Thị trường

Lời khuyên cho nhà sưu tập mua tác phẩm trực tiếp từ nghệ sỹ 18. 06. 14 - 7:03 am

Alan Bamberger - Thúy Anh dịch

.

Những điều nên làm:

– Giữ đầu óc mở. Không mua vội vàng theo kiểu đã có ý định sẵn, vì như thế sẽ bỏ qua những cơ hội nhìn ngắm các kiểu tác phẩm khác.

– Dù mua trực tuyến hay trực tiếp, hãy đọc qua lời tự bạch của tác giả, lời giải thích tác phẩm, tiểu sử, khung giá và các thông tin khác. Nắm được thành tựu sự nghiệp và khuynh hướng sáng tác, ý đồ nghệ thuật của nghệ sỹ để giúp đưa ra quyết định mua hay không.

– Nếu thích một tác phẩm mà chưa hiểu lắm về nó, hãy hỏi tác giả. Tác giả sẽ rất vui khi được nói về tác phẩm của mình. Nhà sưu tập sẽ sở hữu tác phẩm một thời gian dài, vì thế hãy đảm bảo mình biết rõ mình sắp bỏ tiền ra cho cái gì.

– Xem xét kỹ tác phẩm, không chỉ mặt trước mà mặt sau, hai bên, trên dưới, các góc… Hãy đảm bảo tác phẩm còn trong tình trạng tốt, đảm bảo rằng nghệ sỹ có quan tâm đến tác phẩm, và nó được tạo nên để tồn tại mãi mãi. Nếu thắc mắc về tình trạng hay vẻ ngoài của tác phẩm, hãy đặt câu hỏi. Nếu mọi câu hỏi được giải đáp thì tốt, không thì đừng mua.

– Chỉ ra những loại tác phẩm làm mình thích thú nhất. Đề cập tại sao bạn thích chúng để nghệ sỹ giới thiệu các tác phẩm tương tự có khi còn làm bạn thích thú hơn.

– Nếu thích một tác phẩm, hãy thể hiện sự nhiệt tình. Nhiều nhà sưu tập thể hiện kém nhiệt tình vì nghĩ thế sẽ mua được với giá thấp hơn. Sự thật là nghệ sỹ rất thích những ai yêu mến tác phẩm của họ. Có thể họ sẽ giảm giá dù không phải lúc nào cũng vậy.

– Hãy hỏi nếu thắc mắc về giá tác phẩm cụ thể hay mức giá nói chung của nghệ sỹ. Mua tác phẩm gốc thường tốn nhiều tiền, nên nhà sưu tập xứng đáng được biết nghệ sỹ quyết định giá bán như thế nào. Ví dụ để làm nên tác phẩm, tác giả phải tốn rất nhiều thời gian công sức, một vấn đề mà không phải nhìn vào tác phẩm là có thể biết ngay được, nghệ sỹ phải chỉ ra mới biết. Nếu họa sỹ không chỉ ra được mà chỉ ra giá đại như thế thì nhà sưu tập nên nghĩ lại.
 

.

– Nếu thích một tác phẩm đủ nhiều và có thể mua nổi nó thì mua dứt khoát. Nghệ sỹ đánh giá cao sự tôn trọng này và về sau nghệ sỹ thường đền đáp lại không ngờ, ví dụ đặc biệt mời đến xưởng chơi hoặc mời xem tác phẩm mới trước tiên. Theo thời gian nghệ sỹ trở thành bạn với những người yêu thích tác phẩm của họ. Do đó việc mua một tác phẩm có thể là mở đầu cho một tình bạn thân thiết sau này.

– Nếu muốn mua tác phẩm với giá rẻ hơn giá nghệ sỹ yêu cầu, hãy đưa ra một lý do tốt. Nếu nhắm không có lý do thì đừng hỏi giá. Hãy nói với nghệ sỹ là giá hơi vượt ngân sách một tí mà mình lại rất thích và muốn có được tác phẩm. Có lẽ họa sỹ sẽ giảm giá một tí, hoặc tùy vào mức ngân sách bạn nói, nghệ sỹ có thể vạch ra kế hoạch thanh toán hoặc cho xem tác phẩm khác vừa túi tiền hơn.

– Hãy thực tế và thành thật với bản thân về việc trả được bao nhiêu và bám mức ngân sách đó. Bạn sẽ không muốn rơi vào tình huống mà ngân sách dự kiến của bạn quá thấp so với giá tác phẩm. Điều đó chỉ làm xúc phạm nghệ sỹ chứ không thể giúp giảm giá. Nếu ngân sách ít 10-20% giá nghệ sỹ đưa ra thì hãy xem xét cách khác hợp túi tiền hơn.

– Nghệ sỹ thích giữ liên lạc, đặc biệt với người hâm mộ nghệ thuật của họ. Nếu thật sự yêu thích nghệ thuật của nghệ sỹ, nhà sưu tập nên thể hiện cho nghệ sỹ biết điều đó và đưa thông tin liên lạc.
 

.

Những điều nên tránh:

– Không nói về các tác phẩm khác bạn đang sở hữu, không nói về các tác giả đó, hay các giao dịch thành công bạn từng có trước đây.

– Không bao giờ nói không hay về nghệ sỹ này trước mặt nghệ sỹ khác, cũng không nói về tác phẩm nào đó bạn định mua đặc biệt nếu nghĩ đây là cách để được giảm giá. Vì bạn sẽ không được. Mua tác phẩm nghệ thuật không phải là việc dùng “chiêu”, mà là việc bạn yêu tác phẩm và định sẽ giữ nó một thời gian dài.

– Đừng cố trả giá để coi mức giá thấp nhất có thể là bao nhiêu. Điều đó rất xấu xa. Muốn mua rẻ thì sẽ chỉ được xem các tác phẩm không đẹp.

– Không bao giờ gièm pha tác phẩm để được giảm giá, và không bao giờ nói với nghệ sỹ là nghệ sỹ định giá quá cao (dù là thật vậy đi nữa). Chỉ im lặng rời đi thôi.

– Không bất lịch sự, xúc phạm hay nói không hay với nghệ sỹ. Đừng hành động như thể mua tác phẩm là làm ơn cho họ. Bởi việc mua tác phẩm mang lại lợi ích đôi bên và không chừng sẽ mang lại nhiều phần thưởng sau này.

*

(Hí họa trong bài Soi lấy từ The New Yorker)

Ý kiến - Thảo luận

21:25 Saturday,21.6.2014 Đăng bởi:  Linh cao
Chị Thuý Anh tìm thêm bài dịch về "tại sao sưu tập lại thích mua tác phẩm ở gallery và hội chợ", hoặc " tại sao lại phải mua đấu giá đắt đến như vậy?"...
nhé? Em rất chờ xem đấy

...xem tiếp
21:25 Saturday,21.6.2014 Đăng bởi:  Linh cao
Chị Thuý Anh tìm thêm bài dịch về "tại sao sưu tập lại thích mua tác phẩm ở gallery và hội chợ", hoặc " tại sao lại phải mua đấu giá đắt đến như vậy?"...
nhé? Em rất chờ xem đấy
 
14:16 Friday,20.6.2014 Đăng bởi:  Trương Uyên Ly
Tôi thích những bài như thế này, rất bổ ích! Mong có thêm những bài như thế này. Cảm ơn người dịch Thúy Anh

...xem tiếp
14:16 Friday,20.6.2014 Đăng bởi:  Trương Uyên Ly
Tôi thích những bài như thế này, rất bổ ích! Mong có thêm những bài như thế này. Cảm ơn người dịch Thúy Anh
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tâm vận động theo bút

Phan Cẩm Thượng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả