Bàn luận

Xin đừng vô tâm lấy ngoại ép nội 01. 11. 15 - 7:30 am

Pha Lê

Dạo này chẳng có mấy cơ hội đọc báo giấy, thế nên lúc mục kỉnh cảnh chồng báo cao ngất đang nằm chễm chệ chờ ve chai ở nhà hai cụ, tôi vớ lấy vài tờ. Đọc tới Sài Gòn Tiếp Thị số 42 (85), thấy cái tít “Thực phẩm ngoại ép sân” ngay trang bìa. A đề tài đáng quan tâm, bèn lật ra nghiền ngẫm. Nghiền xong chỉ muốn đem báo đi nhóm củi, ai đời cả hai trang to đùng với hai bài dài mà một bài toàn viết chợ Nga nằm ở mô, chợ Hàn có bán tương, chợ Nhật nằm trên đường Lê Thánh Tôn. Bài thứ hai “tố cáo” rằng siêu thị ngoại ngày ngày mọc lên như nấm, quảng bá thực phẩm nhập, trong Aeon Mall có bán nhiều sushi, rồi kết luận rằng có tiền đi mua sắm cũng hay!

Biếm họa của Chris Madden. Chồng nói “Anh tưởng hôm nay nhà mình ăn món nước ngoài – chứ không phải món Anh truyền thống”. Vợ trả lời “Đúng mà anh. Khoai Tây từ Canada, đậu từ Kenya, cừu nhập từ New Zeland”.

Không có một dòng nào để suy nghĩ về thực phẩm Việt, nông dân Việt đang phải đối phó với vụ “ép sân”. Chẳng thấy nói thực phẩm nội có cái lợi gì, có gì hay để toàn thể đồng bào không hùa đi sính ngoại. Càng không thấy đưa ra nghiên cứu hay lập luận nào khách quan về mặt lợi hay mặt hại của thực phẩm nhập.

Về môi trường

Bảo không bao giờ nên mua thực phẩm nhập là không đúng, ai chẳng có lúc thèm thịt cừu hay phải mua kem bơ làm bánh. Nhưng lúc nào cũng mua thực phẩm ngoại hoặc mua nhiều hơn nội là điều không tốt chút nào với môi trường. Để chở – chưa kể đóng gói, đóng hộp – thực phẩm từ nước này sang nước kia sẽ tốn rất nhiều xăng dầu, năng lượng hóa thạch. Mà xăng dầu không phải tài nguyên trái đất có hoài cho chúng ta bới. Mua thực phẩm địa phương có quá trình “đi lại” vận chuyển ngắn tiết kiệm cho môi trường hơn. Thực phẩm nhập chỉ nên là các thứ lâu lâu ta cần, chứ không thứ ngày nào cũng mua.

Biếm họa của trang Seppo: “Cà chua trên máy bay”

 

Bảng “Dặm thực phẩm”, cho thấy vận chuyển thức ăn bằng máy bay, tàu xe… tốn nhiên liệu tới cỡ nào.

Hiện nay, cảm giác chung của nhiều người đối với nạn thay đổi khí hậu hay ô nhiễm môi trường là bất lực, vì ít ai biết bản thân ta phải làm gì to tát để cứu hành tinh xanh. Thôi, việc to chưa làm được ta làm việc nhỏ cái đã. Hạn chế mua những thứ tốn xăng dầu và ủng hộ thực phẩm nội địa để nông dân nước mình có cơ sở mà chiến đấu với bọn ép sân. Quyết tâm đồng loạt thực hiện, biết đâu đấy các nhà đầu tư sẽ suy nghĩ lại, bớt nhập các thứ linh tinh râu ria, tiết kiệm được mớ năng lượng cho ngôi nhà chung của nhân loại.

Biếm họa của Zuvela: trái đang đang trong tình trạng cấp cứu đến nơi. Người lớn làm việc lớn, người nhỏ làm việc nhỏ để cùng giúp trái đất còn mãi xanh cho con cháu.

Dù có thể độp lại kiểu suy nghĩ này bằng câu “Giời, sau này công nghệ phát triển, dùng năng lượng mặt trời hết cả, lo gì đến xăng.” Nhưng đấy là một tương lai chưa biết phải lần mò bao lâu mới đạt được. Có thể chúng ta tìm được cách sử dụng ông mặt trời óng ánh thật hiệu quả trước khi lượng xăng dầu trên trái đất hy sinh, nhưng nếu nguồn tài nguyên này ngủm trước khi công nghệ bắt kịp thì sao đây? Phải chăng cách tốt nhất vẫn là tránh hao phí, để lỡ nếu các nhà khoa học cần thời gian thì loài người vẫn chưa đến mức hết xăng sinh hoạt?

Biếm họa “Cuộc sống khi không có năng lượng hóa thạch” (không rõ tác giả). Chồng bảo “Đừng lo em yêu, mình có thể sống mà không cần dầu… để anh dắt cún đi dạo”

Mà ở đời, phá hỏng lúc nào cũng dễ hơn gầy dựng lại. Nếu nhập ồ ạt, rồi dân tình sính ngoại đi mua ồ ạt, thực phẩm nội ế, nông dân Việt không cạnh tranh được là chỉ còn nước bỏ nghề. Đùng một cái, xăng dầu cạn, hoặc ít tới mức nước nghèo như ta không đủ tiền mua, thế là lượng thực phẩm nhập sụt mạnh. Ta quay sang tìm nông dân Việt nhưng chẳng thấy mống nào nữa. Lúc đó chả lẽ cả bọn con rồng cháu tiên xứ nhiệt đới đầy rừng vàng biển bạc chỉ còn nước há mồm chờ chết đói?

Về dinh dưỡng

Dinh dưỡng là chuyện dài dòng, đủ để viết mấy chục bài rồi đóng thành sách. Thực phẩm nội địa lắm lúc cũng rơi vào trường hợp chẳng biết đường nào mà lần (nhưng nhiều khi Tây cũng vậy thôi). Để tiện so sánh, cứ lấy thực phẩm nội sạch sẽ, tiêu chuẩn cỡ VietGap chi đó – cũng là những loại tôi hay khuyên mọi người dùng, và giả dụ rằng thực phẩm ngoại nhập về cũng thuộc loại bảo đảm sạch sẽ giống vậy.

Thực phẩm tươi:

Đối với những ai kinh doanh thực phẩm sạch, gọi là sạch sẽ an toàn thôi chứ chưa tính đến mức hữu cơ, việc bón phân hay phun thuốc thế nào cho đúng vẫn chỉ là một phần của vấn đề. Thời điểm thu hoạch đối với họ cũng quan trọng nữa, mỗi loại rau củ hoặc trái cây đều có thời điểm thu hoạch khác nhau. Thu hoạch đúng, thực phẩm sẽ ngon lẫn hội tụ nhiều vitamin hơn. Sau đó nên đưa chúng ra thị trường trong thời gian ngắn nhất, do thực phẩm trữ càng lâu, để càng lâu sau khi thu hái thì chất dinh dưỡng càng thất thoát (*).

Đi thu hoạch rau cũng là hình thức tốt để có thực phẩm tươi mới. Một số nông trại cho gia đình vào hái rau bứng củ, rồi cân ký bán. Cả nhà đem thực phẩm tươi về, nông dân đỡ khâu trung gian, chi phí vận chuyển. Người tiêu dùng cũng lợi do thực phẩm hái đúng lúc, đem nấu ăn ngay luôn giàu dinh dưỡng hơn (dù ngoại lệ cũng có).

 

Việt Nam giờ cũng có các vườn rau kiểu này, gia đình thành phố có thể tới thu hoạch. Hình lấy từ bài về vườn rau ở quận 2 trên báo Tuổi Trẻ. Hình thức nông trại này rất tốt khi phát triển tại địa phương.

Gì chứ về khoản này là thực phẩm nội – ít nhất là rau củ quả trái cây – chiếm lợi thế. Đồ ngoại tốn thời gian ra cảng ra sân bay, rồi thời gian chuyển sang Việt Nam, sau đó nằm chờ nhập kho tới lui hầm bà lằng. Ngày dài khiến rau quả mất chất chỉ là một chuyện, vì đường xá gập ghềnh dễ khiến thực phẩm dập hư nên nông dân nước ngoài phải thu hoạch thực phẩm xuất khẩu trước thời điểm thích hợp là một chuyện khác nữa. Đa số trái cây non còn cứng dễ vận chuyển hơn trái chín, nên họ thu hoạch sớm cho dễ bề xuất khẩu rồi để chúng chín trên đường đi, hoặc không thì lúc hạ cánh đối tác nhập sẽ đem ngâm thực phẩm vào dung dịch và thúc chúng chín.

Xoài nằm đầy thùng chờ vận chuyển. Nếu là thực phẩm nhập, xoài phải đi từ nông trại nước bạn đến cửa khẩu hoặc kho, từ đó len tàu hoặc máy bay chở sang cảng/cửa khẩu mình, từ đó đến kho chờ tiếp hoặc tới chỗ bán.

Chả biết Việt Nam nhập táo kiểu gì, chứ một vài nước như Anh Quốc sẽ kêu nước trồng táo cho mình bơm khí gas vào thùng táo để ép cho táo không chín sớm, tiện bỏ kho, vận chuyển. Khi táo này nằm trên kệ tại siêu thị của Anh, “tuổi” tính từ lúc thu hoạch của nó có thể lên tới 6 tháng. Nông dân nước khác có thể trồng táo khoa học, thân thiện môi trường, nhưng đến lúc chuyển đi để xuất nhập rồi là không biết đâu mà lần.

Thực phẩm trong siêu thị Anh: táo nhập có tuổi vận chuyển lẫn nằm kho đến 6 tháng, cừu New Zeland 2 tháng, tôm nhập có khi lên tới 1 năm.

Nói chung là è cổ lùng tìm thực phẩm nội sạch sẽ thu hoạch đúng, do người có tâm quản lý khâu phân phát từ các địa phương gần kề vẫn dễ và khả thi hơn kiếm một anh ngoại nhập với đầy đủ phẩm chất tốt này. Anh ngoại đi đường xa nên đành hy sinh vài thứ trong lúc vận chuyển là lẽ đương nhiên, mà muốn tìm ảnh để hỏi han cho ra lẽ cũng khó.

Thực phẩm đông lạnh:

Thực phẩm đông lạnh nhập khẩu cũng phổ biến do tính dễ vận chuyển. Nếu nói thành thật thì đông lạnh là hình thức trữ thực phẩm tốt, ít hao tổn dinh dưỡng và vitamin.

Một trong những món đông lạnh phổ biến là đậu pois, đậu này đặc biệt giữ được nhiều vitamin khi đông lạnh.

Những nơi tôi hay lui tới cũng có sản phẩm đông lạnh – chủ yếu là hải sản với thịt. Nếu món tươi về thì họ sẽ báo, mua đúng ngày là mua đồ chưa đông. Nhưng sau đó họ phải cấp đông những món còn dư. Thực phẩm do tay mình nuôi trồng đánh bắt sạch sẽ ai chả quý, khổ nỗi nếu chỉ trữ tủ lạnh là chúng sẽ hư và mất dinh dưỡng, thôi đem đông lạnh đi mới để lâu được.

Điều này không có nghĩa đồ đông lạnh không gây hao tổn gì cả. Một số vitamin như absobic acid (một dạng vitamin C) hay thiamin (vitamin B1) sẽ là thứ đầu tiên bị hụt trong món đông lạnh (*). Các kiểu vitamin B với C vốn tan trong nước mà nên õng ẹo lắm, động vào tí là chúng lỉnh ngay. Điều ít người biết nữa: khi nấu ăn, thực phẩm tươi sẽ ít thất thoát vitamin B và C hơn thực phẩm đông lạnh. Ví dụ bông cải xanh tươi luộc có thể mất 5% vitamin C, còn bông cải xanh đông lạnh đem luộc có thể mất tới 35% (**).

Do vitamin B, C là thứ dể hao hụt nhất khi đông rau củ, các nhà khoa học khuyên rằng thịt nên rã đông rồi nấu, còn rau nên nấu thẳng trong tình trạng đông luôn chứ đừng rã đông rồi mới nấu. Nói chung ta cứ thể đổ rau đông vào nồi nước sôi là ổn.

Nếu mua thực phẩm đông lạnh, nội ngoại gì cũng sẽ như nhau cả. Tuy nhiên tôi vẫn sẽ chọn thực phẩm nội địa.

Lý do thứ nhất, như đã nói trên, thực phẩm nội đỡ cái khoản vận chuyển tốn xăng dầu.

Lý do thứ hai, vitamin B với C chủ yếu nhiều trong các loại rau, nên rau đông lạnh dễ mất chất hơn thịt đông lạnh. May quá người Việt mình vẫn giữ thói quen thích ăn rau tươi, các cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch tại Việt Nam chủ yếu đông thịt thôi chứ chưa ai phải đông rau cả, chúng đắt hàng mà, bán rất nhanh. Nên ta chẳng việc gì phải mua rau đông lạnh ngoại nhập hết.

Lý do thứ ba, bạn bè tôi ở nước ngoài hỏi tại sao đã bỏ tiền mua loại gà “chúng nó” dán mác là gà thả (free range) mà sao thấy vẫn chán như gà công nghiệp. Đó là vì tiêu chuẩn “thả” trong kiểm tra chất lượng của bọn nó cũng mù mờ lắm. Nhốt 30 ngày rồi thả 2 ngày cũng gọi là thả cho được. Bò ăn bắp mấy tháng xong cho ăn cỏ vài ngày cũng gọi là… có ăn cỏ(***). Cơ sở chăn nuôi của nó cũng “tuốt bển”, thịt nhập sang Việt Nam rồi, người tiêu dùng gần như chẳng có cách nào để mà kiểm tra.

Nhìn đề là “bò ăn cỏ” với hình thế này, nhưng chỉ “ăn cỏ” không thôi cũng chả đảm bảo đâu. Ăn cỏ 2 ngày cũng là ăn cỏ, mấy ngày còn lại ăn gì chỉ có trời biết. Tây cũng lật lọng lắm.

 

Một số trại bò nghiêm túc phải đối phó với bọn lưu manh bằng cách làm giấy tờ chứng minh rằng mình cho bò ăn cỏ “trăm phần trăm”

 

Nên mua bò ngoại cũng phải tìm bò nào dán dãn “100% ăn cỏ” như vầy.

Trong khi đó, dù mất công thật nhưng ta vẫn có thể chạy xuống Củ Chi, tới Gò Công, hoặc lên Đà Lạt để xem người cung cấp cho mình chăm sóc gà ngóe heo bò kiểu gì. Vẫn có thể tìm chủ hoặc người quản lý của cơ sở để hỏi về sản phẩm của họ, và tôi nhận thấy rằng người tâm huyết thường rất tự hào về những gì họ làm theo kiểu không giấu diếm. Nếu thấy bạn hỏi nhiều, họ thường hay rủ bạn đi thăm trang trại cho tiện giải thích (Nico Yasai còn… tổ chức tour). “Giới” kinh doanh thực phẩm sạch cũng biết nhau, nên người này không chừng còn chỉ bạn biết về người kia. Một cô còn nói rằng: nếu trang trại nào bảo họ nuôi trồng thực phẩm sạch và nhờ cô bán hộ, cô sẽ trả lời là phải đi xuống trại thăm, sau đó sẽ quay lại thăm thường xuyên thì cô mới chịu, sau đó cô phải trông coi phần vận chuyển hàng hóa. Người vui vẻ đồng ý sẽ không vấn đề gì, còn ai ấp úng kiểu “Trại rộng lắm, xuống chi mất công” là dễ có vấn đề. Quả phải chịu khó thật nhưng ít ra mình làm được việc này trên đất mình, chứ trang trại mà ở bên Úc thì thôi rồi, đành đặt số phận ăn uống của gia đình mình vào tay… người nhập hàng.

Thời buổi này khó tránh khỏi cạnh tranh, thực phẩm ngoại nội phải đôi co với nhau cũng dễ hiểu. Trong tình hình đó, thực phẩm nội nên nhận ra cũng như phát huy thế mạnh của mình, người tiêu dùng nên tìm hiểu về các thế mạnh đó để còn biết đường đưa ra quyết định cái gì nên mua cái gì không. Nhởn nhơ trước sự khó khăn của thực phẩm nội địa là vô trách nhiệm trước một đất nước còn đang nghèo, nếu ngày nọ ta không còn khả năng nhập thực phẩm nữa mà ngoái nhìn lại không thấng bóng dáng của người nông dân Việt nào, lúc ấy nhận ra rằng có tiền cũng không mua nổi thực phẩm là điều quá muộn.
…..

Tham khảo:

(*) Rickman. Joy. C, Barrett. M. Diane và Bruhn. M. Christine “Nutritional comparison of fresh, frozen and canned fruits and vegetables”. University of California (2007)

(**) Nursal B, Yucecan S. “Vitamin C losses in some frozen vegetables due to various cooking methods”. Nahrung. 2000.
Barrett. M. Diane. “Maximizing the Nutritional Value of Fruits & Vegetables” University of California.

(***) Pollan, Michael “In Defense of Food” Penguin Press, 2008

 

Ý kiến - Thảo luận

23:34 Monday,2.11.2015 Đăng bởi:  a tủm

@Ngọc Thạch: Ý bạn Lan (và sách) là nhét đồ sống mà :D
Tất nhiên tôi biết là có thể giấu đồ vào chỗ ấy :) (chứ không mấy bạn đồng giới nam biết nhét vào đâu :p) Nhưng một cái lỗ ấy thì nhét được mấy hạt, gieo đến bao giờ :))) Ý tôi là thế, nhưng sực nhớ ra đoàn sứ nhà mình chắc cũng cả trăm người lận, nhét ngần đấy cái lỗ thì cũng dc kha khá
...xem tiếp

23:34 Monday,2.11.2015 Đăng bởi:  a tủm

@Ngọc Thạch: Ý bạn Lan (và sách) là nhét đồ sống mà :D
Tất nhiên tôi biết là có thể giấu đồ vào chỗ ấy :) (chứ không mấy bạn đồng giới nam biết nhét vào đâu :p) Nhưng một cái lỗ ấy thì nhét được mấy hạt, gieo đến bao giờ :))) Ý tôi là thế, nhưng sực nhớ ra đoàn sứ nhà mình chắc cũng cả trăm người lận, nhét ngần đấy cái lỗ thì cũng dc kha khá :))) Với lại anh Trung Quốc bắt nạt mình thật, đểu thật, nhưng chắc cũng không đến nỗi ti tiện đến thế :) Chắc các cụ phịa ra cho...vui :D
Mà bác Riêng Chung lại ngờ là dân ta gọi là ngô và ăn cho thỏa lòng căm hận thì tôi cũng không hiểu thế nào, ngộ nhỉ :)
Bác Candid, truyện Papilon ngày nhỏ tôi cũng mê, zờ quên gần hết :(

 
16:38 Monday,2.11.2015 Đăng bởi:  rieng&chung
Theo em đọc thì là hạt bắp theo ông cô-lông-bô về châu Âu, sau đó theo chân người Hồi giáo sang TQ theo con đường tơ lụa, vào khoảng đời Minh, rồi mới sang VN theo con đường ngoại giao kiêm "gián điệp kinh tế".

Hạt bắp lúc đầu trồng ở phía bắc TQ, nhà Minh đóng đô Bắc Kinh, thuộc phương bắc, vùng đất xưa gọi là nước Yên, nước Triệu, vì thế ngoài tên Ngọc M
...xem tiếp
16:38 Monday,2.11.2015 Đăng bởi:  rieng&chung
Theo em đọc thì là hạt bắp theo ông cô-lông-bô về châu Âu, sau đó theo chân người Hồi giáo sang TQ theo con đường tơ lụa, vào khoảng đời Minh, rồi mới sang VN theo con đường ngoại giao kiêm "gián điệp kinh tế".

Hạt bắp lúc đầu trồng ở phía bắc TQ, nhà Minh đóng đô Bắc Kinh, thuộc phương bắc, vùng đất xưa gọi là nước Yên, nước Triệu, vì thế ngoài tên Ngọc Mễ (gạo ngọc), còn được gọi là "Yên mĩ nhân".
Tuy nhiên khi sang VN thì bị đồng bào ta đặt tên là Ngô. Ngô là từ chỉ TQ, với nghĩa không coi trọng, thậm chí là kẻ thù. Không biết có phải dân ta lúc đó "ăn Ngô" cho thỏa cái lòng căm hận hay không. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả