Nghệ sĩ Việt Nam

Hai chiều ám ảnh 29. 07. 14 - 6:44 am

Nguyễn Quân

 

Trần Đức Sỹ, “Bóng và hình”, sắt

ÁM ẢNH
Triển lãm của Hà Trí Hiếu và Trần Đức Sỹ
Khai mạc: 17h, ngày thứ Bảy, mùng 5. 7. 2014
Địa điểm: Heritage Space, Dolphin Plaza, 28 Trần Bình, Mỹ Đình, Hà Nội
Thời gian: 5. 7 – 31. 7. 2014.

*

Người ta ngồi và nhìn, hai việc nặng nhọc của con người “hậu hiện đại”? Tập tính chiếm chỗ, đánh dấu lãnh thổ vẫn dai dẳng từ thuở sơ khai. Tuy nhiên ngồi ngày nay không dễ. Cái ghế không còn là thư giãn hay quyền uy hiển nhiên ngay cả khi lộng lẫy sắt thép oai vệ như Vua và Nữ hoàng. Cái bóng đổ nối dài ngai vàng lênh khênh. Sự đồng hành bất khả thi của những cái ghế cùng một băng đảng. Sự khập khễnh, rỗng thủng và tàn lụi dù dát vàng vẫn hiện ra mồn một.

Chưa bao giờ thói quen – tập quán và chức năng thị giác thay đổi kinh khiếp như bây giờ, nhìn cắt lớp, từ vệ tinh hay qua hiển vi, từ nhiều góc độ và tốc độ chuyển dịch không tưởng không có thực. Đã hết thời của một cái nhìn – một sự thực. Ta luôn nhìn nhiều cái nhìn chồng lấp, đan kết, đối kháng, để hoang mang liệu ta có thể thực sự thấy được (một cái gì đó) hay không? Nhìn vào gương mặt trống rỗng của người khác để thấy chính mặt mình. Người khác và tôi đổ chung một cái bóng dấp dính không hoàn hảo. Sự lặp lại, đơn điệu của cái hỗn tạp, hoang mang này là thường trực trong đời sống. Ám ảnh điêu khắc của Trần Đức Sỹ là một thú vị lớn về xúc cảm và thị giác.

 

“Bóng và hình” góc chụp nghiêng

 

“Bóng và hình” chi tiết

 

Trần Đức Sỹ, “Lũa 3”, gỗ

 

Trần Đức Sỹ, “Đồng hành”, gỗ và sắt

*

Hà Trí Hiếu đã xác lập trách nhiệm thẩm mỹ của mình từ những năm 1990. Ám ảnh dọc thời gian, từ tâm thức về thân phận của con người và miền quê thân gần nhất đang tàn lụi trong hy vọng (?) Trên con đường độc đạo nhất quán từ Quê Việt xanh vàng, ấm áp, thơ ngây, qua Hát Đêm, Hát Ngày thâm u, dai dẳng như tiếng như tiếng hờn sau lũy tre dần chuyển thành tiếng kêu tiếng gào, qua loạt tranh Cổng đầy ám ảnh khát dục… Thân phận những con người bé mọn hiện lên như một dấu hỏi của thời đại thanh bình mà “điên đảo” này (!) Bóng dáng ám ảnh bao trùm mọi nhân vật, mô-típ trong tranh: con chó đá, con chim, em bé, cô gái, bà già và chính họa sĩ nữa – những nốt nhạc để họa sĩ viết bài trường ca buồn của mình – là con bò. Nó hiện lên từ đáy giếng đen đặc quánh của tiềm thức, kỷ niệm, to lớn, uy nghi, lóng lánh để trở thành một nơi chốn, một không gian cho các diễn cảm và tự sự. Là miền quê của tâm hồn – ám ảnh tâm thức này có vẻ trực cảm cụ thể ngay đây nhưng thực ra rất tiềm thức ma ám. Dứt ra khỏi bóng tối oan khổ từng an ủi, ru bọc mình không chỉ là đau đớn mà còn là gian truân. Phải chăng tiếc thương, nỗi đau và sự nhọc nhằn này cũng thường trực trong mỗi con người hiện đại.

Hà Trí Hiếu, “Mặt trời đỏ”, 140 x 90 cm

 

Hà Trí Hiếu, “Gái quê với bò đội nón”, 90 x 120 cm

 

Hà Trí Hiếu, “Dreamer”, 90 x 120 cm

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tản mạn chuyện tượng đài
và đài kỷ niệm

Bài & ảnh: Họa sĩ Đỗ Đức

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả