm các trái dâu nhỏ theo phong cách Ikebana


3. Hoa mẫu đơn (bato)

Là một món quà từ Võ Tắc Thiên triều Đường, mẫu đơn đã phát triển thành trên 150 giống khác nhau ở Nhật Bản. Đền Hase tại Nara là một khu vườn mẫu đơn nổi tiếng thu hút hàng vạn du khách tham quan mỗi năm. Tại Nhật Bản, mẫu đơn là biểu tượng của sự giàu có và can đảm. Karajishi là việc đặt chung hoa mẫu đơn và sư tử – sự cân bằng giữa vẻ đẹp và sức mạnh, âm và dương, trong tranh vẽ hoặc hình xăm. Do ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc, mẫu đơn được đặc biệt ưu ái trong nghệ thuật Nhật Bản.
 

“Mẫu đơn ở vườn Kitazawa, Tokyo” của Hiroshige II

 

Mẫu đơn cắm theo phong cách Ikebana


4. Hoa diên vĩ (hanashobu)

Người Nhật cho rằng hoa diên vĩ có khả năng bảo vệ con người khỏi các thế lực ma quỷ, đồng thời thanh tẩy cơ thể và tâm hồn. Ngày mùng năm tháng năm âm lịch ở Nhật là ngày ma quỷ dạo trên trần thế (giống ngày rằm tháng bảy ở Việt Nam hay Halloween ở phương Tây), do đó các bé trai thường được tắm rửa bằng nước lá diên vỹ vào ngày này. Hình hoa diên vỹ cũng thường được các binh sĩ mặc ra trận do diên vỹ còn là biểu tượng của chiến thắng.
 

“Diên vỹ trên bờ sông Kinoshita,” của Hiroshige II

 

Diên vỹ cắm theo phong cách Ikebana


5. Hoa anh đào (sakura)

Hoa anh đào nở rộ như đám mây hồng thật lãng mạn, nhưng những cánh hoa rơi gợi cho người Nhật nghĩ về sự hữu hạn của đời sống con người, một dạng “memento mori” rất Nhật. Những chiến binh Nhật coi trọng hoa anh đào vì nó giống như cuộc đời lý tưởng mà họ hướng đến: rực rỡ đấy rồi ra đi rất nhanh. Tinh thần cảm tử của những phi công chiến đấu kamikaze chính là điển hình cho phong cách “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt” này. Chả trách hoa anh đào lại là quốc hoa của Nhật Bản.

“Hoa anh đào ở Koganei”, của Hiroshige II (chú ý núi Phú Sĩ ở xa xa)

 

Hoa anh đào theo phong cách Ikebana


6. Hoa trà (tsubaki)

Hoa trà bị coi là xui xẻo cho các samura (vì cả bông hoa rụng cùng một lúc, thay vì từng cánh), nhưng đối với giới không-phải-samurai, hoa trà biểu tượng cho tình yêu. Hoa trà vàng tượng trưng cho sự thất bại trong tình trường, trà trắng là giai đoạn chờ đợi e ấp, còn trà đỏ là tình yêu say đắm.

“Hoa trà ở Horinouchi” của Hiroshige.

 

Hoa trà cắm cùng hướng dương khô theo phong cách Ikebana


7. Hoa sen (hachisu)

Không ngạc nhiên khi hoa sen có gắn bó mật thiết với Phật Giáo ở Nhật bản, song từng màu hoa lại có ý nghĩa riêng biệt. Sen trắng là sự thanh sạch và giác ngộ, sen đỏ là lòng từ bi, sự nhiệt thành, sen xanh là trí tuệ, sen tím là Bát Chánh Đạo, còn sen hồng dành cho các đấng thần linh có vị trí cao cả nhất. Sự rũ bỏ bùn đất của hoa sen là biểu tượng cho quá trình thoát khỏi bể khổ để lên niết bàn của con người, còn chu kỳ nở của sen giống như kiếp luân hồi.
 

“Sen trong hồ Shinobazu,” của Hiroshige II

 

Gương sen và lá sen cắm theo phong cách Ikebana


8. Hoa đỗ quyên (tsutsuji)

Ở Nhật không chỉ có lễ hội hoa anh đào mà còn có lễ hội hoa đỗ quyên nữa. Mỗi năm có trên ba vạn bụi hoa đỗ quyên được trưng bày ở công viên Kizenzan thuộc Motoyama. Trong văn hóa Nhật, hoa đỗ quyên là biểu tượng của sự kiên nhẫn và khiêm nhường, đồng thời sự chuyển giao từ thiếu nữ sang phụ nữ. Hoa đỗ quyên được trồng đầu tiên bởi các nhà sư và chỉ xuất hiện ở Hà Lan vào năm 1680, từ đó lan ra khắp thế giới.

“Hoa đỗ quyên ở Okubo,” của Hiroshige II

 

Hoa đỗ quyên cắm theo phong cách Ikebana

Trên đây là giới thiệu sơ lược về nghệ thuật Ikebana và một số loại hoa được yêu thích trong đời sống văn hóa Nhật Bản. Dẫu chịu ảnh hưởng không nhỏ của người láng giềng Trung Quốc, dân tộc Nhật vẫn duy trì một tinh thần quật cường trong việc giữ gìn các di sản văn hóa của mình, và không ngừng bền bỉ phát triển những gì đã có. Sức sống của Ikebana – một khía cạnh nhỏ trong văn hóa Nhật, là minh chứng rõ rệt cho điều đó. Ngoài Nhật Bản, không có một đất nước nào nâng chuyện cắm hoa thành một thứ đạo cao hơn cả nghệ thuật; ngoài ra giá trị của Ikebana vẫn không hề bị lỗi thời mà ngày càng được đón nhận và thực hành cả ở Nhật Bản và trên thế giới.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nếu... thì tư cách gì để bình phẩm?

Ngô Lực - Thành viên KCBT

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả